Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ    

Tôi ghé nhà ga khi trào lưu check in, selfie trên metro đã dần nguội bớt. Mặc bao nhiêu lời tán tụng, ấn tượng đầu tiên của tôi về thiết kế, màu sắc của sân ga, toa tàu vẫn như thiếu đi hơi hướm hiện đại.  Thôi, tạm gác con Vespa để thử “ngao du” xuống Hà Đông một bận.

Rồi kìa, con metro Hà Đông xanh lá trờ tới sau 6 năm “chậm tiến độ”.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Cái thẻ từ “vào quét, ra nhét”, ba mươi nghìn một ngày để đi tàu suốt. Các toa thông suốt, trơn nhẵn, không có vách ngăn. Từ sân ga cho đến bên trong tàu vẫn chưa có một biển quảng cáo, không quầy kiosk, không có máy bán hàng tự động – con bạch tuộc kinh tế thị trường vẫn chưa vươn vòi chạm đến cái thành quả tự hào của Hà Nội.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Xuống ga, bật app gọi Grab Car thẳng tới làng lụa Vạn Phúc, đỡ nhọc hơn rồ ga hửi bụi mịn.

Tránh cái cổng chào lòe loẹt ngũ sắc ô dù, tạt vô căn xưởng 16 mét vuông. Cả trăm cuộn chỉ tơ xếp trên kệ quy tụ qua một màng rây lưới mắt cáo, bà bác đứng nối gọng dưới khuôn đèn neon vừa gắt trắng vừa tù mù, nói “không còn đất để trồng dâu tằm, cối máy dầu xe sợi chứ chẳng còn quay tay”.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Ở đây không có nắng Sài Gòn mà chỉ có áo lụa Hà Đông. Chất liệu thì chẳng dám lạm bàn, nhưng kiểu dáng thì khó quyến rũ khách sành điệu. Dân mua sắm thì thích ‘sàng sàng’ mấy tiệm để ngắm lụa là gấm vóc vân the, tôi ướm thử mấy món lụa tơ tằm – thấy mình hơi lạc điệu trong “xì-tai” bí rợ đồng quê! Haha!.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Âm thanh xập xình dẫn tôi vào cái xưởng dệt tối u – những cổ máy rệu cũ cùng thời gian. Ánh đèn đủ hắt trên mặt vải và người đàn bà đang dệt những thớ lụa Vân đáng giá. Mặt tiền trưng bày, hậu trường là xưởng dệt. Buôn bán kiểu đặc thù khác biệt cho Tây và truyền thống cho Ta. Cổng chào làng lụa thì tưng bừng Sea Games, nhưng khách ngoại quốc thì vẫn đìu hiu.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Chuyến về, phương Đông lướt qua cửa sổ – Tô Lịch tới Ngã Tư Sở, Cao Xà Lá rồi ký túc xá Mễ Trì. Khu tập thể Khrushchyovka xuống cấp như phiên bản favelas ở Rio. Quần thể bể nước inox đủ nhãn mác Sơn Hà, Tân Mỹ, Đại Thành… đứng nằm la liệt – chỉ có nóc tập thể mới đủ mang “gánh nặng Sơn Hà” trên vai!

Xem thêm:   Vì Đời Mà Đi

Đô thị đang phát triển luôn mang bộ mặt nghịch chiều của giàu và nghèo, dân quê lên tỉnh luôn mong tìm cơ hội đổi đời. Một con metro xanh rì lướt ngược chiều, thoắt cái đã là ga kế.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Hơn 20 phút từ đầu ga tới cuối ga, từ Ba La về tới Hà Nội. Một góc ghế ngồi là đủ quan sát, là chứng nhân mạch nhịp đang lướt trên đường ray. Một cô nàng váy ngắn, mắt kẻ chì đen vẻ như đang tằng tịu với anh chàng đồng nghiệp mỏng cơm; ba chàng trai trẻ Sài thành đang khám phá Hà Nội từ trên cao, bàn tán rất sung về cái Metro Bến Thành Suối Tiên hẳn xịn xò hơn của xứ Phù Tang sắp ra lò.

Băng ghế tàu vẫn còn biển giãn cách, vạch vàng dành cho người ưu tiên khi đông đúc. Cặp đôi đối diện ống kính vẫn dính như sam, mắt hướng lên bảng chớp nháy báo ga tới.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Bên phông nền những cuộn lụa mượt mà đủ sắc.

ĐMH