Họ Quan của Quan Ke Huy là họ khá nổi tiếng ở Việt Nam và Hong Kong. Nhiều diễn viên của hãng phim TVB ở Hong Kong có họ Quan, ở VN thì có ông Quan Ngại con nhà Quan Liêu.

Hai tiệm sữa gốc 35 năm và 33 năm kế nhau – Hình: Du Uyên   

  1. Gốc

Nhiều ngày trôi qua, cư dân mạng Việt Nam vẫn còn bàn luận về gốc gác của một người vừa chạm đỉnh vinh quang ở thiên đường điện ảnh Mỹ – tài tử Quan Ke Huy. Lý do là ông vừa giành được giải Nam tài tử  phụ xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar. Nhiều câu chuyện hài, bài viết nghiêm chỉnh lẫn những tranh cãi nảy lửa vẫn còn được “tăng gia sản xuất”. Tôi thích câu chuyện dưới đây:

Ba ông già nói tiếng Việt gặp nhau ở Cali, hồi tưởng lại chuyện xưa…

Ông Nam Kỳ than: “Ðời tui trần ai dai khổ, đang yên đang lành, đùng một cái tự nhiên tụi nó nhẩy dô đòi… dzải phóng!»

Ông Bắc Kỳ trề môi: «Ối dào, tôi nhá, 54 chạy vào Nam, 75 lại chèo xuồng đi tỵ nạn, đời ông chỉ vượt biên có 1 lần mà cũng than với thở!»

Ông gốc Quảng Ðông cười khục khục nhìn hai ông Nam Kỳ và Bắc Kỳ, cười xong mới nói: «Hây dà, mấy lị mới chạy có chút xíu mà lã than ngắn thở dzài dzòi à. Dza đình của ngọ 3 thế hệ đều dzượt biên lây à. Nội chiến Chung Cuốc ba của ngọ phải bỏ xứ lái lò (đò) dzượt biên qua Quảng Ninh à, tới lúc 54 lại phải dzượt biên chạy dzô Chợ Lớn à, dzồi 75 lại cắm lầu bỏ chạy qua Cali à…»

Ngừng lấy hơi, ông Quảng Ðông nói tiếp: «Chưa hết à, hôm qua thằng A Chảy của ngọ loạt cái  dzải Oscar ló mà, cái mấy thằng cộng sản tụi nó lại dzành nhau thằng nhỏ là người gốc Dziệt hay là gốc Qua lữa (nữa) à!!! Như dzậy ló mà ngọ còn hỏng thèm than thở lữa đây à!» – Nguồn Facebook Cường Nguyễn

Cuối cùng thì, gốc của Quan Ke Huy ở đâu không quan trọng, quan trọng là gia đình Quan Ke Huy đi khỏi Tàu, sanh Quan Ke Huy ở Việt Nam là do trốn Cộng Sản Tàu. Rồi từ Việt Nam, gia đình lần nữa ra đi, mang cậu bé Quan Ke Huy 8 tuổi chạy đi vượt biển lần nữa, cũng vì trốn Cộng Sản. Họ đã thành công chạy trốn và có một cuộc sống thành công, tự do ở Mỹ, họ là một số ít người hoàn thành giấc mơ Mỹ thay cho hàng tỷ người trên thế giới đã ra đi theo con đường của họ mấy chục năm qua và sau này, nhưng chưa thành công. Nhiều người đã bỏ lại thân thể trên biển/trên những chiếc container đông lạnh/trên những trang trại nhốt người trái phép…

Không có gì đáng hãnh diện khi nhận “khúc ruột ngàn dặm” Quan Ke Huy về “phe mình” cả, nhất là Việt Nam (vì tôi không biết bên Tàu họ viết gì về Quan Ke Huy và Dương Tử Quành). Vì đọc hàng trăm bài báo trong nước tôn vinh tài tử này, tôi nhận ra không tờ báo chính thức trong nước nào dám không cắt bỏ bớt phần phát biểu của Quan Ke Huy vì có đoạn nhắc về “con tàu”, “trại tị nạn”: “Hành trình của tôi bắt đầu trên một con tàu, tôi đã trải qua một năm trong trại tị nạn, và theo một cách nào đó, tôi đã đứng đây, trên sân khấu lớn nhất của Hollywood…” Người đáng hãnh diện lúc này, có lẽ chính là người đó chọn con tàu đó, con đường đó cho Quan Ke Huy. Quốc tịch, tự do, thành công… của Quan Ke Huy đều có thể thay đổi, nếu ngày xưa người nhà ông chọn ở lại Việt Nam hoặc đi một con tàu khác.

Sài Gòn có (hai tiệm) phở Tàu Bay, ăn tô xe lửa cả ngày… chán cơm  – Hình: tuoitre.vn

Thay vào đó, gần đây Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy nã một người quốc tịch Việt Nam (FBI nhắc tên có dấu tiếng Việt đầy đủ) tên “Minh Quốc Nguyễn”, có bằng tiến sĩ kỹ thuật điện tử tại Ðài Loan, cáo buộc người này tham gia vụ rửa tiền Bitcoin trị giá 3 tỷ USD. Chưa thấy ai tự hào hay mổ xẻ về gốc gác của người này!

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

“Má tôi là vợ ba tôi

Ba tôi là chồng má tôi

Tụi tôi là con ổng bả

Có ổng bả mới có tụi tôi…”

– nhạc chế

Cái gốc con người… là cái gì? Mỗi người, mỗi thế hệ đều có kiến giải riêng. Có phải cái nguồn cái cội? Hay là cái ADN được lai tạo từ 99 đời? Cũng có thể là mọi thứ trộn lại, từ nguồn cội, tới ADN gia tộc, tới văn hóa, tánh cách, sắc da… từ đó tạo ra những bản thể khác biệt, nhận ra nhau bằng nhân dạng bên ngoài đầu tiên. Như người xưa nói “cái răng cái tóc là gốc con người”…

Ngoài bề ngoài, gốc con người còn thể hiện rõ qua nhiều “dấu hiệu” đặc biệt. Như các câu chuyện hài về phụ huynh Châu Á được các diễn viên hài độc thoại con lai kể trên các sân khấu lớn ở Mỹ, Tây. Ví dụ như phụ huynh Châu Á thường đặt kỳ vọng và yêu cầu cao cho con cái về thành tích học tập, sự nghiệp, nếu đứa trẻ không đạt điểm số cao nhất hay vị trí đứng đầu, cha mẹ sẽ lộ rõ sự thất vọng. Có meme gần đây được cư dân mạng trẻ chế cảnh Quan Ke Huy, Dương Tử Quỳnh về khoe mẹ là mình đoạt Oscar, mẹ gào lên: Sao không phải Ascar mà là Oscar hả con??? (Ý là chữ O đứng xa chữ A trong bảng chữ cái xa lắc.)

Hai quán cháo vịt có tiếng lại ở cạnh nhau – Hình: thanhnien.vn

  1. Rác (không phải gác)
Xem thêm:   Chó...

Còn Việt Nam, thứ để dễ dàng cảm thấy “đây là Việt Nam”, “đây là người Việt” nhất có rất nhiều, nhưng rất dễ trùng với bên Tàu, Thái… trừ một số thứ nhưng những cái “gốc” này, không phải gốc gác mà là gốc-rác. Như trong chuyện mần ăn: Ở một xóm, cứ có một tiệm buôn bán thứ gì coi bộ ngon ăn là cả xóm làm theo, bán đúng món đó. Xóm tôi, ban đầu có một tiệm “cơm chỉ” (khách chỉ món gì, múc món đó bán cho khách). Ai cũng lại cản bà chủ tiệm, nói khu này công nhân không có, còn dân làm việc văn phòng có tiền thì vào nhà hàng, tiệm cà phê ăn, ai lại mấy chỗ xập xệ này. Bà chủ kiên trì, khách ngày càng đông. Xung quanh, cũng ngày càng đông tiệm “cơm chỉ” với phong cách y chang quán mở đầu tiên. Ðôi khi quán mở sau nhưng án ngữ ngay đầu hẻm, khách tưởng cùng một tiệm, ghé vô ăn cho gần luôn… Hàng triệu con hẻm ở VN đều xảy ra tình trạng đó. Ngoài ra, việc này cũng xảy ra với các thương hiệu có tiếng.

Vươn tầm quốc tế thì có câu chuyện về Thương hiệu gạo ST25 Việt Nam – năm 2019, đoạt giải gạo ngon nhất thế giới – đã bị 6 doanh nghiệp ở Mỹ và Úc “nhanh tay” ghi danh bảo hộ thương hiệu trước, trong khi Việt Nam không giành giựt lại được thương hiệu, còn ra sức chèn ép đồ quý trong nhà. Hồi 2022, vì không tin kết quả của hội thi Gạo ngon Việt Nam lần 3 trong nước, kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua – cha đẻ của gạo ST24 và ST25 của Việt Nam – tự mình đem gạo ST24 và ST25 sang Thái Lan tham gia cuộc thi Gạo ngon thế giới năm 2022 với tư cách của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, mà không phải do Hiệp hội Lương thực Việt Nam mang đi dự thi và hai loại gạo này đã đoạt giải. Dư luận đã chê cười suốt một thời gian dài.

Gần đây, ở Hà Nội ồn ào chuyện tranh giành thương hiệu “Phở Thìn Lò Ðúc”, khi người sáng lập cao niên, không nhiều ý thức thương hiệu thua người trẻ ít tuổi nhưng biết luật pháp. Thế là một “truyền nhân” của người sáng lập “Phở Thìn Lò Ðúc” đã tranh thủ ghi danh thương hiệu này về tay mình trước, giành quyền mở chi nhánh “Phở Thìn Lò Ðúc” ở Sài Gòn. Người sáng lập “Phở Thìn Lò Ðúc” không chịu, vậy là kiện nhau…

Sài Gòn cũng không ít chuyện hơn, ngoài đại chiến quán cơm trong hẻm tôi, thì cứ đi vài bước là có cảnh chướng tai gai mắt về việc “quán gốc” và “quán không chi nhánh” cùng tên ở đối diện, hoặc kế bên nhau. Như hai tiệm phở Tàu Bay nổi tiếng ở Quận 10, một bên “quán gốc” của người anh – có từ hồi 1954, một bên là “quán không chi nhánh” của người em mở sau 1975. Hoặc hai tiệm bánh mì Bảy Hổ ở đường Huỳnh Khương Ninh – Quận Nhứt bây giờ, cũng có hai tiệm bánh mì Bảy Hổ. Bên phải là tiệm vừa mới mở hồi 2022 và quất luôn chữ “chính gốc không chi nhánh”, còn tiệm Bảy Hổ bên trái đã mở từ 1930. Gần đó còn có tiệm bánh mì Bảy Quang nữa, mở từ những năm 1960 (không biết có phải do thấy Bảy Hổ “ăn nên làm ra” rồi mở theo hay không? Tôi không dám ác ý suy đoán).

Bóng lưng của cụ Hoàng Nhỏ – Hình: tienphong.vn

Có người bạn tên Andrew Nguyen ở Mỹ, kể lại câu chuyện tương tự: “Lâu lắm rồi về Sài Gòn thăm gia đình trên đường về nhà thì đi ngang một quán ăn có tên là Cháo Vịt Thanh Ða. Có lần ghé ăn thì thấy cũng ngon. Mùi vị thơm tho chứ không hôi mùi vịt. Cho nên tiệm lúc nào cũng đông khách.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Vài năm sau về thì thấy hai tiệm Cháo Vịt Thanh Ða nhưng một tiệm có tên là “Cháo Vịt Thanh Ða gốc”. Vài năm sau nữa về thì thấy hai tiệm, một tiệm “Cháo Vịt Thanh Ða gốc Thu Nga” và một tiệm “Cháo Vịt Thanh Ða gốc Nhà Lá. Hahaha gốc với gác.”

Hôm rồi, tôi đi công việc ở Trần Ðình Xu – Quận Nhứt, thật bất ngờ khi nhìn thấy hai quán sữa kế bên nhau, căng bạt in chữ bự chà bá, nhìn dzô thấy rất mắc cười. Một bên “Sữa tươi Nhật Quang, quán gốc không chi nhánh”, một bên “Sữa tươi Hương Chanh, quán chánh gốc 35 năm, không chi nhánh. Hai quán khác nhau”. Ðiều mắc cười ở đây là hai bên bán sữa bò tươi, một món chỉ để được hai-ba bữa là tối đa và sữa là do công ty giao tới không phải vắt từ chuồng bò ở nhà (cũng không con bò nào sống tới 30 năm mà còn sữa), nên quán có nằm đó 70 năm hay 100 năm cũng vô dụng, vậy mà cũng cà nanh với nhau.

Những ví dụ tương tự nhiều vô số kể, nhiều đến nỗi trở thành dấu mộc của thương nghiệp Việt Nam, nếu không tìm cách chấm dứt cái nạn nhận gốc vơ này, không biết bao giờ Việt Nam mới có thể văn minh trong việc mần ăn đặng.

Trong khi đó, những cái tốt đẹp đã dần mất đi. Gốc kim cương hầu như không còn, chỉ còn gốc-rác. Như Cụ Hoàng Nhỏ, người hàng năm làm đám giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma đã qua đời trong thầm lặng ngày Mùng 9 Tết Quý Mão (ngày 30-1-2023), hưởng thọ 95 tuổi. Tận ngày tưởng niệm 35 năm từ ngày 64 liệt sĩ ngã xuống ở Gạc Ma, người ta mới hay tin. Vì trước khi nhắm mắt, cụ Hoàng Nhỏ đã nhắn gửi cho con cháu hậu thế dẫu cực khổ, khó khăn đến bao nhiêu thì đến ngày cơm của liệt sĩ Hoàng Văn Tuý (Con trai cụ Nhỏ) thì cũng làm mâm cơm cúng đầy đủ cho 64 liệt sĩ Gạc Ma và không được lơ là. Những người như cụ Hoàng Nhỏ còn, mới mong nước Việt còn.

DU