song-hep2

Tôi tạm gọi khu phố này là phố cổ, thật ra là phố cũ để phân biệt với những khu hiện đại khác ở Hà Nội. Nơi đây vẫn duy trì một sinh hoạt tù đọng, không buông được cái cũ và chẳng chạy theo nổi cái mới. Và đó là góc khuất của một Hà Nội đang muốn khoe cái mới.

Những con ngõ hun hút, tăm tối như địa đạo, những căn nhà bức bí “bé như cái mắt muỗi” hạn hẹp thứ ánh sáng của ngày. Một trạng thái hỗn sinh đa tạp, còn tệ hơn cả cái ô bàn cờ của China Town trên  đại lộ Grant và khu Stockton ở San Francisco hay con phố Tàu Toronto.  Vậy mà, có khi cả mấy thế hệ cùng nhau “sống hẹp” ở đây. Giao thông ở phố cổ chậm chạp nên ít tai nạn, thế nhưng vẫn chạm mặt vài vụ trượt bánh sõng soài trên mặt đường. Cái cách lái xe chụp giật của những tay lái phố Hàng thì khó thể đúng như câu nói cửa miệng “Hà Nội không vội được đâu”!

Con ngõ mà tôi mới dọn về đủ mùi vị, râm ran như một sân khấu tuồng chèo. Có khi là sự to tiếng cạnh tranh của hai chị hàng bún đối mặt nhau. Hay hình ảnh một cụ bà, mỗi sớm vén rèm mở hé kéo “cánh cửa chớp” cũ kỹ nhìn xuống khoảng sân. Đêm đến ở đầu sân là một cậu trai với cặp mắt kiếng lại dắt 2 con chó Golden Retriever và German Shepherd giao lưu, ban ngày thì cậu cho “hạ chuồng” chừng 8-9 cái lồng chim ra sưởi nắng.

Thoáng mang cái cảm giác mọi người như đang nhìn trộm nhau. Ở đây, tai vách mạch rừng / Những điều bí mật xin đừng nói ra! Là vậy!

song-hep1

Chật hẹp, ẩm thấp và nhầy nhụa, đấy là khung cảnh thường nhật của những ngõ nhỏ, lối đi nhỏ của 36 phố phường. Những con phố như Hàng Chai, Ngõ Huyện, Cổng Đục là những chốn mà khái niệm về đường – ngõ – ngách bị xóa nhòa. Hình ảnh như vậy có thể khơi gợi về những khu phố ẩm thấp thuộc quận Wanchai hay Kowlon của Hong Kong những thập niên 60, 70 mà giờ chỉ còn lại trong những thước phim TVB thời cũ. Nó thực sự lột tả sự trần trụi của một con phố chỉ mặt ngoài phồn hoa.  Những xe bán thức ăn với những chồng bát đĩa hoen ố, những mái che bằng tôn ám khói…, mùi thức ăn đủ loại hòa trộn trong không gian chật hẹp… Nó vừa có màu của khu ổ chuột mà lại đầy nhiễu động của sự sinh tồn kẻ chợ.

song-hep6

Hàng quán ở quận nội đô, nếu chỉ thường thường thì chỉ có mức sập tiệm. Bao giờ cũng phải ngon “nhỉnh hơn”, và giá cả không phải là điều thiết yếu nhất dù cũng rất quan trọng. Trổ ra được mặt tiền thì dù ngồi bên trong vài mét vuông hay tràn ra chút ít ngoài vỉa hè cũng đủ nuôi sống cả gia đình, như tiệm bán bánh cuốn này; hai mẹ con, người mẹ liên tục tráng bánh trên ba nồi và cô con gái thì ngồi khuất sau đấy và luôn tay cuốn bánh. Cuộc sống bon chen bận rộn nơi đất phố, nếu có thêm gia vị cũng là những ấm trà sen thơm hay những bó hoa tươi ngày mới. Những gì cao vời, xa lạ khó len được vào dòng âm hưởng hỗn độn chật hẹp ở đây. Và tôi, chỉ đơn giản là thưởng thức đĩa bánh cuốn nóng hôi hổi đúng vị Hà Nội.

song-hep5

Một cái vườn treo Babylon? Chẳng thể mường tượng lại có cả một vườn hoa trên không như vậy;  cây, chậu đủ cỡ chen chúc trên những thanh tre nứa ọp ẹp úa đen không biết lúc nào thì đổ ập xuống. Rồi một ngày nọ, tôi nhìn thấy một cụ già lò dò trên cái cầu thang ẩn dưới lớp tôn được trổ nóc. Rất thư thả, hàng giờ cụ ông ngồi trên nóc tôn mà tỉ mỉ chăm từng chậu hoa cỏ, dẫu chẳng gì ra gì. Mặc kệ sự đời chông chênh, cái không gian trên mái nhà này dường như là cả một bầu trời dưỡng sinh trong lành có chút  khí trời, chút hoa cỏ.  Giống như một nhành hoa, một mầm sống vươn tới một ô sáng duy nhất trong căn phòng tối tăm, ngột ngạt. Đông đúc. Chật chội. Chật vật tranh nhau từng khoảng trống sống, để thở nên khi có một nhà nào cơi nới ra thì cả khu lo lắng.

song-hep4

Đến chơi nhà một tay bạn tên Cảnh, người ươm lan ở Láng Hòa Lạc mà tư gia nằm ở đường Thanh Nhàn. Cảnh làm việc cho một tổ chức phi chính phủ NGO về môi trường và người dân tộc. Do công việc đặc thù nên Cảnh có nhiều dịp đi khắp các vùng rừng đầu nguồn của Việt Nam, và cũng dần yêu thích về trồng lan. Trong nhà, Cảnh cũng nuôi một con sóc quý đã kịp mua lại của người dân tộc khi họ đi săn về và định làm thịt. Dẫu làm về  bảo vệ môi trường thiên nhiên, nhưng lại thích uống rượu ngâm động vật hay lá cây rừng. Nên trong tư gia của mình, cậu bạn luôn sẵn hũ rượu rắn Hổ mang chúa King Cobra và cả một bình rượu Anh túc, loài cây chiết xuất ra thuốc phiện mua của người dân tộc trên đầu nguồn Nghệ An. Và đó là những điều nghịch lý!

song-hep3

Lan hài thì có rất nhiều loại, nhưng dòng lan hài của Việt Nam thì nhỏ xíu và tuyệt xinh xắn. Tôi từng gặp rất nhiều lan hài ở Costa Rica nhưng vẫn có ấn tượng với những chậu lan hài nhỏ xinh của cậu bạn Cảnh. Dự tính của Cảnh là ra sách về những loài lan Việt Nam, nhưng dường như đó là một công trình quá “đồ sộ” nên cậu bạn lại đang tập trung vào dòng lan hài. Vui vì được cậu bạn tặng vài chậu cỏ rừng “hàng độc” không bán ở phố cây Hoàng Hoa Thám, kèm những bao đá thấm thủy là những dòng đá trồng cây bon sai, hòn non bộ hay lan ở Việt Nam. Những tảng đá lớn được đưa từ đầu nguồn những con sông, con suối sau đó đẽo gọt cho vừa ý.

song-hep

Bị ngã, cánh tay chấn thương phải vào nhà thương chụp x-ray và siêu âm tại bệnh viện Thu Cúc gần apartment cũ của tôi trên đường Thụy Khuê. Đó là bệnh viện tư, thực sự chưa ở mức nightmare dù vẫn lác đác vài nhân viên người Cuba cho ra vẻ một bịnh viện có tiêu chuẩn quốc tế. Căn phòng emergency thì chẳng khác một trạm xá của một tỉnh lị nghèo. Tuồng như chẳng có sự riêng tư ở cái phòng emergency này, cả bác sĩ cũng không thiết bảo mật thông tin bệnh lý. Bà bác sĩ tóc hoa râm vừa cầm hồ sơ bịnh vừa sang sảng đọc từ tiền sử đến tiểu sử, từ chẩn đoán đến điều trị, hết người này đến kẻ nọ. Vẫn cái tập quán xã hội đầy tính làng xã, không tôn trọng sự riêng tư.

Hình tác giả với chú chó cưng Bambi, đang tìm chút nắng ban công, nơi chốn mới ở phố Cổ với cánh tay trái còn băng bó.