“Bạn Đến Chơi Nhà

Đã bấy lâu nay bác tới nhà,

Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

Cải chửa ra cây, cà mới nụ;

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

Bác đến chơi đây, ta với ta.”

Tác giả: Nguyễn Khuyến

Câu chuyện rửa chén, dọn dẹp ngày đầu ra mắt gia đình người yêu chưa bao giờ hết gây tranh cãi. – Ảnh chụp màn hình    

Theo… Google, Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, mất năm 1909. Ông thi đỗ đầu cả ba kỳ thi: Hương, Hội, Ðình, do đó có tên là Tam Nguyên Yên Ðổ. Ông làm quan khoảng mười năm, sau những biến cố chính trị của đất nước, ông cáo quan về quê ở ẩn.

Bài thơ trên được cho là bài thơ thành công, tiêu biểu nhất của ông về mặt văn học, được làm khi ông đã về ở ẩn. Nó bày tỏ về cảm xúc của ông và một người bạn quen nhau chốn quan trường, nay gặp lại ở quê. Lời thơ tự nhiên, nói lên sự hiếu khách của chủ nhà trước một vị khách quý. Tuy tất cả đều thiếu thốn, ngay đến cả cái tối thiểu để tiếp khách như miếng trầu cũng không có nhưng câu cuối cho thấy tình bạn của hai ông vượt lên trên cả những lễ nghi tầm thường. Theo tôi, bài thơ cũng cho thấy ông đã từng là một vị quan thanh liêm. Vì dù đã làm quan to suốt mười năm, nhưng khi về quê làm người “tử tế”, ông không ở “biệt phủ”, cũng không có nhiều người hầu kẻ hạ, thua xa mấy vị “quan” nho nhỏ thời nay!

Tôi không có ý định bình luận văn học hay là ôn lại lịch sử, vì tôi “dốt đặc cán mai, dốt dài cán cuốc” hai thứ này. Tôi chỉ muốn mượn bài thơ của tác giả Nguyễn Khuyến để nói sự hiếu khách, đạo đãi khách của người Việt từ xưa đã rất hồn hậu và phóng khoáng: Không gà, không vịt, không trầu, không nước thì cũng phải có cái tình đậm đà.

Trong thời hiện đại, chúng ta tiếp khách như thế nào? Theo tôi thì cũng tương tự như cụ Nguyễn Khuyến mà thôi, dù hoàn cảnh và xã hội đã khác.

Theo lý thuyết, đầu tiên chủ nhà cần dọn nhà sạch sẽ, giấu những thứ nên giấu đi, khoe ra những thứ nên khoe. Ví dụ, nếu khách là người yêu mới thì nên cất bớt hình chụp chung với người yêu cũ. Nếu khách là người yêu cũ, thì nên đem cô vợ đi… cất (ví dụ thôi, chứ cất hay khoe là quyền của bạn). Tiếp theo là cần nấu (hoặc mua) những món ăn ngon mời khách, theo khẩu vị của khách càng tốt. Hoặc ít nhất cũng phải có một dĩa trái cây đã cắt/ướp lạnh…

Một cô gái “khoe” là đã đập hết “20 mâm chén” vì người nhà người yêu bắt rửa – Facebook

Khi khách về, dù vui hay không thì chủ nhà cũng nên cám ơn khách, cùng nhau hẹn dịp khác, sau đó mới tiễn khách ra tận cổng (để chắc chắn khách đã… về). Nhiệm vụ của khách là hãy ăn mặc đẹp, có chút quà gặp mặt cho vui, khen đồ ăn gia chủ nấu (dù nuốt không trôi), quyết… tâm ra về khi chủ nhà đã tiễn tới cổng (dù rất quyến luyến), khi về đến nhà, nếu có thể, thì hãy gọi báo gia chủ để họ chắc chắn bạn còn… sống, chấm hết! – Dĩ nhiên, lý thuyết trên dành cho những vị khách từ không thân đến thân quý, nhưng chưa đến mức thân cận đến nỗi muốn qua bất kỳ khi nào thì qua, ăn gì/làm chi cũng được như bạn rất thân hay họ hàng hoặc người thân trong nhà…

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Như vậy, có thể hiểu, bạn gái mới của con trai, lần đầu đến ra mắt gia đình là những vị khách xứng đáng được hậu đãi theo lý thuyết trên, vì họ là người dưng. Ít ra, gia chủ không cần dọn dẹp nhà sạch, không cần bánh ngon, nụ cười đẹp, thì cũng cần “nâng như trứng, hứng như hoa” một vị khách mới đến nhà lần đầu tiên một cách lịch sự, vì có thể “nó” sẽ không đến thêm lần nào nữa. Nhưng nhiều năm gần đây ở Việt Nam, đặc biệt là phía Bắc, luôn nóng hổi những câu chuyện có tựa đề “ra mắt nhà bạn trai” với những nội dung không hề liên quan đến hai từ “hiếu khách”. Bằng chứng là, trên mạng, báo Việt Nam đã có không ít bài nói về việc các cô gái lần đầu ra mắt gia đình người yêu đã phải xắn quần lên dọn dẹp nhà cửa, xắn áo lên vào bếp nấu nướng, sau khi ăn thì dọn rửa quần quật một mình hết nửa ngày, rồi ra về với vẻ mặt thất thần, mồ hôi nhễ nhại, áo váy nhăn nhúm, tóc tai luộm thuộm, son phấn chảy bết… không phải do bạn trai gây ra, mà do rửa mâm chén, tắm mấy đàn heo, nấu mấy mâm tiệc, lau 6 tầng nhà, chặt tỉ con gà… theo lời đề nghị của chủ nhà (là người lớn trong gia đình bạn trai). Nhưng cuối cùng, các cô gái ấy vẫn bị gia đình “đàn trai” xét nét từng ly từng tí, vạch lá tìm sâu để mà chê trách, dù chưa chắc hai bạn trẻ có (thèm) đến với nhau trong tương lai nữa hay không.

Xem thêm:   Ăn năn - mặc kệ

Dù có quá nhiều người lên án, tranh luận, thậm chí có bà mẹ kia viết: “Con gái à, lần đầu tiên ra mắt nhà bạn trai đừng bao giờ rửa bát”. Nhưng thực trạng này vẫn diễn ra mỗi ngày. Nhờ vậy, chủ đề này không bao giờ là lỗi thời hay được dừng lại. Rồi từ những bài than thở về việc “ra mắt nhà bạn trai” thì các bạn trẻ Việt Nam đã “update” lên một trình độ khác khi nói về vấn đề này, đó là “làm thế nào khi bị bắt làm quá nhiều việc trong ngày đầu ra mắt gia đình bạn trai?” Người thì chọn cách bỏ về. Người thì chọn cách “đập một lần rồi thôi”: có nghĩa là đập hết số chén/bát mà nhà bạn trai “nhờ” rửa. Người thì chọn cách nói chuyện phải trái với gia đình bạn trai và bạn trai… Suy cho cùng, cách nào cũng dẫn đến việc kết thúc cuộc tình, khi gia đình đàn trai xét nét quá đà.

Cô gái… chặt rau – Facebook

Dĩ nhiên, trong số đông những bạn trẻ chọn làm “khách” thì cũng có nhiều bạn trẻ chọn cách sống theo “truyền thống”. Coi “lao động là vinh quang”. Vì vậy, bên cạnh những người chủ nhà không mấy hiếu khách thì chúng ta luôn có những vị khách nhiệt tình quá với khả năng của mình. Như mới đây, có một thanh niên tên Tuấn Uchiha đăng hình bó rau muống được… chặt ra làm đôi lên mạng xã hội rồi than vãn:

“Chuyện là hôm nay em có đưa người yêu về ra mắt gia đình lần đầu tiên. Em cũng có dặn là mẹ em rất coi trọng bữa cơm gia đình nên hy vọng người yêu sẽ nhiệt tình giúp đỡ trong bếp một chút, mẹ không bắt nấu đâu chỉ cần ngồi sơ chế là được rồi.

Xuống xe cái là người yêu em nhảy vào bếp luôn, lúc đầu thì hai bác cháu cũng nói chuyện rả rích hỏi thăm các thứ, em thấy ổn ổn rồi mới quay ra dọn dẹp nhà, được một lúc thì tự dưng thấy mẹ em quát lên:

– Ối giời ối giời, ai bảo chặt thế, ai bảo thái thế, thế này thì ăn làm sao được…

Nói thật là lúc đấy em sợ quá, chạy vào trong thấy người yêu đang trong tư thế cầm dao thái bó rau muống, mặt tái xanh như lá rau, mẹ em thì mặt xám ngoét.

Người yêu em run rẩy: Dạ…tại…tại rau nó nhiều quá cháu thái cho nhanh.

Chàng trai xung phong gắn máy lạnh – Facebook

Mẹ em ngồi ngay xuống giật bó rau khỏi tay người yêu em xong bảo: Thôi thôi cháu vào trong kia ngồi đi không phải làm gì đâu, chặt một mớ là đủ rồi, để mớ này bác nhặt.

Xem thêm:   Hậu quả của chính sách một con

Người yêu em sợ nhưng vẫn không dám đứng lên, em còn chưa kịp nói gì thì mẹ em bảo thêm: Tuấn xem mấy giờ rồi đèo bạn về cho sớm kẻo trời tối rồi!

Em hậm hực: Mẹ làm gì mà khó tính thế, chưa biết thì dạy, em vào đây nhặt đi anh nhặt cùng em

Mẹ em phẩy tay luôn: Thôi thôi không khiến, nhặt mớ rau cũng không nhặt được, thái thế này để khách khứa cười vào mặt cho hả, thôi đèo bạn về kẻo muộn! Tôi không bao giờ chấp nhận cô con dâu nào cầm dao ra chặt rau đâu nhé!”

Hoặc có một cô gái đăng hình anh người yêu của mình lên mạng rồi kể:

“Ðây là ông người yêu của tôi, hôm nay đến nhà chơi. Ðúng lúc bố tôi mua cái điều hòa về mà chưa gọi được thợ gắn, thế là người yêu tôi hăng hái khoe:

– Cháu tốt nghiệp khoa Ðiện trường Bách Khoa, để cháu gắn cho.

Chó xóm Du Uyên rất “hiếu khách”, luôn “cầm” gạch “chào mừng”

Cái rồi người yêu tôi bắc thang ra đứng hơn 2 tiếng đồng hồ không gắn được cái máy lạnh. Ổng không gắn được, nhưng không dám mở miệng cũng không dám xuống, còn bố tôi thì cứ đứng dưới đợi xem có cần hỗ trợ gì không. Cuối cùng mẹ tôi sợ ổng say nắng, nên phải gọi ổng xuống rồi kêu thợ điện đến gắn cái máy lạnh.”

Thật ra bản thân tôi, từ nhỏ cũng được dạy là không được ngồi chơi khi qua nhà ai đó, lúc gia chủ đang bận rộn. Nhưng cái tôi được dạy còn có: làm những việc vừa sức với mình, không nên nhận những việc mình không thể hoàn thành, ngoài ra còn phải hỏi kỹ trước khi làm. Và những chủ nhà mà tôi được ghé chơi, chưa ai để tôi bơ vơ nấu hết mâm tiệc (có lẽ họ sợ bị thuốc chết?) hay bắt một mình tôi rửa sạch “20 mâm bát” như những người trẻ bên kia đã bị.

Tôi cũng được dạy, với tư cách là một chủ nhà, tôi phải có nhiệm vụ mời “bạn đến chơi nhà” chứ không phải mời “bạn đến… lau nhà”. Nên tôi sẽ phải từ chối mọi lời đề nghị nấu ăn/rửa chén/lau nhà/tắm heo… đến từ một vị khách mới đến nhà lần đầu, nếu người đó chưa thật sự thân thiết với mình (nếu thân thì tôi sẽ ‘nhường’ hết mọi “vinh quang của lao động” cho bạn mình, không ‘giành’ bao giờ). Tôi nghĩ, đó là lòng tự trọng của một người đang là khách hay chủ nhà nên có (mặc dầu, với một số người, lòng tự trọng là xa xỉ).

Quả tình, sau khi đọc 7749 bài viết kể những chuyện “ra mắt nhà bạn trai” từ những bạn trẻ xứ Bắc trên mạng xã hội, sự nóng lòng tìm… chồng của tôi đã vơi đi ít nhiều. Tuy nhiên, tôi vừa được  một người bạn trên mạng xã hội (là người xứ Bắc) an ủi: “Ðừng lo, mày không đủ “chuẩn” làm dâu xứ Bắc đâu!”

DU