Sóc Sơn, phía bắc phi trường Nội Bài, từng ầm ĩ trên báo chí về vụ khai thác đất rừng phòng hộ làm biệt thự, khu nghỉ dưỡng – và điều dẫn tôi đến đây là một địa danh được đề cập trên NY Times, CNN Travel và cả Trip Advisor. Cách Hà Nội hơn 30 km, Việt phủ Thành Chương và hàng loạt biệt thự khác nơi đây là một chốn getaway của giới giàu mới nouveau riche.

Nhà sàn gỗ Mường trăm năm tuổi bị cháy và được phục dựng lại. Bê tông thay cột gỗ, chỉ còn lầu trên cùng giữ được nguyên thủy. Một kiến trúc vẻ như rất “lai căng” nhưng cũng rất thú vị như nghệ thuật của chủ nhân chốn này!

Nguyên sơ thì có nhà sàn của người Mường, tượng gỗ của người Thượng, nhưng số phận nhà sàn bằng gỗ này đã không qua được cơn hỏa họan do phút bất cẩn của một mẩu thuốc rít dở dang bởi du khách Việt. Sự sắp đặt khá đặc thù không giống những bảo tàng thuần túy. Cảm giác là một quần thể bị nén lại trong khuôn viên rộng chừng hơn một hectare, dường như chủ nhân của Việt phủ gắng phô diễn những ước vọng rất riêng tư của ông.

Vài tiếng thả bộ qua những hành lang ẩn khuất, những ô cửa và bậc thềm đổ rêu là tượng Phổ Hiền Bồ Tát nhìn ra vườn tượng đá. Cái sinh khí của thiên nhiên át đi sự sắp đặt của khu tâm linh. Một thoáng choáng ngợp trước một quần thể lớp lang của những chóp mái rêu phong ẩn hiện sau những tán cây đa già cỗi, như thể đã ở đấy từ lâu đời.

Hành lang trước nhà Thanh Tĩnh, ngôi nhà thờ họ của người Công giáo xứ Nam Định. Thú thật khó thể nhớ hết nếu trên tay tôi không có tờ hướng dẫn. Để đi khắp ngõ ngách cũng có thể mất vài giờ. Không quá sắp đặt, nơi đây chẳng phải là phủ, nó thực giống như một bộ sưu tập ngẫu hứng tự sự của cá nhân họa sĩ.

Màu trầm của ngôi nhà cổ 200 năm tuổi, những mảng tường, nội thất cổ trở thành một khung hình nền cho những tác họa lập thể tương phản nổi trội của họa sĩ Thành Chương.

Và tôi với bức ảnh tương phản sắc màu của chính mình.

Khu đất dốc trên triền đồi của phủ này là một chốn tâm linh của những bàn thờ, lư hương. Dù chịu ảnh hưởng của hội họa phương Tây, nhưng có thể thấy một mảng tâm linh rất hiển hiện ở nhiều ngóc ngách nơi đây.

Nhà Tường Vân là một khối kiến trúc gồm 4 tầng lầu, bên trong chứa các đồ sưu tập gốm sứ của nhiều triều đại có cả từ thời Lê Sơ, Lý, Trần, Mạc và thời Lê Trung Hưng. Ở đây chỉ là một góc rất nhỏ trong bộ sưu tập của họa sĩ đất Việt này. Lối lên lầu chỉ đủ một người, ngày thưa khách và cái không gian này dường như chỉ dành cho riêng tôi.

Chẳng có nhiều chú thích cho những đồ sưu tập gốm sứ ở đây, chủ nhân có lẽ nhìn nó như một bộ sưu tập cá nhân mà ít màng đến quảng bá. Nghỉ chân ở lầu trên cùng lộng gió, nằm đong đưa trên chiếc võng treo rồi hướng tầm mắt nhìn ra núi Hàm Lợn và hồ Cầu Cà.

Lầu Mạc Hương, cây cầu đá Nam Định trổ ra thủy đình bắc ngang ao xanh rêu lác đác vài bông súng. Nếu như lăng Khải Định là sự hôn phối với kiến trúc phương Tây, thì không gian quanh lầu Mạc Hương là một dị bản kiến trúc Việt với miếu ngựa, phù điêu Chăm trên những mảng tường lối đi, một “hoa lâu” nổi giữa ao chắc hẳn để ngồi nhấm trà!

Chiếc giường trải tấm chăn thổ cẩm, những vạt nắng len qua khung cửa gỗ trong ngôi nhà sàn Mạc Hương 200 tuổi. Chốn trú ngụ chân núi Sóc mà Thành Chương hiếm khi về.

Phòng đọc chẳng mấy sách, một chút “dấu mộc riêng” của vợ chồng họa sĩ Thành Chương. Vẫn cảm giác như một triển lãm tư gia hơn là một chốn riêng tư.

Bình sen là thứ sống động duy nhất trong Trà Hương quán. Chia tay góc quán không người, không bồi bàn. Đến và đi thì ngày ở đây vẫn rất an tịnh, chỉ ra rả thanh âm của bầy ve sầu trên những tán cây đa cụ kỵ.

Trên đường đi đến Sóc Sơn ngang qua ao sen làng, chẳng kịp mua bó sen từ những gánh sen dạo ở quê. Đất Hà nội bán quỳ nhái nhiều hơn sen! Quỳ giống hệt nhưng mãi hoài không chịu nở.