lang-hoa-tay-tuu1

Làng hoa Tây Tựu đang giữa đợt dài rét ngọt. Con đường vào làng sình lầy hơn sau những cơn mưa cóng rét. “Binh đoàn xe tải” chở cát từ đê Liên Mạc, thở mịt mù vào không gian thứ bụi bặm cực ô nhiễm. Ngày đầu năm của tôi khởi đầu với gió cát, bụi đường, với ngoại thành xa xôi… 

lang-hoa-tay-tuu8

Lách khỏi con đường làng là vào đến những “ruộng hoa” tăm tắp. Một bác nông dân mang bốt lội ruộng đang hái cúc, ngước hỏi tôi có phải đến để mua bông.  Dù Hà Nội mở rộng nhưng Tây Tựu vẫn như làng với những cột khói đốt trên đồng, đất vẫn chỉ là đất ruộng. Mấy bữa trời rét đậm, người trồng hoa chỉ đến trưa mới lần ra ruộng hoa “bẻ chiếng” vài mớ mà bán. “Bẻ chiếng”, ngôn ngữ địa phương, là bẻ mấy cành phụ chứ không phải cành chủ. Bác gái nhà nông khoe rằng đất mình đã có sổ ngon lành, xã đã “lên thành phường” nhưng vẫn chẳng đủ vốn để trồng hoa đắt tiền như Lily. Vì lily là phải có đèn, có lưới lại phải bỏ tiền mua giống. Vay tiền cả trăm triệu như chơi mà cách đây 2-3 năm nhiều nhà vỡ nợ vì trồng lily. Dạo sốt đất lan phủ tới Kim Chung Di Trạch tại Nhổn, gần Tây Tựu đây thôi, dân nơi đấy phải bỏ đồng mà bán đất, mấy nhà đầu tư đất rốt cuộc cũng bỏ luôn đất cho bò thả rông ăn cỏ.

Đất mưa thành bùn nhão, đôi giày dưới chân tôi chốc đã lọ lem giữa mương hoa. Kẻ tư duy theo cách thưởng hoa thơ mộng chỉ biết trầm trồ, người chân lấm tay bùn chỉ cảm mỗi nỗi cơ cực.

Trong ảnh, Bà Điệp vai vác bó cúc vàng vừa hái lên!

lang-hoa-tay-tuu7

Bạn hàng buôn hoa, sưng sỉa chê “hoa đểu” để ép giá, giọng the thé vọng qua luống bông cạnh bên, “Bà Điệp ơi, bà có bán cho tôi không?” Ruộng cúc của bà Điệp bị “bẻ chiếng” nên vô số “hoa đểu”- tiếng lóng của những người buôn hoa. Bà Điệp chẳng thèm ừ à với cái giá bèo kỳ kèo của chị khách buôn hoa chợ lẻ. Vẫn cái vẻ nửa bận bịu nửa khoan thai, bà Điệp lại lui cui bẻ chiếng, tỉa bớt những cành non rẽ nhánh để cành chủ và bông chủ được vươn cao. Cách này giống như là tỉa táo (apple thinning) trong trang trại ở Mỹ vậy. Mỗi luống cúc vàng của bà Điệp được 3000 bông mà thu hoạch thì chỉ lựa trên 2000. Bán mớ bẻ chiếng, trả giá bèo một mớ 50 bông xấu thì 50 nghìn, trung thì 7-80 nghìn, đèm đẹp thì ngót trên 100 nghìn. Đấy là giá bỏ tại ruộng, ra chợ đầu mối hoa ở Quảng An, Hà Nội hay về các tỉnh thì giá sẽ khác.  Hoa ở đây chạy vèo ra cả Thanh Hóa, Nghệ An.

lang-hoa-tay-tuu6

Khác với khu luống hoa bờ bên lõng bõng bùn sình. Ruộng bờ này cao hơn nên sau cơn mưa phùn mấy hôm đã nhanh ráo nước. Bên mé phải là khu vườn bông chờ đúng dịp Tết để đánh lớn, mé trái đang thu hoạnh cành chính, dài và bông lớn, giá bán cao hơn 100,000 đồng một mớ.

Xe hoa rong trên con phố đầu đông, “hoa cóc” trên vỉa hè, hoa tươi lãng mạn trong những góc quán cafe cuối tuần. Hoa lễ chạp, lễ chùa, hoa biếu xén… Hoa từ ngõ, vào nhà. Thị trường hoa tươi Hà Nội chẳng lúc nào nguôi sôi động. Cái thú chơi hoa của dân Hà thành cũng dễ lây lan. Như mùa cúc họa mi cách vài tuần, dường như chỉ để… selfie!

lang-hoa-tay-tuu5

Cô “thôn nữ” đang mót những nhánh bông cuối của ruộng mình. Vì là con gái nên bị chia ít đất hơn mấy anh em trong tộc họ, gia đình cô giờ thì còn lại một sào, chỉ 360 mét vuông, phần đất đang thu hoạch hoa là đất thuê, chừng vài triệu một sào/năm. Nhỏ người, thấp bé nên chẳng đủ tiêu chuẩn làm công nhân, chỉ biết mỗi cái nghề trồng bông. Miếng ruộng hoa lưa thưa chỉ còn lứa mót cuối, cô cười khoe tôi, “Vậy cũng dư được con lợn ăn Tết rồi!”

lang-hoa-tay-tuu4

Men theo con đê nội đồng tráng bê tông khá sạch là một vườn “hồng kít” đang thu hoạch. Những cánh hồng tán cam thay đổi gam màu đơn điệu của cúc vàng, cúc trắng. Hương hồng thoang thoảng thứ mùi dễ chịu trong gió đông. Tay kéo, tay bông, chị vườn bông thoăn thoắt hái tỉa. Luống ruộng hồng phía bờ kia, thấp thoáng tấm lưng còng chữ C của một cụ già đang phun thuốc trừ sâu. Những hình nhân dọa chim chóc, xếp thập tự bằng hai que nứa thẳng tuột, phủ áo mưa tả tơi; có cái đội nón lá te tua, cái không.

lang-hoa-tay-tuu3

Một vườn đồng tiền đang trổ bông rực rỡ. Cũng như Lyli, những loại hoa cao giá nên được chăm kỹ hơn trong nhà lồng giăng bạt, rào khóa. “Không rào thì đéo có cái ăn”, lời của một cụ ông với vẻ cáu kỉnh, dè dặt cả câu chào với khách đường xa. Vườn táo, bưởi nhà ông hẳn đã bị vặt trộm nhiều lần. Chị bạn hàng buôn hoa kia thì đùa rằng “Cứ một mét vuông, bốn thằng ăn trộm!”

lang-hoa-tay-tuu2

Gia đình này với ba người, cả bố mẹ và cậu con trai nhỏ đang xẻng cuốc xới bỏ đất cũ sau khi thu hoạch. Rác được đốt làm phân. Cúc vài ba tháng một mùa, lại lựa giống để trồng.

Lily 10 năm trước đây, trường Đại học Nông nghiệp cung cấp giống nên nhiều nhà phất lên từ đấy. Nhưng để trồng lily có lúc phải giặm thêm đất mua ở làng Phùng cách vài dặm. Hồng thì còn có thể chiết cành, chứ trồng lily phải đầu tư khá bộn vốn.

Cậu nhỏ tóc bờm quê, vẻ vô tư hướng cái nhìn tò mò về tôi. Chưa kịp click máy, cái “xe rùa” đổ đất đã kéo cậu đi nhanh khuất về phía bên kia mương hoa.

lang-hoa-tay-tuu

Ngoài cúc, lily, hồng cũng được trồng nhiều ở làng này. Giống “hồng kít” được nhập từ Hòa Lan về, ít gai nên được dân trồng hoa rất chuộng. Phương thức trồng hoa mới là ghép mắt vào gốc cũ. Khi hồng ra nụ, chồi lẫn hoa được “bọc búp” bằng giấy báo để bảo vệ. Công việc bao bọc được làm thủ công. Vài tuần khi nụ hoa lớn, căng hơn khiến giấy bọc rách đi thì cũng là thời điểm hồng hoàn hảo để thu hoạch.

Một bác trung tuổi, chân nhúng đôi giày lội ruộng trên luống hồng đang “bọc búp”, con xe Dream chiến vấy đầy bùn dựng trên đê chờ chở hoa ra chợ chiều. Thửa ruộng nhà, không phải đi thuê. Đất phía bắc Tây Tựu thành dự án mà bồi thường chỉ 500 nghìn một mét vuông nên lão chả ham. Lão cứ thế trồng bông dài dài chứ không nghĩ tới thành tay trọc phú địa chủ mới phất lên nhờ đất.

Ngày chấm hết với tá hồng kít lựa mua còn quấn giấy báo quanh nụ. Hoa hái từ luống, mơn mởn từ cọng lá đến búp chồi. Hồng thì tươi, người thì héo rũ!