Sống ở thành phố Thiên Thần (Los Angeles) rất lâu, mà ít khi tôi có dịp ghé thăm trung tâm thành phố, tức Downtown of Los Angeles, California.
Mới đây, Tổng Thống Trump đã viếng thăm nơi này và lên tiếng chỉ trích vấn đề vô gia cư tại đây. Ông cho rằng người dân sống trên đường phố đã hủy hoại uy tín của hai thành phố đông dân nhất của tiểu bang Cali – đó là Los Angeles và San Francisco.
Giống như nhiều cư dân thành phố, hễ nghe nói phải lái xe về hướng phố là ai cũng tìm cách tránh đi vào trung tâm vì nơi ấy đường phố chật hẹp, khó tìm chỗ đậu xe, lại bị kẹt xe kinh khủng nhất là vào những giờ cao điểm. Sau mấy mươi năm, lần này tôi mới trở lại con phố xưa vào một ngày cuối tuần, và có cơ hội đi bộ qua vài con đường chính quan trọng của thị trấn Thiên Thần.
Tâm trạng của tôi hồ như tâm trạng của một “Cô Thắm về làng”. Nghĩa là kinh ngạc và sững sờ với những đổi thay tân kỳ của bộ mặt thành phố. Hồi đó những người dạo phố phần lớn là người Mễ Tây Cơ, còn bây giờ có đủ mọi sắc tộc vì ngày nay nó phát triển quy mô thành những khu thương mại mà du khách được giới thiệu để viếng thăm hàng ngày.
Nói đến kiến trúc và văn hoá nơi này, có thể nói đến một nền văn hoá và kiến trúc pha trộn nhau một cách hoà điệu. Cái cũ và cái mới hoà quyện vào nhau để hình thành một cái gì đó thật độc đáo mang tính đa sắc tộc, đa văn hoá.
Khu thương mại L.A. là một phần của thành phố, nơi các tòa nhà chọc trời kề vai với nhau bên cạnh các tòa nhà lịch sử, viện bảo tàng và các rạp chiếu phim. Bạn không bao giờ biết những gì bạn sẽ tìm thấy quanh các góc phố hay các con đường kế tiếp. Ðó có thể là một bức tranh tường đầy màu sắc bao phủ bên hông một tòa nhà, một bảo tàng âm nhạc, hoặc một tuyến đường sắt hình phễu. Hoa Kỳ có nhiều nơi rất thú vị cho du khách viếng thăm, nhưng Downtown L.A. là một trong những nơi thú vị nhất vì nó rất đa dạng. Qua bao năm tu bổ đường sá và kiến trúc, phố L.A. đã mặc áo mới với nhiều toà nhà chọc trời trong lối kiến thiết lạ lẫm và tân kỳ. Hơn bao giờ hết với sự đổi mới hiện đại, Los Angeles rực rỡ như thành phố của các vị thần.
Toà nhà Walt Disney Concert Hall được hoạ kiểu bởi Kiến trúc sư Frank Gehry được xem là một kiệt tác về kiến trúc. Từ trong ra ngoài, nơi nào các bạn cũng tìm thấy những góc cạnh, những hình thể đối xứng khác nhau trông rất hiện đại và tân kỳ. Toà nhà xây năm 2003 này đã biến thành một biểu tượng của thành phố Thiên Thần, như Nhà Hát Con Sò của Sydney, Úc Ðại Lợi.
Muốn được xem toàn thành phố từ trên cao bạn có thể mua vé để lên tít trên tầng 69 của toà nhà OUE Skyspace L.A. gồm 70 tầng. Tòa tháp mang tính biểu tượng này đã góp mặt trong nhiều bộ phim, xếp thứ 92 trong 100 tòa nhà cao nhất thế giới, và cao hơn một ngàn feet. Ði thang máy lên, sau đó bước ra sân thượng có tường bằng kính với tầm nhìn tuyệt đẹp, bạn sẽ ngắm được toàn thể thành phố tới ba trăm sáu mươi độ. Bạn sẽ có cảm giác như đang đứng trên một bờ vực. Ði vào ban ngày bạn sẽ thấy một cảnh của Downtown L.A. trải dài đến tận dãy núi San Gabriel xa xôi. Về đêm bạn có thể chiêm ngưỡng thành phố Thiên Thần lấp lánh sáng bởi hàng triệu ngọn đèn.
Nếu bạn là người thích tìm hiểu về khoa học, văn học, nghệ thuật, phim ảnh, hay âm nhạc, L.A. có rất nhiều viện bảo tàng cho bạn vào xem. Bạn chỉ cần chọn bảo tàng nào có trưng bày hợp với sở thích của bạn. Nào là The Broad, Getty Center, Getty Villa, Hammer Museum, Grammy Museum, Annenberg Space for Photograpy, The Marciano Art Foundation, LACMA, MOCA, Skirball, Norton Simon Museum, Huntington Library. Nếu đói bụng thì những nơi ấy đều có rất nhiều nhà hàng với đủ loại thức ăn quốc tế cho bạn chọn. Nếu có xe, bạn có thể ghé Grand Central Market là ngôi chợ cổ xưa hàng trăm năm để mua rau và hoa quả tươi. Nơi đây là chốn thích hợp cho ai thích thức ăn hè phố và quà vặt.
Người Nhật và người Hoa, đều có con phố cho sắc tộc của mình ở L.A. Little Tokyo gần hơn phố Tàu, với thức ăn và quà lưu niệm đặc thù của dân tộc xứ Phù Tang. Xa hơn chút là China Town gọi nôm na là “Phố Tàu”, được thành lập năm 1880. Sau năm 1975 một số người Tàu-Việt đến đây định cư. Dần dà họ dọn về các vùng khác như Monterey-Park, Alhambra, Rosemead, Arcadia, Hacienda Heights. Phố Ðại Hàn thì bạn phải đi xa hơn nữa để thấy những cộng đồng người Mỹ gốc Á càng dần dà phát triển đẩy lùi cộng đồng người Mễ đi xa hơn về phía khác.
Phố thị nào cũng là chốn phồn hoa đô hội với đủ các món ăn chơi. L.A. có một trung tâm được gọi là Staples Center để các môn thể thao có thể diễn ra ở đây. Sân chơi này có sức chứa 20 ngàn người với diện tích 950 ngàn square feet đủ để tổ chức các môn chơi như football, ice hockey, basketball, boxing. Nơi này cũng đón chào các buổi trình diễn âm nhạc của các ca nhạc sĩ nổi tiếng và lễ trao giải Grammy.
Nếu bạn là cư dân thích mua đồ sỉ, bạn có thể đến Los Angeles Wholesale District, nằm rải rác ở các con đường quanh trung tâm thành phố. Nào là khu vực bán hoa sỉ, quần áo thời trang sỉ, nữ trang vàng bạc sỉ, rau cỏ, trái cây thịt thà sỉ. Nghĩa là khu vực này dành riêng cho các thương nhân đến mua hàng đem về bán lẻ cho các khu vực khác, nên tấp nập vô cùng. Ðó là lý do phố lúc nào cũng kẹt xe, chỗ đậu xe giá rất cao, phải nói là cắt cổ khách đậu không thương tiếc. Nếu bạn muốn mua gì đó với một số lượng lớn cho một đám cưới hay tiệc tùng, bạn có thể dùng ông Google tìm kiếm địa chỉ khu Wholesale trên Downtown Los Angles, bạn sẽ tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. Hoặc đến sắm nữ trang ở khu Jewelry District ở khoảng đường số 6th với hàng trăm tiệm nữ trang bán vàng và đá quý, vừa sỉ vừa lẻ. Bạn tha hồ lựa nhẫn cưới hay kim cương với các hoạ kiểu độc đáo tuyệt đẹp. Dĩ nhiên là các bạn có thể khảo giá và trả giá.
Chợ trời Santee Alley Flea Market là một nơi nhộn nhịp, đông đúc rất vui, bạn nên ghé thăm để tìm ra nhiều sản phẩm mới giá rẻ. Nơi đây mang tiếng là chợ trời nhưng không bán đồ cũ mà toàn đồ mới. Họ bán quần áo, giầy dép, túi xách, mũ nón, và đủ loại phụ tùng thời trang, quà lưu niệm v.v. với giá bình dân. Chợ mở cửa 7 ngày một tuần từ sáng đến 6 giờ chiều, lúc nào cũng đầy người.
Nói đến phương tiện giao thông, L.A. có các phương tiện công cộng như xe bus thành phố, xe bus đường dài (Greyhound), xe điện (subway), xe lửa (train) v.v. Nhà ga Union Station là nơi đi và đến của những chuyến xe lửa xuyên bang. Những chuyến Amtrak đi Seattle, Chicago, New Orleans, San Antonio mỗi ngày là những tuyến xe lửa đầy thú vị. Hành khách cũng có thể đi các tuyến đường ngắn xuyên thành phố như từ Los Angeles đến San Diego, San Luis Obispo, San Joaquin, Oakland, Sacramento… Ngoài ra nơi đây còn là trạm dừng và di chuyển của các xe điện subway và bus Metro. Thời buổi giá xăng mắc mỏ, xe kẹt tứ phía, người dân dùng phương tiện công cộng thay cho xe hơi để di chuyển rất nhiều, nhất là các cư dân phải làm việc ở downtown L.A. – vừa nhanh vừa rẻ, lại tránh được áp lực vì phải lái xe trong một thành phố đặc kín khói xe hơi. Mỗi ngày có khoảng 110 ngàn người ngược xuôi trong nhà ga đầy nét cổ kính đã xây được hơn 80 năm này.
Ðiều đáng buồn mà Tổng Thống Trump đã nêu lên về những kẻ không nhà homeless chiếm cứ những lề đường để ngụ cư ở Downtown L.A. là chuyện thông thường xảy ra ở bất cứ thành phố đông dân nào cũng có. Nhất là các thành phố ở những nơi khí hậu ôn hoà, không lạnh lắm, mà người vô gia cư có thể chịu đựng được cái lạnh qua các mùa đông giá buốt, số người homeless càng đông hơn. Ngay ở Hawaii cũng vậy, họ căng lều hay ngủ rải rác trên bãi biển, ở góc phố kín gió hay gần những nơi thức ăn, quần áo được phát chẩn thường xuyên. Các quốc gia khác cũng không ngoại lệ. Ðời sống càng khó khăn, việc làm không có, dân số gia tăng, nhà cửa, đất đai mắc mỏ, đi đâu cũng có homeless, tránh đâu cho khỏi?
Dù sao Los Angeles lỡ mang tên là thành phố của các vị thần thì trong các vị thần hạnh phúc, cũng phải có các vị thần bất hạnh không nhà phải không bạn?
TTT thực hiện
Orange County, CA