Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu mùa hè thì cư dân Little Sài Gòn lại tổ chức bán chợ đêm, tên tiếng Anh của chợ là “Little Sài Gòn Night Market.” Thật ra, phải gọi là khu bán thực phẩm Việt ăn liền và đồ chơi trẻ em thì đúng hơn, vì đó là hai loại hàng hóa chiếm phần lớn ở đây. Hầu như 85% là các quầy hàng bán thức ăn, nước uống, khoảng 10% quầy hàng bán đồ chơi trẻ em, khoảng 5 quầy hàng bán quần áo, dép, nữ trang rẻ tiền.
Ðọc tựa bài, quý vị sẽ có cảm giác vừa lạ vừa quen, nhất là với người miền Nam. Người miền Nam phát âm chữ “bán” và “báng” như nhau. Phương ngữ Nam kỳ có chữ “báng mùi” (có g) để chỉ việc ai đó cố ý dùng một mùi vị khác tác động tới khứu giác mạnh hơn, thơm hơn, nồng hơn,… để át đi mùi không mấy dễ chịu tại “hiện trường.”
Thông thường, ở các chợ “face to face,” người ta bán các đồ vật thực thể, tức mắt nhìn thấy được, tay rờ được, cầm nắm được, ăn được, dùng được món đồ đó.

“Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.”
Bán là trao món hàng của mình cho khách để nhận lại tiền, từ Hán Việt gọi là “mại.” Sau nhiều lần kinh nghiệm đi chợ đêm “Night Market” thì tôi hiểu ra hàng hóa ở đây ngoài “thực thể” còn có một thứ khác thu hút khách hàng, mà không có bất cứ quán ăn, nhà hàng Việt nào (tại Little Sài Gòn) có, đó là mùi của món hàng. Khách hàng xếp hàng dài, chờ đợi ít nhứt 30 phút chỉ để mua hàng vì mùi của nó.
Trên bảng quảng cáo của các quầy ẩm thực, ngoài menu món ăn, thức uống, còn ghi rõ địa chỉ và số điện thoại tiệm, quán của chủ quầy. Ðâu ai xa lạ, bình thường, nếu quý vị lái xe đi loanh quanh các con đường lớn như là Bolsa, Westminster, Garden Grove, Brookhurst, Euclid, Magnolia, Beach… thì cũng gặp từng ấy cửa tiệm đó mà thôi, nhưng không khí buôn bán có phần rất đìu hiu. Parking trong các thương xá Việt, Mỹ từ lúc dịch cúm Tàu đến giờ luôn có rất ít xe đậu. Kể cả hiện nay không còn phải đeo khẩu trang ra đường nhưng tôi để ý thấy parking tiệm, quán, chợ không khó kiếm chỗ đậu xe như trước dịch.

“Dập dìu tài tử giai nhân”
Ở chợ đêm, chủ tiệm cũng bán những món ấy nhưng khách xếp hàng dài chờ đợi, bu đông nghẹt, đến nỗi tôi muốn len vô hỏi giá mà thấy ngại quá nên thôi.
Cuối tuần, khách đi chợ đêm rất đông, nói như kiểu người dân ở quê tôi thì “một mét vuông có bốn người” để chỉ cái sự “ngựa xe như nước, áo quần như nêm.”

Giá bán mắc hơn mua trong tiệm, nhưng mà ngon lắm.” “Mùi vị giống y như ở quê mình.”
Món ăn không lạ, nhưng cách chế biến, phục vụ thì lạ. Lạ ở chỗ quý vị đi cách chợ khoảng 100 yards thì lỗ mũi quý vị đã bắt đầu “tích cực làm việc” bởi sự kích thích của mùi thức ăn ngon bay theo gió và không khí đánh thẳng lẫn len lỏi, luồn lách vào khứu giác quý vị. Nếu không có “bản lãnh kiên định” thì rất dễ dàng móc túi ra mua hết món này đến món khác đang bốc mùi quá hấp dẫn.
Mùi sườn heo, thịt heo xiên nướng trên lửa làm mỡ chảy xèo xèo, bốc khói lẫn mùi thơm. Mùi khô mực nướng trên bếp than cháy sém rồi cho vô bàn ép có hai trục quay bằng đồng ép miếng khô mỏng ra, cho khách ăn tại chỗ chấm với tương đen, tương ớt, dưa chua. Rồi mùi các các loại bánh nhà quê như bánh ống, bánh dừa, bắp nướng, trứng vịt lộn, các loại bún, mì, miến cũng thi nhau “xông vào” mũi của người đi chợ… Chu choa ơi, món nào cũng bay mùi quá hấp dẫn!

Chợ đêm cũng bán những món ấy nhưng khách xếp hàng dài chờ đợi đông nghẹt
Lâu lắm rồi, vô nhà hàng, quán ăn Việt ở Little Sài Gòn, tôi đã không order món thịt nướng, sườn nướng, kể cả vô quán cơm tấm bì sườn. Tôi có cảm giác trong quán, nhà hàng họ bán cho khách thịt đã được làm chín sẵn bằng cách nào đó (không phải nướng trên lửa than,) khi có khách ăn thì họ cho thịt vô microwave làm nóng lên, nên miếng “thịt nướng” nhão, ướt và không có mùi thơm thịt nướng, tôi không thấy ngon khi ăn.
Ở chợ đêm, tôi nhìn thấy nhiều khuôn mặt hân hoan, tay bưng hộp đồ ăn vừa mua được, đứng ăn, vừa đi vừa ăn một cách ngon lành. Những đồng hương Việt tôi gặp ở đây ai cũng nói “Giá bán mắc hơn mua trong tiệm, nhưng mà ngon lắm.” “Mùi vị giống y như ở quê mình.” Không cần diễn tả nhiều tôi cũng hiểu ý nghĩa hai chữ “ngon lắm” ấy.

Cá khô Cà Mau không nướng tại chỗ nên vắng khách
Bằng chứng là quầy hàng cô bé bán cá khô Cà Mau đựng trong bịch nilon hút chân không (không nướng tại chỗ) thì vắng teo, cô chủ ngồi buồn hiu. Tôi đảo tới đảo lui ba lần, thấy có duy nhất một ông khách người Việt mua bịch cá khô. Ông này thấy tôi đứng nhìn thì ông bèn “quảng cáo” cá khô luôn. Tôi trả lời tôi dân Bạc Liêu, lạ gì cá khô Cà Mau nữa, rất ngon. Nhưng cô chủ không có khách chỉ vì không có “mùi.” Ðể ý coi, khách chỉ đông đúc ở các quầy hàng bốc mùi thức ăn hấp dẫn thôi, bán đồ chơi, quần áo, nữ trang đều rất ít khách ghé vô.
Thật vậy, những đồng hương sẵn sàng trả số tiền nhiều hơn số tiền mua thức ăn trong quán ăn, nhà hàng Việt để mua thức ăn trong chợ đêm, không phải họ trả tiền cho món ăn, mà trả tiền để mua một thứ khác, đó là mua cái mùi quen thuộc của quê hương.

Mua cái mùi quen thuộc của quê hương.
TPT