Bây giờ là 12 giờ đêm, hàng xóm của tôi đang mở “max volume” bài “tuổi biết buồn”, không biết họ buồn gì mà ngày nào cũng mở bài này lên cho cả xóm nghe.

Nụ cười Sài Gòn – Vất vả nhưng Mẹ vẫn tươi cười – Nguồn: Trần Công Thành  

Cũng không biết “tuổi biết buồn” trong nhạc phẩm cùng tên (nhạc sĩ Ngọc Chánh soạn nhạc và nhạc sĩ Phạm Duy viết lời) là tuổi bao nhiêu? Có lẽ là tuổi của một người “có dáng dấp của một sinh viên, lại đang là một sinh viên Văn Khoa của ban sinh ngữ” – đó là lời của nhạc sĩ Ngọc Chánh giải thích khi chọn ca sĩ Thanh Lan để trình diễn ca khúc này đầu tiên.

Tôi đã từng nghĩ bản thân không biết buồn. Vào cái tuổi sinh viên, có buồn thì cũng buồn vụn vặt, buồn vô tri, buồn nhảm nhí, buồn cho… vui. Đôi khi nghĩ vấn đề của bản thân nó lớn lắm, trời sập tới nơi, vậy mà ngủ một giấc dậy trời vẫn ở trên cao, nắng vẫn chiếu vô mặt.

Sau tuổi sinh viên, lúc nào cũng có những nỗi buồn bên đời, vì tôi cũng bình thường như bao người khác. Nhưng có lẽ do trí tuệ cảm xúc có hạn, những nỗi buồn của tôi lúc đó có vẻ vẫn chưa trưởng thành, vẫn còn non nớt. Nỗi buồn vẫn chưa đủ đâm chồi mọc rễ vào trái tim bị bao phủ bởi một trăm hóa đơn mỗi tháng. Nhiều khi ngồi ngẫm lại, không biết cách đây 10 năm, cái ngày mà mình ghi trên trang cá nhân “ngày buồn nhất cuộc đời, sẽ mãi khắc ghi” là ngày gì? Và lúc đó, mình buồn vì chuyện gì?

Đa số các người bạn trên 10 năm đều tin là tôi không biết buồn, vì tôi cũng ít khi buồn, và càng ít khi buồn trước mặt người khác. Trên trang cá nhân mạng xã hội đã mở hơn 15 năm, tôi đanh đá, tôi lảm nhảm, tôi điên điên, tôi lờ đờ, chứ ít khi nào tôi buồn.

Vậy mà hôm nay, không trăng không sao vì mưa đùng đùng, nửa đêm “ngồi tính lại sổ đời”, không biết nên vui hay nên buồn khi tôi nhận ra bản thân cũng biết buồn, dầu không thường xuyên… Như một bữa nắng gắt, trên đường đi học về, tôi thấy đầu hẻm giăng cờ báo tang. Tôi đứng lại, không muốn bước tiếp. Một người hàng xóm thấy tôi, hối: “Dzề lẹ đi, bà Bảy bả mới đi rồi.” Trước đó rất lâu, “bà Bảy” – bà ngoại nuôi tôi đã “bàn” với tôi về chuyện này. Bà hay nói cho tôi nghe về bệnh của bà, bà kêu con cháu “chuẩn bị” sẵn hết, bà bình thản khi nói về chuyện sau khi bà “đi”. Mỗi lần sau vườn có những gốc cây bị bật, những thân cây gãy ngang sau giông tố, bà chỉ vào và nói cây hay người thì như nhau, già yếu thì trốc gốc, chừa đất cho cây mới sinh sôi. Lúc đó, tôi chưa hiểu nhiều, chỉ hiểu là bà đang bị một loại bệnh nặng, sẽ chết, giống như mấy cây già hoặc yếu trong vườn. Còn chết là gì? Tôi không biết… Rất lâu sau này, khi nhìn những hố sâu hai bên đường mà ai đó bứng những cây cổ thụ đi và để lại, tôi thầm ước “bà Bảy” còn sống, tôi sẽ cãi cho bà nghe.

Yêu-ghét rõ ràng – Nguồn: Facebook

Hồi cấp 1, tôi bị cô giáo chủ nhiệm lừa (một chuyện rất lớn) và tới bây chừ khi nghĩ tới câu chuyện đó, tôi vẫn còn tổn thương rất sâu sắc. Có lẽ, tôi đã bị tổn thương tâm lý trầm trọng (thứ “bệnh” thượng lưu này ngày xưa không ai ở Việt Nam biết tới). Lâu lâu, sợi thần kinh ký ức rung lên, kỷ niệm hiện về, tôi lại cảm thấy đau đớn khi nhớ về cú lừa đầu đời đó, nó phần nào khiến tôi ghét việc học và ghét những thầy/cô đã dạy mình, tôi học theo nhiều bạn bè mà làm nhiều trò bất kính. Thật may mắn, trong suốt hành trình đi học lẫn đi làm của mình, tôi gặp vô số thầy/cô tốt, giúp đỡ và yêu thương những học trò cá biệt như tôi vô vàn. Không có họ, có lẽ tôi sẽ là người bất hảo hơn bây chừ rất, rất nhiều lần. Tôi nhớ hoài người thầy dạy Sử hồi cấp 2 của mình, khi ông kêu tôi ra một góc sân trường và nhẹ nhàng nói: “Em thông minh lắm, ráng học nghe. Bây giờ ráng học thì sau này đỡ phải học… Mai mốt đừng có xì bánh xe của thầy nữa nghe.”

Xem thêm:   Căng thẳng

Sau này ra đời, tôi gặp hàng ngàn cú lừa khác, gây tổn thương nặng nề tới tinh thần lẫn vật chất, nhưng tôi vẫn không buồn bằng nỗi buồn đầu đời đó. Hôm rồi, tôi đã bật cười khi thấy một “đồng hương” của mình đăng đàn than thở vì bị lừa, vì chính bản thân tôi cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh tương tự và cũng tự trách bản thân như vậy.

“Bài viết của Thị Măng

Thật sự mình đang lạc lối lắm, như anh Chí muốn lương thiện nhưng xung quanh không cho phép anh hoàn lương vậy. Sài Gòn, quê hương của mình, dễ thương lắm. Mình gặp biết bao nhiêu con người tốt bụng ở đây. Một người xa lạ cũng có thể lại giúp đỡ nhau, không toan tính điều gì. Sài Gòn hào sảng là vậy đó, yêu Sài Gòn biết bao. Mình đã được một chú sống ở gần chỗ học thêm sửa xe ngay đêm tối thui dù mình không quen biết gì chú, được một anh chạy xe kè theo cho không bị lạc đường vì ảnh thấy mình có vẻ không hiểu ảnh đang nói gì, được một bác Grab cho ké xe một đoạn không lấy tiền vì lúc đó mình quá mỏi chân không đi được, mình đề nghị trả thêm tiền cho bác mà bác không lấy, bảo không đáng bao nhiêu, giữ lại lấy mà ăn. Biết bao nhiêu sự tử tế mình được tặng ở nơi này, và mình cũng muốn đem đến tặng cho mọi người. Vậy mà hôm nay, mình bị lừa. 2 năm trước mình cũng bị lừa. Buồn cười nhỉ, bị lừa hoài mà không chừa.

Không mong Sài Gòn hay Việt Nam có những tấm bảng “cảnh báo” như vầy – Nguồn: Facebook

Cô ấy khóc lóc, ráng bám đuôi mình một đoạn đường Bạch Đằng dài với lý do mượn tiền cho mẹ đang cấp cứu vì tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não. Mình ngây thơ quá, nếu bị tai nạn thật thì cô ấy phải ở trong bệnh viện với mẹ, đâu có rảnh mà đi mượn tiền mình. Vậy mà mình vẫn cho mượn, lấy hết tiền ăn cho cô ấy mượn, với lời hứa mỏng manh cô ấy sẽ đến trường mình để trả. Và tháng sau, mình lại thấy cô ấy bám theo một người khác…

Xem thêm:   Tắt thở

Chú ấy khẩn khoản, xin mình hãy giao giúp chú món đồ cho người kia, món đồ ấy có giá trị lớn, nhưng vì trong nhà đó có người chú không thể gặp được nên chú không biết làm sao. Mình nhận giúp chú, nhưng vì chú nói món đồ giá trị lớn, cần có gì đó để làm tin. Chú nói chú đưa chìa khóa xe cho mình, mình đưa điện thoại cho chú. Nghĩ sao lúc ấy ngu thật là ngu. Mình giao đồ không được vì không có người nhận, quay về chỗ cũ thì chú đã cao chạy xa bay. Mình còn giữ cái chìa khóa xe đó tới giờ.

Mình thật sự chán bản thân. Gặp cụ già bán vé số thì không bao giờ mua để giúp cụ vì nghĩ đằng sau đó có bọn giật dây, nhưng lại đi giúp những kẻ như thế này. Thật sự, không thể tin bất cứ thứ gì được nữa…” – Hết trích.

Tôi không chỉ hờn khi chính người Sài Gòn bị lừa ở Sài Gòn, mà đôi khi tôi cũng hờn… ké giùm dân xứ khác. Cách đây mấy hôm, tôi đi Tiền Giang có việc, tôi đã đặt một câu hỏi cho bác tài xế: “Sao miền Tây mình nay có nhiều quán thịt chó vậy bác? Xưa đâu có đâu ta…” Hỏi xong rồi tôi lại thấy mình dở, lỡ hỏi nhằm người thích ăn món này bản thân lại thành kẻ vô duyên. May mắn, bác tài cười hì hì, trả lời: “Bởi giờ người ta để chó đá canh nhà không cô thấy chưa? Chó thiệt nhà nuôi bị bắt trộm miết…”

Tôi còn nhiều nỗi buồn khác, buồn tha thiết, buồn sầu thảm… nhưng nếu đem cân đo, đong đếm thì so với nhiều người chắc chỉ là những nỗi buồn lẻ tẻ, buồn mầm non. Có lẽ, tôi vẫn như hồi còn trẻ, đôi khi nghĩ vấn đề của bản thân nó lớn lắm, trời sập tới nơi. Ngủ một giấc dậy trời vẫn ở trên cao, nắng vẫn chiếu vô mặt. Sài Gòn vẫn còn người tốt, trên rừng vẫn còn cây cổ thụ, chó ở một nơi nào đó có quyền lợi riêng… Và người với người vẫn còn thương nhau?

“Xin cám ơn – Thanh Hiền

Mình chưa từng nghĩ số của mình có thể gặp được một người tốt như vậy. Chẳng là mình huyết áp thấp, hay bị hạ canxi nên lúc nào triệu chứng kéo tới là mình biết liền. Người ta hay gọi là sống chung với bệnh nên riết nhờn.

Niềm vui lẻ tẻ của người Sài Gòn

Nhà mình ở quận 12, nay có việc phải chạy lên Lê Thánh Tôn quận 1. Đi qua bệnh viện quận 1 chừng 1 km là mình thấy bất ổn trong người rồi, tấp liền vào lề, xong ngồi bệt xuống đường ôm xe nén chịu đau. Những lúc hạ huyết áp mình rất mệt, mệt đến độ không nói ra hơi. Bị hoài nên lúc đầu còn cảm thấy bất lực, tủi thân chứ riết cũng quen, vừa chịu đựng vừa thầm nghĩ rồi sẽ qua thôi, xíu nữa nó sẽ lại bình thường.

Xem thêm:   50 cộng đồng người Việt ở Mỹ

Thế nhưng hôm nay khác mọi lần, có một chị đi rút tiền gần đó thấy mình nằm giữa đường vậy tới hỏi thăm, xong nhờ chú bảo vệ toà nhà đỡ mình vô mát ngồi. Chị vuốt vuốt lưng mình cho đỡ mệt, liên tục kiểm tra tình trạng của mình, hỏi mình số điện thoại người nhà hay bạn bè lên rước. Rồi anh đồng nghiệp của chị còn ra mua ly sinh tố bơ, có một cô gần đó cũng mua cho mình ly trà đường…

Chắc có lẽ mọi người nghĩ vậy là xong phải không? Dù sao cũng là người qua đường thôi, giúp đỡ đến vậy mình quý lắm rồi. Nhưng không, chị gọi điện cho ba mình báo tình hình, sau đó bắt taxi chở mình vào bệnh viện quận 1, đưa mình vô phòng cấp cứu. Nhà mình không ai lên được nên chị bất đắc dĩ trở thành “người nhà bệnh nhân”, khai giấy tờ cho mình, lên lầu 1 đóng tiền viện phí cho mình, xong chờ đợi 1 tiếng rưỡi. Trong lúc mình truyền nước, còn đem cả giấy xét nghiệm xuống phòng cấp cứu cho bác sĩ, xong xuôi hết chị mới về.

Trước khi chị về mình hỏi chị số tài khoản để mình chuyển khoản lại tại dù sao số tiền cũng không nhỏ. Nhưng chị chỉ nhẹ nhàng bảo mình: “Em cứ nghỉ ngơi đi rồi chị cho sau.”

Sau khi xác định mình đã ổn là chị về công ty rồi, không để lại phương thức liên lạc gì hết. Các bác sĩ trong phòng cấp cứu bảo nhau người gì đâu tốt dễ sợ, còn đùa “phải chi hồi đó mình xỉu gặp được người tốt như vậy”, “mấy trăm ngàn chứ cũng không ít đâu”.

Có đôi lúc mình thầm nghĩ nếu là mình, mình có sẵn sàng giúp một người lạ không quen không biết đến mức vậy không? Có đưa người lạ tới bệnh viện dù mình đang trong giờ làm việc? Có bắt taxi đến bệnh viện rồi bảo họ “Em đừng lo, chị bắt bằng tài khoản công ty chứ không phải của chị đâu” không? Có trả luôn tiền viện phí cho một người không gặp lại đến lần thứ hai không?

Mình luôn hà tiện và chi li với bản thân mình trong vấn đề sức khoẻ bởi mình biết cơ thể mình thường như vậy, mình chỉ cần nghỉ một xíu sẽ lại bình thường. Nhưng chị chăm mình như chăm đứa em gái nhỏ trong gia đình, khiến mình bỗng dưng cảm thấy cảm động vô cùng. Có lẽ vì trước giờ mình sống hơi không quan tâm người khác, nên khi gặp chị ấy mình cảm thấy rất lạ, và nó cho mình thấy rằng hoá ra cảm giác cuộc sống tươi đẹp là như vầy sao? Chị là người đã thay đổi cách nhìn nhận của mình về cuộc sống…” – Hết trích.

Rồi ngày mai trời lại sáng mà phải không?

DU