Hình như từ khi có người Việt thì đã có người Tàu rồi?

Theo sử sách Tàu thì Việt cũng từ Tàu mà ra, từ Tàu di cư về Nam, hoặc là người Minh, những kẻ thua cuộc, lánh nạn nhà Thanh mà ồ ạt đến Việt Nam.

Chẳng lấy làm lạ, không ở đâu là vắng bóng người Tàu, đến đỗi người ta nói: “Ở đâu có khói, thì ở đó có người Tàu!”. Và ở đâu, họ cũng làm nghề buôn bán, từ lớn như một cửa hàng tạp hoá hay vải vóc, đến một xe mì gõ, một gánh chè “lục tào xá”, gánh ve chai hay một bình lạc rang.

Thời thơ ấu, ở một tỉnh nhỏ miền Trung, tôi vẫn thường nghe cha mẹ nói đến việc người Tàu buôn bán ngay thẳng, không gian lận, giả dối, biết giữ chữ tín.

Người Việt Nam, tuy vì hoàn cảnh xã hội, phải sống chung với các sắc dân khác, nhưng không bỏ được tinh thần kỳ thị, có khi mình không hơn ai nhưng lòng vẫn tỏ ra khinh rẻ người khác. Tây Mỹ hay dân tộc thiểu số đều được gọi bằng “thằng Tây, thằng Mỹ”, thằng Mọi “cà lơ.” Ðen thì ví là “cột nhà cháy”, trắng thì gọi là “bạch quỷ”, mũi người ta cao hơn mình thì gọi là “thằng mũi lõ”.

Ðối với người Tàu, dù đã sống đời trên đất Việt từ lâu, vẫn bị gọi là Chú Chệt, Ba Tàu. Cứ qua các thành ngữ hay văn chương bình dân, chúng ta thấy người Việt ít có lòng tôn trọng đối với người Tàu. Nói bậy thì gọi là “nói Tiều nói Quảng”; tử tế, đàng hoàng thì bị chê là “quân tử Tàu”; nói loanh quanh thì bị cho là “vòng vo Tam Quốc”, trước sau bất nhất thì bị coi là “đầu Ngô, mình Sở,” mỉa mai hơn nữa là thành ngữ “giáo Tàu đâm Chệt…”.

Tuy vậy, gần cả thế kỷ nay, lớn lên tôi chưa nghe ai nói đến chuyện ghét Tàu.

Cách đây một thế kỷ, người Tàu ở Việt Nam còn nói tiếng Tàu, giữ phong tục của họ như tục phụ nữ bó chân, đàn ông đuôi sam. Tuy có buôn bán sinh hoạt với người Việt nhưng người Tàu có hệ thống sinh hoạt cộng đồng riêng biệt, chặt chẽ như Bang, Hội; có trường học, rạp hát, đình chùa mang bản sắc Trung Hoa, các bảng hiệu, tiệm buôn viết đầy chữ Hán.

Ở trên cùng một đất nước, chịu bao nhiêu nghịch cảnh chiến tranh, bom đạn, chia lìa, tôi thấy chẳng bao giờ ghét người Tàu.

Bản sắc người Tàu ở Việt Nam phai nhạt dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hoà, khi chỉ một tháng sau ngày nền Cộng Hoà được thành lập, Thủ tướng đã ban hành Dụ số 10, tiếp theo sau đó là Dụ số 48 quy định về Bộ Luật quốc tịch Việt Nam. Trong đó, điều 12 ghi rõ: “Tất cả những ai gốc Tàu sinh ra ở Việt Nam đều bắt buộc phải nhập Việt tịch, để được có quyền lợi và nghĩa vụ của công dân Việt Nam, hoặc nếu không chịu nhập tịch thì có thể xin hồi hương (về Ðài Loan) trước ngày 31-8-1957”. Ðiều này có nghĩa là từ đây, người Tàu cũng phải đóng góp xương máu để bảo vệ miền Nam.

Người Tàu phải Việt hóa tên họ, kể cả bí danh, trong những văn kiện chính thức. Tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa, phải viết bằng Việt ngữ.

Dụ 53 chỉ định 9 nghề huyết mạch của nền kinh tế, mà ngoại kiều, hay các hội xã, công ty ngoại quốc không được hoạt động.

Bảo Huân

Phản ứng lại, các thế lực Trung Hoa trong và ngoài nước tẩy chay sản phẩm Việt Nam, và cả hàng hoá Mỹ ở Việt Nam. Người Tàu ồ ạt rút hết tiền ký thác trong các ngân hàng, đồng tiền Việt Nam bị mất giá thị trường chứng khoán Hồng Kông, Hồng Kông từ chối nhận 40,000 tấn gạo mặc dầu đã ký hợp đồng từ trước.

Không phải riêng người Tàu ở Việt Nam, ở các nước Ðông Nam Á, người Tàu ở đâu cũng dùng sức mạnh đồng tiền để thao túng thị trường, chuyên hối lộ và khuynh đảo các viên chức hành chánh tham nhũng, đóng thuế cho cả hai bên để thủ lợi và được yên thân.

Ðến cuối năm 1974, người Tàu ở miền Nam kiểm soát hầu hết các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện… và gần như độc quyền thương mại, xuất nhập cảng.

Tuy vậy cuối cùng người Tàu cũng thúc thủ, dần dần đồng hoá với người Việt, nhiều người gốc Tàu nhưng không nói nổi một câu tiếng Tiều, tiếng Quảng.

Người Tàu tại Việt Nam trở thành công dân Việt, được gọi là “người Việt gốc Hoa”. Từ đó cũng làm bổn phận công dân, đóng thuế, đi lính… Trong cuộc chiến chống Cộng sản, họ bị động viên ra chiến trường, tuy người Tàu có nhiều “lính ma, lính kiểng” nhưng cũng cùng hoàn cảnh, không thấy ai ghét người Tàu.

Sau ngày 30 tháng 4-1975, khi Việt Cộng vào Saigon, ở Chợ Lớn là nơi tập trung Hoa Kiều, một sớm một chiều, người Tàu đã giương cờ đỏ Trung Cộng rợp trời. Thời VNCH, họ là Tàu Ðài Loan, thời Cộng Sản vào Saigon, họ là Tàu đại lục, thì phải treo cờ Trung Cộng, hy vọng sẽ được chính quyền Bắc Kinh bao bọc.

Sợ lòng dạ Trung Cộng và lực lượng người Tàu ở Chợ Lớn, coi như đạo quân thứ 5 và những người trong ruột ngựa thành Troie, cuối cùng, cờ Trung Cộng phải được dẹp bỏ. Người Tàu, nhất là tại Sài Gòn – Chợ Lớn, phải chịu chiến dịch trưng dụng, tước đoạt tài sản, bị bắt bớ, cầm tù, dưới danh nghĩa là công cuộc “cải tạo công thương nghiệp” của những người thắng cuộc. Người Tàu cũng như người Việt ở miền Nam đã chịu ba lần đổi tiền tàn độc, vơ vét hết tài sản, trở thành trắng tay. Việt Cộng cũng dẹp hết tổ chức Bang, Hội của người Tàu. Cho đến năm 1978, khoảng 30,000 doanh nghiệp lớn nhỏ của người Tàu bị quốc hữu hóa. 250 ngàn người Hoa đã chạy sang Trung Cộng, năm 1979 qua biên giới phía Bắc, chúng ta gọi sự kiện này là nạn kiều. Người Hoa bị ép buộc trở về Tàu, mặc dầu nhiều người gốc Hoa, cha ông qua đây đã nhiều đời, sinh đẻ ở đây, đã không còn liên lạc với dòng họ bên Tàu, không biết tiếng Tàu, làm sao để trở về Tàu được, nhiều người đã thất vọng, tự sát.

Trước năm 1975, chúng ta có phiền hà chuyện người Tàu thao túng kinh tế miền Nam và mua chuộc nhiều quan chức trong chính phủ, nhưng thực tế không ai thù ghét người Tàu và sau năm 1975, người Tàu cùng người Việt miền Nam đã là nạn nhân của Cộng sản Bắc Việt. Họ cũng bị tù đày, phân biệt đối xử, cùng nhau xuống tàu vượt biển, nên chẳng ai ghét người Tàu. Ở trong nhà tù CS, chúng tôi đã gặp nhiều người gốc Hoa thuộc diện “phục quốc” cũng không thiếu anh em người Hoa trong quân đội, đảng phái phải chịu cảnh tù đày.

Nhưng 40 năm qua, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Trung Cộng, một kẻ đàn anh từng ra ơn cho Việt Cộng, từ xe tăng, súng đạn đến đôi dép râu, bánh lương khô, không thể để cho đất nước này thoát khỏi tay chúng; thường xách mé, miệt thị Việt Nam Cộng sản là kẻ vô ơn, cần cho một bài học. Ðảng Cộng sản ngày nay không đủ sức mạnh, không có sự liên kết nào có thể đương đầu, không có trí tuệ, tỏ ra hèn nhát, quỵ luỵ, để mất đảo, cho thuê đất thuê rừng với giá rẻ như cho không. Ðảng Cộng Sản bị Tàu Cộng lấn lướt, ngư dân bị đốt tàu, làm nhục, giới quân sự cũng bị đe doạ tránh xa vùng đất Trung Cộng chiếm cứ. Ngay cả trong hải phận Việt Nam, người Tàu vẫn chủ động lấn lướt coi như đó là sân sau của chúng, coi dân Việt như đứa con hư, một loại “nghịch tử” đòi phải “hồi đầu”!

Mặt khác, hàng hoá, thực phẩm Trung Cộng đầu độc cả thế giới, và đám nông dân Trung Quốc có tiền, thời mở cửa, đã gây ra một làn sóng du lịch vô văn hoá, từ cái ăn, đến cái ỉa, đã làm cho thế giới khinh miệt, coi rẻ. Người Việt trong nước và cả hải ngoại, trước tình thế này không làm sao tránh khỏi xu thế “ghét Tàu.”

Bản chất của mỗi con người từ lúc sinh ra không phải xấu, như nước từ nguồn hay nước sông biển. Xấu là vì nước đó nằm trong chai Trung Cộng hay lọ Việt Nam. Vì sao ngày nay, người ta ghét người Tàu và xem thường người Việt, câu trả lời rất đơn giản.

Ghét hay thương là chuyện của con tim và cả lý trí, nhưng hèn đến đỗi một tên tướng cầm quân mà “so vai rụt cổ” cho rằng, “Xu thế ghét Trung Quốc nguy hiểm cho dân tộc” thì dân tộc này chắc chắn thuộc loại hèn hạ, chẳng ra gì!

Người Tàu, dưới sự phán xét của bạn, họ có đáng ghét không?

HP