“Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?” Ðó là câu hỏi của ông Nguyễn Phương Nam, nhân viên của cơ quan Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về tệ trạng bia rượu ở nơi nầy.

Theo Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Việt Nam, năm 2009, cả nước đã xảy ra 12,492 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11,516 người, bị thương 7,914 người; con số này không bao giờ giảm mà tăng theo thời gian. Báo cáo tổng kết cũng của Ủy ban này năm 2012 ghi nhận cả nước xảy ra 36,376 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9,838 người, bị thương 38,060 người. Chỉ trong vòng ba năm, con số tai nạn gia tăng gấp 3 lần, tuy số người chết thấp hơn, nhưng số người bị thương tăng  gần gấp 5 lần (4.8)

Như vậy, tính trung bình mỗi ngày tại Việt Nam xảy ra gần 1,000 tai nạn xe cộ, làm chết gần 1,000 người và người bị thương không dưới 2,000 người!

Loại văn hoá ăn chơi, nhậu nhẹt đã gia tăng thêm tai nạn giao thông trong những ngày Lễ Tết. Tám ngày nghỉ Tết có bao nhiêu ngày nhậu? Chỉ từ ngày mồng Hai đến mồng Bốn Tết năm nay, Bính Thân, cả nước đã có 13,695 trường hợp bị tai nạn giao thông phải cấp cứu tại các bệnh viện; 2,716 trường hợp đánh nhau phải nhập viện. Chỉ ở một Bệnh viện Việt Ðức Hà Nội thôi, trong ba ngày Tết, đã có hơn 200 trường hợp bị tai nạn xe cộ phải vào cấp cứu, trong đó, có tới 116 ca bị chấn thương sọ não vì va chạm hay té đầu xuống đường.

Hơn cả ma túy và tội phạm, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong nhiều cho thanh, thiếu niên ở Việt Nam; trẻ em, dù chưa đủ tuổi để lái xe, đã trở thành nạn nhân của rất nhiều vụ đụng xe. Theo thống kê của UNICEF hồi đầu năm nay thì tai nạn giao thông khiến mỗi năm có khoảng 4,200 trẻ bị tử vong và hàng ngàn trẻ bị tàn phế vĩnh viễn hay chấn thương não bộ.

Con số của người Việt Nam chết trong thời bình như vậy là quá kinh hoàng!

Ðúng là tai nạn giao thông ở Việt Nam quá đặc biệt, “chẳng nơi nào có được!”

Bảo Huân

Ở đây chúng ta không nói đến những lý do đã gây ra tai nạn như số xe quá tải cho đường sá quá lỗi thời, ý thức trật tự và thiếu giáo dục của người lái xe, hay sự buông thả hoặc ý thức đạo đức của cảnh sát lưu thông, như ở các nước nghèo trên thế giới, nhưng thủ phạm giết người ở đây là chất cồn trong rượu, bia.

Việt Nam đã làm một cuộc khảo sát trên những người gây tai nạn hay bị tai nạn giao thông tại Việt Nam, trong số 1,840 người bị tai nạn phải vào phòng cấp cứu, thì đã có 67% người lái xe khi đang say xỉn, 45% người khác lái xe chỉ mới sau 2 giờ nhậu nhẹt.

Những người bênh vực, cho rằng lý do tai nạn giao thông chẳng phải vì rượu. Họ lấy lý do, lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam chỉ tương đối cao, chứ không hề dẫn đầu thế giới. Trên thực tế, theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu xét về mức tiêu thụ đồ uống chứa cồn trên đầu người, Việt Nam vẫn đứng khá xa cỡ thứ 29. Nhiều người biện hộ: “Con số này ở nhiều nước phương Tây vẫn còn gấp đôi chúng ta!”

Nhưng trên thực tế, hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng rượu, bia cao thứ hai Ðông Nam Á (sau Thái Lan) thứ 10 với Châu Á và thứ 29 thế giới, nhưng trên thực tế có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều, vì việc nấu rượu và buôn bán rượu (lậu) của tư nhân không được kiểm soát đến nơi đến chốn.

Kết quả điều tra do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng thực hiện vừa được công bố giữa tuần qua cho thấy, tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu lên đến 7%.

Ðiều đáng lo là, trong 10 năm qua, số lượng rượu, bia sử dụng trên thế giới không tăng nhưng ở Việt Nam lại tăng dữ dội. Từ những năm 2003-2005, lượng tiêu thụ bia rượu tính trên đầu người là 3.8 lít/năm, năm 2010, tăng gấp đôi là 6.6 lít/năm. Dự báo cho năm 2025, con số này sẽ tăng lên 7 lít cho mỗi đầu người một năm. Việt Nam tiêu thụ khoảng 3.4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu, đấy là chưa kể mỗi năm Việt Nam còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu “tự biên!”

Chính phủ rõ ràng không có biện pháp nhằm hạn chế bia, rượu gây ra, dự thảo chống tác hại của rượu, bia đề xuất quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ đêm xem có vẻ khôi hài. Như vậy, dân nhậu có thể mua trước vài két bia trước 10 giờ đêm và sau đó thoải mái nhậu cho đến sáng. Cũng không có luật nào cấm trẻ em dưới 21 tuổi “nốc” bia rượu.

Nhiều ý kiến cho rằng người Việt Nam uống rượu bia vô độ và không biết kềm chế, sau đó lại thoải mái leo lên xe lái đi, “anh hùng” có bao giờ tự nhận là mình đã say.

Việt Nam từ những năm 1975 trở về sau này đã tạo ra một thứ “văn hoá nhậu nhẹt.” Ðàn ông sau giờ làm việc, đi thẳng về nhà với vợ, không biết nhậu là những “thằng hèn” không bao giờ thành công mà cũng chẳng được ai thuê mướn!

Tất cả các mối quan hệ giữa nhân viên và thủ trưởng, công ty và đối tác làm ăn, công ty và khách hàng đều được xây dựng trên bàn nhậu. Càng biết uống, càng được lòng chủ, càng dễ thăng chức, càng được lòng đối tác, càng dễ ký hợp đồng.

Ông Jean-Francois van Boxmeer, Tổng Giám Ðốc Heineken đồng ý Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Ðông Nam Á, với 3.4 tỉ lít bia trong năm 2015, đứng thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, dân số Việt Nam chỉ có 91 triệu, Nhật 127 triệu và Trung Quốc là 1.3 tỷ người.

Như vậy, Việt Nam quả là “anh hùng,” vì người ít nhưng chịu nhậu nhiều, hơn là các quốc gia nhiều người mà nhậu ít.

Nhậu nhiều, nhậu giỏi, “chịu chơi” như vậy, nhưng gần 16 lao động Việt mới có năng suất làm bằng một người Singapore. Nếu giữ tốc độ này, phải mất hơn 60 năm, Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore. Tương tự, một người Hàn Quốc cũng có năng suất lao động bằng 7 người Việt cộng lại. Mức năng suất lao động của nước ta cũng bị Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… bỏ xa.

Khi say xỉn rồi còn biết gì đến cảnh nước mất nhà tan. Xưa kia, mình trách thằng Tây bày ra trò đá banh, hội chợ, bắn pháo bông… cho dân quên chuyện nô lệ, bây giờ chỉ nội cái văn hoá nhậu nhẹt đầu đường cho tới khuya, thì dân đâu còn muốn thấy, chẳng thèm nghe, chỉ còn tranh nhau nói lè nhè!

HP