Xưa, người ta nói nền móng căn nhà, gốc rễ một cái cây mới là phần quan trọng nhứt của căn nhà và cái cây, nên mới có câu “lấy dân làm gốc” … Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, người ta nhắc nhiều về “nóc nhà” hơn.

Cảnh đốt sách sau tháng 5-1975 – Hình: Facebook    

Con có cha như nhà có nóc, con có mẹ như măng ấp bẹ» là một câu nói người xưa tôn vinh sự có mặt của cha, mẹ trước sự phát triển của con cái. Người cha như cái nóc nhà cứng rắn, mạnh mẽ để làm chỗ dựa, nơi che mưa chắn sóng gió, bảo vệ con mình. Người mẹ như lớp vỏ bẹ măng dịu dàng luôn che chở, bao bọc con cái hết sức.

Với truyền thống Á Ðông, vai trò của người đàn ông trong gia đình luôn được coi trọng, đánh giá cao, nên ngày xưa «nhà phải có nóc» như một cách khẳng định quyền lực của người cha, người chồng trong gia đình – đàn ông luôn là trụ cột, người nắm quyền lực tối thượng và là người quyết định mọi việc trong gia đình. Tuy nhiên, ý nghĩa của «nóc nhà», «nhà phải có nóc» này dần dần đã được thay đổi trong ngôn ngữ thường ngày.

Nhờ sự phát triển của xã hội, phái nữ ở xã hội Á Ðông ngày càng được tôn trọng hơn, các chàng trai cũng cưng chiều vợ, người yêu của mình hơn. Chính vì thế từ «nhà phải có nóc», «nóc nhà» được nhiều người trẻ dùng để chỉ người bạn gái hoặc người vợ trong gia đình. Với ý là bạn gái hoặc vợ là người có quyền lực cao nhất trong mối quan hệ, trong gia đình của hai người. Bởi vậy, đôi khi lướt mạng xã hội Việt Nam, nhiều người sẽ khó hiểu khi đọc các «tựa đề» bài viết kiểu như «Nóc nhà (vợ) bắt quả tang chồng và tiểu tam (nhân tình của chồng) tằng tịu ở đâu đó…». Hay ở các câu chuyện, để thêm phần hài hước, người ta hay thay vợ/người yêu thành «nóc nhà». Như:

Có anh kia cầu hôn, thuê một dàn loa lớn, treo băng-rôn, rải hoa đầy bờ kè gần nhà. Nhạc vang lên, bao người tụ tập lại, bạn gái ảnh đi tới thấy cảnh tượng này thì vô cùng kinh ngạc. Chàng cầm loa lên, quỳ một gối, đưa ra bó hoa hồng, lớn tiếng hô: “Anh yêu em. Em bằng lòng lấy anh nhé?” Bạn gái quá bất ngờ nên ngẩn người không đáp. Có người sốt ruột nói: «Chị mau đồng ý làm nóc nhà của ảnh đi. Ảnh cầu hôn ở chỗ này bao nhiêu lần rồi, lần này là chân thành nhất đó.”

Ði theo sự thay đổi của xã hội, ngôn ngữ cũng thay đổi rất nhiều. Ví dụ, nhiều người hỏi tôi ý nghĩ từ «đăng xuất», «tác động vật lý» là gì khi thấy các fanpage, các trang báo mạng trong nước toàn ghi là ở Bắc Giang có người «đăng xuất», ở Hà Nội có người bị «tác động vật lý»? «Ðăng xuất» ở đây là «chết», «tác động vật lý» được giới trẻ dùng thay cho việc «đánh, đập…». Vì từ «chết», «đánh”, “đập» bị các trang mạng coi là vi phạm nguyên tắc cộng đồng, cổ vũ bạo lực, nên người ta đã nghĩ từ mới để nói khác đi. Theo tôi thì việc này cũng chấp nhận được, không đáng lên án bằng việc đốt sách rồi tự ý sửa đổi chữ lẫn nghĩa, làm ngôn ngữ Việt Nam xấu đi trên các trang truyền thông chính thống trong nước. Ngay cả các ông/bà quan chức cấp cao cũng hay đổi luôn ý nghĩa/cách viết chữ của những từ đúng bằng cách nói tắt-nói tránh, khiến người biết chữ khi đọc báo phải dịch từ tiếng Việt ra tiếng Việt hòng hiểu được ý tác giả.

Các từ “đăng xuất”, “tác động vật lý” đã thành thói quen với người trẻ dùng mạng xã hội, nhưng vẫn xa lạ với nhiều người lớn – Hình: Google

Chính tôi cũng được học rất nhiều “từ mới” từ ban biên tập Báo Trẻ sau nhiều năm cộng tác, dầu các “từ mới” này là từ đúng – có trước 1975, còn từ ngữ mà tôi học ở ghế nhà trường, đọc sách báo ở trong nước bao năm lại nhiều sai sót, được chế ra sau 1975 (Ðây là điều mà tôi không hề hay biết trước đó). Cố học giả Nguyễn Hiến Lê từng viết rằng “Ấn tượng đầu tiên của dân miền Nam về chế độ mới chính là… đốt sách.” nên những điều ở trên chắc không khó giải thích. Bởi hồi 2012, khi còn sống, cố Giáo sư Hoàng Thụy từng nói một câu rất là hay: “Giáo dục Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn đang… lạc lối”.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

May mà dầu học được kiến thức từ mái trường xã hội chủ nghĩa từ khi mới mở mắt, nhưng tôi không có ý chí “học và làm theo” lời các vị quan chức cấp cao – hay lên báo nói Ðông nói Tây, nên tôi cũng… đỡ. Vì nếu thống kê các tuyên bố “ngớ ngẩn” của quan chức CSVN, thì cuốn tâm lý phụ nữ còn đứng thứ hai về độ dày!

Ngoài việc sáng chế ra các từ ngữ mới vô nghĩa, các ông các bà còn thay đổi ý nghĩa của nhiều thứ, như  cái gọi là “Trại sáng tác” – là chỗ để gom người viết lách, vẽ vời, sáng tác… đúng quan điểm, đường lối của nhà cầm quyền lại, để họ sáng tác theo tiêu chuẩn chung. Còn “Trại giam” – là chỗ để gom người viết lách, vẽ vời, sáng tác ngược với quan điểm,  đường lối của nhà cầm quyền. Hay như cách tổ chức tang lễ ngày càng phô trương hiện nay, dân đen thì có nơi ăn nhậu + kèn trống, hát hò ba ngày ba đêm (còn hơn đám cưới), quan chức thì xây “lăng tẩm” hàng ngàn mét vuông, còn hơn công viên… Ở Sài Gòn mấy năm trước có ông cựu lãnh đạo nào chết mà huy động các hội đoàn, đoàn thanh niên, học sinh, giáo viên các trường phổ thông… đứng hai bên đường kéo dài mấy cây số cầm di ảnh, khóc lóc thảm thiết. Nhìn hình thôi mà tôi không dám ra đường mấy bữa trời.

Xem thêm:   Ham & hố

Hôm rồi, nhân lễ tang dành cho cựu Giáo Hoàng Benedict XVI, nhiều người Việt không khỏi giựt mình nhìn lại cách tổ chức tang lễ ở nước nhà, từ người thường tới quan chức rồi… chê bên Tây làm Thánh lễ gì mà không có xôm tụ gì hết. Như anh Hoàng Mạnh Hà viết:

“Lễ an táng Ðức Giáo Hoàng quá buồn

Nói tắt, nói tránh, nói giảm thành nói bậy – Hình: Facebook + tuoitre.vn

Một Thánh lễ an táng với 100 Hồng y, 420 Giám mục, gần 4,000 Linh mục đồng tế và khoảng  50,000  tín hữu tham dự… Tưởng là long trọng, nhưng lại  thiếu quá nhiều thứ:

– Ðầu Thánh lễ lại đi ê a lần hạt Mân Côi. Ở Tây mà chẳng có lấy một đội kèn Tây nào tấu nhạc cho long trời lở đất. Thật buồn tẻ!

– Ðức Giáo Hoàng Francis mở đầu Thánh lễ quá đơn giản, y hệt mấy Thánh lễ ngày thường ở các xứ đạo: Làm dấu thánh giá, sám hối, Kinh thương xót.. Không có bài mở lễ hoành tráng của vị chủ tế như thường thấy ở Việt Nam.

– Ðám tang của một nhân vật quan trọng hàng đầu thế giới mà không thấy Ban Tang lễ, không biết ai là trưởng ban tang lễ, không thấy công bố danh sách ban tang lễ.

– Thánh lễ có nhiều Ðức Hồng Y, nhiều tổng thống, nhiều nhân vật có máu mặt mà đầu Thánh lễ chẳng thấy ai giới thiệu, vỗ tay…

– Không có phần đọc điện chia buồn của Ban Tôn giáo Italy cũng như của Ban Tôn giáo các nước.

– Không có khu vực dành riêng cho linh tông huyết tộc. Con cháu không được đeo tang, chụp ảnh, quay phim.

– Ðám tang mà cũng không có lấy một dòng điếu văn tiễn biệt, ca ngợi công đức của người quá cố. Không có lời cảm ơn của gia đình hay của Tòa Thánh. Thua đám tang của một giáo dân bình thường ở quê tôi.

– Giáo Hoàng mà không có lấy một vòng hoa hay bức trướng chia buồn.

– Không có đoàn rước vài cây số để quay flycam.

Tây thiếu… gỗ, nên quan tài quá nhỏ và Tây không có người tài để chạm trổ cẩn xà cừ quan tài như VN? (Linh cữu cựu Giáo Hoàng Benedict) – Hình: AP

– Linh cữu gì mà trống trơn, không hoa văn, không bày biện hương hoa.

– Tang lễ gì mà mỗi cái hòm để nằm bệt trên chiếc băng ca ở sân quảng trường, không đặt lên bệ, không có di ảnh.

– Lễ xong cứ âm thầm khiêng hòm vào táng trong hầm mộ, không trống kèn, rước xách.

Mà xem lại tang lễ của Ðức Giáo Hoàng Jean Paul II hay của Ðức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận trước đây cũng đơn giản y hệt. Như vậy là tại lỗi tổ chức của Vatican rồi.  Ðám tang này mà mời Việt Nam sang tổ chức thì thế giới phải ngả mũ bái phục. Việt Nam rất giỏi trong việc tổ chức tang lễ cho các đấng bậc. Thánh lễ đại triều phải kéo dài 5, 6 tiếng mới xứng tầm, chứ ai lại làm có hơn một tiếng như tang lễ Ðức Giáo Hoàng Benedict hôm qua!

Xem thêm:   Chó...

Phải khẳng định một điều rằng, cho đến giờ này Việt Nam vẫn là một cường quốc đám ma. Nếu biết tranh thủ cơ hội, chúng ta có thể xuất khẩu công nghệ tổ chức đám ma cho yếu nhân ra toàn thế giới để thế giới phải kinh ngạc Việt Nam. Mặt khác chúng ta sẽ thu ngoại tệ về. Ngành kinh doanh không có đối thủ.” – Hết trích.

“Sao, cùng là người Việt Nam mà làm chỉn chu, đẹp quá vậy?” – Bạn tôi đã thốt lên như vậy khi thấy một nhóm bạn trẻ Việt ở Mỹ mặc áo dài truyền thống biểu diễn, điểm khác với nhiều nhóm tài tử khác ở trong và ngoài nước là áo dài của nhóm này được bạn khen «đẹp không pha trộn. Như vậy mới gọi là áo dài Việt Nam.» Nhờ bạn mà tôi ngẫm lại, thấy hàng triệu đồng bào di cư ra hải ngoại mới là lớp người bền bỉ gìn giữ văn hóa Việt Nam nhất. Từ chữ nghĩa, lễ hội, trang phục, tác phẩm lẫn đồ ăn… Chính ngành nghệ thuật trong nước cũng bắt chước các trung tâm lớn của người Việt tại hải ngoại để dàn dựng, sao chép cách làm chương trình, nhầm thu hút khán giả.

«Bản sắc văn hóa dân tộc» là một thứ in lại trong lòng thế giới, khi mình giới thiệu bản thân là người Việt thì người ta liền biết Việt Nam có áo dài, có cải lương, có… tiếng Việt. Chứ không phải nghe Việt Nam là người ta nghĩ ngay tới việc một ‹đội quân› anh hùng bàn phím chuyên đi chửi trọng tài sau mỗi trận túc cầu mà Việt Nam thua trận, hay những đám tang rình rang, lăng tẩm bự như các bậc đại đế xa xưa, hoặc các vụ vượt biên tang tóc… Như khi nhắc tới Nhật Bản, người ta không chỉ nhắc tới quá khứ của họ, mà còn nhắc về việc người Nhật thật thà, nghiêm chỉnh ra sao, họ làm ăn đàng hoàng cỡ nào. Ví dụ như quy định hình ảnh khi quảng cáo sản phẩm ra sao thì sản phẩm bán ra phải như vậy, Nhật không có khái niệm “hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa” (tới cái bánh/cục kẹo cũng phải đúng kích thước với hình ảnh in trên vỏ ngoài của bao bì), nếu không thì khách có quyền không trả tiền.

Mới đây, chủ một nhà hàng ở Nhật Bản chia sẻ: vì tuyết rơi quá nhiều vô tình tạo thành hiểu lầm cho khách hàng rằng chén cơm của nhà hàng cũng đầy vun như chén cơm trang trí bên ngoài cửa. Ðiều này đã làm gia tăng áp lực kinh doanh cho quán ăn vì… tốn gạo quá mà lượng cơm trong một phần tăng thì một khách sẽ ăn không hết, thế là lượng bán ra cũng giảm. Không biết khi nào ở Việt Nam có luật như vầy, không ít lần đi ăn tiệm – tôi mở menu ra thấy cái hình món ăn quá ngon, chỉ liền rồi chủ quán mang ra một tô đồ ăn khác xa hình ảnh, mắng vốn cũng như không. Còn trên các trang mạng, nghệ sĩ – tài tử Việt có chút danh tiếng là tối ngày quảng cáo thuốc trị bệnh này bệnh nọ, có người hôm qua mới nói vừa trị khỏi “xơ gan cổ trướng” nhờ thuốc hãng A nay đã “khoe” từng ung thư giai đoạn cuối bởi thuốc hãng B…

DU