Sáng 23-5-2023, tôi thức dậy trước sự bàng hoàng của cư dân mạng Việt Nam, họ không bàng hoàng vì tôi dậy sớm, mà bàng hoàng trước tin một quán phở lên giá lần hai trong năm nay, lần một là do xăng tăng giá, lần này là do giá điện tăng…

Nhiều người quan tâm tin (đọc mà) tức trên không phải vì tiệm phở trên nổi tiếng, mà là đó không phải tiệm phở duy nhất tăng giá trong thời gian này – sau khi nhà đèn tăng giá điện cách đây ít lâu. Sáng nay, dĩa cơm tấm sườn bì chả tôi ăn thường xuyên cũng tăng lên 3 ngàn VND kèm ánh mắt ái ngại của cô chủ quán. Quản lý tòa nhà mà bạn tôi thuê một căn nhỏ để mở công ty cũng thông báo tiền điện từ tháng này sẽ lên 10%. Cơn bão giá sẽ đổ bộ vào không chỉ tiệm phở, quán cơm mà có lẽ là xe bánh mì hay gánh bánh canh, bún mắm, bún riêu, đồ tiêu dùng… cũng sẽ lên giá chút ít hoặc chủ quán sẽ nới tay khi múc nước lèo, bớt cục giò heo, xén tay cho miếng thịt mỏng hơn. Tóm lại, tất cả nắm tay nhau tăng giá, chỉ có em “lương” suy dinh dưỡng đứng dưới mương không thể leo lên bờ, giống Việt Nam tiến hoài không chịu lên xã hội chủ nghĩa. Mà ở Việt Nam, cái gì tăng rồi thì không bao giờ giảm xuống, lòng tham của các vị quan chức tham nhũng cũng vậy.

Sài Gòn một sớm mai, dọc đường đi công chuyện, nhìn đâu cũng là cửa tiệm đóng cửa. Tôi như nghe được những tiếng thở dài bị bỏ quên trong những căn nhà bỏ trống, người ta đã choàng tỉnh sau «giấc mơ khởi nghiệp» vì «gồng hết nổi». Suốt hai năm dịch lặc lè quán nhậu/quán cà phê vẫn còn sôi nổi mà nay nhìn đâu cũng tiêu điều vắng ngắt, ngựa xe dập dìu mà chủ quán lẫn nhân viên ngồi ngáp lên ngáp xuống vì ế… Các công ty lớn không có đơn hàng, hàng chục ngàn công nhân mất việc, nhìn đoàn người tháo chạy khỏi Sài Gòn không có cảm giác mới mẻ nữa, nhưng nỗi xót xa vẫn nguyên vẹn. Mỗi tuần, tôi đã thảng thốt la lên ít nhất một lần từ: «điên nặng», sau khi đọc những tin tức về bạo lực, án mạng… xảy ra với nguyên do không đáng, không cần biết người tạo ra những vụ án là dân ở đâu tới Sài Gòn, cũng thấy mảnh đất này đang bao trùm một màu u ám, bởi lòng người như không còn tha thiết sống. Sài Gòn – cái túi ba gang chứa mọi mơ ước đổi đời từ dân tứ xứ chân lấm tay bùn cho đến người giàu sang quyền quý, nay cũng là chỗ người ta ngồi ủ rũ lặt từng cánh hoa cúc để đoán tương lai vô định: thịnh, suy, thịnh, suy…

Cách để tin vào đảng và Nhà nước VN là đừng đọc tin của nước khác – Nguồn: Facebook

Giông tố đang định che phủ Sài Gòn (hay cuốn bay lòng tôi) thì bên kia đường, một cậu sinh viên dừng lại, lấy chai nhựa rỗng từ ba lô ra hứng nước từ cái vòi của bình nước miễn phí, sau đó cậu tu cái ực rồi rời đi. Nước chảy xuống dạ dày cậu mà mát lòng tôi quá… Sài Gòn của tôi vẫn còn, dầu qua bao nhiêu bể dâu thì Sài Gòn vẫn đẹp, vẫn sáng rỡ ánh sáng hy vọng như vậy, bởi Sài Gòn luôn tồn tại người tử tế, mà Sài Gòn còn người tử tế thì Sài Gòn vẫn còn sống. Sài Gòn còn sống thì Sài Gòn sẽ còn «great again». Vừa nghĩ, tôi vừa nhìn cái cọng dây xích cột quanh bụng bình nước miễn phí (để chống trộm) – thấy cũng dễ thương gì đâu…

Xem thêm:   Chiến tranh Nga - Ukraine & Bài toán dân số

Cái gì nhiều quá thì đôi khi người ta không coi trọng, bởi vậy mà đôi khi người ta như không thấy sự hiện diện của những bình nước đá miễn phí ở hai bên đường, trừ những người đang chịu cái nắng xây xẩm của Sài Gòn mà túi không còn đủ tiền mua chai nước suối hoặc không tìm được chỗ bán nước uống vừa túi tiền. Ngược lại, những bình nước miễn phí mà xuất hiện ở tỉnh nào đó tại miền Bắc coi như là «vedette». Những bình nước miễn phí tuy không chiếm chỗ, không mắc tiền, nhưng nó đòi hỏi nhiều công sức lẫn tấm lòng thơm thảo của người tạo ra và duy trì nó, nhất là trong thời buổi khó khăn, thời tiết nóng tới khắc nghiệt như hiện nay: Cho bá tánh uống, không thể cho bậy cho bạ được, vì vậy mà phải nấu nước sôi/nấu trà rồi để nguội. Ðể nước trong bình mát lạnh cả ngày dưới cái nắng gắt phải thay đá/thêm nước liền liền, nếu không thì nước đá thành nước sôi – có thể trụng mì. Ðể không mất bình phải trông chừng hoặc xích lại, khiêng ra khiêng vô khi đóng-mở cửa tiệm/nhà. Sự tử tế như nằm trong mã gene của người Sài Gòn nên họ coi đó là niềm vui, là phận sự của mình chứ không phải không ai thấy là làm gian làm dối. Bởi vậy, đôi khi nước trong bình miễn phí có khi lại sạch sẽ và an toàn hơn nước đóng chai được để trên bàn trong các phòng hội nghị, nơi những người mặc vest ngồi bàn chuyện đại sự, nói toàn lời ngon ngọt, nhưng sơ hở một chút là họ dễ dàng hạ bệ, đâm sau lưng thậm chí đầu độc nhau. Có một câu nói mà tôi rất thích: «Người Sài Gòn nhìn thấy phẩm giá của mình trên gương mặt người tiếp nhận tương trợ.»

Quý cô chú bán vé số liên lạc nhân viên lấy trà đá/sữa uống – người yếu thế không cô đơn giữa Sài Gòn

Một người bạn tôi nói: «Sài Gòn khiến người ta muốn sống tử tế hơn, như trả lại nợ cưu mang của mảnh đất này.» Ðôi khi người ta cũng sợ làm người tử tế, vì xã hội Việt Nam ngày càng nhiều lọc lừa, nhiều kẻ nhắm vào sự thương cảm của người khác để trục lợi – chính bản thân tôi, nhiều khi ra đường thấy người khổ, rất muốn giúp, nhưng chùn chân vì e ngại nhiều nỗi… Cho tới một bữa, tôi đọc được một bình luận của người vô danh trên mạng, tôi thấy mình nên sửa đổi sự e ngại của mình: «Ðợt mình nhận hỗ trợ học tập theo tháng được 45 ngàn VND ($2 USD) xong, ra cổng thấy một bà cụ với túi gạo bị thủng, gạo đổ ra đất ngay trước cổng trường. Mình nhìn thương lắm nhưng thấy xung quanh, những bạn học khác đều đi qua mà không ai dừng lại. Bất giác mình nghĩ nếu mình dừng lại và giúp bà ấy gom gạo lại thì thật kỳ quặc mà những người khác sẽ nhìn vào mình, mình cần giống như đám đông. Mình đã đạp xe đi với sự khó chịu trong lòng, mình muốn làm gì đó vì nghĩ đó là việc mình lẽ ra phải làm. Ði được đoạn đường mình quay trở lại, mình không thấy bà nữa. Bà cụ đã gom xong và xách túi gạo trên đường về nhà. Mình đạp xe đi kiếm bà rồi lấy hết 45 ngàn VND đưa cho bà cụ rồi phóng xe đi thẳng. Vừa đi vừa khóc nhưng thấy trong lòng mình thoải mái.» Thà giúp nhầm hơn bỏ sót rồi áy náy, đúng không?

Xem thêm:   Chửi

Sự thơm thảo của Sài Gòn không phải khi không mà có, nó như một nếp cũ được rèn giũa lâu đời từ xưa. Từ nhỏ, tôi đã được người lớn dạy về sự chia sẻ: «Cho người thì còn cho mình thì mất nghen con», tuy tôi chưa học giỏi mấy, nhưng nhờ lớn lên ở mảnh đất này mà tôi đã bớt xấu xa hơn rất nhiều, tôi tự tin với điều này! Những xe bánh mì, nước uống, tủ thuốc, vá xe, tiệm cơm miễn phí, cắt tóc miễn phí… cho người nghèo, thân sơ thất sở mọc rải rác khắp nơi như từng mạch máu nhỏ bơm máu đi khắp cơ thể Sài Gòn, khiến trái tim Sài Gòn vẫn đập rộn ràng dầu trải qua bao nhiêu ngang trái. Thậm chí giữa hàng triệu con hẻm ngang dọc ở Sài Gòn, luôn có những con hẻm miễn phí – địa điểm quen thuộc cho người nghèo, như vết bớt xinh đẹp trên thân thể Sài Gòn, làm người ta không thể phủ nhận mảnh đất này là mảnh đất lành.

Giữa trưa Sài Gòn nắng nóng còn cháy túi, thị dân vẫn có thể mát lòng với những bình nước miễn phí có ở khắp nơi – Nguồn: Du Uyên

Nói về sự tử tế, thì tôi thấy vị đạo diễn miền Bắc có tên Trần Văn Thuỷ có kiến giải quá sâu sắc, tôi không thể nói hay hơn nên xin trích dẫn lại: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm…” – hết trích.

Xem thêm:   Thú nhồi bông

Do sự tử tế được đặt cao hơn chức tước, quyền lực nên khi bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu qua đời hôm 15-10-2021 ở Hoa Kỳ (hưởng thượng thọ 91 tuổi) nhiều ý kiến trên mạng xã hội tiếng Việt cho rằng hình ảnh lớn nhất gắn với bà có lẽ là Bệnh viện Vì Dân ở Sài Gòn – một nhà thương hiện đại nhất thời đó, có một phần miễn phí/giảm phí điều trị dành cho người nghèo (nay Bệnh viện Vì Dân bị đổi thành Bệnh viện Thống Nhất – chuyên trị bệnh người có điều kiện kinh tế cao hoặc trị bệnh cho quan chức, thật ra bệnh viện nào thời nay cũng không dành cho người nghèo). Sau 1975, đã có nhiều luồng dư luận tranh cãi về bệnh viện Vì Dân, nhằm hạ bệ phẩm chất của chính quyền VNCH lẫn nhân cách vợ chồng ông Thiệu, nhưng người có tri thức sẽ biết tìm sự thật ở đâu…

Ðúng vậy, phải tử tế, phải có tấm lòng trắc ẩn, phải có trái tim mới không nhằm lúc kinh tế kiệt quệ, thời tiết gay gắt mà đè người dân ra tăng giá điện, tăng giá xăng, tăng tùm lum thứ rồi báo lỗ, đúng là điên-nặng…

Càng nhiều người tử tế thì càng không còn chỗ cho “bố đời, mẹ thiên hạ”! – Nguồn: Hoàng Dũng Hùng

DU