Nói tới “drones” chúng ta thường hiểu ngay đó là những loại máy bay không người lái bay trên không được điều khiển từ xa. Nhưng “drones” còn được áp dụng với những loại tàu, thuyền bơi trong nước – và đây là loại vũ khí quân sự mới nhất đang được phát triển.

Tàu ngầm không người lái Manta Ray – Northrop Grumman  

Trong những cuộc xung đột gần đây nhất như tại Ukraine và Trung Đông, người ta đã chứng kiến máy bay drones đã làm một cuộc cách mạng hoá chiến tranh hiện đại trên bầu trời. Nay, nhiều công ty quốc phòng và hải quân đang dồn nỗ lực chế tạo và tin rằng loại vũ khí điều khiển từ xa này cũng có thể làm được điều tương tự ở dưới nước.

Những tàu ngầm không người lái mới này, với những cái tên còn rất lạ như Ghost Shark, Herne và Manta Ray, thường có thể lặn sâu hàng ngàn bộ Anh dưới nước và hoạt động hầu như không cần sự tương tác của con người trong nhiều ngày liền. Khả năng đó khiến chúng trở thành những thiết bị quân sự lý tưởng để thu thập thông tin tình báo, bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước và chống lại các mối đe dọa tiềm tàng ở Thái Bình Dương.

Hoàn thiện được loại kỹ thuật mới này không phải là chuyện dễ dàng. Duy trì thông tin liên lạc dưới nước sâu được cho là khó hơn rất nhiều so với trên không và điều kiện thiên nhiên bên dưới bề mặt nước biển có thể rất khắc nghiệt.

Tàu ngầm không người lái đã được các viện nghiên cứu và các công ty năng lượng ngoài khơi sử dụng trong nhiều thập niên qua. Ví dụ, một chiếc tàu ngầm không người lái dưới nước đã tìm thấy được xác tàu Titanic vào năm 1985. Hải quân từ lâu cũng đã sử dụng các tàu ngầm nhỏ hơn – thường được điều khiển từ xa – để rà phá bom mìn và thực hiện một số nhiệm vụ khác.

Hiện nay, một số công ty quốc phòng đang phát triển các loại tàu lớn hơn, tự động hơn, có thể di chuyển quãng đường dài hơn và làm được nhiều việc hơn.

Thử nghiệm Manta Ray. Northrop Grumman / SWNS

Tàu ngầm không người lái

Xem thêm:   Tòa án online...

Công ty Boeing cuối năm 2025 sẽ giao cho hải quân Hoa Kỳ 5 chiếc tàu ngầm không người lái Orca loại lớn. Với chiều dài lên tới 85 bộ Anh (gần 30 mét). Orca có thể di chuyển và hoạt động với chiều dài tương đương gần 7,500 dặm và cần rất ít sự điều khiển của con người.

Ở nơi khác, chính phủ Úc cũng đang hợp tác với một công ty quốc phòng mới là Anduril để sản xuất loại tàu ngầm không người lái có tên gọi là Ghost Shark. Dự án này là một phần trong khoản đầu tư $4.65 tỷ mà Úc đang thực hiện để chế tạo vũ khí tiềm năng sử dụng cho chiến tranh ngầm dưới nước và các tàu hải quân mới tự động và không người lái.

Các loại tàu ngầm không người lái khác có tàu ngầm Herne của công ty BAE Systems, đang được thử nghiệm tại Vương quốc Anh và tàu ngầm Manta Ray của công ty Northrop Grumman, có hình dạng tương tự như loài cá thờn bơn khổng lồ.

Pháp, Nam Hàn và Đức cũng đang nghiên cứu chế tạo tàu ngầm không người lái mới. Ukraine đang thử nghiệm loại tàu ngầm tấn công không người lái có tên gọi là Marichka.

Một yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển của loại tàu ngầm không người lái mới này là sự tiến bộ về kỹ thuật. Hệ thống bình điện (batteries) có thể sử dụng lâu hơn, thiết bị cảm biến chính xác hơn và thiết bị điện tử có kích cỡ nhỏ hơn. Những tiến bộ này có nghĩa là tàu có thể tự hoạt động có hiệu quả hơn, di chuyển xa hơn và làm được nhiều công việc hơn.

Tàu ngầm Herne đang được hạ thuỷ – BAE Systems

Đối diện với đe doạ

Những tiến bộ kỹ thuật này xảy ra vào đúng thời điểm mà các lực lượng hải quân phương Tây đang rất cần để phát triển. Trung Quốc đã xây dựng được hạm đội hải quân trên nước lớn nhất thế giới và một số tàu ngầm tự hành của họ.

Xem thêm:   Những "chuyện thường ở huyện"

Tại châu Âu, những vụ dây cáp quang đặt dưới lòng biển bị cắt gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Nga và một số quốc gia thù nghịch khác có thể nhắm mục tiêu phá hoại vào các tuyến đường quan trọng vận chuyển năng lượng và dữ liệu tin học xuyên qua đại dương giữa các châu lục. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương gần đây đã tiến hành một cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển Phần Lan, trong đó tàu ngầm không người lái được sử dụng để bảo vệ các cơ sở hạ tầng dưới nước.

Các lực lượng hải quân châu Âu được thành lập để nhằm chống lại các mối đe dọa như trên đã ngày càng thu hẹp về quy mô, trong khi Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc đóng những con tàu loại lớn đúng với hạn kỳ. Hải quân Hoàng gia Anh, từng là lực lượng trên biển lớn nhất thế giới, hiện có chưa tới 20 tàu khu trục và khinh hạm, và khoảng 10 tàu ngầm.

Tàu ngầm Herne

Tàu ngầm Herne của BAE được chế tạo dựa trên mẫu tàu ngầm không người lái đã được công ty Cellula Robotics của Canada sản xuất để sử dụng cho ngành kỹ nghệ năng lượng. BAE đã bổ sung thêm hệ thống máy điện toán, camera và thiết bị cảm biến cho phép tàu hoạt động tự động cũng như thu thập và phân tích thông tin tình báo.

Herne, trông giống như một tàu ngầm loại nhỏ, tự mình vạch đường đi ở dưới nước bằng cách sử dụng các thiết bị cảm biến nhận diện môi trường xung quanh rồi phối hợp với hệ thống bản đồ được cài sẵn trong máy điện toán. Herne có khả năng phân tích các tàu thuyền mà nó nhìn thấy bằng cách so sánh chúng với hồ sơ dữ liệu ở trung ương để phân biệt đâu là tàu quân sự và đâu là tàu dân sự.

Xem thêm:   Việt Nam trong tầm ngắm

Vào một buổi sáng gần đây trên bờ biển phía nam nước Anh, một chiếc cần cẩu đã hạ thuỷ một con tàu nặng 8 tấn và dài 40 bộ Anh trước khi bắt đầu một nhiệm vụ huấn luyện đã được lập trình sẵn. Trong một cuộc thử nghiệm, Herne đã nhô lên khỏi mặt nước, xác định chính xác hai tàu hải quân và sau đó lặn xuống trở lại bên dưới những ngọn sóng một cách êm ru.

Theo một cựu giới chức của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết việc sử dụng tàu ngầm không người lái để tiến hành nhiệm vụ giám sát thường xuyên khiến cho việc đưa một tàu ngầm đắt tiền và thủy thủ đoàn đi làm một nhiệm vụ giám sát bình thường nhưng có khả năng gặp rủi ro là điều không cần thiết. Kích thước nhỏ hơn của tàu ngầm không người lái cũng cho phép nó hoạt động ở vùng nước nông hơn.

Công ty BAE bắt đầu chế tạo tàu ngầm Herne khoảng gần một năm qua và đặt mục tiêu trong vòng một năm rưỡi nữa có thể đưa loại tàu ngầm này vào tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Hệ thống bình điện của Herne hiện nay có thể hoạt động tới 3 ngày. Công ty Cellula đang thử nghiệm loại bình điện hydrogen có thể cho phép tàu hoạt động trong 45 ngày và có phạm vi hoạt động khoảng 3,000 dặm – gần bằng khoảng cách giữa Ireland và New York.

Trong khi Herne chủ yếu được thiết kế để trinh sát, BAE đang nghiên cứu việc bổ sung để tàu ngầm có thể mang theo ngư lôi và mìn.

Tàu ngầm Ghost Shark của Úc – Australian Government

Thử thách kỹ thuật

Thông tin liên lạc với tàu ngầm không người lái gặp nhiều khó khăn hơn so với máy bay trên không vì sóng vô tuyến không thể truyền qua vùng nước sâu. Tuy nhiên, tàu có thể nổi lên mặt nước để nhận chỉ thị.

Tàu ngầm không người lái còn phải chịu được áp suất rất lớn khi lặn sâu dưới nước và phải thật sự bền bỉ khi hoạt động một mình ngoài biển – là vì nếu có trục trặc nào xảy ra, sẽ không có ai ở dưới tàu để sửa chữa.

VH