Tôi viết những dòng này vẫn trong không khí mùa lễ Tạ Ơn mặc dầu Thanksgiving đã qua. Viết để tưởng nhớ một thời và những con người tử tế.

Vâng. Bỗng dưng chiều nay ngồi nhớ tới thời của nhật báo Tự Do. Ðó là những ngày mới lớn, đang học trung học ở Huế, và bắt đầu đi vào con đường văn chương chữ nghĩa. Nói cho đúng hồi đó cũng chỉ mới có dăm bài thơ và tùy bút, nhưng quá mê văn chương nên tìm đọc các sách báo có được. Nhờ có học bổng, mỗi chiều đạp xe qua phố mua tờ Tự Do, và mua cả tuần báo Ðời Mới, Thẩm Mỹ, Nhân Loại ra chiều thứ Năm. Nhưng đọc thường xuyên và gần như hàng ngày là báo Tự Do.

Phải nói rằng hồi đó Nguyễn rất mê đọc Tự Do. Ðọc không sót mục nào kể cả quảng cáo. Từ đó thuộc lòng tên tuổi của nhiều người góp mặt trên tờ báo. Nhà thơ Viên Linh cũng nghĩ như vậy khi ông cho biết trên Người Việt Online gần đây: Tự Do là tờ báo ông và các bạn văn nghệ đọc hằng ngày và cùng nhau chia sẻ cảm xúc.

Ðúng như Viên Linh nói trong bài viết: “Cung cách của tờ báo và tên tuổi các tác giả cộng tác, có thể nói, không một tờ náo khác có thể vượt qua. Còn nhớ những Vũ Hoàng Chương, Cô Thần, Hiếu Chân, Nguyễn Hoạt, Hà Thượng Nhân, Ðỗ Ðức Thu, Ðỗ Thúc Vịnh, Mai Xuyên, Phùng Tất Ðắc, Mặc Ðỗ, Vũ Khắc Khoan, Bàng Bá Lân, Lý Thắng, Như Phong, Mặc Thu, Vi Huyền Ðắc, Mai Nguyệt… Còn nhiều tên tuổi khác hiện không có đủ tài liệu dưới tay, tôi không dám kể ra và không thể kể ra hết.”

Theo Tạ Quang Khôi, Như Phong là thư ký tòa soạn, Nguyễn Hoạt là nhân viên tòa soạn phụ trách mục “Chuyện Hàng Ngày” với bút hiệu Hiếu Chân. Mục này sau được đổi tên là “Nói Hay Ðừng”. Ngoài Hiếu Chân còn hai người nữa cũng viết trong mục này, là nhà văn đường rừng Tchya Ðái Ðức Tuấn. Bút hiệu của ông trong “Nói Hay Ðừng” là Mai Nguyệt. Người thứ ba là Phạm Xuân Ninh, tức Hà Thượng Nhân, với bút hiệu Tiểu Nhã. Ông phụ trách mục “Nói Hay Ðừng”. Mục này được độc giả rất hâm mộ vì lối viết sắc bén và châm biếm của các tác giả”.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

mot-thoi-bao-tu-do

Hồi đó Nguyễn cũng thích mục Nói Hay Ðừng. Nhưng thích nhất vẫn là các tiểu thuyết feuilleton đăng trên đó. Tỵ Bái Mắt Em Ở Bốn Phương Trời của Nguyễn Hoạt, Khói Sóng của Lý Thắng tức Như Phong, Luyện Máu của Bùi Xuân Uyên, Nguyệt Ðồng Xoài của Lê Xuyên… Bao năm qua rồi những tác phẩm vừa nói còn đọng lại trong trí óc người viết. Phải nói hồi ấy báo Tự Do đã mở ra trước mắt Nguyễn cả một chân trời và cùng với những tác giả, tác phẩm của những năm 50 ấy đã đưa mình vào thế giới văn chương chữ nghĩa và ở lại cho tới bây giờ.

Ôi, làm sao quên được những tên tuổi trên tờ Tự Do như Hà Thượng Nhân, Nguyễn Hoạt, Như Phong, Lê Xuyên, Phạm Tăng… Hồi đó, ở Huế, mình chỉ là một anh chàng thiếu niên, hằng ngày “đạp chiếc xe đạp đàn ông màu đen, hiệu Saint-Etienne, có cái chuông rất bự, cái porte bagage rất chắc”. Một anh học trò tay trắng thì làm sao quen biết được những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tăm tiếng nói trên. Mãi tới nhiều năm sau này, qua cuộc đổi dời mây chó mới quen được vài vị.

Chiều nay ngồi nhớ lại… Mình nghe danh tiếng Hà Thượng Nhân từ thời báo Tự Do, nhưng mãi tới đi tù cải tạo ra Bắc mới gặp ông ở bến Hạ Lý. Buổi chiều đi ngang thấy ông mặc bộ bà ba màu nâu, ngồi nói chuyện giữa một đám bạn bè phần đông còn trẻ. Dịp này mình chưa quen ông. Phải tới năm 1979, khi bị đưa tới trại Thanh Chương, Nghệ Tĩnh mới có dịp kết thân với Hà Thượng Nhân. Ở trại này còn có Tô Thùy Yên, Vũ Ðức Nghiêm, Ðỗ Duy Chương, Nguyễn Trung Dũng, Xuân Bích…Thời gian ở trại Thanh Chương, anh em có nhiều kỷ niệm với nhau, nhất là giữa Nguyễn và Hà Thượng Nhân. Hồi đó, có hứng sáng tác, nhiều người làm thơ trở lại và thường đem đọc cho nhau nghe trong những bữa uống trà. Cảm động nhất là một buổi trưa, Hà Thượng Nhân mang qua cho Nguyễn một lon gô chè đậu xanh do ông nấu. Ông bảo: “Mang cho thi sĩ bồi dưỡng.” Ôi, cảm động. Hà Thượng Nhân rất thích những bài thơ Nguyễn viết trong trại tù Thành Ðá Xanh (từ Nguyễn dùng gọi Trại Thanh Chương), đặc biệt bài Thảo Nguyên ông cất giữ bên mình. Một hôm trại mở cuộc khám xét đồ dùng của tù nhân, cán bộ bắt được bài thơ trong túi áo Hà Thượng Nhân, hỏi: “Thảo Nguyên là gì?”. Ông đáp tỉnh bơ: “Thảo Nguyên là Thảo Nguyên.” Tên cán bộ lại hỏi: “Anh làm thơ hả?” Ông đứng thẳng người đáp: “Vâng. Thi sĩ là nghề của tôi.”

Ra tù về lại Sài Gòn chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Có cả Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng… Qua Hà Thượng Nhân, Nguyễn được gặp Hữu Loan và Nguyễn Hoạt.  A, Nguyễn Hoạt của thời báo Tự Do. Một hôm cả mấy anh em gồm Hà Thượng Nhân, Nguyễn Hoạt, Tô Thùy Yên và mình rủ nhau đạp xe qua thăm Nguyễn Ðình Toàn ở cư xá Làng Báo Chí. Ngồi trong căn nhà bày biện sơ sài của Toàn, Hà Thượng Nhân nói, “Ðúng là nhà của một hàn sĩ!” Dịp này, lần đầu tiên được nghe Nguyễn Ðình Toàn đọc thơ, bài Tự Do! Tự Do! của Nguyễn Hữu Nhật. Giọng đọc thơ truyền cảm và nội dung bi tráng của bài thơ khiến anh em xúc động. Sau bữa đó trở về được ít lâu thì Nguyễn Hoạt bị bắt lại rồi chết trong tù. Hà Thượng Nhân đưa Nguyễn đến thắp hương trước bàn thờ Nguyễn Hoạt mà lòng bao xiết ngậm ngùi.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Thế rồi sang Mỹ. Anh em lại gặp nhau.

(còn tiếp)