Ông Nguyễn Chí Vững sinh năm 1981, quê ở Cà Mau và đang sống ở Bạc Liêu. Ông bị bắt tạm giam từ ngày 23/4/2019. Ngày 26/11/2019, ông kết án 6 năm tù giam vì tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Chí Vững dùng các tài khoản trên Facebook từ tháng 5 đến cuối tháng 8/2018 để phát trực tiếp năm lần các nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam”. Cáo trạng nói tiếp rằng ông Vững đã tham gia các nhóm kín “Giặc cỏ”, nhắn tin qua ứng dụng messenger để thảo luận về cách thức biểu tình, kích động, lôi kéo người khác tham gia biểu tình để phản đối Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu… Ông Vững bị nói là đã thuê ông Nguyễn Chí Bền làm 100 ná thun chuẩn bị biểu tình dịp Quốc khánh 2-9-2018 tại trung tâm thành phố.

Ông từng bị xử phạt hành chính hai lần về các hành vi “Tụ tập đông người nơi công cộng, gây mất trật tự công cộng” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Luật Đặc xá vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua tháng Sáu, có chi tiết về người bị kết án phạt tù về 16 tội sẽ không được đề nghị đặc xá dù có đủ các điều kiện quy định. Trong đó có tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và tội phá rối an ninh.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất hơn 20 người với những cáo buộc liên quan đến an ninh bao gồm tuyên truyền chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền hay gây rối trật tự công cộng. Chỉ trong 1 tuần qua, các tòa án tại Việt Nam đã kết án tù 3 người dân với cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều 117 Bộ luật Hình sự với các án tù nhiều năm.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án Việt Nam đã sử dụng các điều luật an ninh để đàn áp các tiếng nói đối lập, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Chí VữngẢnh: Reuters