Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Mùa hoa “Cô Vi” nở lần hai làm cơn tự mãn của người Việt tắt ngúm. Hàng bạc, xổ số, bánh giò nóng và người bán rong … đất Kẻ Chợ chậm hơn cả cái nhịp tà tà “không vội được đâu.” Mưa rỉ rả, Hà Nội vào mùa ẩm ương.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Con phố Nhà Chung giờ lạnh tanh, thánh lễ Nhà thờ vẫn rung chuông nhưng vắng tiếng kinh cầu. Cái ý nghĩ Covid không chỉ là căn bệnh cấp tính lởn vởn. Điều gì sẽ cứu rỗi nếu nó là chứng bệnh mạn tính của chủng loài homosapiens? Con người có gấp gáp sống như trong tiểu thuyết Decameron của Giovanni Boccaccio thời đại dịch quá vãng?

Khẩu trang trở lại như một thứ thường phục, dù có là dắt cún đi dạo.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Mì Ramen sang xứ ẩm thực đường phố cũng biến cải thành món vỉa hè. Moto-san quán, lưng ngồi xoay ra đường phố – vài ba loại mì shio, miso, shoyu. Cậu bồi quần jinbei ống rộng, chít khăn kiểu Nhật bưng tôi bát mì Shoyu Ramen chống đói. Nước lèo tương đen, nửa quả trứng, vài lát thịt lèo tèo bơi trong nhúm rong biển.

Khu phố VIP, chẳng mấy xa Sofitel Metropole, giờ đìu hiu quá thể.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Ban công trướng rủ dây leo, tiệm rustic mang màu cũ trên bậc cầu thang hẹp chỉ nửa bàn chân. Hallyu Hàn quốc thâm nhập ngược từ giới trẻ, chẳng từ giới tinh hoa.

Một “bánh bèo” trong cánh áo oversized thùng thình, cái mỹ cảm mà tôi chưa thể thẩm thấu. Góc vintage như một sự tồn tại ngẫu sinh thú vị bên cạnh con phố hàng hiệu Prada, Kenzo, Valentino.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Lệnh hạn chế tụ tập vỉa hè được quán xá tuân thủ một cách thờ ơ. Cái không gian kín trở nên tù túng với những virusphobia – những kẻ sợ dịch. Mồm khẩu trang, tay cầm tờ nhật báo, gã khách vãng lai độc chiếm cái không gian trống rỗng.

Con số tử vong là cái tít thường nhật. Đà Nẵng – Vũ Hán phiên bản Việt là có thật!

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Mã Mây Tạ Hiện đóng cửa, dân expat mất chốn xôm tụ.  Lẩu mắm miền Tây sập tiệm, thế chỗ là quán cà phê trendy mới toanh. Những giọt Robusta, Arabica hẳn là có cái đẳng cấp sinh tồn vượt trội.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương kề khu đấu xảo thời thuộc địa. Bó bông ngày tốt nghiệp trên tay cô họa sĩ trẻ. Bức bình phong trầm màu, độc thoại nội tâm của một chiếc bóng – “Em bé và chú chó đen.” Nghệ thuật là trí tưởng tượng trong cô độc.

Photo: Đặng Mỹ Hạnh / Trẻ

Những búi dây cáp, “phần hồn” của những họa phẩm đương đại về đường phố Hà Nội, đang dần trở thành quá khứ.

Nước dừa lá dứa, một mình chiếm trọn cái ban công phố cổ.

ĐMH