Vì thấy tấm bảng thông báo, nên thay vì bỏ 20 USD để xông hơi bên phòng dành cho Nam, ông kia chịu bỏ 200 USD để được qua phía phòng xông hơi dành cho Nữ. Điều kiện là ổng phải ký giấy đồng ý tự chịu mọi tổn thương xảy ra – nếu có – khi bước vào căn phòng “âm thịnh dương suy” kia. Khi ổng hồi hộp mở cửa bước vô, chuẩn bị tâm thế nghe những tiếng la hét và chửi rủa, thậm chí là hứng “đồ bay” tới mình… Thì ông ta nhìn thấy 3 người đàn ông khác đang thở dài: 

– Rồi, lại một tên đực rựa!

Ba bức tranh về Nangeli – câu chuyện “Thuế ngực” của họa sĩ Murali. – gamek.vn  

Không biết do quý giá hay là xấu xí, mà các bộ phận kín đáo và thứ gói bên ngoài của các bộ phận đó (nhất là của phụ nữ) luôn là đề tài “nóng” từ xưa tới nay, từ chuyện hài tới chuyện buồn, từ đời sống tới pháp luật… hàng ngàn năm nay. Cũng có lẽ là lâu hơn, từ khi người ta chế ra đồ mặc hoặc từ khi người ta nghĩ ra các luật lệ? Dĩ nhiên là tôi không biết câu trả lời, chỉ là tôi vô tình đọc được các câu chuyện dưới đây…

  1. Đấu tranh để được che

“Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng….” – Chúng ở đây là quốc vương xứ Travancore – một trong 550 tiểu bang ở Ấn Ðộ dưới thời kỳ vương quốc Anh đô hộ. Vào đầu những năm 1800, hắn đã nghĩ ra một loại thuế tên là “thuế ngực”. Theo điều luật này, phụ nữ ở các tầng lớp thấp bắt buộc phải để ngực trần, ai che đi sẽ bị phạt nặng. Các quan chức hoàng gia sẽ đi khắp các làng quê (rảnh ghê) và thu thuế các cô gái đến tuổi dậy thì – Họ sẽ kiểm tra bằng… tay và tính thuế tùy theo kích cỡ ngực. Trong cái rủi có cái may, những cô gái nào đau lòng vì sự “không chịu phát triển” của ngực mình lâu nay sẽ đỡ tốn tiền, bởi sau khi các quan “khám”, ngực cô gái nào càng to thì phải đóng càng nhiều thuế. Có những người không tiền đóng thuế, bị lột sạch đồ treo lên răn đe người khác.

Người hiện đại nói đóng thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân, ngày xưa ở Ấn thì khác. Chỉ tầng lớp lao động nghèo mới bị đánh “thuế ngực”. Phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu được phép che ngực, không có giới hạn cũng như luật lệ nào ép buộc người giàu phải đưa ngực trần cho các quan thầy “khám”. Hai trong những mục đích của “thuế ngực” là duy trì đẳng cấp tầng lớp trong xã hội, và làm nhục các cô gái ở tầng lớp lao động làm vui. Vào thời điểm đó, quần áo được coi là dấu hiệu của sự giàu có và thịnh vượng. Những người nghèo thuộc tầng lớp lao động thì không được phép ăn mặc đầy đủ. Chính các bộ luật này phần nào đã tạo nên văn hóa phân biệt tầng lớp trong xã hội Ấn Ðộ. Kẻ nghèo thì sẽ mãi mãi nghèo, còn người giàu vẫn ăn trắng mặc trơn. Dân vùng này không ai biết những đồng tiền “thuế ngực” của dân đóng vào đâu? Ðóng cho ai? Và dùng vào việc gì?

Xem thêm:   Ham & hố

Có ông kia nói “Thu thuế cũng như vặt lông vịt, đừng để kêu toáng lên” – Ðáng tiếc, nên “thuế ngực” đã không thể bịt miệng người dân, gây ra nhiều cuộc phản đối, các cuộc biểu tình lớn, khiến nhà vua cũng sợ. Năm 1924, quốc vương xứ Travancore đã buộc phải trao lại quyền che ngực vào tay người chủ bộ ngực.

Trong các truyền thuyết về chuyện đấu tranh để được che ngực, có câu chuyện về một người phụ nữ dũng cảm tên là Nangeli. Ðể tỏ thái độ với các quan chức tới nhà Nangeli để thu thuế. Bà dùng chiếc liềm gặt lúa để cắt đứt bộ ngực của mình và đặt nó lên lá chuối, đưa cho các vị quan kia. Do chảy quá nhiều máu, Nangeli đã qua đời ngay trong ngày hôm đó. Vì quẫn trí, chồng bà cũng tự sát bằng cách nhảy vào giàn thiêu trong đám tang vợ.

“My body my choice” – khẩu hiệu của người chống lại việc mặc áo ngực – danviet.vn

  1. Đấu tranh để được… khoe

Ðầu tiên, là phải biết đấu tranh! Chỉ cần qua hai câu chuyện dưới với hai cột mốc thời gian. Có thể thấy, riêng chuyện ăn mặc thôi, phụ nữ Mỹ cũng đã phải đấu tranh thế nào:

Ở Los Angeles vào năm 1938. Cô Helen Hulick là một giáo viên dạy mầm non. Vì để làm chứng chống lại hai nghi phạm vụ trộm, cô đã đến tòa án Los Angeles. Tuy nhiên, chiếc quần cô mặc trên người lại là điều khiến cả thẩm phán và những người tham dự phiên tòa quan tâm. Cô Helen đã bị giam giữ trong tù suốt 5 ngày vì… từ chối mặc váy khi dự tòa trong những phiên xử tiếp theo. “Hãy nói với thẩm phán rằng tôi sẽ đứng trên quyền lợi của mình. Nếu ông ấy ra lệnh tôi phải đổi sang váy, tôi sẽ không làm như vậy. Tôi thích quần áo. Chúng rất thoải mái”, cô Helen nói. “Tôi sẽ quay trở lại trong một bộ quần áo, và nếu ông ấy tống tôi vào tù, tôi hy vọng điều đó sẽ giải phóng nữ giới mãi mãi thoát khỏi chủ nghĩa chống quần áo”

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Hồi năm 1983, có 3 nữ vũ công hộp đêm bị cảnh sát chìm cáo buộc “vi phạm đạo đức và luân lý” sau khi họ đã nhảy những vũ điệu gợi cảm, sexy trong quá trình làm việc vũ công. Thuở đó ở tiểu bang Florida, Mỹ có luật cấm khỏa thân tại những nơi phục vụ đồ ăn, thức uống để bảo vệ sức khỏe con người. Và mấy tay cảnh sát này trà trộn vô làm khách rồi tố 3 cô gái kia, họ cho rằng các cô đã để hở da thịt quá nhiều, vi phạm pháp luật… nhưng mấy vị cảnh sát chìm không có chụp lại hình ảnh của các cô gái làm bằng chứng. Khi ra tòa, luật sư của 3 cô gái mới cãi “Ðúng là thân chủ của mình có nhảy hở da hở thịt, nhưng không bao giờ lộ (hàng). Nếu tòa muốn coi, thân chủ của tôi có thể cho tòa một điệu để chứng minh.” Vị chánh án kia đồng ý. Thế là sau một điệu nhảy, các cô vũ nữ được trắng án – do họ không bị lộ hàng thật.

Trong khi ở Ấn, (dầu bà Nangeli đấu tranh bằng việc cắt ngực là thật hay không) thì phụ nữ Ấn cũng đã tốn rất nhiều thời gian đấu tranh với chính quyền để được che. Nhưng ở nhiều nước khác, nhất là cái xứ tưởng như trẻ trung phóng khoáng cỡ Mỹ-Châu Âu, phụ nữ lại thích đấu tranh để được khoe, vì luật pháp về “thuần phong mỹ tục” ở các nơi này tuy không gắt gao, nhưng vẫn bảo thủ và nề nếp. Như mấy năm nay, có phong trào toàn quốc ở Ðức tên gọi “Ngực ai cũng như nhau”, họ đang đấu tranh để phụ nữ có quyền để ngực trần ở những nơi mà đàn ông cũng có thể để ngực trần. Nhiều người phụ nữ ở Châu Âu, Úc… đã nhiều lần tụ họp biểu tình bán nude, treo cao câu “my body my choice” để tìm cái gọi là tự do thân thể. Những đòi hỏi sexy của họ tới bây chừ chưa được thông qua rộng rãi, nhưng khác so với Việt Nam, người dân có quyền “cãi”/biểu tình – có người đứng canh cho biểu tình luôn. Chứ ở Việt Nam, ai mà lỡ bị đánh “thuế ngực” một lần, có khi trọn kiếp không dám mặc áo, không dám cãi câu nào. Vì vậy, ngay cả nên che hay nên khoe, đôi khi chính chúng ta cũng lẫn lộn!

Người bị giam giữ trong tù suốt 5 ngày vì… từ chối mặc váy khi dự phiên tòa – dkn.tv

Cô gái mặc áo hở lưng bị quay lén – Facebook

Gần đây, tại Việt Nam có câu chuyện về một bạn nữ bị chụp ảnh lúc cô đang đi ngoài đường, tung lên mạng và sau đó nhận nhiều lời bình phẩm, xét nét ác ý, kể cả Ðài truyền hình quốc gia Việt Nam cũng ra vẻ mỉa mai cô gái này – vì cô ta mặc áo khoe trọn cái lưng ra ngoài. Có người chê ắt có người khen, cho là cô này có quyền mặc sao thì mặc, thịt cô thì cô có quyền lòi. Nhiều chàng trai chứng minh “trong sạch” cho cô gái bằng cách cởi trần ra phố, chứng minh rằng ở trần ngoài đường không bị công an bắt… Dân tình khi thì xô bên này, ngả bên kia, không biết phân xử thế nào?

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Bản thân tôi thấy, cô ấy không sai khi chọn cho mình phong cách ít vải. Nhưng thiên hạ cũng không sai khi nói lên ý kiến của họ trước cái tấm lưng trần bị phơi nắng kia, trừ khi họ xấu tính, thích nhục mạ người họ không quen biết – thật tiếc là số người này áp đảo. Kẻ sai nhất trong câu chuyện trên là kẻ ví theo xe cô gái để quay video đăng mạng xã hội… Nhưng nếu trả lời là có mặc như vậy, ra đường ở Việt Nam hay không? Tôi trả lời không. Thứ nhất là thời tiết: nóng. Thứ nhì, người Việt quá “quan tâm” nhau- chuyện cá nhân dễ thành đại sự. (Chuyện đại sự thì rất ít người bàn cãi, vì sợ…) Thứ ba, tôi mặc không hợp với thiết kế đó.

Hồi xưa, tôi cứ nghĩ phụ nữ Việt quá là khổ, nhưng giờ tôi tin là họ không khổ lắm, bởi đôi khi chính họ cũng không thấy họ khổ. Lý do chung là: họ có biết sướng là gì đâu… Người già mắc canh me người trẻ, người trẻ thì thích bắt chước Tây một chút, Tàu một mớ, rồi về pha pha trộn trộn, thành “một bọn lai căng” luôn. Vì không có kiến thức căn bản – Không biết khi nào nên che hay khi nào nên khoe là tốt. Chính bản thân tôi cũng vậy.

Hồi hổm, ở cửa ra vào của một câu lạc bộ bơi lội, tôi nghe một bà hơn 70 tuổi nói lý do bắt đầu học bơi với bà bạn già:

– Mỗi khi con trai và con dâu cãi nhau, nó luôn hỏi con trai tôi: “Nếu mẹ anh và em ngã xuống nước thì anh sẽ cứu ai trước?” Và vì không muốn đặt con trai vào thế khó nên tôi phải học bơi!

Bà ngồi kế bên nói: Thôi bà ơi, hôm rồi vợ chồng con tôi cũng cãi nhau và dâu tôi cũng hỏi câu đó. Con trai tôi nói “Mẹ anh biết bơi và mẹ sẽ cứu em”. “Bà dâu” của tôi giận dỗi: “Không được, anh phải nhảy xuống nước, và phải cứu một trong 2 chúng tôi”.

Cô nhân viên bể bơi ngượng ngùng thông báo với hai bà lão: Thưa hai cụ, muốn vào hồ thì phải thay bikini ạ, đây là quy định trang phục của hồ bơi!

Các anh hùng ra… lưng bảo vệ mỹ nhân – Facebook

DU