Đã từ lâu trong lòng tôi, tiếng gọi của miền Alaska hoang dã cứ thôi thúc không ngừng. Tôi đã viếng tiểu bang đầy những băng tuyết giá lạnh này cách đây 10 năm trong một chuyến hải hành khứ hồi, khởi đi từ bến cảng Vancouver BC của Canada. Lần này tôi lại lên đường trở lại miền đất hoang dã tận cùng nước Mỹ trong một chuyến du lịch vừa bằng đường bộ và đường biển vào một ngày cuối tháng Năm.

Photo: TTT/trẻ

Alaska là một vùng đất có sức quyến rũ du khách không những vì nét đẹp hoang dã, ít dấu chân người, nó còn có một thứ làm ngạc nhiên và gây ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đó là sông băng và băng trôi, vì có thể trong đời bạn chưa từng bao giờ được trải nghiệm. Thật vậy, 10 năm trước vào một buổi bình minh khi tôi đang tập thể dục trên tầng cao nhất của chiếc du thuyền 12 tầng đang đi vào một eo biển hẹp, trước mắt tôi, phía ngoài những cửa kính của mũi thuyền, mặt biển bắt đầu lác đác xuất hiện những tảng băng trôi, càng lúc càng nhiều. Tôi vội vàng chạy ra ngoài ban công xem cho rõ, để thấy mình như lạc vào một giấc mơ hoang đường.

Chung quanh tôi là những tảng “băng trôi” (iceberg) đang lềnh bềnh nổi trên mặt đại dương xanh ngát. Chúng có đủ hình dạng, đủ kích cỡ, màu xanh lam, xanh lục, đen, hoặc tím nhạt lấp lánh nắng thủy tinh trông đẹp như các khối pha lê màu, cái trong, cái đục. Mắt tôi chưa bao giờ kinh ngạc và mở lớn đến vậy. Bạn có thể thấy tuyết, sờ tuyết, nhưng băng trôi, bạn chỉ có thể thấy được ở các đại dương cực lạnh như ở đây.

Hoàng hôn trên biển Alaska. Photo: TTT/trẻ

Sau đó hơn thế nữa, bạn sẽ được viếng sông băng (glacier) là những băng tảng khổng lồ còn được gọi là băng hà được thành hình từ rất nhiều năm, nhiều thế kỷ. Các dòng sông băng này đang từ từ tan chảy ngày càng nhiều, vì hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Ðó là lý do tôi vội vã đi Alaska lần nữa. Bạn cũng nên đi, vì không biết sau này có còn cơ hội đươc xem nữa không. Lần thăm này, tôi tận mắt chứng kiến được sự sụp đổ khủng khiếp của những lớp sông băng lúc tàu đi ngang Hubbard Glacier. Từng lớp băng rơi xuống gây tiếng động kinh hồn như được đặt chất nổ vậy. Du thuyền không dám lại gần, chỉ đứng từ xa cho mọi người xem thôi.

Muốn được đặt chân lên Sông Băng bạn phải đi tàu nhỏ hay trực thăng mới có thể  tiếp cận và chụp hình thật rõ những tạo vật kỳ vĩ của thiên nhiên đang dần dần biến mất. Với rất nhiều những chuyến hải hành bằng du thuyền do các hãng tàu lớn tổ chức, bạn có nhiều cơ hội mua tour du lịch Alaska bằng đường thủy giá rẻ. Các tour du lịch chỉ tổ chức đi Alaska vào mùa Hè khoảng giữa tháng Năm cho tới giữa tháng Chín, ngoài ra tiểu bang này hầu như hoàn toàn đóng cửa vì thời tiết quá lạnh. Giá vé tùy theo từng loại và hạng du thuyền bình dân hay thật sang, mới hay cũ do bạn chọn. Nó cũng tùy thuộc vào hạng có ban công, cửa sổ hay không mà giá thành các chuyến hải hành của bạn khác nhau rất nhiều.

Hubbard Glacier. Photo: TTT/trẻ

Bạn có thể tìm một Tour Agency lo cho bạn từ A đến Z nếu bạn không màng giá cả. Ðể tiết kiệm bạn nên tự mình khảo giá các hãng du thuyền và mua thẳng nơi họ (không qua trung gian) bằng cách vào trang nhà của họ ghi danh. Khi có các trường hợp giảm giá đặc biệt họ sẽ gởi điện thư cho bạn. Các hãng lớn chuyên đi Alaska như Celebrity, Norwegian, Royal Caribbean, Princess v.v… thường có các cuộc giảm giá có tên là Last Minute Cruises Deal giá vé rất rẻ, khoảng từ $396 tới tối đa là $500 một người (2 người 1 phòng) vào khoảng sau tháng Sáu đến tháng Chín.

Bạn cần phải lựa nơi đi và nơi đến thật rõ ràng vì có chuyến khứ hồi đi và về cùng một hải cảng nhưng có chuyến đi từ nơi này và về bến ở nơi khác, tỷ dụ như chuyến tôi vừa đi khởi hành từ hải cảng của thành phố Seward, Alaska và về ở Vancouver BC, Canada, vì tôi tham gia thêm tour đường bộ. Ngoài ra bạn phải lo vé máy bay từ nơi bạn ở đến hải cảng nơi tàu khởi hành, và chuyến bay về nhà bạn nữa. Lộ trình các chuyến đi và thời khoá biểu cũng khác nhau để bạn dễ dàng lựa chọn.

Thành phố Skagway. Photo: TTT/trẻ

Những Glacier nổi tiếng đẹp bạn nên chọn là Hubbard, Glacier Bay, Mendenhall, Prince William… Thông thường mỗi công ty du thuyền có một hải trình riêng bao gồm một hay hai Glacier, kèm theo các nơi họ sẽ đi qua như: Seward, Juneau, Ketchikan, Skagway, Vịnh Tracy Arm Fjord, Icy Straight, Inside Passage v.v… Do đó khi viếng một lần, bị Alaska gieo niềm yêu mến vào lòng, bạn có thể trở lại thăm một lần khác với một hải trình mới, một thành phố mới. Thiên nhiên thay đổi bộ mặt từng giây, từng phút, có tiếp xúc, bạn sẽ thấy không bao giờ nhàm chán.

Hơn nữa, một cuộc nghỉ hè với 7 ngày du thuyền lênh đênh trên biển khơi được gọi là quá ngắn. Nhân dịp này, nếu bạn có thời gian, nên đặt vé máy bay gia hạn thêm một hai ngày, lấy khách sạn ở lại hải cảng nơi du thuyền khởi hành mà thăm viếng các thắng cảnh của thành phố ấy. Bạn vừa có thời gian thư thả lên tàu, lại có cơ hội khám phá thêm những cái hay của phố cảng đó.

Thành phố Juneau. Photo: TTT/trẻ

Hubbard Glacier là con sông băng dài nhất Tidewater ở Alaska. Bạn sẽ được chứng kiến một khối nước đá xanh trong suốt khổng lồ kéo dài 1,350 dặm vuông. Phải mất khoảng 400 năm để thành lập chiều dài này, tương đương kích thước của một tòa nhà mười tầng. Rìa băng Hubbard Glacier đã tiếp tục di chuyển trong khoảng một thế kỷ. Vào tháng 5 năm 1986, Hubbard Glacier đã tiến về phía trước, chặn lối ra của hẻm núi Russell Fjord và tạo ra Hồ Russell. Bạn sẽ nghe thấy những tiếng kêu rên rỉ của sông băng đang hoạt động. Có những khoảnh khắc thú vị khi những tảng băng lớn rơi xuống vịnh tạo ra âm thanh tuyệt vời mà những người địa phương gọi là “Sấm trắng”.

Phần lớn trong các hải trình của các du thuyền đều có đi qua các thành phố như Juneau, Ketchikan, Skagway… Ðây là những nơi có tính cách lịch sử và là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách thăm viếng và mua sắm những sản phẩm địa phương cũng như quà kỷ niệm. Có những viện bảo tàng trưng bày những chứng tích và các câu chuyện lý thú về đời sống thổ dân và cư dân trong những ngày đầu lập nghiệp.

Suối Skagway, nơi cá Hồi lội ngược dòng về sanh sản. Photo: TTT/trẻ

Juneau chính là thủ đô của Alaska nổi tiếng với “cánh đồng băng Juneau”, được bao phủ bởi hơn 1,500 dặm vuông toàn băng tuyết. Các con sông băng như Mendenhall, Lemon Creek, Herbert, Edgle và Taku phần lớn bắt nguồn từ đây.

Nơi ghi đậm dấu tích của các mỏ vàng và dấu chân của làn sóng người đi tìm vàng thời xưa là hải cảng Skagway. Bạn có thể đi tàu ngắm cá voi, hay được mục kích cá voi đùa giỡn ngay tại bờ biển chạy dài giữa các tảng băng trắng xóa trôi nổi trên mặt nước biển màu xanh ngọc.

Làng Ketchikan. Photo: TTT/trẻ

Ngoài ra, Alaska còn có phố biển Ketchikan được mệnh danh là “Thủ Ðô Cá Hồi Thế Giới”. Từ khi dòng sông băng trôi ra khỏi vùng đông nam Alaska hàng ngàn năm trước, Ketchikan Creek đã trở thành dòng suối sinh sản của cá hồi. Thổ dân Tlingit đã dựng trại cá mùa Hè ở đây. Người châu Âu phiêu dạt đến rồi định cư vì họ có thể giao dịch với người Tlingit qua những trạm trao đổi phẩm vật. Cái tên Ketchikan được đặt theo con suối Ketchikan chảy qua tỉnh. Ðây cũng là địa điểm bắt cá vào mùa Hè từ xa xưa của mùa “cá chạy” (salmon run). Nơi đây có hàng ngàn con cá hồi từ biển lội ngược con suối Ketchikan để “vượt vũ môn” về nguồn đẻ trứng và thụ tinh. Sau đó thì cá mẹ và cá cha sẽ chết đi. Từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9, bạn có thể sẽ được chứng kiến ​​một dòng suối bậc thang đen đặc cá hồi rất ấn tượng, và sự kiện này đã thu hút mọi người đến đây qua nhiều thế hệ.

Ketchikan còn có bộ sưu tập trụ totem lớn nhất thế giới. Nghệ thuật chạm khắc totem và các vật gỗ khắc khác ở Ketchikan mang nét đặc thù, khác biệt của Tlingit và Haida. Hai tộc này chia sẻ chung nhiều nét về xã hội và văn hóa nhưng nói hai thứ ngôn ngữ khác nhau. Các bạn nên tìm xem, nếu không sẽ là một thiếu sót lớn.

TTT thực hiện

Orange county, CA