Hàng nhiều ngàn người dân Hồng Kông, bất chấp luật anh ninh quốc gia mới mà chính quyền Bắc Kinh vừa cho áp đặt lên hòn đảo bé nhỏ này, đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn nhất trong năm nay, với nhiều rủi ro là họ có thể bị cầm tù dài hạn, để hô vang khẩu hiệu giải phóng và đòi độc lập cho Hồng Kông như họ đã từng làm trong những cuộc biểu tình rầm rộ hồi năm ngoái trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Hồng Kông đã mất – nguồn NBC News  

Hàng trăm cảnh sát viên Hồng Kông cũng đã nhanh chóng di chuyển vào trong khu vực để dẹp những nhóm người bất đồng chính kiến và thi hành luật an ninh mới, là đạo luật mà quốc hội bù nhìn Trung Quốc đã cấp tốc cho thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ hôm Thứ Tư 1 tháng Bảy, đúng 23 năm kể từ ngày Vương quốc Anh bàn giao Hồng Kông lại cho Trung Quốc. Luật an ninh quốc gia mới này sẽ cho chính quyền Bắc Kinh có thêm nhiều quyền hành hơn trong việc kiểm soát trật tự trong thành phố và trừng phạt bất cứ ai bị buộc tội là có ý định lật đổ chính quyền và ủng hộ ly khai. Cảnh sát đã bắn lựu đạn cay, xịt hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông và giương cao biểu ngữ cảnh báo người biểu tình rằng họ có thể vi phạm luật an ninh mới.

Cho đến cuối ngày Thứ Tư, các cuộc biểu tình đã bị đẩy lui và cảnh sát đã bắt giữ khoảng 370 người, trong đó có 10 người bị ghép tội vi phạm luật mới, mà một quan chức cấp cao của Trung Quốc trong cùng ngày hôm đó đã mô tả luật an ninh mới như một món quà sinh nhật cho thành phố (sic).

Giới lãnh đạo Bắc Kinh trước đây gặp nhiều khó khăn trong việc đàn áp người bất đồng chính kiến tại Hồng Kông, là nơi đã trở thành một trung tâm tài chính quốc tế nhờ được xây dựng trên những quy tắc của luật pháp và quyền tự do căn bản như tại các quốc gia dân chủ Tây phương. Theo các quan sát viên quốc tế, luật an ninh mới này, với các hình phạt nặng nhất có thể đưa tới tù chung thân, có nguy cơ làm tăng thêm thái độ chống đối chính quyền của người dân trong thành phố và có thể gây ra phản ứng không thuận lợi từ các quốc gia phương Tây mà trong những ngày qua đã lên tiếng chỉ trích coi đó như một mưu đồ trắng trợn nhất để tìm cách rút bớt dần đi những quyền tự trị đã được Bắc Kinh hứa hẹn cho thành phố kể từ khi Hồng Kông được bàn giao lại vào năm 1997.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi luật này là một “vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn” của một thoả thuận mà Bắc Kinh đã ký kết để giữ cho Hồng Kông quyền tự trị ít nhất cho tới năm 2047. Johnson cho biết Vương quốc Anh sẽ phản đòn lại với một số đạo luật mới tạo điều kiện dễ dàng hơn cho khoảng ba triệu người dân thuộc địa cũ có đủ tư cách pháp lý để di cư sang Anh.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, lưỡng viện quốc hội đã đồng ý thông qua một dự luật sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc nào đe dọa đến quyền tự chủ hạn chế của Hồng Kông, sự trừng phạt này cũng được áp dụng đối với các ngân hàng và công ty nào làm ăn với họ.

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết nội các của ông cũng đang xem xét một số đề nghị nước Úc có thể sẽ mở cửa cho người dân Hồng Kông có một nơi an toàn để trú ẩn.

Cảnh sát đàn áp người biểu tình – nguồn Big New Network.com

Ðiểm cốt lõi của luật an ninh mới này không chỉ để cấm đoán một loạt những hoạt động mà người dân Hồng Kông thường làm trước đây để bày tỏ quyền tự do của họ, mà nó còn cho cảnh sát địa phương được thêm quyền hành để bắt bớ, đàn áp những người bất đồng chính kiến, và các cơ quan an ninh trong nội địa Trung Quốc nay được hoạt động một cách hợp pháp và công khai trong thành phố.

Trong đó, Ðiều 29 của đạo luật nói rõ là các cá nhân có thể bị buộc tội hợp tác với một “quốc gia hay một định chế, một tổ chức hay một cá nhân” ở bên ngoài Trung Quốc bị cáo buộc là “tìm cách áp đặt những biện pháp trừng phạt hay phong tỏa, hoặc tham gia vào các hoạt động thù địch khác chống lại Ðặc khu Hành chính Hồng Kông hay nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.”

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Thế nào để có thể bị khép vào hành động thù địch thì luật không nói rõ. Và quyền tối thượng để diễn giải luật không nằm ở hệ thống tư pháp Hồng Kông – là một định chế pháp lý mà các công ty luật quốc tế đã quen làm việc với từ bao lâu nay – mà nó nằm ở uỷ ban thường vụ của quốc hội bù nhìn Trung Quốc.

Tuy nhiên, có lẽ phần tệ hại nhất trong tất cả các điều khoản là luật an ninh mới còn có hiệu lực ở phạm vi quốc tế – nghĩa là những vụ vi phạm luật còn được áp dụng ngay cả khi đó là những hoạt động xảy ra ở nước ngoài, và thậm chí khi cá nhân đó không phải là cư dân Hồng Kông. Ðiều này cũng có nghĩa là bất cứ ai trong chúng ta nếu tham gia vào một cuộc biểu tình chống Trung Quốc hay chống lại sự đàn áp của cơ quan an ninh Hồng Kông thì cũng có thể bị khép vào tội vi phạm luật an ninh quốc gia.

Thực ra ngay từ ngày ký kết thoả thuận bàn giao Hồng Kông, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã không thực sự thành tâm trong lời hứa bảo đảm quyền tự do cho người dân tại đây. Họ chỉ nhượng bộ vào lúc đó vì còn đang cần sử dụng Hồng Kông như một trung gian gạch nối cho các trao đổi thương mại và tài chánh với quốc tế trong khi nền kinh tế của họ còn quá thô sơ và yếu kém. Nhiều người vào thời điểm đó cũng đã tỏ ra lo ngại cho tương lai của Hồng Kông và không thực sự tin rằng Trung Quốc sẽ giữ đúng lời hứa như trong bản tuyên bố chung Trung-Anh để Hồng Kông được hưởng quy chế “nhất quốc lưỡng chế” cho tới năm 2047. Một nhà văn lưu vong là Mã Kiến (Ma Jian) ngay sau khi Hồng Kông được bàn giao lại cho Trung Quốc cũng đã bày tỏ sự lo sợ đó khi ông viết: “Từ ngày 1 tháng Bảy đó, sự dạt trôi bắt đầu: Hồng Kông trở thành một hòn đảo nổi, lênh đênh đây đó trên tấm bản đồ.”

Biểu tình chống luật an ninh mới – nguồn GettyImages

Những sự lo ngại này nay đã được chứng minh là đúng. Trong hơn hai thập niên qua, mặc dù Hồng Kông vẫn còn được hưởng tự do tương đối thì Trung Quốc ngày càng tìm cách rút bớt dần đi những quyền căn bản của thành phố. Và kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo thì mưu đồ này lại càng rõ rệt hơn. Trong tám năm qua, Bắc Kinh đã cố tình tìm cách áp đặt một số luật lệ điển hình của chế độ cộng sản trên đại lục lên Hồng Kông, bắt đầu với hệ thống giáo dục và bầu cử, sau đó chuyển sang các lĩnh vực quan trọng khác của xã hội dân sự.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Một số tư nhân xuất bản sách bỗng dưng biến mất, một số ký giả địa phương bị tấn công. Thậm chí ngay cả giới truyền thông ngoại quốc, trước đó hầu như được bảo vệ để không bị chính quyền quấy rối, cũng đã trở thành những mục tiêu tấn công của họ.

Nhưng người Hồng Kông vẫn luôn tỏ ra kiên cường mỗi khi phải đối diện với những mưu đồ bất chính từ Bắc Kinh. Năm 2003 thế giới đã được chứng kiến cuộc biểu tình lớn nhất trong thành phố kể từ khi ký kết bàn giao để phản đối dự luật chống lật đổ chính quyền mà nhiều người dân cảm thấy là sẽ hạn chế quyền tự do của họ; dự luật cải cách hệ thống bầu cử Hồng Kông năm 2014 đã làm dấy lên Phong trào Dù vàng; dự luật dẫn độ năm 2019 đã đưa đến sự kiện hai triệu người xuống đường trong các cuộc biểu tình trong nhiều tháng và chỉ ngưng lại do bởi đại dịch Covid-19.

Nhiều người hy vọng là người dân Hồng Kông vẫn tiếp tục giữ vững được tinh thần biểu tình trên vì đây chính là bản sắc của họ. Như lời tuyên bố vào hôm Thứ Tư vừa qua của nhà tranh đấu trẻ Joshua Wong trong khi đang đi biểu tình: “Chúng tôi sẽ không đầu hàng. Ðây không phải là lúc bỏ cuộc.”

Ðiều quan trọng là thế giới phương Tây có tiếp tục hỗ trợ cho họ không nếu như Bắc Kinh bất chấp dư luận và thẳng tay đàn áp như họ đã ra lệnh cho cảnh sát Hồng Kông mạnh tay với người biểu tình ngay trong ngày đầu tiên khi luật anh ninh mới bắt đầu có hiệu lực. Bằng không thì Hồng Kông coi như đã mất.

VH