Ở đất Bắc mà không nói về làng thì chẳng là đất Bắc. Nó không phải là vùng đất khai phá phương Nam mà là nơi cố cựu của người Việt. Quốc lộ 1A gần đến đoạn con sông Tô Lịch của đất Thăng Long đổ vào sông Nhuệ ở Thường Tín, tôi rẽ vào ngôi làng Hạ Thái – nơi đây có tiếng về sơn mài.

Ngôi đình làng vài trăm năm tuổi vẫn giữ được cái cổng tam quan cũ kỹ với hai con nghê đứng nghếch đầu chào. Chỉ cửa ngách đình mở vào thường ngày. Và tôi trước hiên đình hanh nắng.

Cái giếng ao bèo tây còn lặng tờ mà nắng đã tràn cả sân đình. Lão từ coi đình rề rà với cây chổi tre loẹt quẹt đống lá, hoa sứ rụng trong sân. Lập bập vừa nói vừa đảo cái tăm xỉa răng ở hai khóe miệng, lão kể về chuyện cái đình làng cổ đã nhiều trăm năm. Làng bên thì đã có di tích xếp hạng mấy chục năm trước, mà làng này thì chẳng màng mấy. Giờ thì đã khác, làng ta cũng đặt danh hiệu quan trọng hơn và chuẩn bị lễ lạt tốn đâu chừng trăm triệu “chạy di tích.” Rồi thì dân làng có dịp huyên náo ăn mừng cái đình làng cổ được công nhận di tích xếp hạng quốc gia!

Chen giữa gốc đa đầu làng và cái giếng nước thả bèo tây là khoảnh ao sen chữ điền. Lác đác vài cánh sen chưa rũ cánh. Giữa ao là thủy đình, miếu thờ bà Lạy thành hoàng làng. Ao sen, gốc đa, giếng nước, sân đình,… mang đủ dáng dấp chốn quần cư của châu thổ sông Hồng. Những chiếc xe đạp lọc cọc trên các ngõ đường làng vẫn là phương tiện chính của các bà nội trợ nông thôn ở phiên chợ sớm.

Lèo tèo dưới chục người bán, chợ làng tuềnh toàng họp mỗi ngày dưới gốc đa già. Bà nội trợ với chiếc xe đạp cà tàng, cái khung sát-xi khó thể rỉ sét hơn. Chân đi đôi dép tổ ong huyền thoại từ thời bao cấp. Tôi lặng lẽ quan sát bà bỏ từng bịch nylon rau dưa lên cái giỏ xe và cọc cạch đạp đi, rồi dần khuất sau một chiếc “công nông” phành phạch xịt khói đen đang sắp oanh tạc con đường làng nhỏ.

Cái mộc còn sót lại ở làng Hạ Thái này là vài cổng làng xưa rất nhỏ hẹp, may mắn chưa bị san bằng để xây dựng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”! Xưa kia, phương tiện chủ yếu là thuyền bè vì đất này kề bến sông Tô Lịch. Hàng cường hào, chức sắc của làng chắc chỉ lều chõng đưa rước. Cái cổng làng nhỏ chẳng vừa cho một cỗ xe song mã lọt qua. Cổng làng không chỉ là nơi phân ranh địa giới mà còn mang tính “biểu tượng”. Có cổng làng giàu, làng khoa bảng, làng nghề, làng tiến sĩ, …

Trong ảnh là một cậu trai làng trên chiếc “xe đạp ơi” cùng ổ bánh mì điểm tâm sớm!

Bên ngoài chỉ nhác như một nhà kho với biển hiệu treo chỏng chơ. Tôi bước vào Studio “Bình râu”, vừa tò mò vừa tránh cái nắng đang hắt bỏng mặt đường. Một không gian có hơi hướm hội họa so với những xưởng mỹ nghệ. Tôi nhìn quanh, tấm toan với vài nét phác thảo, những tấm tranh sơn mài cùng sơn dầu chen mạn tường. Giữa sàn, một bộ bốn tấm sơn mài hoa sen bố cục theo hình thức bình phong đang được mài. Một quy đoạn khác biệt của dòng tranh sơn mài. Ở studio này là nhóm anh em họa sĩ chuyên “sơn ta” – sơn truyền thống của hội họa sơn mài, được chiết xuất từ mủ cây sơn chỉ có trồng đất Phú Thọ. Nguyên liệu đắt tiền so với sơn Nhật, sơn tàu hay sơn điều – sơn ta được đánh giá cao hơn đối với giới hội họa và sưu tập sơn mài.

Bên tách trà mạn, Trần Bình hàn huyên về câu chuyện săn tìm ý tưởng từ vùng sơn cước. Không mang vẻ ngoài nghệ sĩ, khuôn mặt sủi đầy mụn, dễ bặm trợn lăn lộn ở những vùng Tây Bắc hay Hà Giang – chẳng mấy mặn mà với đề tài người Kinh trong tác phẩm của mình “quá ẩn mờ, thiếu chân thật không như những khuôn mặt mộc mạc, hoang dại của người Mông, người Dao – chưa kể là sự rập khuôn của những tà áo dài hay biểu cảm nhăn nheo của mấy cụ già!” Tôi liên tưởng mô tuýp cũ mèm được khai thác tới mòn cả trong nhiếp ảnh.

Sơn mài không phải là nghề dành cho những họa sĩ kiết xác!

Những tác phẩm sơn mài còn dang dở, mỗi họa phẩm để hoàn thành mất vài tháng vì qua rất nhiều công đoạn. Họa phẩm của “Bình râu” có bức đụng trần giá vài ngàn dollar. Giá tranh sơn mài đắt hơn tôi tưởng, tuy nhiên khi hiểu sâu dòng hội họa sơn mài đương đại, thì nó thực “worth every penny”. Không chỉ sơn ta ngày càng hiếm và đắt, nguyên liệu có thể gồm bạc và vàng lá 24k.

Thợ ở xưởng chỉ có thể bó hom vóc làm cốt gỗ cho tấm sơn mài. Nhưng từ cẩn, vẽ tay, sơn rồi mài nhiều lượt thì họa sĩ mới là người thực hiện chính. Tranh sơn mài độc đáo ở những họa tiết, sắc nét hiện rõ sau khi mài, chỉ có họa sĩ mới là người hiểu rõ nhất sự chừng mực ở công đoạn mài mòn này. Chỉ cần quá tay, lớp cẩn bằng vàng bạc sẽ tiêu tùng và không thể khôi phục lại được. Cái ma thuật của sơn mài là đôi khi chính người sáng tạo không lường được cái hiệu ứng khó ngờ của màu sắc, họa tiết sẽ phơi lộ thế nào trong quy trình mài.

Dày công, tốn kém, và ngạc nhiên khó tưởng!