Bảo Huân

Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở một quận lỵ hay thành phố nhỏ, hẳn bạn nhớ hết những con đường, những ngôi nhà và đôi khi cả một vài cây cổ thụ cho bạn bóng im thời trẻ, hay những bờ sông tắm mát những trưa Hè. Và lẽ cố nhiên bạn cũng nhớ đến một vài nhân vật đặc biệt như một ông cụ râu dài hay một người đàn bà điên trong thành phố. Sau này lớn lên rồi, tha phương, nhưng những con người trong một thành phố cũ của một thời xa xưa vẫn còn như hiển hiện trong trí nhớ.

Những nhân vật ngày xưa được nhớ lại không chỉ là những nơi ăn chốn ở, mà cả sinh hoạt tính tình, cả đến con cái nhà ai, cha mẹ làm nghề gì, có gì đặc biệt. Bây giờ khi kể chuyện một người xưa, qua câu chuyện người ta còn nhớ đến cô kia là con ông chủ tiệm thuốc Bắc, cậu nọ gia đình là một chủ tiệm vàng.

Giàu nghèo, xuất thân từ một gia đình như thế nào, đứa nào cũng mang theo một cái biệt hiệu cho đến lúc lớn lên, mặc dầu răng bây giờ đã hết sún, tóc giờ này không còn “búp-bê” nữa! Lũ trẻ mất dạy thì luôn luôn nhớ tên cha mẹ hay nghề nghiệp gia đình đứa khác, để lúc tức giận dễ bề chửi bới.

Tôi còn nhớ câu răn đe của ông bố: “Ra đường làm gì thì làm, đừng để chúng nó gọi tên cha mẹ lên mà chửi!” Tục ngữ chúng ta cũng có câu: “Thương cha chớ chọc ăn mày!” Nói chung, nếu biết thương cha mẹ thì ăn ở cho thuận hoà, đừng để ai làm tổn thương đến danh dự của gia đình, nghĩa là đem cha mẹ ra mà chửi. Nếu một nhân vật hư hỏng, người ta không gọi là thằng mất dạy mà còn gọi là “con nhà mất dạy!”

Ông bà ngày xưa cũng đã nói: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống,” tức là phải tìm biết cái gốc gác ra sao. Gốc chẳng ra gì, thì ngọn không khá được, và tìm hiểu cái nề nếp, ngọn ngành của một con người luôn luôn là điều cần thiết. Chẳng thế mà “ra đi mẹ có dặn rằng, cam chua mua lấy, ngọt bồng chẳng ham!” Bà này kỳ thị, cho rằng cam chua dầu sao đi nữa cũng là giống cam, ngọt lắm cũng là loại bồng vô giá trị!

Lấy lai lịch cha mẹ mà xét đoán tư cách của con là lối dùng người của cổ nhân. Chẳng thế mà chúng ta đã nghe giai thoại về cách dùng người của ông Tổng thống Ngô Ðình Diệm, mỗi khi phê chuẩn việc bổ nhiệm cho một cấp chỉ huy quan trọng, ông Diệm thường hỏi người đề nghị: “Thằng ni con cái nhà ai?” Nếu gia đình thằng ni là người có tiếng tăm, đạo đức thì hẳn hắn không ăn hối lộ, không làm điều xằng bậy, vì người đàng hoàng làm điều xằng bậy thì nhục tới cha ông.

Thời nay dùng người, đứng đắn nhất là dùng người có tài, trong chế độ vô đạo thì người ta dùng người trung thành, cùng băng đảng, trung thành và cùng băng đảng thì dễ sai khiến, và sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chung. Cũng không cần biết đến gia thế, cha mẹ là ai, gốc gác từ đâu.

Ngày xưa trong cái thẻ căn cước, người ta ghi cả quê quán, tên cha tên mẹ. Ngày nay, đảng viên không còn nhớ tên cha mẹ đặt, dùng bí danh, nguỵ trang gốc gác nên chẳng ai còn biết ai là ai. Bởi vậy chúng nói ngang nói ngược, tham ô, bóc lột, lấy của đất nước, giang sơn làm của riêng, chẳng hề sợ đến thanh danh của gia đình, cũng không ai biết mà chửi đến cha đến mẹ!

Trong Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện “Tiễn người đi làm quan”. Tiết Tôn Nghĩa người Hà Ðông sắp đi làm quan, ông Liễu Tôn Nguyên làm tiệc tiễn hành ở bờ sông, rót chén rượu mời Tôn Nghĩa và nói về nghĩa vụ làm quan:

-“Giả thử ta đây thuê một người làm việc trong nhà, nó đã lấy tiền thuê mà lười không làm việc, lại còn ăn cắp đồ thập vật trong nhà, thì tất ta phải giận mà trách phạt nó và đuổi nó đi. Bây giờ kẻ làm quan như thế quá nhiều, mà không ai dám nổi giận trách phạt và đuổi đi là tại làm sao?”

Cũng trong sách này, chuyện “Thuyết Uyển” có nói:

“Chức đã cao, ý  càng phải khiêm cung; quan đã to, tâm càng phải tế nhị; lộc đã hậu, càng phải cẩn thận, chớ có lấy xằng, lấy bậy. Ông giữ được ba điều ấy là đủ trị dân vậy!”

Bây giờ, cán bộ đảng Cộng Sản ở Việt Nam năm nào cũng học tập theo lời “bác Hồ dạy” là “cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Các cơ quan của Chính phủ đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác chung cho dân chứ không phải đè đầu dân… Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh…”

Nhưng sự thật, học một đàng làm một nẻo. Cán bộ cao cấp ngày nay như đàn heo sục mõm vào máng, mạnh ai nấy ăn, còn nghĩ gì đến bác với chú.

Tại Việt Nam hiện nay, vô số viên chức cầm quyền giàu có bất thường, sống giàu có với những ngôi nhà riêng trị giá hàng triệu đô la, sống xa hoa vương giả. Tổng Thanh Tra Chính Phủ là người thanh tra tham nhũng mà cũng tham nhũng để giàu có thì còn trách cứ ai.

Hệ thống thanh tra đã kiểm tra 1,800 cơ quan chính phủ mà chỉ tìm ra 22 cơ quan vi phạm tham nhũng. Tổng số vụ tham nhũng đã được phát giác trong sáu tháng đầu năm 2017 chỉ có 47 vụ, liên quan đến 66 viên chức, mà cuối cùng chính phủ kết luận chỉ có một trường hợp vi phạm. Tất cả các vụ còn lại, các viên chức nhà nước đều trình bày tài sản, cơ ngơi của họ là do việc lao động cần cù như chạy xe ôm, nuôi heo, bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá… mà trở nên giàu có.

Ðiều đáng nói là hệ thống thanh tra của chính quyền, nghĩa là đảng, đã bao che người của đảng, chấp nhận tất cả những giải thích trên và tuyên bố tha bổng, chỉ giữ lại một trường hợp duy nhất để tế thần.

Ngày nay cha mẹ thấy con tham ô, vơ vét để có nhà cao cửa rộng càng cho là nhà có phước, con thấy cha mẹ giàu có nhờ chức phận thì lấy làm vui, mai sau củng cố cho đời mình; còn ai như chuyện xưa có liêm sỉ mà biết hổ thẹn. Vậy thì cũng không nên hỏi chúng là con cái nhà ai? Giấy rách phải giữ lấy lề! Có lề hồi nào đâu mà phải giữ?

Trong cuộc đời thường, chúng ta ai cũng có một gia đình để bảo vệ thanh danh, có một tôn giáo để vững một niềm tin, có một tổ quốc để hết lòng phục vụ, nhưng đối với những người Cộng Sản … thì không!

HP