photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Lời Tòa Soạn: Trẻ xin gởi đến bạn đọc một bài song ngữ [en] cho mục Cõi Riêng, phần tiếng Anh do Ian Bùi biên soạn, với mục đích giới thiệu vài nét đặc thù của Việt Nam cho những độc giả trẻ sinh trưởng tại Mỹ có thể tìm hiểu thêm về quê hương của thế hệ cha ông.

Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về BBT tại địa chỉ tòa soạn. Cảm tạ.

Mùa ve đã về, xu hướng quạt gió lại vù vù khắp các hàng quán xập xệ; cơn giông giữa khuya càng suồng sã trên những lớp ngói cũ Hà thành.

Bức ảnh đầu ngày, cheer me up là những khuôn miệng ngộ nghĩnh trong cách phát âm “cheese” thành “Chi”, các cô giáo mầm non thần tượng xứ Hàn đến mức hướng dẫn các bé từ cử chỉ “finger heart sign” đến cả cách phát âm “kim chi” trước ống kính! 

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Văn Miếu xưa nằm ngoài khuôn viên thành cổ, xa cả chợ, xa cả kinh thành… 82 con rùa khum khum trên mai 82 tấm bia tiến sĩ đỗ đạt thời xưa. Những hàng chữ khắc trên bia đá gần nhạt nét chữ. Những tấm bia tiến sĩ phơi mưa nắng cách đây vài thập kỷ khi đạo học bị bỏ mặc trong thời chiến, giờ đây, với sự quan tâm trở lại của dân tình thì lại rộ lên phong trào sờ đầu rùa “lấy hên”. Rào chắn, mái ngói vẻ như thật cẩn trọng để bảo tồn di tích cũ. Quốc Tử Giám vốn được ví là đại học đầu tiên của Việt Nam. Có lẽ, nó gần giống Academy hay Lycee của thời Cổ đại, một chốn đàm luận của những bậc nho sĩ, nho sinh.

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Xếp hàng để lần lượt được choàng vào tấm băng rôn “bé xuất sắc”. Sự khoa trương ở xã hội này thường quá cuồng nhiệt, chẳng làm tôi phấn khích khi chọn đề tài để viết, sống ở đây, văn chương càng không phải là thứ để trút bầu tâm sự!

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Học cách tung nón như các cử nhân tương lai. Too much?

Dịp lễ lạt chính thức thì ngành giáo dục Việt Nam cũng tổ chức lễ vinh danh các thủ khoa ở đây. Và mỗi dịp cuối năm là mùa làm ăn nên của những hãng may áo tốt nghiệp cử nhân giá rẻ, từ cử nhân mầm non, tiểu học đến sinh viên đại học.

Với các mầm non này, trò chơi trong sân Đại Bái chỉ là ai giỏi ném cái nón lên không trung cao nhất!

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Khách Tây phương đến Hà Nội thì đây là địa chỉ đáng để check in. Đại Bái Đường trong khu di tích Văn Miếu chẳng mấy khi ngơi nhang khói, vì đây có gian thờ những ông tổ của Nho giáo và hẳn nhiên là cả Khổng phu tử. Trong hình là hai vị khách Tây nghỉ chân ở bậc thềm Đại Bái Đường đang xem lại những tấm ảnh vừa chụp.

Chỉ hơn chục năm trước, chẳng mấy ai đến đây để “cúng kiếng”, nhưng thời nay thì bất kỳ một ngày đẹp trời nào cũng có thể thấy những nhóm “sĩ tử” từ các vùng lân cận đến khấn vái, và thầy cô hay phụ huynh sẽ là những người thành tâm… đọc văn khấn!

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Một vãn khách đứng trước bảng lưu danh những nho sinh đỗ đạt Trạng Nguyên qua toàn bộ thời kỳ khoa cử. Phía tay mặt là những mẫu mũ áo của những vị thư lại từng đậu Bảng Nhãn, Tiến Sĩ hay Trạng Nguyên. Giới quý tộc thời phong kiến Việt Nam vẫn giữ chức vị quan trọng nhất là các quan Trung khu như Tướng quốc, Thái sư, … Còn giới nho sĩ sau khi đỗ đạt sẽ giữ những chức vị như quan Hàn lâm viện hay quan Nhập nội hành khiển cố vấn cho thành phần quý tộc, hoàng thân, quốc thích của Đức vua.

Chẳng còn nhiều thứ bảo vật phục sức này còn sót lại qua nhiều thời kỳ lịch sử, nên với tôi nó thật sự giá trị.

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

“Thiền yết tân thanh lục tục lai” – tiếng ve rỉ rả khúc giao mùa gợi cho tôi bài “Sơ hạ” của nho sĩ Chu Văn An. Chỉ khác ở đây là tiếng lâm râm thành kính của một sinh viên trẻ giữa gian thờ Chu Văn An, người từng là Quốc tử giám Tư nghiệp hay hiệu trưởng của trường này. Vai trò của ông không giới hạn là một nho gia thông tuệ sách vở, một nhà sư phạm hàng đầu; ông còn là một bậc quân tử từng dâng “Thất trảm sớ” và cởi áo mão từ quan.

Trên mái ngói mũi hài đổ nghiêng, lấp lánh những đồng tiền xu vương vãi, tôi chợt mường tượng đến cách người châu Âu ném tiền cầu may vào tháp nước Trevi.

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Chẳng phải phần kiến trúc nào của Văn Miếu cũng còn nguyên vẹn, khu nhà Thái Học đã bị phá hủy vào năm 1946 do chiến tranh nay đã được phục dựng lại. Từ cột, kèo, xà và nền gạch vẫn chưa kịp đổ màu thời gian. Trong gian này, những tấm ảnh đen trắng cũ kỹ, những bản văn cổ, mũ áo và sa bàn về Văn Miếu như một bảo tàng thu nhỏ cho khách một cái nhìn khái lược về ngôi trường cổ này.

photo đặng Mỹ Hạnh/Trẻ

Tôi vào một ngày quang mây ở Văn Miếu.