Bên cạnh “giấc mơ Mỹ”, hàng chục năm nay, rất nhiều người lao động Việt có “giấc mơ Nhật”.

Ðã là “giấc mơ” thì đều cao xa và mờ ảo, nhưng có vẻ “giấc mơ Mỹ” xa vời hơn với người Việt so với những “giấc mơ” khác, vì khoảng cách địa lý, những quy định nhập cư nghiêm khắc…  Ðộ tốn kém, xa xỉ và khó khăn của con đường đi tới “giấc mơ Mỹ” đã làm nhiều người chùn bước. Nên Nhật chính là nơi mà nhiều người Việt nuôi dưỡng giấc mơ cho tương lai hơn, thông qua các hợp đồng (xuất cảng) lao động, hợp đồng hôn nhân, hợp đồng ở lậu… Bên cạnh những “giấc mơ” Hàn Quốc, Ðài Loan, Singapore, Thái Lan…

Không biết từ bao giờ, chỉ biết là từ rất lâu rồi, ở vài tỉnh Miền Tây có nhiều nơi rộ “mốt” nuôi con gái “tới tuổi” là cho lấy chồng Hàn/Nhật thông qua môi giới. Những cuộc “tuyển chọn” cô dâu Việt không còn lén lén lút lút như thuở ban đầu, mà công khai hơn, “bình thường hóa” hơn (coi các gameshow trên tivi, không ít lần tôi nghe các cô gái nhắc tới việc gia đình bắt đi lấy chồng Hàn/Nhật khi “tới tuổi” hoặc suýt lấy chồng Hàn/Nhật (thông qua môi giới) một cách thản nhiên – mà không bị nhà đài cắt bỏ) – dầu việc này không đúng về mặt luật pháp. Khắp Việt Nam, có những nơi mà hầu hết nam thanh nữ tú mới lớn (chưa định hướng được tương lai khác) coi việc kiếm “đường” đi “xuất cảng lao động” là “kim chỉ Nam” (chui hay “chính thống” còn tùy vào khả năng bản thân và điều kiện, các mối quan hệ của gia đình). Nhật cũng được coi là nơi “cao cấp” nhất trong những nước người Việt chọn “xuất cảng lao động”. Ngoài ra, du học sinh Việt chọn Nhật cũng khá cao, khi không đủ điều kiện đi Mỹ/Châu Âu.

Bên cạnh những khác biệt và hạn chế mà nơi nào cũng có, Nhật có quá nhiều thứ để người Việt thích thú, ngưỡng mộ: Từ độ bền của hàng hóa (dầu là cũ), sự tinh tế/kỷ luật trong đời sống/tính cách của người Nhật, ngành phim ảnh 18+ ở Nhật… Những tin tức về nước Nhật (như gần đây, người người nhà nhà cùng nhau bàn tán xôm tụ về Hoàng Gia Nhật Bản thông qua cuộc hôn nhân “sóng gió” của “cựu công chúa” Mako cùng chồng “thường dân”) chưa bao giờ ngưng “hot” với người Việt. Cùng thuộc Châu Á, nhưng với người Việt, Nhật có vẻ xa xôi lắm, từ nền văn hóa đến nền kinh tế vững chắc. Bởi vậy, lâu lâu có nhiều người Việt coi những việc bình thường của người Nhật là “làm màu”. Như cách đây vài tháng, có vài du học sinh Việt (ở Nhật) đã nhại lại cách cúi chào của người Nhật một cách châm biếm ở giữa đường phố Nhật (bằng cách đứng vái lạy xe hơi nhường đường), quay video lại đăng lên mạng, bị nhiều cư dân mạng ở Nhật và Việt Nam lên án.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Oan cho “anh Nguyễn” không? – Facebook

Hoặc sau trận đấu giữa đội Việt Nam và Nhật Bản trong vòng 3 World Cup 2022 (tối 11-11), trên sân Mỹ Ðình (Hà Nội). Tuy tuyển Việt Nam phải “phơi áo” trước đối thủ Nhật, tuy là sân nhà Việt Nam, nhưng sau trận đấu, chỉ có cầu thủ Nhật cặm cụi đi vòng quanh sân banh và lượm hết chai nước mà hai đội đá banh đã dùng (ki hốt rác, chổi được chính các cầu thủ Nhật “xách tay” từ Nhật qua Việt Nam). Ngoài ra, sau đó, ngày 13-11, báo chí Việt Nam và trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa (của huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam – ông Park Hang-Seo) hứng thú bừng bừng đăng những tấm hình phòng khách sạn của các cầu thủ Nhật Bản tại Hà Nội. Không phải để “review” nội thất, mà để nói rằng: Sau trận đấu với Việt Nam, các thành viên đội banh Nhật Bản về khách sạn ăn nhẹ rồi thu xếp hành lý để lên đường sang Oman chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Dù thời gian gấp, các thành viên của đội banh xứ hoa anh đào vẫn thu dọn phòng sạch sẽ, phân loại rác gọn gàng trước khi lên xe ra sân bay. Nhìn hình ảnh các phòng y như mới, chưa được ai dùng qua bao giờ. Ðiều này không lạ với người Nhật, nhưng lại lạ với “phe ta”, nên các cầu thủ Nhật bị nhiều “anh hùng bàn phím” Việt Nam cho là “làm màu”.

Nhiều công ty ở Việt Nam cũng từng muốn nhân viên học cách lễ phép của người Nhật và bị cư dân mạng Việt cho là “làm màu”. Như những tranh cãi trên mạng về hình ảnh nhân viên mặt đất tại phi trường Tân Sơn Nhất cúi gập mình trước hành khách, hoặc các tranh luận về việc nhân viên của ông chủ tịch công ty cà phê Trung Nguyên Ðặng Lê Nguyên Vũ phải cúi người chào cấp trên.

May mắn là người Việt chưa bao giờ bị cho là “làm màu” ở Nhật, hầu như không có công ty Nhật nào chọn văn hóa Việt Nam để dạy cho nhân viên mình, nên cư dân mạng Nhật không bận rộn với những tranh cãi tương tự ở chiều ngược lại. Nhưng trong cái may có cái rủi, thông qua các… vụ án được đăng báo mỗi ngày, các hành động trắc nết của nhiều người Việt tại Nhật, hai chữ Việt Nam tuy cũng trở nên quen dần với người Nhật. Nhưng lại ở chiều hướng xấu xí, hơn cả hai chữ “làm màu”:

Ngày càng có nhiều bảng “chỉ dạy” cách làm người “bình thường” bằng tiếng Việt tại Nhật: yêu cầu/cầu xin không ăn trộm, yêu cầu xếp hàng, yêu cầu giữ trật tự, yêu cầu bảo vệ môi trường/không xả rác/viết, vẽ bậy… Nhiều tờ báo Nhật quen dần với từ “sóc dĩa” (một trò cờ bạc ở miền Bắc), sau khi đăng quá nhiều vụ bắt giữ các con bạc Việt Nam. Ở các vụ án trộm cắp chưa bắt được thủ phạm, hai chữ Việt Nam cũng bị cư dân mạng Nhật réo tên đầu tiên. Cuối tháng 10-2021, 4 người đàn ông đã bị ghi hình lại cảnh ăn cắp cá tại một cảng cá ở thành phố Itoshima, tỉnh Fukuoka. Ðây không phải là vụ trộm cá đầu tiên mà đã có hơn 50 vụ trộm như vậy được báo cáo. Chưa biết rõ thủ phạm là ai cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra vụ án. Nhưng hàng loạt người Nhật đã vào bình luận cho rằng:

Xem thêm:   Cấm TikTok

“Có lẽ là người Việt Nam”.

“Ðây là anh Nguyễn” (グエンさん)…

“Vote 1 phiếu cho Việt Nam”.

“Cứ tùy ý gọi anh Nguyễn đi”.

“Việt Nam đúng không?”

“Chắc là Việt Nam rồi…”

“OK, Việt Nam! Trung Quốc! Là nước nào đây?”

Vài vụ án “đa dạng” gần đây của các “anh Nguyễn” tại Nhật – Facebook

Hoặc vụ  mất trộm 107 trái dưa “Arusu melon” sắp được thu hoạch từ ruộng dưa của ông Yasuro Tanuma (74 tuổi), một nông dân ở thành phố Kamisu, tỉnh Ibaraki (Nhật). Các “anh Nguyễn” (họ phổ biến của người Việt) cũng đồng loạt được cư dân mạng Nhật “triệu hồi” từ các bình luận ở dưới các trang mạng xã hội đến YouTube, Yahoo… Và hàng trăm vụ án tương tự.

Bởi vậy, không có gì lạ khi nhiều “anh Nguyễn” bị “kỳ thị” nơi xứ người, dầu họ chưa làm gì nên tội. Như chị Thu Hiền bình luận dưới một bài đăng về việc một người đàn ông Việt ăn trộm thuốc trên 50 lần, không trộm được còn đánh luôn quản lý hiệu thuốc (tại Nhật): “Ðiên thật. Vì những con sâu bỏ rầu nồi canh thế này mà những người khác bị ảnh hưởng. Mình đi mua thuốc, mà cứ đi đến đâu nhân viên cũng theo sau, nhìn chằm chằm đến lúc ra tính tiền, mặt thờ ơ kiểu “xem chúng mày có trả tiền không?” Ðến lúc trả tiền rồi, họ mới niềm nở kiểu “may mà gặp người Việt không đi ăn trộm. Ðiều chưa từng có ở Nhật, dầu mình ở hơn 10 năm nay. Van xin các bạn đấy!”

Hay bình luận của bạn Nam Dinh: “Trong trường tôi không dám giới thiệu mình là người Việt với bạn mới luôn, họ không bất lịch sự với mình nhưng có gì đó tránh né dữ lắm!”

Ngoài bị người bản xứ “kỳ thị”, nhiều người Việt tại Nhật cũng… kỳ thị nhau trước cho “chắc”. Tránh “liên lụy” khi có “chuyện chẳng lành” xảy ra.

Càng tệ hơn nữa là, khác với sự buồn bực và “nóng ruột” của những “anh Nguyễn” đàng hoàng. Những ai phạm tội vẫn vô tư phạm tội. Mỗi ngày, tại các trang báo/các group người Việt ở Nhật, không bao giờ ngơi các tin tức về tội phạm Việt ở Nhật. Từ trộm cắp đến buôn lậu, mại dâm, giết người, hành hạ thú cưng, thanh toán lẫn nhau… có đủ. Ở nhiều vụ án, người phạm tội sau khi bị bắt vẫn không cảm nhận được tội của mình. Như mới đây, khi cảnh sát Nhật bắt giữ một thanh niên Việt Nam ở quận Abeno, Osaka – Vì làm cháy hai căn nhà sau khi vứt tàn thuốc lá sang nhà hàng xóm từ ban công tầng 2 của nhà mình. Chàng đã trần tình với cảnh sát rằng: “Em không nghĩ rằng sẽ gây ra hỏa hoạn, vì em đã vứt như vậy nhiều lần mà không sao cả.”

Cách vái lạy của nhóm thanh niên Việt Nam (ở Nhật) để “giễu” cách chào của người Nhật (Ảnh: Cắt từ clip)

Nhiều khi tôi đọc tin tức về các vụ án của người Việt tại Nhật xong, tôi thầm nghĩ, nếu tôi là người Nhật, chắc chắn tôi sẽ rất ghét các “anh Nguyễn”. Ghét không biên giới, ghét vô thiên lủng luôn. Vậy mà, sau bản tin dưới đây, tôi lại nhìn thấy thêm một phẩm chất tốt của dân Nhật, cũng là cái hay của chế độ không độc tài.

Xem thêm:   Chó...

Mới đây, cảnh sát Nhật đã bị dân Nhật, dân Việt ở Nhật và ông Masataka Adachi – chủ tịch hiệp hội luật sư tỉnh Toyama chỉ trích dữ dội vì bắt giữ 14 người Nhật khi chưa xác định được tội trạng và chưa có lệnh tạm giam. Dầu họ bị tình nghi có liên quan tới âm mưu sát hại một người Việt Nam. Dầu nhiều người Việt cho rằng việc làm trên của cảnh sát Nhật khá “nhân văn” với những người con dân Việt xa nhà, cho họ có cảm giác như ở quê hương. Nhưng ở Nhật thì đây là một việc bất hợp pháp và vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng. Không ai được bắt người khi không đủ chứng cớ, cũng không nghi phạm nào ở Nhật có quyền chết bằng dây luồn quần, dùi cui chạm vào má hết… Bởi vậy, dân Nhật cảm thấy lạ với việc bắt giữ này, y như cách dân Việt cảm thấy lạ với việc các cầu thủ Nhật dọn rác sau trận banh ở trên vậy. Và cảnh sát bị chỉ trích. Thậm chí, chỉ trích vô tư, mệt thì nghỉ, không ai bị “mời” lên “phường” uống trà.

Người Nhật ghét người Việt, nhưng họ vẫn yêu công lý. Quan trọng là họ hiểu rõ công lý ở đất nước họ không phải là diễn viên hài. Cảnh sát Nhật cũng không phải là vua. Ngay cả hoàng gia Nhật cũng bị sức ép từ dân chúng, vì dùng tiền thuế của người dân. Rất nhiều điều hay và đáng học hỏi ở người Nhật, dành cho dân lành lẫn nhà cầm quyền ở Việt Nam. Ví dụ như… tôi, mỗi lần đọc tin thấy người Trung Quốc nào bị bắt ở Việt Nam, không cần biết họ có phạm tội hay không, tôi thấy… vui trước. Ðọc tin trên thấy chột dạ vô cùng. Không biết có nên vui tiếp không.

DU