Nếu người ta đặt câu hỏi “Văn hoá là gì?”  thì câu trả lời của chính quyền và những “nhà văn hoá” hiện nay trong nước không khó:   “Văn hoá là cà-phê!” hay “Cà-phê là văn hoá!”

Năm 2011, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho “khai trương dịch vụ văn hóa”, đơn giản là vừa cho mở một quán cà phê. Nếu một quán cà phê được mở ở đầu đường, xó chợ, dưới chân cầu, bên bờ sông thì người ta gọi đó là một dịch vụ thương mãi bình thường, nhưng đây là một quán cà phê được mở ra ở một di tích lịch sử của cố đô nhà Nguyễn là lầu “Tứ Phương Vô Sự”, di sản văn hóa thế giới vừa được trùng tu với tổng kinh phí 9.3 tỷ đồng thì được gọi là “dịch vụ văn hoá”!

Tháng 7-2015, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lại có thêm sáng kiến mở “dịch vụ văn hóa” nữa tại ngôi nhà lưu niệm Ðức Bà Hoàng Thái Hậu Từ Cung (tọa lạc tại 145 Phan Ðình Phùng Huế). Cái trung tâm này chưa thấy bảo tồn được gì nhưng thích chuyện đấu thầu, đương nhiên là do lợi ích riêng, tùy tiện một cách “vô văn hoá”!

Họ nguỵ biện bằng cách mượn những lý do “văn hoá: “Với mục đích “lưu niệm” một công trình có dấu ấn của một nhân vật trong lịch sử triều Nguyễn, tạo một điểm nhấn cho cộng đồng địa phương và du khách tham quan có cơ hội trải nghiệm những giá trị lịch sử, văn hóa Huế theo một hình thức mới: tìm hiểu lịch sử – văn hóa kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn…”.

Quả là tối mù, khó hiểu bởi những “dấu ấn”, “điểm nhấn” và “trải nghiệm”, nhưng chắc chắn chúng ta hiểu thêm một sự “sáng tạo” của những đầu óc bán khai khi việc tìm hiểu lịch sử, văn hoá được kết hợp với nghỉ ngơi, thư giãn… Miễn là với người ta có thể nằm ngồi, chuyện trò, lai rai cùng với mục đích tìm hiểu văn hoá (!).

Di tích “Tứ Phương Vô Sự” trong Đại Nội Huế thành quán cà-phê!  

Bản thông cáo có ghi: “Các phòng còn lại ở hai tầng được “bố trí bàn ghế” phục vụ du khách và nhân dân địa phương có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về gia phả Nguyễn Phúc tộc, triều Nguyễn và văn hóa Huế”. Chữ “bố trí bàn ghế” phải hiểu là bày biện của quán cà phê, cho những ai có “nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về gia phả Nguyễn Phúc tộc, triều Nguyễn và văn hóa Huế” và “khách đến thăm nhà vừa được thưởng thức cà phê vừa được tìm hiểu lịch sử của một ngôi nhà gắn liền với cuộc đời thăng trầm của Hoàng Thái Hậu cuối cùng của triều Nguyễn!”.  Rõ ràng là trình độ của cái gọi là “Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế” chỉ là thứ chèo kéo, mời khách của thứ con buôn hạ đẳng!

Không ngờ vào cái thời đại này, đồng bào hay du khách, thiên hạ sao quá độ trí thức đến thế, không khéo cả nước đều, sau một buổi nhấm nháp đen, đá, sữa đều trở thành những nhà “Huế học” cả!(*)

Những nhà “bảo tồn” này tuyên bố “đã được sự đồng ý của UBND tỉnh” (ruồi có bao giờ chê mật!) và sự tham gia góp ý của “Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc” (ai là người hậu duệ vô đạo bằng cách đưa tay đồng ý lấy cơ sở, di tích lịch sử của cha ông để mở quán cà phê) cũng như một số nhà nghiên cứu Huế (vô liêm sỉ nếu quý vị nhận là trí thức, nhân sĩ mà không biết mở miệng để phản đối việc này).

Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà man rợ, quý vị có thể lấy chùa, nhà thờ làm kho lúa hay kho dụng cụ cho hợp tác xã, lấy sân chùa, nhà thờ để phơi lúa ngô hay cho trâu bò nằm nghỉ, hay để đấu tố địa chủ, nhưng thời Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà kẻ chiến thắng còn phá đàn Nam Giao xây đài liệt sĩ, dùng cửa Ngọ Môn làm chỗ bán vé chiếu phim Liên Xô – Tiệp Khắc, dùng ngai vua nhà Nguyễn cho du khách ngồi để chụp ảnh lấy tiền và mở quán cà phê trên những di tích lịch sử, thì những điều đó quả là “vô văn hoá!”.

Khoảng năm 1993, hãng phim Tự Do ở Việt Nam đã làm phim Tình Người do Thanh Lan và Lê Tuấn đóng vai chính. Hãng phim đã quay một đoạn hai người làm tình ngay trên cái giường của vua Bảo Ðại tại biệt điện của ông ở Ðà Lạt, và hãng phim cũng như tài tử đều lấy làm hãnh diện và quảng cáo cho việc này. Có lẽ hãng phim cho rằng nếu quay cảnh sex này trên cái giường ở một khách sạn nào đó thì tầm thường quá, nên phải lấy cái cảnh giường chiếu tại một di tích lịch sử có liên quan đến một vị cựu Hoàng.

Mở quán cà phê tại tư dinh của Đức Từ Cung, An Cựu – Huế

Thật sự nếu chúng ta có một cuốn phim về vua Bảo Ðại đi nữa, thì tài tử cũng không thể dùng cái giường của nhà vua cũ, mà đạo diễn phải phục chế những dụng cụ và nơi chốn khác để mô tả cái giường này. Sợ tốn kém và không tôn trọng những di tích văn hoá, lịch sử, đó là thói quen của những “nhà văn hoá” trong nước.

Chỉ có trong đất nước cộng sản cai trị mới có những điều “vô văn hoá” như thế.

Hình như các “nhà văn hoá” trong nước thường ám ảnh với miếng ăn hay với việc kiếm ăn. Nguồn tin từ Huế cho biết, ông Trịnh Bách, một nghệ nhân người Mỹ gốc Việt, đang làm việc cho TT Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, vừa có sáng kiến và đã được tổ chức này đồng ý sẽ mở một phòng triển lãm cổ vật lịch sử triều Nguyễn, cùng với một nhà hàng ăn ngay tại Ðại Nội. Nghĩa là du khách đến đây vừa ăn uống, vừa có thể thưởng lãm một cuộc trưng bày văn hoá.

Chính sách của đảng CS là tận dụng hết mặt bằng, đất đai, không những để chia chác nhau, mà còn cho thuê mướn, hay khai thác cho có lợi, lấy đồng tiền bỏ túi. Khen cho bọn chúng đã có sáng kiến mở một quán cà-phê trong Dinh Ðộc Lập của VNCH cũ mà chúng cho là  “một quán cà phê luôn đông khách có cái tên rất lịch sử – cà phê 30/4 – thu hút tầng lớp trí thức, nhà báo, nhà văn, công an, bác sĩ lẫn nhân viên văn phòng làm việc ở xung quanh khu vực trung tâm cũng xem đây là chỗ để tiếp khách, họp mặt. Còn sinh viên học sinh thì xem đây là nơi lý tưởng đến chụp “kỷ yếu”, lưu giữ ký ức một thời áo trắng”.

Vì ngoài “lợi thế lịch sử”, nơi đây còn có không gian thoáng đãng, có thể đậu nhiều xe hơi lẫn xe máy, có chỗ vui chơi dành riêng cho trẻ em”.

Quán cà phê trong khuôn viên Dinh Độc Lập- Saigon

HP

(*) Việt Nam dùng danh từ “nhà Huế Học” để chỉ những người nghiên cứu về Huế. Như vậy có thể có những nhà “Hà Nội học” hay “Pleiku học!”