Càng gần Tết, lợi dụng nhu cầu tiền mặt của người dân tăng cao, những tổ chức cho vay nặng lãi nở rộ, kéo theo hoạt động đòi nợ thuê.

vay-cat-co-biet-kho-cung-vay

Quảng cáo cho vay dán đầy đường phố (Báo Mới)

Cuối tháng 11 qua, công an Thanh Hóa đã bắt 7 tên (2 tên tại đào) cho vay nặng lãi đội lốt công ty tài chánh Nam Long. Trong quá trình điều tra sơ bộ, từ 23/70 tài khoản của Nam Long, tạm thống kê được 200 khách hàng của 63 tỉnh thành đã vay Nam Long số tiền tổng cộng 510 tỷ đồng. Ðể bảo đảm hoạt động thông suốt, thu lời cao, chắc chắn, Nam Long ràng buộc người vay bằng những khoản thu không có trong thỏa thuận. Nhân viên Nam Long, đều phải đóng thế chân ít nhất một trăm triệu, cam kết nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị kỷ luật. Kết quả, một con nợ bị đánh chết, một nhân viên xin nghỉ ngang, bị giám đốc ‘xử đẹp’ làm gương. Trên clip được tung ra rộng rãi trên mạng internet, người xem rùng mình vì mức độ ‘đẹp’ mà tội nhân phải chịu: quỳ xuống, lê bằng đầu gối, mỗi bước lê là một lần bị đánh. Lê lên gần sếp, quỳ gục đầu nghe phán ‘hoặc là ăn phân người hoặc tự chặt ngón tay’.

Thành tích của Công ty Nam Long, nghe qua ai cũng sợ. Sợ sao còn dám vay? Câu hỏi này được trăm phần trăm nạn nhân trả lời giống nhau: ‘Cần kíp mà gõ cửa bạn bè, người thân ai cũng lắc đầu, túng thế phải vay’. ‘Ra ngân hàng thủ tục lâu, đòi hỏi nhiều. Chúng nó thần tốc hơn. Mười lăm phút! Cần bao nhiêu cũng ô kê’, ‘Sắp lãnh lương thưởng cuối năm. Lãnh ra, trả hết liền một cục, đâu có ngán’.

vay-cat-co-biet-kho-cung-vay3

Những tên cầm đầu công ty Nam Long, vụ án cho vay đang bị điều tra.

Bị những tờ quảng cáo dán cột điện, vách tường công ty, nhà trọ, bệnh viện, ký túc xá với những thông tin hấp dẫn: ‘hỗ trợ vốn’, ‘tín dụng ưu đãi’, ‘nhanh gọn, lãi suất thấp, khỏi thế chấp, khỏi thủ tục’… biết bao người đã nhẹ dạ cả tin, để rồi è cổ đóng lãi mỗi năm từ 200% tới 1000% (ngân hàng chỉ 6% một năm). Ðóng không nổi phải bỏ trốn, nhà cửa bị tạt chất bẩn, vợ đi làm bị chặn đường lột quần xé áo, con đi học bị bắt cóc… Xóm làng, khu trọ, xã phường dăm bữa nửa tháng lại thối hoắc mùi mắm tôm, phân rác. Tiếng chửi tiếng khóc, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng súng nổ náo loạn. Khổ không để đâu cho hết! Ngay địa phương kẻ viết bài cũng vậy. Là một xã nhỏ sát chân núi, mấy chục năm trước còn nhiều voi rừng, nay rẫy mì, vườn tiêu, cao su, điều, nhãn… bạt ngàn, xanh tốt. Hàng năm, vào mùa thu hái, thợ Miền Tây tấp nập kéo về làm thuê. Tuần trước, kẻ viết bài có việc lên xã, thấy đông người tụ tập. Hỏi ra, người thì ‘Ông nhà em bị tụi nó đánh đi bệnh viện hồi hôm’, người thì ‘Hai con heo với lại một bầy sáu con dê, chúng nó ba thằng mang xe đến, ngang nhiên vào chuồng chở hết đi’, người thì ‘Có cái nhà, cho đứa con gái rồi. Con gái mượn chứ bác đâu có mượn mà bây giờ nó bắt bác viết giấy nhận nợ, không viết nó xiết nhà’. Hai anh công an xã, kẻ viết bài quen, ngồi nhận đơn, nghe trình bày, ghi nhận lời khai. Anh nào cũng than ù tai, nhức đầu. Hỏi cách giải quyết, hai anh nói thẳng: ‘Lương tháng hơn triệu bạc (50 đô la) mà một núi công việc, việc gì cũng khẩn cấp. Cho vay nặng lãi là phạm pháp, nhưng dân đây toàn thỏa thuận miệng, không có giấy tờ. Khi xảy ra lùm sùm bất quá công an chỉ xuống nhà ghi nhận sự việc, gọi bọn xấu cảnh cáo, răn đe. Nếu có chứng cớ rõ ràng đánh người, bắt cóc, xiết đồ, đốt nhà… mới bắt, nhưng bắt vì tội hành hung, gây rối trật tự, xâm hại tài sản chứ không phải tội đòi nợ thuê’.

vay-cat-co-biet-kho-cung-vay2

Tang vật bị công an tịch thu là những giấy tờ cá nhân của nạn nhân.

Nếu phải phác họa chân dung nạn nhân của bọn cho vay nặng lãi, người ta hay nghĩ tới nông dân mất mùa, công nhân hợp đồng, viên chức quèn, sinh viên xa nhà, lao động nhập cư… nghĩa là những người sinh ra với ngôi sao nghèo chiếu mạng. Nhưng trong thực tế, nhiều con nợ rất VIP, rất giầu có, nổi tiếng. Nếu chịu ‘tri túc tiện túc’ thì ngồi không ăn ba đời chưa hết của. Nhưng sự tham muốn, ganh tỵ luôn thôi thúc khiến những người này hay được voi đòi… Hai Bà Trưng. Họ dùng thủ đoạn luồn lách, chạy chọt, liên kết với ngân hàng A, tập đoàn B, giám đốc C, chủ tịch D… để bẻ cong luật pháp, mua rẻ bán đắt kiếm lời từ đất sân bay, đường BOT, khu công nghệ cao, cầu cảng, resort ven biển… ‘nhân tiện’ thao túng luôn một tỉnh, một ngành, một bộ. Rốt cuộc bốn chữ ‘vay trả, trả vay’ như đèn cù, xoay quay một chữ  ‘Tham’ chói lòa, sáng rỡ (!). Tiền không đẻ ra tiền, tình không đẻ ra tình mà đẻ ra… vành móng ngựa. Ai đâu? Thì Trầm Bê, Hứa thị Phấn, Ðinh La Thăng, Phan văn Anh Vũ, Phan văn Vĩnh…

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Vẽ mặt mũi con nợ cũng phải phác vài nét đan thanh về chủ nợ và nặc nô. Thế mới công bằng! Xã hội bây giờ hay có bệnh ném đá hùa. Một hiện tượng, một cá nhân, một phong trào nào xấu ác mới xảy ra, lập tức truyền thông đủ loại nã đạn như mưa. Cộng đồng @ cũng hùa theo, bới móc, chỉ trích ‘tận cùng bằng số’, ít thì vài hôm, nhiều thì cả tháng, vài tháng. Trường hợp nạn tín dụng đen, hơn hai tháng nay, ngày nào đám cho vay nặng lãi cũng bị đào mả, bọn giang hồ chuyên đòi nợ cũng bị tế ‘cả làng cha’. Kẻ viết bài ít nhiều cám cảnh. Lân la tìm hiểu tâm sự, tiếp cận ‘đồng chí’ Thanh Kẹ, chuyên đòi nợ thuê khu chợ rau đầu mối B.R. Anh Thanh thú nhận ‘Cũng mệt mỏi lắm! Giấu không cho vợ con biết. Kiếm được nghề nào khá hơn sẽ bỏ nghề này’. Tú Hai Chai, đàn em Thanh Kẹ kể thêm: ‘Tới đòi mà lịch sự, ôn tồn con nợ sẽ lần khân giỡn mặt. Cho nên phải có ‘ngoại hình ông kẹ’, vũ khí lận lưng, tả hữu rần rộ. Gặp là ‘bụp đẹp’ liền, hỏi đúng hai câu, ‘Chừng nào trả. Trả bao nhiêu. Nói!’ Làm vậy cốt được việc, chứ chẳng phải anh hùng gì. Chỉ khi bị chọc điên (con nợ dàn quân chơi lại, báo công an mật phục, ngang nhiên thách thức…) mới thực sự ‘cho nó thấy quan tài’.  Hầu hết chủ nợ đều có địa bàn quen, có thâm niên, uy tín. Ðiều kiện vay, cách tính lãi, trả lãi, con nợ đều ‘rành sáu câu’. Mức lãi 15%- 30% một tháng là mức chung lâu nay vẫn vậy, đi đâu cũng vậy, ai vay cũng vậy, không thể muốn ‘hét’ bao nhiêu thì ‘hét’. Mọi chuyện chỉ thực sự rối loạn, bậy bạ khi đám giang hồ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng ào ào ‘Nam tiến’. Nghe nói tụi này thủ đoạn tàn ác máu lạnh, cho vay với mức lãi khủng khiếp, có thể tới 100% một tháng. Báo chí chửi là chửi tụi này. Dân ghét sợ là ghét sợ tụi này, chứ với giới cho vay nặng lãi bấy lâu, họ không thích, không thương nhưng vì cần lúc tối lửa tắt đèn nên cũng tạm ‘chung sống hòa bình’. Bà Ð, một chủ nợ ‘cáo già’ chợ Cầu 6 tâm sự với kẻ viết bài: ‘Ðừng tưởng ngày ngày lấy tiền góp, cuối tháng lấy tiền đứng là dễ dàng. Cái gì cũng có cái giá của nó. Nghề này lúc nào cũng có chữ tiền trước mặt. Nhắm mắt ngủ thấy tiền. Mở mắt là nghĩ tiền. Ghi sổ thì sợ có chứng cớ thưa kiện. Không ghi thì sợ người vay chối nợ, trây ì, sợ chết bất tử, chồng con không biết đường nào đòi’. Chị T, đại lý thu mua nông sản, kiêm chủ nợ bất đắc dĩ ở xã Hòa Hiệp cũng góp tiếng kể khổ: ‘Ðầu mùa, đám chủ tiêu vay tiền mua phân bón, thuốc sâu. Chừng vô mùa thu tiêu, họ bán cho mình, trừ nợ. Nhưng ba năm nay, tiêu rớt giá mạnh. Tiền vay họ không trả, cũng không nói phải quấy. Mình tới đòi nợ, chỉ lấy lại vốn, lãi bao nhiêu cho họ hết, không tính. Vậy mà họ còn thách ‘Giỏi đi thưa đi, tui đi hầu’.

vay-cat-co-biet-kho-cung-vay1

Nguyễn Đức Thành chủ công ty cho vay Nam Long đang bị Công an Thanh Hóa lấy cung. (Báo Đời sống và Pháp Luật)

Hiện nay, do pháp luật còn nhiều kẽ hở nên hoạt động cho vay tiền, thu hồi nợ ngày càng lắm biến tướng, nhiều hình thức lách luật tài tình. Mấy lần công an Sài Gòn (phòng PC06) kiến nghị Bộ Tài Chánh phải tham mưu cho chính phủ cấm hoạt động cho vay nặng lãi, hoặc không cấm thì phải siết chặt hơn. Kiến nghị là vậy, nhưng chưa thấy hồi âm tích cực. Trong khi đó, Tết cổ truyền đang đến rất gần. Nhu cầu người Sài Gòn nói riêng, cả nước nói chung, đang tăng theo cấp số nhân. Trăm thứ tiền! Tiền nào cũng thiếu, cũng cần. Mà cần thì… Biết rồi! Khổ lắm!

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

XH

Việt Nam