Không biết vô tình hay hữu ý, truyền thông chính thống lẫn phi chính thống tại Việt Nam luôn quan tâm các “sản phẩm” tới từ Trung Quốc rất “sâu sắc”, cho dầu đó là phim ảnh, hàng hóa, chiêu thức lừa đảo hay sản phẩm công nghệ, phong trào tiêu dụng… Không rõ là khi các “sản phẩm” nguồn gốc từ Trung Quốc sanh lợi thì dân Việt Nam được hưởng sái không, chứ hại thì nhiều người hưởng không chừa miếng cặn, vì đa số dân mình nghèo (khi thì nghèo tiền, lúc thì nghèo kiến thức, thậm chí là không có cả 2), nhược điểm của người nghèo là vừa nhẹ dạ vừa… tham!

Trang yêu thích hào quang của sự nổi tiếng, nhưng chắc không thích được mọi người biết bằng cách này? – Nguồn: Facebook
- Một ngàn câu hỏi “vì sao?”
Hãy không ngừng học hỏi từ sai lầm của người khác vì bạn không đủ thời gian phạm hết tất cả sai lầm. Thế giới thay đổi quá nhanh, nhanh tới mức bạn sẽ luôn… sai khi ngưng cập nhật thông tin, ghi nhớ. Phạm Thị Huyền Trang (26 tuổi, quê Hải Phòng) là một trong những người sẽ “giúp” bạn hoặc những người khác có “kinh nghiệm” sống trong vực thẳm của sai lầm.
Mới 26 tuổi, khi bạn bè đồng trang lứa vẫn ngồi uống trà sữa nói nhảm và mông lung về tương lai, Trang đã có những trang cá nhân rất xa hoa thông qua các bài viết khoe bản thân có hành trình xuất ngoại ra đi tìm đường cứu thân khó khăn như thế nào. Ở các trang mạng xã hội và ở trong mắt người quen biết tại quê nhà, Trang là một cô gái trẻ, xinh đẹp, thời thượng, biết nhiều ngoại ngữ, hoạt ngôn và hay up những dòng suy tư về tình yêu, cuộc sống. Trang hay đăng các giao dịch (có thật vì không quên “gắn thẻ”/tag tên người bán, người nhận quà vào bài viết) khoe mua đồ hiệu, mua xe sang, xây nhà cho bố mẹ và mua vàng tích lũy cho bản thân. Trang khen lẫn cảm ơn mình vì điều đó.

Cô gái 25 tuổi đến Công an trình báo bị lừa hơn 200 triệu VND rồi tự tử ở sông Đồng Nai. Những gia đình tan nát vì bị lừa… – Nguồn: youtube, Facebook
Mọi người dùng mạng xã hội lướt qua trang cá nhân của Trang khó mà không sanh lòng ưa thích và ngưỡng mộ hoặc ganh tỵ. Đâu có ngờ, chính bản thân mình có thể từng nghe qua giọng Trang hoặc cấp dưới của Trang qua đầu dây bên kia điện thoại từ các cuộc gọi giả danh công an, thuế, điện lực, nhà băng, công ty chứng khoán, ngành giáo dục… Có thể một trong hàng triệu người mê mẩn Trang từng bị lừa đảo và chiếm đoạt tiền trong tài khoản nhà băng sau một hay nhiều cuộc gọi giả danh trên. Hoặc có người thân tự tử, chết giấc vì kịch bản Trang vẽ ra.
Trang là một quản lý cấp cao lẫn phiên dịch cho “sếp lớn”, có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện các nhóm lừa đảo của một công ty lừa đảo (chủ là người Trung Quốc) tại khu vực Tam Thái Tử (Campuchia). Riêng nhóm Trang đã giúp ông chủ “nước lạ” lừa hơn 1,000 tỷ VND của hơn 13,000 đồng bào, đẩy hàng ngàn gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất, nên Trang mới có phần huê lợi kếch xù để mua sắm, khoe khoang lên mạng xã hội như một phú bà tự thân tuổi 26.

Bà Giang Hương vừa bị lừa mất tiền vừa mất việc vì bọn lừa đảo qua điện thoại – Nguồn: BBC Tiếng Việt
Nếu ai đó có dịp du lịch gần những khu tự trị bên kia biên giới Campuchia, chắc sẽ tò mò với cảnh lâu lâu lại có một khu vực bắn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời. Người từ địa ngục trần gian đó về giải thích rằng đó là báo hiệu vừa có những gia đình (có thể là người Việt, người Phi, người Tàu, người Miến…) mất đi rất nhiều số tiền lớn tích cóp cả đời của họ cho một công ty lừa đảo ở đây – họ bị lừa chính bởi đồng hương/đồng bào của họ. Nếu bị ép, bị đánh đập, bị chích điện bị buộc phải lừa lọc đồng bào mình để sống thì lại là chuyện khác, nhưng Trang và nhiều người khác lại chọn cuộc đời đó, công việc đó và viết về nó trên mạng xã hội với muôn vàn ngôn ngữ đầy tự hào tựa đang làm việc cho một tập đoàn lớn mạnh nhất thế giới.
Một ví dụ được nhiều người nhắc lại nhân lúc Trang bị bắt, xin trích từ báo tuoitre.vn đăng ngày 24-3-2024: “Dù chiêu thức lừa đảo không mới, đã được các cơ quan chức năng từng cảnh báo và báo chí đã đăng nhiều lần, nhưng tội phạm công nghệ đã lừa lấy được của chủ tịch Ủy ban huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai hơn 100 tỷ VND (cụ thể là 171 tỷ VND).” Không biết bà “cựu chủ tịch Ủy ban huyện” (đã bị cách chức vì “không trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập” có là nạn nhân của Trang – 26 tuổi hay là một “Trang” khác?

DeepSeek trả lời mập mờ về Thiên An Môn,Tập Cận Bình… – Nguồn: Hà Phan
Nhưng… nay đã 2025, sau gần chục năm các cuộc lừa đảo như trên hoành hành ngang dọc, vẫn còn nhiều người bị lừa bởi kịch bản tương tự kịch bản của Trang và các “Trang khác” biên soạn. Vẫn còn nhiều người ở Châu Á tự nguyện hoặc bị lừa bởi các quảng cáo việc làm nước ngoài với mức lương cao, các chuyến du lịch giá rẻ, bị bắt cóc khi đi du lịch ở Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Lào… Vì sao? Người ta không chịu học hỏi từ sai lầm của người khác? Hay cuộc đặt cược số phận cho những công ty (có thể là lừa đảo) hấp dẫn hơn tương lai mờ mịt hiện có ở quê nhà? Vì sao? Vì sao? Vì sao?
- AI có độc tài không?
Có câu hỏi hơi xưa: khi nhìn thấy 3 cô gái ăn kem mà một cô cắn kem, một cô liếm kem và cô còn lại mút kem thì bạn thấy khả năng cao cô nào có chồng? Câu trả lời đó là cô có đeo nhẫn cách mà các cô ăn kem chỉ làm cho câu hỏi thêm phấn khích chứ không giúp tìm ra câu trả lời. Câu hỏi nhạt nhẽo (và có phần hơi “lưu manh”) đó dứt khoát phải do con người nghĩ ra, thư viện thủ công và thư viện điện tử sẽ là nơi lưu trữ. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là công cụ truyền đạt khi có người muốn đặt câu hỏi hoặc tìm câu trả lời, khó mà ngược lại quá trình.

Công ty an ninh mạng Wiz (Mỹ) cho biết đã phát hiện một kho dữ liệu nhạy cảm của DeepSeek vô tình bị lộ trên mạng Internet. – Nguồn: X
Dầu bị chê tan nát, DeepSeek – một ứng dụng trí tuệ nhân tạo của một doanh nhân công nghệ Trung Quốc được réo gọi khắp truyền thông chính thống lẫn phi chính thống tại Việt Nam. Thay vì những lời khen ngợi lên mây từ các kênh chính thống, DeepSeek không được số đông người Việt khoái, thậm chí là nhiều ác cảm, có người phũ phàng tuyên bố thẳng:
“Trong điều khoản sử dụng của DeepSeek có ghi Bot này sẽ thu thập tất cả dữ liệu người dùng, từ text, audio, upload file, lịch sử chat, thậm chí cả thao tác gõ phím và địa chỉ IP. Tất cả những dữ liệu này sẽ được lưu trên máy chủ đặt tại Trung Quốc. Ai muốn thì xài. Tôi thì không xài.” – Facebook Khanh Hung Nguyen Huu
Có người thận trọng hơn khi đưa kèm những lý do khi từ chối DeepSeek: “Trái với hào hứng của nhiều vị và ca tụng từ không ít chuyên gia, Reuters cho hay tổ chức xếp hạng tin cậy NewsGuard công bố AI DeepSeek của Trung Quốc chỉ đạt 17% độ chính xác khi trả lời các câu hỏi liên quan đến tình hình thời sự tin tức!? Con số này thua xa mức trung bình của các chatbot phương Tây và xếp thứ 10/11 trong số những ứng dụng AI được kiểm tra. Cụ thể, DeepSeek lặp lại các thông tin sai sự thật trong 30% trường hợp và đưa ra câu trả lời mơ hồ hoặc không hữu ích ở 53% trường hợp. Điều này đồng nghĩa các thông tin thời sự được DeepSeek đưa ra có tỉ lệ sai lệch (fail rate) lên đến 83%. Đáp lại một số câu hỏi, DeepSeek đã tự ý lồng quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, dù các câu hỏi không liên quan đến Trung Quốc. Tôi đã thử hỏi về các vấn đề “nhạy cảm” như Thiên An Môn, DeepSeek lờ đi không trả lời! DeepSeek bị cả OpenAI và Tòa Bạch Cung tố sử dụng trái phép sở hữu trí tuệ của OpenAI để huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo cạnh tranh! Với cường quốc sao chép thì việc này không có gì lạ dù một số công nghệ của họ, kể cả DeepSeek chưa biết bom tấn hay bom xịt cũng đáng gờm đấy. Tốt xài, rẻ chơi, vọc đủ thứ để học cái hay nhưng đừng bốc lên mây quá! Giới quăng boom xứ mình không ăn thua gì với nước lạ đâu.” – Facebook Hà Phan

Tòa Bạch Cung, OpenAI tố DeepSeek đánh cắp sở hữu trí tuệ – chuyện không có gì bất ngờ – Nguồn: Facebook
Bản thân tôi sẽ không xài DeepSeek, lý do là nếu muốn thì tôi sẽ dùng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác – chúng được xây dựng và sửa chữa mỗi ngày từ nhiều năm nay, không bắt nguồn từ Trung Quốc. Đối với tôi, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo chỉ là các thư viện điện tử biết giao tiếp và chủ động mở ngăn kéo đưa ra thông tin tới tận mắt khi người dùng muốn. Quan trọng, cho dù thông tin đó được trích từ ứng dụng AI của công ty nào thì chưa chắc chính xác 100% vì nguồn đóng góp từ những cá nhân luôn có những chính kiến riêng, các “con” AI cũng có “chính kiến” riêng bởi hướng suy nghĩ người tạo ra nó. Bản thân mỗi người dùng là người quyết định tra soát và đánh giá thông tin chứ không thể phó mặc cho bất kỳ “con” AI nào. Và thử hỏi, thông tin bắt nguồn từ một “con” AI có quê từ xứ độc tài, tôi lấy gì để tin tưởng đây?
Dĩ nhiên, có thể là tôi sai và cổ lỗ sĩ. Nhưng trước mắt, tôi nghĩ tôi nên học từ sai lầm của những người đã khốn khổ đã tin vào các kịch bản của Trang mà không kiểm chứng nhiều nguồn.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn