Tuần rồi, Quang Anh – Biên tập viên đài truyền hình quốc gia VTV của Việt cộng phát biểu trên sóng truyền hình: “Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tại TP. HCM trở nên tiêu điều. Và khi những con số không còn sức sống, những gánh hàng rong vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”(sic) làm dấy lên làn sóng căm phẫn trong công luận khắp quốc nội lẫn hải ngoại. Thiên hạ đua nhau ném đá, chửi mắng, sỉ vả Quang Anh bằng tên đủ thứ động vật lẫn côn trùng, và cùng “đào bới” chuyện xưa tích cũ, kể rất nhiều chuyện chính bản thân, anh em, cha mẹ, bà con, hàng xóm… của họ đã từng bán hàng rong nuôi con cháu nên người. Thấy người ta kể cũng quá nhiều rồi, tôi không muốn giành phần kể chuyện ngày xưa mẹ tôi và chị em tôi cũng bán sữa đậu nành, bán bánh tai yến, bán bánh bao dạo, bán bong bóng dạo… nên tôi mới có tiền lộ phí học hành có bằng này cấp nọ. Hôm nay, tôi kể chuyện bán hàng rong ở nước Mỹ để “khai hóa văn minh” cho giới làm “truyền thông nhà nước” ở Việt Nam. Nước nghèo như Việt Nam thì dân bán hàng rong là bình thường, siêu cường nhất thế giới mà dân Mỹ vẫn bán hàng rong.

Năm 2015, khi tôi vừa đặt chân đến nước Mỹ được một tháng, trong một bài viết tôi đã từng kể cho quý độc giả Trẻ chuyện những người bán hàng rong ở thành phố New York. Lúc đó vào cuối Tháng Mười, khí hậu New York rất lạnh nên hàng rong cũng đơn điệu lắm. Những thanh niên, phụ nữ bán dạo khăn the quàng cổ đủ màu sắc, đủ loại hoa văn trên đường phố với giá $5/cái. Những thiếu niên da đen thì bán đồ chơi, bưu ảnh, kẹo chewing gum và bán vé xe bus đi thăm thành phố. Tôi định đứng lại lựa mua vài cái thì người đi chung với tôi cản, nói rằng đừng có mó vào, mó vào “nó” bắt phải mua mà “nó” bán mắc lắm. Tôi tưởng thiệt nên không mua. Cuối cùng, vì gió thổi rất lạnh mà tôi lại mặc không đủ ấm, không có khăn quàng cổ nên tôi đánh liều mua đại. Tôi xem hàng của vài người bán khăn, cuối cùng tôi chọn mua được một cái hoa văn màu đen trắng vừa ý mà không thấy những người bán khăn khác hằn học gì khi tôi lựa rồi không mua khăn của họ. Sau khi về Nam Cali tôi mới biết giá khăn quàng $5/cái là rẻ, nếu ở Little Sài Gòn một cái khăn giống y như vậy giá bán tầm $10, làm tôi cảm thấy tiếc là không mua thêm vài cái khăn quàng.

Xem thêm:   Oscar 2024

Hôm nay tôi kể cho quý vị về hàng rong ở khu vực Little Sài Gòn. Khí hậu Nam Cali không lạnh lắm nên hàng rong quanh năm rất phong phú. Bất kỳ lúc nào quý vị vô chợ ABC ở đường Bolsa thì quý vị cũng đều nhìn thấy người bán hàng rong bày hàng trên vỉa hè trước mặt chợ. Chỗ này tôi gọi là “chợ chồm hổm” do người bán đặt rổ hàng xuống vỉa hè và ngồi chồm hổm trên vỉa hè luôn. Hàng hóa có thể là nhiều loại bông tươi, vài trái đu đủ, vài trái khóm, vài nải chuối sứ, mớ rau xanh, mớ cam, ổi, chanh… hái trong vườn nhà. Nói chung đây là những sản phẩm “cây nhà lá vườn” gia chủ ăn không hết thì bày ra trước mặt chợ bán kiếm thêm vài đồng, nên người bán cũng phần nhiều là mấy ông lão, bà lão gốc Việt.

Xóm tôi ở hiện nay, cứ cách vài ngày vào tầm trưa là nghe “nhạc hiệu” của chiếc xe hơi màu trắng to tổ bố của ông Mễ bán kem. Bình thường, nghe tiếng nhạc là mấy đứa bé Mễ trong xóm ùa ra mua kem. Tuần này nắng nóng nên cái sự bán kem của ông Mễ còn nhộn nhịp hơn. Bán kem kiểu Mỹ “chơi” nguyên chiếc xe hơi như xe vận tải, bán kem ở Việt Nam thì xe gỗ hai bánh người bán đẩy kèm theo cái chuông lắc tay bằng đồng thau kêu leng keng. Nghe nói cách đây mười lăm năm Little Sài Gòn cũng có người Việt bán kem dạo, nhưng bây giờ tôi không thấy nữa.

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Thỉnh thoảng, đi đường tôi vẫn gặp một vài người đàn ông, phụ nữ Mễ đẩy những chiếc xe bốn bánh nhỏ đi trên lề đường. Họ bán trái cây gọt sẵn, nước trái cây, bắp rang, bánh snack tự làm. Cũng có khi họ để xe đẩy cố định ở lề đường các ngã tư hoặc dưới gốc cây trong parking một mall nào đó. Tôi ngạc nhiên khi thấy có nhiều xe đẩy bán dạo trong các mall có cả món nước đá bào. Chao ôi! Món nước đá bào thời thơ ấu đứa con nít nào ở quê miền Nam cũng biết. Cục nước đá được người bán bào mịn trên bàn bào, rồi xúc ém cứng vô cái ly nhựa nhỏ, xong trút ra xịt xịt lên cục đá bào một ít nước xi-rô ngọt lịm màu đỏ (hoặc xanh lá, vàng, tùy người mua thích màu gì thì xịt màu đó). Chỉ có bấy nhiêu thôi mà nước đá bào đã từng là niềm vui, là mơ ước của bọn trẻ nhà quê. Bây giờ, tôi không biết ở Việt Nam con nít còn thèm nước đá bào không, chớ ở đây người lớn, con nít Mễ vẫn hí hửng cầm ly nước đá bào trên tay, dùng cái muỗng nhựa nhỏ xúc ăn ngon lành. Bất giác tôi cảm thấy dâng lên mối thiện cảm khi họ biểu lộ niềm vui thưởng thức món nước đá bào đơn sơ, quá giống người dân quê xứ Việt.

Trong những mall chuyên bán hàng hóa không ăn được thì luôn có người Mễ dùng các xe truck nhỏ chở trái cây bán dạo. Các loại chuối, cam, xoài, khóm, táo… họ đều gọt sẵn, cắt miếng mời khách ăn thử, nếu thấy ngon thì mua loại nguyên trái, bằng khách ăn thử xong rồi không mua họ vẫn vui vẻ. Giá bán bằng giá chợ, có khi rẻ hơn. Mua trái cây của người bán dạo được ăn thử, mua ở chợ thì không được ăn thử. Tôi nghĩ thầm ở Việt Nam thời nay nhiều người bán hàng kiểu ma quỷ, ăn thử xong không mua nhẹ thì bị chửi, đốt “phong long”, nặng thì cho khách ăn “củ thụi” chớ làm gì có kiểu vui vẻ để khách đi luôn.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Hơn một tháng nay, mỗi lần có dịp đi ngang ngã tư Chapman-Euclid, ngã tư Westminster- Euclid tôi đều nhìn thấy những người Mễ bán bông dạo. Họ đặt những cái xô đựng bông dưới gốc cây trên lề đường rồi cầm trên tay vài bó bông chờ các xe dừng đèn đỏ thì chào mời khách mua bông. Cũng có khi họ cầm vài bó bông đứng trên con lươn giữa đường mời khách. Trong cái nóng gay gắt mùa Hè, có khi dự báo thời tiết “feels like” đến 47C (120F), ngoài đường còn nóng hơn nữa, mà những người bán bông dạo vẫn đứng phơi mình kiên nhẫn rao bán từng bó bông. Thật tội nghiệp, nắng như vậy đến người còn héo nữa, nói chi là bông tươi.

Hàng rong ở đây còn có nhiều thứ rất “nặng ký,” trị giá khoảng $1,000 đến $5,000. Sau thời gian “cày xới” khắp Little Sài Gòn và vùng phụ cận, tôi nhận ra đường Brookhurt đoạn từ ngã tư Brookhurst- Katella qua khỏi đường ngang Orangewood lên khoảng 1 mile nữa là đoạn đường chuyên bán xe hơi cũ. Gần 5 năm thường xuyên đi ngang đoạn đường này, tôi đã từng chứng kiến ít nhất cũng hơn một trăm chiếc xe cũ đã được rao bán tại đây, nên tôi đặt cho nó cái tên là “đường bán xe cũ.” Những chiếc xe đậu dọc hai bên đường, trên xe dán miếng giấy ghi số tiền và số điện thoại, ai nhìn thấy cũng đều hiểu đó là giá bán và số điện thoại của người bán.

Chuyện hàng rong ở Mỹ còn nhiều. Kể sơ sơ ra một số kiểu tại nơi có người Việt sinh sống đông nhất nước Mỹ cho truyền thông Việt Cộng được mở rộng con ngươi, kẻo “ếch ngồi đáy giếng” lại vênh mặt khinh thị hàng rong.

TPT