Tuần qua, tại thành phố La Paz của Bolivia, một quý ông (45 tuổi) đã bị chính vợ mình tạt nước sôi vào vùng kín trong khi đang ngủ, vì quý bà đoán là chồng mình nằm mơ thấy… người phụ nữ. Đây không phải là lần đầu người đàn ông trên bị vợ “bạo hành”, trong một cơn thịnh nộ trước đó do nghi ngờ người chồng uống rượu, cô vợ này đã từng đổ rượu lên người chồng rồi định châm lửa thiêu sống anh ta.

Đen Vâu, Kaito Kid và nhiều fanpage khác đều đoán trúng đề – Facebook 

Chưa biết sự suy đoán của người vợ là đúng hay không, nhưng tổn thương của người chồng đã thành sự thật. Tuy nhiên, nếu tha thứ cho nhau, hẳn là họ sẽ hạnh phúc hơn, vì từ đây, anh không dám nằm mơ nữa (Hoặc chỉ có thể nằm mơ thấy người phụ nữ khác, chứ không thể làm gì – cả trong mơ lẫn ngoài đời). Cuộc sống luôn có những câu chuyện bi kịch bắt đầu một cách mơ hồ như vậy, vì nhân loài luôn cảm tính và thích suy diễn. Người ta dễ đoán lầm rồi đồn lầm hoặc nghe lời đồn tầm bậy mà đoán tầm bạ, tự giày vò bản thân lẫn giày vò người khác bằng câu chuyện mình tự nghĩ ra. Như tôi hay giận hờn vu vơ với cả thế giới, làm những điều ngu ngốc, có khi tuyệt giao với ai đó chỉ vì nghĩ họ… sắp làm tổn thương mình. Cuối cùng kẻ gây thương tổn cho mối quan hệ là tôi. Hoặc nhiều khi, người ta mất thiện cảm với nhau ngay lần gặp đầu tiên vì những suy đoán vô lý – Tôi cũng hay như vầy, thường là sau đó quê xệ vì những thứ mình đoán sai bét.

Hay như anh chồng dưới đây:

Có tên tội phạm vượt ngục, hắn đột nhập vào một ngôi nhà và thấy đôi vợ chồng trẻ đang cãi nhau. Tên tội phạm rút súng ra, lệnh cho anh chồng trói cô vợ, rồi hắn trói người chồng. Sau đó, tên tội phạm lại gần người vợ, làm hành động như hôn lên cổ cô rồi đi vào phòng tắm.

Người chồng nhìn vợ, suy nghĩ một chút, rồi nói: Em nghe này, anh xin lỗi vì chuyện ban nãy. Nhưng tên này có lẽ là tù vượt ngục, hãy nhìn vào quần áo của hắn! Hắn ta hẳn phải rất, rất nguy hiểm. Anh để ý cách hắn hôn cổ em. Nếu hắn ta muốn làm gì, em hãy làm hài lòng hắn. Anh e nếu để hắn tức giận, chúng ta chắc chắn xong phim! Mạnh mẽ lên, anh vẫn yêu em nhiều lắm.

Người vợ nhìn chồng âu yếm, trả lời: Em cũng yêu anh! Nhưng hắn ta không hôn cổ em mà thì thầm vào tai em. Em đoán người cần mạnh mẽ là anh.

Cũng không phải mọi suy đoán, nghi ngờ đều vô dụng, đôi khi đoán tầm bậy tầm bạ lại trúng tùm lum tùm la. Như những người lớn ở Việt Nam thì hay đoán trúng mấy “tin mật” chưa ban bố, hoặc “các nhân sự chủ chốt” trước khi bầu cử vài tháng. Như những người trẻ Việt hay đoán trúng đề ở mỗi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hàng năm. Việc tại sao dân tình hay đoán trúng “tin mật” hay nhân sự của bộ máy chính trị Việt Nam trước vài tháng – trong khi quyền bầu cử eo hẹp, không hề có việc mấy ông đi vận động tranh cử khắp nơi – thì tôi không biết, vì tôi vẫn còn trẻ dại, chuyện người lớn tôi hông rành. Riêng việc đoán trúng đề thi hàng năm thì tôi biết chút chút, bởi tôi cũng có đi học dưới mái trường XNCH.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Nhưng chỉ Kaito Kid gặp “nạn” – Báo trong nước

Sau nhiều năm nghiên cứu và đọc các bài nghiên cứu, tôi rút ra một bài học là dầu “trúng tủ” cũng chẳng có gì tự hào, vì đề ở VN rất là nghèo nàn. Ví dụ như môn văn, nhìn đi nhìn lại thì chương trình học chỉ có vài tác phẩm, tác giả. Vì vậy việc đoán trúng bài sẽ được ra (theo phương pháp loại trừ các bài đã ra trong các kỳ thi trước đó) rất dễ dàng. Tuy nhiên, “trúng tủ” vẫn có khi lệch… ngăn, vì một tác phẩm có tỷ cách ra đề. Kể cả biết trước đề cũng không chắc được điểm cao, vì học sinh làm bài phải theo ý giáo viên chấm thi (dầu đề bài luôn là: Hãy nói lên cảm nghĩ của em về…) – dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng giáo viên? (Chưa kể, ý giáo viên phải theo ý Bộ giáo dục VN, ý Bộ giáo dục VN phải đồng bộ với ý Nhà nước…) Tôi có đọc trên mạng một câu chuyện:

– Ðề thi: “Em hãy tả hay viết về khả năng đặc biệt nhất của em”.

Khi các học sinh khác cắm cúi làm bài, chỉ sau 5 phút, Tèo lên nộp bài với nội dung là: “Em có khả năng là đoán trước được tương lai, em đoán là kỳ thi này em sẽ trượt.”

Sáng hôm sau, trên văn phòng thầy hiệu trưởng, cô giáo hỏi: “Thầy đã xem bài làm của học trò Tèo chưa?”

Thầy hiệu trưởng thở dài đáp: “Tôi coi rồi cô, nhưng tôi chưa biết chấm điểm như thế nào. Nếu như cho Tèo trượt thì bài văn của em ấy đã đúng, mà bài văn đúng thì phải cho em ấy đậu. Mà cho em ấy đậu thì bài văn của em ấy sai, một bài văn sai thì làm sao cho đậu được?”

Ðời không như là mơ, nếu bài thi của Tèo có thiệt, chắc chắn em sẽ bị các giáo viên Việt thẳng tay phê cho một “trứng vịt”. Vì trò Tèo dám đánh đố giáo viên, dám làm một bài văn không đủ ba phần mở bài – thân bài – kết luận, quan trọng là một bài thi không giống bài văn mẫu nào. Khi các em sanh năm 2004 bắt đầu kỳ thi phổ thông trung học cách đây mấy tuần, mạng xã hội VN cũng theo phong trào – bắt đầu râm ran chuyện thi cử, nhiều cư dân mạng đã lên tiếng ngán ngẩm, như Facebooker Vivan Din:

“Trung tâm tin tức VTV24” khóa hơn 10 ngàn bình luận, các bạn trẻ “chia sẻ” tin về trang cá nhân thể hiện sự bất bình trước tin này – Facebook

“Học Văn bây giờ giống như học Toán – có những bài văn mẫu, học sinh phải bám vào đấy mà cố gắng viết cho giống, càng giống điểm càng cao. Thế thì còn gì là Văn nữa! Văn là phải khoáng đạt, phải để cho cảm xúc được tự do bay bổng, phải có những ý tưởng lạ lùng (dù có thể sai) thì mới là Văn. Chẳng hạn như trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, học sinh được dạy rằng Chánh thanh tra Gia-ve thuộc tầng lớp thống trị chuyên đè nén áp bức những người nghèo khổ. Sao không có giáo viên nào dám chỉ cho học sinh thấy rằng chính Gia-ve cũng là một người khốn khổ? Sinh ra trong tù, không có ai là người thân, cả đời không biết đến tình người là gì mà chỉ là một cái máy thực thi pháp luật một cách lạnh lùng vô cảm – một người như thế thì cũng đáng gọi là khốn khổ quá đi chứ! Hoặc như chuyện trong bài văn tả con trâu một cậu bé viết “thỉnh thoảng nó thè lưỡi ra liếm cái mũi ướt và đen bóng” – quả là một quan sát chính xác và thú vị! Nhưng cô giáo phê “bịa!” vì trong bài văn mẫu tả con trâu… không có chi tiết này!”

Xem thêm:   Chó...

Vài năm gần đây, tới các kỳ thi Phổ thông trung học là khắp cõi mạng cùng nhau thử đoán đề thi môn Văn – môn dễ đoán nhất, trong đó có các sĩ tử tương lai lẫn các anh chị đi trước – từng trầy trật vì bị “tủ đè”. Cũng nhờ vậy mà bỗng có vài “ngôi sao” sáng chói – nổi danh nhờ vô tình hoặc cố ý đoán đúng đề thi phổ thông trung học vài năm liên tiếp, được nhiều người (lẫn báo chí trong nước) gọi tên là rapper Ðen Vâu (thông ra lời bài hát mà ca sĩ này ra trước mỗi kỳ thi) và fanpage Kaito Kid (thông qua kết quả bình chọn của cộng đồng mạng và bài viết tổng kết bài thi trên trang cá nhân trước ngày thi).

Tưởng chuyện đoán đề thi cũng như việc dự báo thời tiết, đúng – sai vô chừng, không làm hại tới ai. Vậy mà một bữa đẹp trời (ngày 14-7-2022), báo – truyền thông trong nước đồng loạt lên bài chỉ trích, điều tra danh tính của những người đứng sau fanpage Kaito Kid, chỉ vì họ đoán đúng tác phẩm nằm trong đề thi phổ thông trung học quốc gia 3 năm liên tiếp. Ngoài ra, 3 sinh viên (thuộc một trường đại học tại Sài Gòn) đang quản lý fanpage Kaito Kid còn bị dọa sẽ bị phạt hành chính số tiền từ 10-20 triệu VND (rất lớn đối với sinh viên VN). Tuy chưa biết Kaito Kid có bị phạt hay không, nhưng đứng trước thông tin này, hàng triệu cư dân mạng Việt Nam đã tỏ thái độ bất bình một cách rõ ràng, trong đó hầu hết là các bạn trẻ. Rất nhiều trang thông tin chính thống đã phải ẩn bình luận của hàng chục ngàn cư dân mạng trong đêm. Tới lúc này, có vẻ như việc đoán đề thi không còn là trò giải trí, mà nó mang tầm cỡ quốc gia rồi – rất nhiều “mầm non đất nước” công khai lên tiếng chỉ trích ngành giáo dục VN (việc này trước đó chỉ có người lớn làm). Tôi đọc rất, rất nhiều bình luận, thấy rằng người trẻ VN không hoàn toàn vô cảm với hiện tình đất nước, vì nhiều bình luận phê phán Bộ Giáo Dục VN làm ngơ việc lộ đề, mua điểm, quay cóp xảy ra như cơm bữa, xử phạt mờ nhạt so với vụ đoán đề thi vô thưởng vô phạt này…

Xem thêm:   Ham & hố

Có lẽ vì vậy mà ngay ngày hôm sau, fanpage Kaito Kid được “ai đó” kêu gọi ra mặt trấn an “lòng dân” – bằng cách đăng một bài viết vào trưa 15-7-2022 – sau khi đã đóng fanpage nhiều ngày (không biết trước đó có bị ai bắt đóng fanpage không?), nội dung bài viết:

Ngành giáo dục VN luôn có nhiều bê bối, do các ông phó giáo sư-tiến sĩ như vầy – tuoitre.vn

“Xin chào mọi người.

Chúc mọi người một ngày mới tốt lành. Thời gian qua nhóm mình bị sốc tâm lý do sự việc đi quá xa nên đã khóa Page một thời gian, bên mình cũng đã làm việc với các anh Công an, họ không làm khó bọn mình, chỉ nhắc nhở và cũng vui vẻ với bọn mình, đến nay chúng mình vẫn ổn, không có chuyện bị gì đâu.

Cảm ơn mọi người đã quan tâm, hiện chúng mình đang tập trung cho việc thi mấy môn cuối cho xong để đăng ký chuyên ngành theo nguyện vọng nên sẽ khá lâu nữa tụi mình mới quay lại cùng mọi người…nhưng mọi người đừng quên tụi mình nhé.

Bình luận dưới bài: Nhóm có 3 admin các bạn nhé, nhưng tụi mình trước giờ không công khai thôi vì nghĩ làm chung cho vui, chứ không có tính toán gì. Giờ 01 bạn rút rồi, bạn còn lại cũng lo lắng nên khả năng chỉ còn mình mình.” – Hết trích.

Chỉ trong 12 giờ, bài viết ngắn trên đã có hơn 327,000 like, hơn 1,700 lượt chia sẻ. Hơn 14,000 bình luận an ủi – vỗ về – tỏ vẻ thương cảm cho những sĩ tử sanh năm 2005 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm sau (vì có lẽ không còn ai dám đoán đề nữa) – các bình luận chỉ trích Bộ giáo dục VN, bình luận “hiến kế” đoán đề thi năm sau bằng hình vẽ/số liệu… ngoài ra còn rất nhiều người “nộp đơn” xin gia nhập ban quản lý fanpage Kaito Kid này thay cho những người đã ra đi. Con số like, share, bình luận bài viết chắc chắn sẽ tiếp tục tăng… một sự ủng hộ thôi đó là niềm ao ước của bất kỳ trang truyền thông “chính thống” nào tại VN.

Có một bình luận của một bạn nhỏ sanh sau năm 2000, xin mượn để kết bài viết này: “Bộ Giáo Dục dọa phạt Kaito Kid vì “gây hoang mang dư luận”. Nhưng dư luận hoang mang do chính mấy bài hù dọa của Bộ Giáo Dục đó. Thế mà các bác cứ tuyên truyền mỗi Ukraine mới có những chú hề làm lãnh đạo!”

DU