Tổng thống Donald Trump đang tìm cách giải quyết hai cuộc xung đột lớn trên thế giới bằng cách đưa ra những kế hoạch gây khá nhiều bất ngờ: đề nghị đàm phán để giải quyết chiến tranh Ukraine và rất có thể chấp nhận một số nhượng bộ với Nga; tái định cư toàn bộ dân số của Gaza trước khi tái thiết dải đất này và điều này có nghĩa là dập tắt niềm hy vọng về một quốc gia Palestine trong tương lai.
Kế hoạch của ông Trump cho cả hai khu vực được xem như đi ngược lại với những chính sách của Hoa Kỳ kéo dài từ nhiều thập niên qua, và cũng được xem như một lời khẳng định rõ ràng rằng cách giải quyết theo lối cũ của Washington đối với những cuộc xung đột trên thế giới đã từng được thử nghiệm trước đây và đã thất bại.
Theo các phân tích gia, dưới mắt nhìn của ông Trump, vấn đề của Gaza và Ukraine cũng khá giống nhau: Hàng chục hay hàng trăm ngàn người chết một cách vô ích. Các thành phố trở thành những đống đổ nát. Mối hận thù từ ngàn xưa là nguyên do gây ra những cuộc chiến tranh bất tận.
Và giải pháp của ông Trump cho vấn đề Gaza và Ukraine, nhìn ở góc độ nào đó, cũng có một số điểm tương đồng: Bắt nguồn từ niềm tin của ông vào khả năng thuyết phục của mình, muốn được thế giới coi như là một chuyên gia đàm phán hòa bình có tầm quan trọng lịch sử, và có thói quen tự áp đặt quyết định lên các quốc gia yếu thế, kể cả nếu quốc gia đó là đồng minh.
Câu hỏi được đặt ra là liệu ông Trump có thể áp dụng cùng phương thức như thế ở nơi khác hay không, chẳng hạn như ở Đài Loan, nơi mà chính phủ nước này đang ngày càng lo ngại hơn rằng để đạt được một thỏa thuận thương mại nhanh chóng với Bắc Kinh, ông Trump có thể sử dụng đảo quốc dân chủ này như một con bài mặc cả.
Theo một số phân tích gia, cách giải quyết vấn đề thế giới một cách phi chính thống của ông Trump cũng có nguy cơ tạo ra những ngõ cụt chiến lược mới.
Như tại Ukraine, nỗ lực thúc đẩy hòa bình của ông Trump khiến chính phủ ở Kyiv lo ngại rằng ông có thể tìm kiếm một thỏa thuận với Nga mà không có sự tham gia của họ, và cách tiếp cận này có thể mang lại một cuộc đình chiến tạm thời nhưng không bảo đảm cho Ukraine sự hỗ trợ đủ mạnh về lâu về dài để chống lại nỗ lực của Nga trong mưu đồ khuất phục quốc gia này trong tương lai.
Các thỏa thuận trong nhiệm kỳ đầu
Các thỏa thuận hòa bình mà ông Trump đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông cũng không theo lối phi chính thống – và mang lại những kết quả khác nhau.
Như Hiệp định Abraham – hiệp ước bình thường hóa quan hệ giữa Israel và 4 quốc gia Ả Rập – đã xóa bỏ quan niệm cũ kéo dài trong nhiều thập niên tại Washington và các thủ đô ở Trung Đông rằng cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ đòi hỏi phải có một quốc gia Palestine để có hòa bình. Nhưng hiệp ước này không được một số quốc gia Ả Rập khác đón nhận. Tổ chức Hamas viện dẫn lý do vì trong hiệp định này, Israel đã cố tình gạt bỏ sự hiện diện của dân tộc Palestine ra ngoài và coi đó như một lời triệu tập để tổ chức các cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, châm ngòi cho cuộc chiến với Israel.
Tại Afghanistan, Tổng thống Trump đã qua mặt các nhà ngoại giao lão thành của Washington để đạt được một thỏa thuận hòa bình với nhóm Taliban vào năm 2020 mà không có sự tham gia của chính quyền Kabul do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Trong khi chính phủ Biden bị chỉ trích gay gắt vì đã tổ chức thất bại đợt rút quân cuối cùng, nhiều nhà quan sát lâu năm của Afghanistan chỉ trích thỏa thuận này vì đã không ràng buộc Taliban phải tiếp tục duy trì việc giáo dục cho các trẻ em gái và hạn chế một số chính sách cực đoan khác của họ.
Năm 2016, ông Trump bất ngờ giành được chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống bằng cách đổ lỗi cho Washington vì đã phát động các cuộc chiếm đóng dài hạn ở Afghanistan hoặc Iraq, nhưng không thu được kết quả gì đáng kể. Tuy nhiên, nhiều ý tưởng của ông trong việc hoạch định chính sách trong nhiệm kỳ đầu cũng thường bị các cố vấn ngăn cản do thiếu kinh nghiệm và thiếu hiểu biết.
… Nhiệm kỳ hai
Trong nhiệm kỳ hai, các quyết định của Tổng thống Trump chỉ trong mấy tuần lễ đầu chứng tỏ cho thấy ông sẵn sàng theo đuổi các ý tưởng riêng của ông nhiều hơn nữa.
Những lời đe dọa của ông Trump về việc chiếm kênh đào Panama, biến Canada thành một tiểu bang của Hoa Kỳ và nắm quyền kiểm soát đảo Greenland cũng đã khiến các đồng minh của Hoa Kỳ lo ngại.
Tại Gaza, kế hoạch tái định cư gần hai triệu người Palestine đến Jordan và Ai Cập để Hoa Kỳ có thể kiểm soát và tái xây dựng vùng đất hầu như hoàn toàn bị phá hủy này đã bị các chính phủ Ả Rập và một số người dân Gaza bác bỏ, những người dân này cho biết họ sẽ không bao giờ từ bỏ nhà cửa của họ.
Không có một chính phủ Hoa Kỳ nào trước đây kể từ khi quốc gia Israel được thành lập vào năm 1948 đã có một đề nghị táo bạo là di chuyển người dân Palestine ra khỏi dải Gaza, nơi mà hầu hết các tổng thống Hoa Kỳ trước đây đều coi đây là một phần của quốc gia Palestine sau này.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của công chúng Ả Rập và Israel đối với giải pháp hai quốc gia (Israel và Palestine) đã giảm mạnh, đặc biệt là kể từ cuộc tấn công ngày 7 tháng 10.
Kế hoạch di dời người dân Palestine ra khỏi Gaza và để Hoa Kỳ nắm quyền kiểm soát dải đất này cho một dự án xây dựng của Tổng thống Trump được xem như là cách xóa bài làm lại trong một khu vực mà ông cho rằng nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết được là vì các tư tưởng vẫn còn mắc kẹt trong những quan niệm cũ.
Tuy nhiên, đề nghị của ông Trump cũng bị người dân Israel và thế giới Ả Rập coi là không thực tế, có khả năng gây bất ổn cho các quốc gia như Ai Cập và Jordan có chung biên giới với Israel.
Với Đài Loan
Các ý tưởng của Tổng thống Trump trong việc giải quyết vấn đề Gaza và Ukraine đang được các quốc gia đồng minh cũng như đối thủ của Hoa Kỳ theo dõi, và tự hỏi liệu ông có cho thử nghiệm những ý tưởng khác thường tương tự như vậy ở Đài Loan và một số điểm nóng khác hay không.
Trong nhiều thập niên, Washington luôn là chỗ dựa quân sự quan trọng nhất của Đài Bắc, cung cấp những vũ khí cần thiết để ngăn chặn và phòng thủ trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn thường xuyên tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để khẳng định quyền kiểm soát đối với đảo quốc này.
Các chính phủ Hoa Kỳ trước đây vẫn theo đuổi một chính sách mơ hồ không rõ ràng nhưng tựu trung vẫn là bảo vệ an ninh và độc lập cho Đài Loan. Nhiều người mong đợi Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi chính sách này đối với Đài Loan thay vì tiếp cận bằng một chính sách phi chính thống vì không ai biết trước kết quả sẽ hướng tới đâu mà trước mắt chỉ gây thêm lo lắng và hoang mang.
VH