Người ta thường thấy phản cảm với những người không khiêm nhường, những kẻ khoe khoang quá mức, nhưng đôi khi chính bản thân họ cũng muốn được một lần khoe khoang… ai mà không muốn mình đặc biệt, được công nhận… Người xưa có câu “tốt khoe xấu che”! Đó là lý do mà group “Flex đến hơi thở cuối cùng” trên mạng xã hội Facebook ra mắt chưa bao lâu mà đã có hơn 1.5 triệu thành viên (đa số là các bạn trẻ tài giỏi).

Dạo phố đêm, tôi đã chảy nước mắt vì hình ảnh… quen thuộc này, một em bé vô tư viết-vẽ giữa phố đông Sài Gòn, bên cạnh (có lẽ là mẹ em?) đang bán vé số, hoặc một món hàng nào đó – Nguồn: Du Uyên chụp      

Trong tiếng Anh, “flex” có nghĩa là sự biến chuyển linh hoạt, bẻ cong. Lấy cảm hứng từ thành ngữ có trong tiếng Anh “flex your muscle” (tạm dịch là “phô diễn cơ bắp của bạn”), “flex” cũng được coi như một từ lóng, kiểu như “khoe mẽ”, phô trương những thứ tốt đẹp nhất của mình cho thiên hạ “lác mắt chơi”. Nghĩa tiêu cực thì là khoe khoang quá lố, đôi khi có thể khiến người khác thấy phiền.

Theo… Google, những năm 90 tại Mỹ, “flex” bắt đầu được các ca sĩ nhạc rap thuộc cộng đồng người da màu sử dụng, nhiều người tin Ice Cube là kẻ tiên phong trong phong trào này qua bài “It Was a Good Day”. Vào khoảng những năm 2010 tới nay, từ flex bắt đầu nổi lên lại, các rapper Mỹ khác cũng nối gót dùng “flex” trong các ca khúc của mình như: Cardi B, Drake, Travis Scott, A$AP Rocky… Theo thời gian, “flex” được giới trẻ toàn cầu hưởng ứng thông qua nhiều dạng với góc nhìn châm biếm, hài hước và xa xỉ hơn. Ví dụ “flex giá tiền của bộ đồ bạn đang mặc”, hay các YouTuber chuyên làm những video với nội dung dành hàng ngàn đô để mua hết tất cả đồ đạc trong một cửa hàng, lấy tiền ra để tuyển người thực hiện thử thách, trào lưu “Falling stars” (“Ngã sấp mặt” trên nhung lụa) là một dạng “flex” xuất hiện vào năm 2018, với kiểu tạo dáng nằm sấp bên siêu xe, du thuyền, máy bay cá nhân… xung quanh rơi rớt thẻ tín dụng không giới hạn, túi xách mắc tiền, những món đồ xa xỉ. Trào lưu này xuất phát từ hội con nhà giàu (rich kids) và giới tài phiệt ở Nga và hiện đã lan rộng ra khắp thế giới. Hay trào lưu “flex” vòng “eo con kiến”, rất được các mỹ nhân Châu Á ưa chuộng và lan toả khắp thế giới. Trào lưu “rich boy check” hay “rich girl check” (xác thực là bạn giàu), khoe tiền bản thân xong thì tiện thể khoe luôn bạn thân, họ hàng là những người của cải đầy nhà…

Xem thêm:   Những "chuyện thường ở huyện"

Ở Việt Nam, nơi không bao giờ chối từ bất kỳ trào lưu nào của thế giới, ngay cả việc “hóa trang Halloween kinh dị nhất” dầu Việt Nam đã có rằm tháng 7 với bao nhiêu truyện ma, vài năm gần đây, khi phong trào rap thịnh hành hơn ở Việt Nam, “flex” hay “flexing” cũng được dùng trong các bài rap Việt, các rapper da vàng cũng dán/gắn răng giả làm bằng vàng/hột xoàn, đeo trang sức khắp người… để “flex” độ “lấp lánh” cho bằng anh bằng em với các rapper Mỹ đế (dầu các chị, các cô ở Miền Tây nước mình từ xưa đã nổi tiếng đeo nhiều vàng, đỏ cả tay). Mấy trò “Ngã sấp mặt trên nhung lụa” hay “eo con kiến”, rich boy check” hay “rich girl check”, thử phở mắc tiền nhất Việt Nam, ăn buffet sang trọng nhất, ở hotel mắc nhất thế giới… cũng được hưởng ứng nồng nhiệt từ giới trẻ Việt. Các nhà kinh doanh nhạy bén ở Việt Nam cũng bắt kịp thế giới khi mở ra các dịch vụ cho thuê xe, quần áo đẹp, phim trường, biệt thự… để cho những chàng trai, cô gái không đủ điều kiện thì cũng có vài trống canh “flex” cho bằng chị bằng em.

Nhiều bạn trẻ Việt “flex” thành tích đáng nể ở các xứ tư bản – Nguồn: Group Facebook “Flex đến hơi thở cuối cùng”

Gần đây, trào lưu “flex” nổi tiếng trở lại ở Việt Nam, ban đầu cư dân mạng Việt dùng từ “flex” hòng châm biếm lối khoe mẽ tinh vi của một nhân vật nổi tiếng, sau đó, họ… ghiền, biến “flex” thành trào lưu vui nhộn. Group Facebook “Flex đến hơi thở cuối cùng” ra đời vì người tạo ra group này đã bắt được “trend” trên một cách nhanh chóng, bởi những “flexer” phẩm chất cao và thật đầu tiên hưởng ứng, mà group này cũng trở thành group hiếm hoi được nhiều người nổi tiếng, doanh nhân, người trẻ tài giỏi… chọn ghé qua để “flex” về bản thân.

Xem thêm:   Tòa án online...

Không chỉ những người nổi tiếng, người giỏi mới tham gia “flex” mà hầu như ai cũng có thể khoe và khoe bất chấp chủ đề, như: tài năng độc lạ, gặp người nổi tiếng, tài khoản bạc tỷ, thành tích học tập cao, học trường xịn, đi xe sang, body đẹp đẽ, khoe ba, khoe má, khoe gia đình có… truyền thống cách mạng. Cũng có nhiều người “flex” bản thân đã giúp ích được bao nhiêu người như một tài khoản Facebook: “Hôm nay tròn 22 ngày mình làm bếp ăn 0 đồng ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Một ngày 600 suất cháo, 22 ngày nghĩa là mình đã trao tay được 13,200 suất cháo rồi! Cái này “flex” để lan tỏa điều tích cực có được không mọi người”. Tôi định vào “flex” quê mình ở Sài Gòn thì Group này đã tạm “đóng cửa”, chưa rõ nguyên do. Hàng chục group tương tự đã được tạo trên mạng xã hội Facebook, nhưng không đáng tin bằng.

Dạo một vòng group này, người lạc quan sẽ thấy hạnh phúc vì Việt Nam là quê hương của nhiều người giỏi, nhiều thần đồng thực thụ, người bi quan sẽ thấy bản thân thua kém, thấy mình “dưới đáy xã hội” khi không có bằng đại học ở Mỹ, không có lương ngàn Mỹ Kim, không có cuộc đời khác… Riêng bản thân tôi, vào group này, chỉ thấy… buồn, vì thấy Việt Nam bị “chảy máu chất xám” trầm trọng, đa số người khoe tài năng, công việc tốt và tương lai đáng ngưỡng mộ toàn đang học tập và làm việc cho nước ngoài và ở nước ngoài không à. Cùng một con người đó, nhưng nếu được giáo dục và làm việc ở Việt Nam chưa chắc có tương lai đẹp đẽ, đáng “flex” như vậy.

Cũng có người “flex” về phụ huynh – Nguồn: Group Facebook “Flex đến hơi thở cuối cùng”

Ví dụ như cô bé Jenny Huỳnh (sanh năm 2005, tên thật là Huỳnh Việt Hoàng Vy) được biết tới là một YouTuber trẻ chia sẻ về những hoạt động diễn ra trong cuộc sống thường ngày và sự khác biệt khi sinh sống ở Mỹ và Việt Nam, tính đến tháng 4-2023, Jenny Huỳnh có khoảng 10 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội (YouTube, Facebook…)

Xem thêm:   Những cái chén bể

Cha mẹ cô bé là doanh nhân lớn ở VN, hồi nhỏ Jenny Huỳnh cũng ở Việt Nam, sau qua Mỹ du học, ở với anh trai. Vừa rồi cô đã được trúng tuyển vào Ðại học Stanford (Mỹ-ngôi trường xếp thứ 3 thế giới), sau khi bị từ chối bởi nhiều trường đại học khác nhau như: UChicago (Ðại học Chicago), NYU (Ðại học New York), USC (University of South California – Ðại học Nam California)… Trong số đó, khi nhận được thư từ chối từ trường USC (xếp thứ 80 danh sách các trường đại học tốt nhất), Jenny Huynh đã bật khóc trước camera bày tỏ sự thất vọng, phần vì cô đã dành rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ nộp cho trường này. Ở Việt Nam, Jenny Huynh khó có cơ hội đậu vào trường top 3 thế giới sau khi rớt trường top 80 thế giới như vậy, vì rất có thể, em sẽ bỏ cuộc trước một ngôi trường top 8000. Thậm chí, có thể vì lo làm YouTuber nổi tiếng, em sẽ bỏ học như nhiều YouTuber khác ở VN để chuyên tâm kiếm tiền và kinh doanh. Hoặc, Jenny Huỳnh cũng khó trở thành YouTuber nổi tiếng ở Việt Nam vì ở Việt Nam, Jenny Huỳnh khó lòng mời một cô hiệu trưởng của trường cấp 3 lên livestream của YouTube tán dóc, ăn đồ ăn Việt như ở Mỹ (như em đã làm).

Jenny Huỳnh mang cô hiệu trưởng trường cấp 3 lên livestream của YouTube tán dóc, ăn thử đồ ăn Việt – YouTube Jenny Huỳnh

Dĩ nhiên, đó chỉ là suy đoán, theo kinh nghiệm quan sát xã hội Việt Nam của tôi, biết đâu, Jenny Huỳnh vẫn là viên ngọc sáng dẫu ở bất cứ đâu. Nhưng không thể phủ nhận là nền giáo dục Mỹ đã thúc đẩy con người tiến bộ và vươn xa thế nào…

Trò “flex” rồi cũng sẽ thoái trào như rất nhiều trào lưu từ nước ngoài đã quyến rũ tới người Việt, nhưng có một thứ không dừng lại được, đó là sự thật.

DU