Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Có những thứ xưa mà không cũ, xa mà không xưa, như tên “Diễm xưa” của một bài nhạc quen. Chữ “xưa”, gợi nhớ một kỷ niệm hơn là một khái niệm về thời gian. Mời quý bạn đọc gặp gỡ một tác giả, một cái tên không lạ lẫm với độc giả Trẻ: Nguyễn Thị Huế Xưa, chị là một người làm việc trong ngành Y nhưng có trái tim của một thi sĩ: viết văn, làm thơ… Văn của chị rất gần với thực tế, lắm khi tràn đầy những u khúc, nhưng chứa chan tình người và nhân văn, giọng văn của một thuở yêu người…

Tác giả Nguyễn Thị Huế Xưa trong buổi ra mắt 2 tác phẩm của mình tại Austin: Nhịp Thở Mỗi Ngày và Đưa Em Đi Hết Miền Texas. 

Ngân Bình (NB): Thưa chị Huế Xưa, không rõ đây là tên thật hay bút danh nhưng tôi có biết nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhạc sĩ có gốc từ Huế, vì đó là đất Thần Kinh, tụ hội nhiều nhân tài, tinh hoa. Nhưng hiếm ai “kê khai lý lịch” ngay từ cái tên của mình, mà sao là Huế Xưa, thưa chị. Khác gì Huế nay?

Huế Xưa (HX): Như NB đã đề cập “hiếm ai kê khai lý lịch”, tôi cũng không ngoại lệ, nhưng NB “hỏi” thì HX phải “thưa”, vì không tự kê khai.  Tên thật (Nguyễn Tuyết Huế) Xưa là “kỷ niệm”, tên được đặt từ một người rất gần trong trí nhớ.

NB: Xin chị cho biết sơ về gia thế của chị trước 75?

HX: Học trò Gia Long và con lính.

NB: Sau 1975, chị sang Mỹ bằng cách nào?

HX: Tháng Tư 1975, tôi theo gia đình qua Mỹ bằng tàu Hải Quân.

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) và bạn bè trong giờ tan trường ở trường Gia Long

NB: Bước đầu hội nhập ra sao, thưa chị? Tôi nghe nói những người sang Mỹ sớm, vào thập niên 70, 80 gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp, văn hóa, ngôn ngữ, vì lúc đó người Việt hẵng còn thưa thớt. Chị có thể kể một vài kỷ niệm và trải nghiệm đáng nhớ của mình không?

HX: Gia đình tôi được nhà thờ Tin Lành ở thành phố Bismarck (thủ phủ của tiểu bang North Dakota) bảo trợ. Thành phố nhỏ, “đi dăm phút đã về chốn cũ” này đã để lại nhiều kỷ niệm mà trong một vài đoản khúc tôi có nhắc đến. Ngoài gia đình tôi, chỉ có thêm một gia đình người Việt khác, nên chúng tôi sinh hoạt phần nhiều là  với người bản xứ. Mặc dù Anh ngữ là sinh ngữ chính và đã từng học Hội Việt Mỹ, nhưng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đối thoại. Kỷ niệm tức cười nhất là sau hai tuần đến Bismarck tôi đi học, mỗi lần cần hỏi bài thì tôi cứ đến nhầm văn phòng, vì ông nào cũng cao lớn, tóc vàng, và mắt xanh. Vậy mà tôi cũng được lên lớp (cười).

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Lúc đó rất hoang mang vì không có ai dìu dắt. Những người bảo trợ giúp đỡ một phần nào, vì chính họ cũng là một việc hoàn toàn mới mẻ. Các anh em tôi cố gắng, đi học, đi làm, để mong hòa nhập với đời sống mới. Có lẽ, nhờ vậy mà chúng tôi mới học được tính can đảm. Tôi nói đến sự «can đảm» khi nhớ cái “job” đầu tiên của mình sau một tháng đến Bismarck là “receptionist”, mà lại cho một khách sạn khá lớn. Công việc chính là lấy hẹn và giữ phòng cho khách, và phải biết xài máy tính tiền. Thuở đó, tiếng Anh còn yếu, trong khi máy móc rất phức tạp, tôi làm lộn hoài, vậy mà nhờ kiên nhẫn, sau một thời gian ngắn tôi làm được rành rẽ. Hoa Kỳ là đất tự do và có nhiều cơ hội, nhưng sự thành công là do mình phải nỗ lực tạo dựng nên. Tôi rất hãnh diện khi thấy cộng đồng VN có nhiều người tài giỏi, xuất sắc trong mọi lãnh vực.

NB: Thỉnh thoảng chị xuất hiện trên báo Trẻ, nhưng tôi cũng có dịp đọc truyện của chị ở Việt Báo, chị có một giọng văn nhẹ nhàng, ngay cả khi viết về những điều bi thương. Riêng tôi, khi đọc truyện của chị, tôi thực sự chìm và “cảm” về ý nghĩa câu chuyện chứ không “bị” dẫn dắt bởi kỹ thuật văn chương. Trong đó, có những chuyện chị kể rất chính xác về tình cảnh người Việt sau 75, khi cộng sản chiếm miền Nam. Từ đâu chị có thể tả được những cảm giác này?

HX: Tôi luôn nghĩ mình là người kể chuyện hơn là viết văn, vì những câu chuyện là những diễn biến được thuật lại từ nhân vật chính. Ðể bảo vệ và tôn trọng đời sống riêng tư của họ, tôi đã thay đổi tên, bối cảnh, thời gian. Nguyên tắc của tôi là không thay đổi dữ kiện được thuật lại theo quan điểm và cảm xúc của chính họ. Cảm xúc của người kể và người viết cũng rất tương ứng, thêm sự chứng kiến những hỉ, nộ, ái, ố, đau thương qua môi trường làm việc đã thấp thoáng trong lối hành văn. Một điều thú vị đối với tôi, là đôi khi tôi viết về một chuyện tình nhẹ nhàng thì có người hỏi tôi có phải đây là chuyện tình của chính tác giả (cười).

Hình chụp khi Huế Xưa làm receptionist cho một khách sạn lúc vừa định cư tại Mỹ

NB: Được biết chị từng là Giám đốc điều dưỡng tại một nhà thương lớn ở Austin, Texas. Chị có thể sơ lược về quá trình 40 năm làm việc ở đó không?

HX: Tôi  làm ở đâu thì trung thành chỉ một chỗ, có khác thì khác chi nhánh mà thôi. Mười năm đầu, tôi săn sóc bệnh nhân trực tiếp, sau có kinh nghiệm tôi học tiếp và được“thăng quan tiến chức”. Tôi kiêm luôn về quản lý và hành chánh vào 30 năm cuối. Trong suốt hành trình đó, tôi đã học hỏi rất nhiều về hệ thống làm việc và cách xử sự với nhiều tầng lớp trong xã hội từ tính tình, nhân cách, chủng tộc, quan niệm v.v.

NB: Những câu chuyện của chị viết, bối cảnh thường xảy ra nơi chị làm việc, với nhiều tình huống cảm động, thậm chí bi đát, éo le. Tôi hiểu rằng, môi trường làm việc đã cho chị một số “chất liệu” để chị đ?a?v?o s?ng t?c. Ch? c? th? k? m?t v?i vi?c th?t, ?? t?c ??ng ??n suy ngh?, t?nh c?m, t?nh c?ch c?a ch? kh?ng?

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

ưa vào sáng tác. Chị có thể kể một vài việc thật, đã tác động đến suy nghĩ, tình cảm, tính cách của chị không?

HX: Theo tôi thì không có môi trường nào gần gũi với sự sống và bản chất của con người bằng lãnh vực y tế. Hằng ngày, chúng tôi luôn chứng kiến những khổ đau, dằn vặt, tức tưởi, phấn đấu, và sự “mặc cả” với định mệnh của từng bệnh nhân khi sự sống và cái chết cận kề với họ. Sau bài “Chuyện Ông Rọm” (cựu quân nhân VNCH), tôi có duyên gặp gỡ “Ông Rọm” thêm hai lần, và kể thêm những thăng trầm của ông mà tôi nghĩ nhiều người Việt cũng có hoàn cảnh tương tự. Tôi đề cập đến ông, vì tôi nghĩ có lẽ ông đã không còn nữa dựa theo bệnh tình trong lần gặp lần cuối. Hay câu chuyện của Kevin, Joe (cựu chíến binh Hoa Kỳ). Tất cả khiến tôi suy nghĩ về những gì chúng ta hay nhắc đến: đời sống, tình yêu, tình người, và định mệnh.

Huế Xưa với gia đình Christmas 2021

NB: Chị kể vài kỷ niệm vui, buồn trong thời gian làm việc trong ngành điều dưỡng? Trong đó, có thể có nhiều bệnh nhân là người Việt, chị thấy hoàn cảnh, tính cách, suy nghĩ người Việt mình ra sao có khác gì người bản xứ trong những tình huống giống nhau không?

HX: Lúc mới ra trường, tôi sợ nhất là phải nói chuyện với bác sĩ qua điện thoại, có lẽ vừa nhút nhát, vừa chưa tự tin về vốn tiếng Anh của mình. Bác sĩ LC (hiện đang làm tại TMA), trước khi cúp máy ông nói “giọng nói của cô nghe mắc cười” (Your accent is funny). Thuở đó, có thể bác sĩ chưa có dịp làm việc nhiều với những di dân thì phải, tôi cố pha trò “Lạ nhỉ, vậy mà ai cũng khen tôi có giọng nói quyến rũ”. (FYI: Every body thinks my accent is charming). Tuy vậy, hôm sau, ông ta vô gặp tôi để xin lỗi.

Dân số người Việt ngày càng gia tăng, nên tôi có dịp tiếp xúc với nhiều bệnh nhân người Việt. Chính đây là động lực khiến tôi muốn kể những câu chuyện với mục đích khuyến khích, nhắc nhở, mong độc giả có thể “học hỏi” thêm được một số điều hữu ích về vấn đề săn sóc sức khoẻ, và những triệu chứng khi phát bệnh. Từ chuyện về bệnh tiểu đường, tai biến mạch máu não, ung thư… Tôi đã nhận được những câu hỏi và hướng dẫn một vài người để họ chữa bệnh đúng lúc. Vấn đề nhạy cảm nhất đối với người Việt là quan niệm uỷ quyền quyết định về phương cách chữa trị cho người thân, khi họ trong tình trạng nguy cập và không còn minh mẫn (Advance Directive). Kế đến là vấn đề bạo hành gia đình (domestic violence). Quan niệm về sự đồng tính luyến ái. Tôi cũng đã viết nhiều về những đề tài này, vì đây là dịp tôi bày tỏ quan điểm riêng về sự tôn trọng đối với từng cá nhân, dựa trên nhân cách của họ. Ða số người Á Ðông tuổi trung niên trở lên, không xem chuyện khám sức khỏe định kỳ là cần thiết. Qua những ngày y tế cộng đồng, chúng tôi thuyết trình về những bệnh có thể khám phá sớm khi khám tổng quát. Chẳng hạn các triệu chứng ung thư vú và tử cung của phái nữ và ung thư tiền liệt tuyến ở phái nam.

Tác giả tham gia chích ngừa vaccine Cúm tại Austin

NB:  Điều gì khiến chị hài lòng nhất trong cuộc sống, nghề nghiệp?

HX: (cười) Chưa bao giờ tôi hối hận về nghề nghiệp mình đã chọn, vì là nghề nhưng cái nghiệp nó theo mình hoài. Hiện nay, tôi vẫn hoạt động trong lãnh vực y tế, cộng đồng và cảm thấy vui khi đem đến sự an ủi cho những ai đang cần.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Nhóm Y Tế Người Mỹ Gốc Việt tại Austin (AVAMPS), tổ chức Ngày Y Tế Cộng Ðồng hằng năm đã được 22 năm, nhằm mục đích tạo điều kiện khám xét và cung cấp tài liệu sức khoẻ đến cho cộng đồng Việt Nam. Ðồng thời đáp ứng những dịch vụ y tế khẩn cấp như chủng ngừa Covid-19 và cúm mùa. Riêng tôi vẫn tiếp tục tình nguyện làm thông dịch viên cho những bệnh nhân Việt Nam, khi cần.

NB: Niềm vui của chị hiện nay là gì?. Là phái nữ, chị yêu thích loại thời trang gì? Chị có biết làm hay thích những món Huế không?

HX:  Tôi hài lòng vì có thời giờ để thực hiện những gì mình muốn. Là phái nữ, dĩ nhiên tôi cũng thích… điệu một chút, “age is just a number”, nếu cảm thấy thoải mái và ưng ý với chính mình khi «điệu» thì đó là thời trang, ít ra «thời trang» cho mình, của riêng mình. Tôi biết nấu vài món Huế, như bánh bột lọc và bún bò Huế, nhưng ngon hay dở còn tuỳ bữa nào có nhớ… vái ông bà táo hay không (cười).

Tác giả công tác thiện nguyện (X) ngày y tế Cộng đồng tháng 10/2021 tại Austin

NB: Là một người làm trong ngành Y, chị có thể chia sẻ với độc giả Trẻ về những biến loạn vừa qua về dịch covid không?

HX: Ðại dịch Covid là một biến cố kinh hoàng cho cả thế giới. Thời gian đầu, cả thế giới sống trong hoang mang, sợ hãi. Khi số bệnh nhân Covid tăng vọt, lúc đó nhà thương bị thiếu hụt những dụng cụ cần thiết như bao tay, mặt nạ, thuốc rửa tay. Tôi cùng Lana Nguyễn (Chủ Tịch Cộng Ðồng Người Việt Austin), cả hai đều có ý định may mặt nạ, quyên tiền mua thuốc sát trùng để tặng cơ quan y tế. Chúng tôi trưng cầu ý kiến với các anh chị em trong cộng đồng. Cảm giác lúc đó như đang dự Hội Nghị Diên Hồng (cười), nhất là khi tất cả đồng thanh “nên chiến”. Thời đó cái gì cũng thiếu, không có vải chúng tôi xin “ra” trải giường mới, thiếu dây thun chúng tôi lấy thun từ góc “ra” giường, từ những bộ PJs còn mới. Vì có lệnh “cấm cung”, chúng tôi chỉ liên lạc nhau qua tin nhắn, kẻ xin, mua vải, người cắt, người may, và người nhận người giao. Lúc đó, tôi thực sự cảm thấy tình thương nhân loại từ trái tim của con người rất bao la, rộng mở. Chỉ điều mình chưa chạm đến được mà thôi. Chúng tôi may (và mua) được 30,000 mặt nạ, mấy trăm gallons thuốc rửa tay, màn plastic che bồn tắm được mua về để may áo bảo vệ trong phòng giải phẫu,  chế biến những tấm laminate thành face shields. Với nỗ lực của cả nhóm, chúng tôi đã tặng được 33 nơi, gửi đến New York, Florida, Colorado, California… Garage nhà tôi biến thành nơi nhận hàng và phân phát. Một lần nữa, tôi xin cám ơn tất cả mọi người trong cộng đồng Austin và nhóm Hoa Sen của chị Bích Vân từ Dallas đã góp công, góp của, góp một bàn tay trong những ngày đầu gian nan chống dịch Covid.

Hiện nay, chúng ta đã có thuốc chủng ngừa Covid, đã làm quen với những thói quen như mang mặt nạ, rửa tay v.v. Nạn dịch  đang giảm nhiều nhờ sự nỗ lực “chống dịch” của mọi người. Mong sao chúng ta sẽ mau chóng đạt tình trạng miễn dịch cộng đồng (herd immunity). Khi quý những ngày bình an, tôi chợt nhớ 2 câu thơ của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch từ thi sĩ Neruda Pablo

“Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy,

ta có ngày nữa để yêu thương”,

xin phép cho tôi đổi một chút (cười)

“ta có thêm từng giây phút để yêu thương”

Lần đầu trong mùa dịch Huế Xưa ra khỏi nhà đi gửi đồ cho y tá, bác sĩ tại Florida để hỗ trợ họ.

NB: Cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này, Ngân Bình và độc giả Trẻ xin chúc chị một năm mới bình an, và luôn trẻ trung như tâm hồn của mình (cười).

HX: Cám ơn báo Trẻ và chị Ngân Bình cùng toàn thể độc giả Trẻ.

NB

Bạn có thể đọc một số bài của NTHX đã đăng ở Việt Báo:

Chuyện ông Rọm https://vvnm.vietbao.com/a163440/chuyen-ong-rom  

Gặp lại ông Rọm: https://vvnm.vietbao.com/a163827/gap-lai-ong-rom

Vuột mất mùa Xuân: https://vvnm.vietbao.com/a163905/vuot-mat-mua-xuan