lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Cơn thủy triều đỏ tháng 4 đã nghiền nát miền Nam, chúng cày xới tan nát những mảnh đời xanh trẻ. Số phận của những người vợ lính quân đội miền Nam là một chuỗi đầy nước mắt, bi thương, gánh nặng thăm chồng, nuôi con oằn nặng trên đôi vai gầy thiếu nữ. Ngoài nỗi lo cơm áo, họ phải căng mình chống chọi với sự thù hằn của “bên thắng cuộc”.

Mời bạn cùng chia sẻ với một trong những người vợ lính VNCH năm xưa, chị  Nguyễn Thị Thêm qua cuộc trò chuyện với Ngân Bình…

Chị Thêm và con trai trong “base” ở Texas

Ngân Bình (NB): Kính chào chị Thêm, trước 1975, chị sống ở đâu và làm nghề gì?

Nguyễn thị Thêm (NTT): Tôi quê ở quận Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa, làm nghề dạy học. Mùa hè năm 1974, tôi chuyển ra Ðà Nẵng để theo chồng. Chồng tôi lúc đó cấp bậc Ðại úy.

NB: Sau 1975, cuộc sống gia đình chị có thay đổi nhiều không?

NTT: Sau khi Ðà Nẵng mất, gia đình tôi về lại quê chồng thuộc Xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ðầu tháng 4/1975 chồng tôi bị bắt đi tù “cải tạo”. Riêng tôi bị tịch thu hết giấy tờ thuyên chuyển dạy học. Sau đó thì vào làm hợp tác xã nông nghiệp thuộc đội 11, xã Hải Tân. Ở xứ lạ, không người quen, chồng đi tù, nhà còn mẹ già và hai đứa con thơ. Tôi đi cấy, cắt lúa, giữ trâu, đạp nước … Cuối vụ gặt lúa gánh về cho trâu đạp. Sau khi trừ hết các khoản thuế và chi phí. Lúa còn lại chia theo số điểm của mỗi xã viên. Cả mùa, tôi lãnh được chừng 100 kg thóc, chẳng đủ thiếu vào đâu. Mẹ chồng tôi phải gánh gồng buôn bán thêm nuôi cả nhà. Tội nghiệp mẹ chồng, vừa vất vả vừa buồn lo nên bà bệnh rề rề hoài.

Xem thêm:   Trên lưng trời

NB: Từ vị trí một giáo viên trên bục giảng thành người chăn trâu lúc đó tâm trạng chị ra sao?

NTT: Tôi không còn con đường nào để chọn lựa chị ạ. Quê chồng tôi có câu «Khôn cho người ta sợ. Dại cho người ta thương. Dở dở, ương ương chúng ghét”. Tôi chọn làm người dại, chịu đựng nghịch cảnh để nuôi con và chờ chồng.

NB: Những khi chị hoặc con cái bị bệnh thì chị xoay xở sao trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó?

NTT: Lúc đó trạm xá nào cũng có đúng một loại “thuốc thần” Xuyên tâm liên trị bách bệnh. Sáng, tôi cõng con gái lớn đi trạm xá xin được mấy viên thuốc Xuyên tâm liên. Chiều, bồng con nhỏ đến trạm xá nhận thêm mấy viên y vậy. Ðường từ xóm Cang của tôi xuống tới xóm Hòa trạm xá xa lắm. Ngày hai chuyến đủ đuối sức. Có lần, cả 3 bà cháu đều bệnh. Mẹ chồng tôi bệnh nặng, bầu giác khắp người vẫn không khỏi. Thuốc men thì quanh năm Xuyên tâm liên. Con gái lớn tôi sốt và ho, con gái nhỏ bị lên ban trắng. Lúc đó, tôi suy sụp, nản lòng, tưởng không thể vượt qua.

Gia đình trước khi đi Mỹ  (1990)

NB: Rồi sao chị?

NTT: Bí quá hóa liều, tôi ra giữa trời ngồi khóc. Tôi ngửa mặt cầu xin “Trong hai đứa con, ông Trời chọn đứa nào thì đem đi, xin cho đứa còn lại hết bệnh, để tôi còn lo cho mẹ chồng già yếu”. Rồi như trời xui đất khiến, tôi bứt đủ thứ lá cây, lá thuốc nào có trong vườn, đem bằm ra, sao vàng hạ thổ và nấu cho 3 người bệnh uống. Thật kỳ lạ, cả 3 bà cháu đều thuyên giảm rồi khỏi hẳn. Tôi bắt đầu lấy lại tinh thần, mạnh mẽ hơn từ đó…

NB: Có khi nào chị nghĩ đến việc buông xuôi không?

NTT:  Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tự hủy vì nghịch cảnh. Tôi còn phải sống vì các con tôi. Tôi phải chứng tỏ cho họ thấy con gái miền Nam, người Sài Gòn, không phải hư hỏng như trong các chương trình văn nghệ xã, mà hình ảnh vợ sĩ quan Ngụy là ăn chơi, ủy  mị, diêm dúa… nói chung là bôi bác. Tôi chỉ biết nhịn nhục. Tôi chú tâm làm một người con dâu hiếu thảo, một người vợ, người mẹ hiền lương.

NB: Tại sao trong lúc đó chị không trở về quê Biên Hòa ở với cha mẹ ruột để được giúp đỡ?

NTT:  Thời buổi đó là thời ngăn sông cấm chợ, đi đâu cũng phải xin giấy phép từ thôn, xã huyện, tỉnh, đội sản xuất lao động, hội phụ nữ, công an xã… Nhất là gia đình tôi trong diện ngụy quân, ngụy quyền, họ giám sát kỹ lắm.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Rồi thời cơ cũng đến, khi tôi đạt được danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc nhất xã”, tôi nhớ phần thưởng khi đó là một cái quần lụa gửi từ Hà Nội. Tôi nói dối với Ủy Ban Xã là tôi về Nam thăm cha mẹ, khi trở ra tôi sẽ làm thư ký cho hợp tác xã. Khi về được Biên Hòa, tôi trốn ở lại luôn.

Chị Thêm cùng chồng và các con (2015)

NB: Khi chồng chị được thả về thì cuộc sống chị có thay đổi nhiều không? 

NTT: Năm 1983, chồng tôi được thả. Lúc đó, tôi đang làm công nhân cao su tại nông trường Bình Sơn, Long Thành. Mỗi tuần anh phải đi trình diện dưới sự quản thúc của địa phương. Anh ốm yếu, bệnh hoạn và bất mãn cuộc đời. Sau đó, mẹ chồng và con gái lớn tôi cũng vào Nam. Năm 1985, tôi sinh thêm một cháu trai. Năm 1987, tôi sinh thêm thằng Út. Mẹ chồng tôi vui lắm.

NB: Được biết các con trai của chị đều gia nhập quân đội Hoa Kỳ. Từng là vợ lính, trải qua những thảm cảnh trong chiến tranh. Sự chọn lựa của cháu có làm chị âu lo không?

NTT: Dầu muốn dầu không, tôi không thể can thiệp, mà tôn trọng sự chọn lựa của con mình. Như bao người mẹ khác, tôi luôn luôn lo lắng cho con, nhất là thằng út của tôi gia nhập hải quân. Cháu phục vụ trên tàu USS Boxer, đóng ở San Diego. Mỗi lần ra khơi từ 6 tháng đến một năm. Tình hình tranh chấp biển Ðông, tình hình căng thẳng giữa Bắc Hàn và Mỹ khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Tuy nhiên, vì  đây là nước Mỹ, tôi tin các con tôi sẽ được an toàn.

NB: Việc con trai chị gia nhập quân đội Hoa kỳ có phải do ảnh hưởng của cha mẹ về hình ảnh người lính VNCH?

NTT: Có thể là như vậy. Mặc dầu vợ chồng tôi không hề khuyên con gia nhập quân đội. Khi lên đại học nó tự chọn con đường mình đi. Các con tôi đều biết lý do tại sao gia đình tôi qua Mỹ. Chúng cũng biết cha chúng đã từng đi tù Cộng Sản và nguyên nhân những căn bệnh của cha là do hậu chấn tù đày. Các con tôi rất có hiếu và tôn kính cha mẹ.

NB: Cảm giác của chị như thế nào khi con mình phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ?

NTT: Ðứa lớn của tôi học ở USC, làm hồ sơ gia nhập Không quân. Ngày cháu tốt nghiệp, tôi được mời lên gắn huy hiệu cho cháu. Tôi xúc động lắm. Không khí lúc đó rất trang nghiêm, quốc kỳ Hoa Kỳ và những nghi thức trang trọng làm tôi hãnh diện.

Xem thêm:   Dubai

Ðứa Út chỉ cho tôi biết tin gia nhập Hải quân khi hồ sơ của nó đã hoàn tất và chuẩn bị đi thụ huấn. Một lần được lên chiến hạm này, tôi càng thương con và những người lính. Máy bay lên xuống và đạn bắn tập mỗi ngàyMôi trường quân đội dạy cho con tôi nhiều tính tốt, biết yêu thương, giúp đỡ, và sống có kỷ luật. Chúng trông chững chạc và mạnh mẽ hẳn lên.

Con trai lớn của tôi đã có 3 đứa con. Chàng Út có 2. Mỗi đứa cháu nội tôi đều gắn liền với đơn vị công tác của cha chúng.

Chị Thêm và chồng lúc mới sang Mỹ

NB: Các con chị hiện đang phục vụ ở đâu?

NTT: Ðứa lớn hiện là Thiếu tá Quân Y của Không quân Hoa Kỳ, hiện đang công tác tại Ðức. Ðứa Út đã mãn hợp đồng và đã giải ngũ năm ngoái. Cháu hiện làm việc cho hãng điện tử Intel tại Portland, Oregon.

NB: Nếu được quay ngược lại thời gian, chị vẫn muốn được làm “vợ lính” hay có chọn lựa khác?

NTT: Làm vợ lính buồn nhiều hơn vui, nhiều chia ly hơn đoàn tụ. Nhưng thời đó, vì tình hình chiến tranh, phần lớn thanh niên đều đi lính, cho nên tôi thành vợ lính.  Nếu tôi chọn một người chồng dạy học để thành bà giáo, rồi tổng động viên, tôi cũng thành vợ lính mà thôi. Cái số “Vợ Lính” nó vận vào lứa tuổi chúng ta. (cười)

NB: Trong đời cũng có ước mơ, chị có thể chia sẻ những ước mơ của chị không?

NTT: Khi còn nhỏ tôi mơ ước được làm cô giáo vì cô giáo thời đó là một hình ảnh rất thanh cao. Ðược làm cô giáo rồi thì lại mơ ước có một người chồng yêu thương mình. Rồi có chồng, chồng đi lính xa nhà, lại mơ ước chiến tranh chấm dứt, gia đình đoàn tụ, con cái lớn khôn, ngoan hiền.

Chiến tranh chấm dứt nhưng chồng phải đi tù không có ngày về. Rồi được về Nam sống yên vui bên cha mẹ, dù thiếu thốn, cực khổ. Sau 8 năm chồng ra tù, tôi có thêm 2 con trai. Nhưng bị chèn ép đến ngộp thở, tôi lại mơ ước đi tìm cuộc sống mới tự do, để chồng không bị áp lực, các con có tương lai tươi sáng hơn.

Nhờ ơn trên, gia đình tôi được đi Mỹ. Cuộc sống ổn định, các con trưởng thành và có sự nghiệp. Mơ ước bây giờ là xin ơn trên ban cho sức khỏe, để được ôm cháu vào lòng, là hạnh phúc lắm rồi.

NB: Xin cám ơn chị và chúc chị luôn tròn những ước mơ và hạnh phúc bên con cháu.

NB