Tháng Ba lại về, gợi bao nỗi nhớ trong lòng kẻ này. Nhớ mình đã có viết một bài tản mạn tựa đề ‘Tháng Ba, Chim Bay Về Nhiều’ gợi hứng từ tranh và thơ của Đinh Cường.

Và cách đây đúng nửa thế kỷ mình cũng đã có thơ về tháng Ba. Pleiku, Tháng Ba 1974. Xin trích dẫn đôi câu khi mùa gió trở về.

tháng ba. rực trời nắng gió

bụi bay. hợp âm qua hàng thông

em đốt đời em trên sắc lá

lãng quên. ngọn lửa dưới chân tường

vò nát chiếc khăn. và đừng khóc

chiều nay. chớp bể mưa nguồn

chia tay nhau. sương phụ

người đi. râu bám bụi đường

Ở đây là một thiếu phụ tiễn đưa người yêu lên đường ra mặt trận.

Tháng Ba của mây và chim lại gợi nhớ tới Phạm Công Thiện. Thiện ra đi cũng vào độ tháng Ba. Chàng có hai câu thơ về chim mình cũng rất thích

Ồ, chưa bao giờ tôi thương những con chim như chiều nay.

Tôi muốn xây lên một nghĩa địa chim giữa thành phố …

Phan Xuân Sinh và bạn bè Dallas 

Thương chim. Chẳng những thế, Thiện còn buồn da diết khi một con ong qua đời. Anh chàng đã từng viết xuống: “Cummings chết, tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrarsm, Hermann Hesse, Faulkner chết: tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm”.

Một thi sĩ nữa cũng ra đi vào tháng Ba. Đó là Thanh Tâm Tuyền. Anh ra đi vào tháng 3 năm 2006. Cũng đã 18 năm rồi đó. Nhớ mình có viết bài Tưởng Niệm. “Thanh Tâm Tuyền là tác giả lớn của Văn Học Miền Nam. Ông được nhiều người yêu mến và kính trọng. Sau 1975, ông im lặng và hầu như không viết gì. Nguyễn tôi được biết và quen thân với TTT từ sau 1982 lúc đi tù cải tạo về (cả hai cùng được cho về một lượt). Trước 1975, tôi chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy ông ở La Pagode, café Majestic nhưng không quen ông. Sau khi đi tù về, tôi thường gặp TTT ở nhà Tô Thùy Yên hoặc nhà Đinh Cường, nhà Hà Thượng Nhân và có mối giao tình với ông từ đó. Qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, tôi nhận xét thấy TTT là người đọc nhiều, biết nhiều, thẳng thắn, sâu sắc. Ông thường cho tôi mượn sách và nói cho tôi nghe về các nhà văn đương thời ở nhiều nơi trên thế giới. Thỉnh thoảng tôi đến chơi nhà ông ở trong con hẻm trước Bệnh Viện Nguyễn Văn Học. Ông tự tay pha cà phê mời tôi uống và kể lại những mẩu chuyện về cuộc đời và văn chương của Vũ Khắc Khoan, Quách Thoại, Mặc Đỗ… Năm 1990 ông nhận được giấy xuất ngoại theo diện HO. Trước khi đi, ông đến nhà tôi ở Thanh Đa. Trao tặng tôi bài thơ Rũ Bỏ Ký Ức, Và Đi như một lời chia tay. Ông bảo sẽ gặp lại nhau ở Thế Kỷ 21 và từ đây ông không viết gì nữa. Trong lúc trò chuyện, tôi đưa cho ông xem mấy bài thơ vừa viết xong, trong đó có bài Phố Ôn Như Hầu. Ông đọc và chú ý ngay bài thơ. Đây là Phố Ôn Như Hầu ở Hà Nội hả. Ông hỏi và tôi trả lời không, phố ở đây, gần bên chùa Xá Lợi. Ông nói: đúng là cái nhìn thấu thị. Phố Ôn Như Hầu ở Hà Nội là nơi CS mở cuộc khủng bố lùng diệt các anh em Quốc Dân Đảng. Ngoài đó còn có phố Trường Thi nữa …

Và rồi anh em chia tay nhau, không ngày gặp lại. Tôi có đi với Cao Đông Khánh lên Minnesota, nơi ông ở muốn tới thăm ông, nhưng không ai đưa tới. Đành chỉ gởi lời nhắn thăm ông. Và rồi ông vĩnh viễn rời bỏ anh em ra đi. Ngày 22 tháng 3. 2006. Khiêng quan tài ông ngày ấy có Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Cung Tiến và một người bạn.

Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền, tôi chỉ nói một lời ngắn gọn: Ông là một nhà văn lớn có công khai phá và xây dựng nền văn chương Miền Nam, một nhân cách lớn nhiều người ngưỡng mộ. Vừa qua, bạn văn xa Ngộ Không Phí Ngọc Hùng gởi cho công trình sưu khảo Tác Giả Tác Phẩm, kỳ này là nhà văn/bác sĩ Ngô Thế Vinh. Trong đó có bài viết rất công phu, rất hay và đặc sắc của Ngô Thế Vinh về Thanh Tâm Tuyền với tựa đề THÁNG BA. THANH TÂM TUYỀN RŨ BỎ KÝ ỨC KHÔNG THỂ KHÁC.”

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Tháng Ba, tiễn đưa người … Đây là nhà thơ Phan Xuân Sinh. Anh rũ bỏ ký ức và ra đi ngày 28 tháng 2. 2024. Nhiều bạn bè đến tiễn đưa anh trong hai ngày 4 v à 5 tháng 3 vừa qua. Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi ghi lại trên trang facebook của mình:

“Hôm nay là ngày tiễn bạn lên đường đi vào cõi vô định. Tôi thức dậy thật sớm, phóng xe đến tư gia nhà văn Trần Doãn Nho rồi nhanh nhẹn lên xe cùng nhau xuôi Nam đi cho đúng giờ tiễn bạn. Sương sớm mát lạnh. Chúng tôi yên lặng lái xe. Nghĩ đến bạn và bao điều mơ hồ, thực hư của đời một con người. Khúc réquiem âm thầm len lỏi giữa chúng tôi. Vĩnh biệt bạn thân. Vĩnh biệt người hiền lành, tâm hồn luôn ngơ ngác giữa những bất trắc của xã hội. Vĩnh biệt nhà thơ Phan Xuân Sinh.”

Nguyễn và Bằng hữu ngày vĩnh biệt Phan Xuân Sinh

Đinh Yên Thảo và Nguyễn tôi cũng từ Dallas vượt đường dài đến thăm và đưa tiễn Phan Xuân Sinh. Nhiều bạn bè nay cũng đã già yếu tề tựu về đây: Phạm Văn Nhàn, Hà Thúc Sinh, Cái Trọng Ty, Tô Thẩm Huy, Trần Gia Phụng, Ngu Yên, Trần Doãn Nho, Nguyễn Trọng Khôi … Nhìn Phan Xuân Sinh lần cuối, và cầm tay chị Thiên Nga mà lòng rã rượi. Bao nhiêu ký ức thân thương trào dâng trong lòng. Có một lúc bạn bè hội tụ quanh quan tài lần cuối cùng nâng ly rượu chia tay Phan Xuân Sinh. Tất cả cùng hát theo tiếng đàn và tiếng kèn miệng của Ngu Yên. Có hai cô đã ngâm thơ và đọc thơ … Riêng mình đêm về cũng có một bài requiem ngắn với bạn hiền:

Xem thêm:   Mùi hương hoa nhài, và nhạc rahab trên đường phố

Chia tay Phan Xuân Sinh

Chia tay anh. phan xuân sinh

tôi không khóc

chỉ có trang thơ ngắn

và những chiếc lá trên cây

mây bay. mây bay qua

anh không còn đứng dưới trời đổ nát

hay bơi ngược dòng

anh sinh. cứ thanh thản mà đi

vẫn còn đây. trong trí tưởng mọi người

những buổi đọc thơ. hát xướng

bên hơi rượu nồng

và búp đèn hoa huệ

có chị thiên nga ngồi cười

và bạn bè tưởng nhớ anh

cứ thanh thản mà đi

chia tay nhau chiều nay

tôi không khóc  (NXT)

TN