Nhóm khoa học gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gồm 13 người đến Trung Quốc vào ngày 13 tháng Giêng để thực hiện một cuộc nghiên cứu và điều tra kéo dài bốn tuần lễ để tìm hiểu về nguồn gốc của con vi khuẩn corona đã gây ra trận đại dịch Covid-19 cho đến nay đã làm thiệt mạng gần ba triệu người trên thế giới.

Bên ngoài Viện Vi trùng học Vũ Hán – nguồn Getty Images 

Sau một thời gian chờ đợi khá lâu và có thể nói là quá chậm trễ, cuối cùng bản phúc trình đã được cho công bố hôm thứ Ba 30/3 vừa qua, nhưng ngay lập tức đã làm dấy lên nhiều truy vấn cũng như chỉ trích đến từ nhiều phía.

Hoa Kỳ và 13 quốc gia khác, trong đó có Úc, Canada, Nhật Bản, Nam Hàn và Vương quốc Anh, đã cùng đưa ra một bản thông cáo chung nêu lên những thắc mắc về bản phúc trình và kêu gọi cần có một cuộc đánh giá hoàn toàn minh bạch và độc lập. Khối Liên Âu cũng lên tiếng kêu gọi phải cho các nhà nghiên cứu được truy cập thêm các dữ liệu và cần điều tra thêm.

Bản phúc trình được soạn thảo bởi một nhóm bao gồm 17 chuyên gia Trung Quốc và 17 chuyên gia đến từ những quốc gia khác cũng như từ những tổ chức quốc tế như WHO và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Ðiều cần nhấn mạnh ở đây, hầu hết cuộc nghiên cứu cho bản phúc trình là được thực hiện bởi các khoa học gia Trung Quốc, hầu hết trong số đó làm việc cho chính phủ. Theo các điều khoản của cuộc nghiên cứu, kết quả nghiên cứu đã được trình bày cho nhóm các khoa học gia quốc tế do WHO tuyển dụng trong chuyến đi Trung Quốc của họ hồi đầu năm.

Nói chung, tập phúc trình dày 319 trang này không đưa ra thêm một thông tin mới nào và những gì được viết trong đó thì hầu như mọi người đã tìm hiểu trước rồi từ các bản tin của các cơ quan truyền thông trong suốt hơn một năm qua. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích tới bốn kịch bản về nguồn gốc của trận đại dịch.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Bản phúc trình cho biết nguồn gốc có nhiều khả năng nhất là do việc truyền vi khuẩn sang người từ loài dơi qua một con vật trung gian khác. Cũng theo bản phúc trình, khả năng thứ hai có thể xảy ra là dơi truyền vi khuẩn corona trực tiếp sang người. Phúc trình cũng xem xét khá kỹ tới giả thuyết thứ ba, do chính Bắc Kinh đưa ra, rằng vi khuẩn đi vào Trung Quốc trong thực phẩm đông lạnh (nghĩa là đến từ quốc gia khác), mà WHO cho là «có thể» và cần được nghiên cứu thêm.

Nhưng điều đáng nói nhất là nhóm nghiên cứu kết luận giả thuyết cho rằng vi khuẩn bị rò rỉ từ một phòng nghiên cứu, như Viện Vi trùng học Vũ Hán (WIV) chẳng hạn, là “cực kỳ không thể”. Bản phúc trình khẳng định rằng cơ sở của WIV “được quản trị tốt, với một chương trình theo dõi sát sức khỏe của nhân viên”. Phúc trình đề nghị cần “đánh giá thường xuyên về việc điều hành nội bộ đối với các phòng thí nghiệm được xếp loại là có cấp độ an toàn sinh học cao trên toàn thế giới” và tiếp tục theo dõi các bằng chứng mới.

Nhân viên an ninh Trung Quốc phong toả một bệnh viện trong khi nhóm điều tra WHO tới thăm – nguồn Getty Images

Tuy nhiên, đến nay thì thế giới đã biết quá rõ mức độ khả tín về vấn đề an toàn của viện WIV là thế nào rồi. Năm 2018, qua một số điện tín ngoại giao, các giới chức Hoa Kỳ đã cảnh báo về vấn đề an toàn và điều hành tại viện WIV có thể dẫn đến đại dịch. Ðiều đặc biệt đáng lo ngại là vì viện WIV đã cho tiến hành nghiên cứu “tăng chức năng” (gain of function) trên con vi khuẩn corona mà về mặt lý thuyết có thể cho phép chúng lây nhiễm sang một loài động vật khác.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo trong một tờ thông tin vào tháng Giêng rằng một số nhà nghiên cứu của viện WIV đã mắc bệnh và có «các triệu chứng giống như với triệu chứng của COVID-19 cũng như của các bệnh thông thường theo mùa» trong khoảng thời gian mùa Thu năm 2019. Tuy nhiên, bản phúc trình của WHO thì lại tin tưởng một cách chắc nịch vào những lời tuyên bố của chính phủ Trung Quốc khi nói rằng “không có báo cáo nào nói về bệnh hô hấp giống với COVID-19 trong những tuần / những tháng trước tháng 12 năm 2019.”

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Khoảng một tuần trước khi bản phúc trình được công bố, một giới chức của viện WIV còn cho biết phòng thí nghiệm không có một liên hệ nào với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hồi tháng Giêng là “viện WIV đã hợp tác với quân đội Trung Quốc trong các ấn phẩm về kết quả nghiên cứu và trong nhiều dự án bí mật khác” trong nhiều năm. Lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là dựa trên những tin tức tình báo sâu rộng và chính quyền Biden đến nay vẫn không phản đối về những phát hiện trên. Câu hỏi ở đây là nhóm nghiên cứu của WHO có để mắt xem xét tới những bằng chứng của Hoa Kỳ hay không?

Kiểu phân tích và phán đoán hết sức hời hợt trong bản phúc trình của WHO thực ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc cung cấp hầu hết các dữ liệu và làm việc với nhóm nghiên cứu quốc tế để soạn thảo bản phúc trình. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã hết sức hạn chế việc truy cập độc lập vào các dữ liệu thông tin về nguồn gốc của Covid-19, cũng như họ đã bịt miệng các khoa học gia và ký giả, là những người đã đưa ra nghi vấn về kết quả điều tra chính thức của chính phủ Trung Quốc hồi năm ngoái. Ðó là chưa kể việc công bố bản phúc trình liên tục bị trì hoãn vì cả hai bên đã phải thương lượng về một bản phúc trình mà nay cho thấy rõ nó mang nhiều tính cách chính trị hơn là khoa học.

Một cuộc hợp tác nghiên cứu và điều tra đầy nghi vấn – nguồn AP

Thậm chí ngay chính tổ chức WHO cũng phải công nhận về tính không hợp lý của bản phúc trình. Tổng giám đốc của WHO, bác sĩ Tedros Ghebreyesus, cho biết cũng vào hôm bản phúc trình được công bố: “Tôi không tin kết quả điều tra này là đầy đủ. Cần có thêm dữ liệu và nghiên cứu sâu rộng thì mới có thể đưa ra một kết luận chắc chắn hơn. Mặc dù nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng việc vi khuẩn bị rò rỉ từ phòng nghiên cứu là giả thuyết ít có khả năng xảy ra nhất, điều này đòi hỏi một cuộc điều tra sâu rộng hơn.” Ông Ghebreyesus cũng cho biết là đã sẵn sàng để đưa thêm một số chuyên gia khác tới Trung Quốc, nhưng đừng mong đợi hay hy vọng là Bắc Kinh dang vòng tay đón tiếp họ. Chỉ riêng chuyến đi của WHO hồi đầu năm mà họ đã tìm cách gây ra đủ điều khó khăn rồi.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Trong bản thông cáo chung của Hoa Kỳ và 13 chính phủ khác đã bày tỏ “những mối quan ngại chung” rằng cuộc nghiên cứu của WHO “đã bị trì hoãn quá lâu và không được quyền truy cập đầy đủ vào các dữ liệu và mẫu thử nghiệm nguyên thuỷ.” Nghe thì biết vậy nhưng có vẻ như các chính phủ trên đã chuẩn bị sẵn sàng để đi đến kết luận rằng câu chuyện về nguồn gốc của trận đại dịch Covid-19 sẽ không thể điều tra thêm được điều gì nữa và nên ngưng lại để giải quyết những vấn đề cấp bách khác.

Không cần phải đọc hết toàn bộ bản phúc trình mà chỉ cần chú ý tới những điểm chính như được nêu lên ở trên cũng đủ để người đọc có cảm tưởng như đây không phải là kết quả nghiên cứu và điều tra nghiêm túc mà chỉ là những lời biện hộ cho những việc làm sai trái của chính quyền Bắc Kinh đưa tới hậu quả kinh hồn của trận đại dịch.

Nhưng câu chuyện không nên kết thúc ở đây. Có ý kiến cho rằng chính phủ Biden có lẽ đã có trong tay những tin tức tình báo quan trọng và nên công bố cho công chúng biết để có thể có được công luận vô tư hơn là bản phúc trình của WHO. Bằng không thì chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc được sự hỗ trợ bởi sự thất bại của WHO sẽ dành được ưu thế trong việc xác định nguồn gốc của đại dịch Covid-19 đối với dư luận thế giới.

VH