Chiến tranh thường có xu hướng chậm chạp và kéo dài. Những kiểu tiến quân thần tốc giúp quân đội Ukraine chiếm lại được hàng ngàn dặm vuông ở vùng đông bắc hồi năm ngoái rất hiếm khi xảy ra. Các cuộc giao tranh thường là một bên tìm cách tiêu diệt phía bên kia từng bước một, giống như hiện nay Ukraine đang từng bước một chiếm lại những ngôi làng nhỏ nhưng mang tính chiến lược ở khu vực phía đông và đông nam. Những tiến bộ nhỏ như vậy là để cố gắng hướng tới một cuộc xuyên thủng phòng tuyến quan trọng đặt bước đầu tiên để đưa tới chiến thắng sau cùng, mặc dù điều đó đến nay vẫn chưa xảy ra hoặc có thể không bao giờ xảy ra.

franceintheus.org  

Nói cách khác: Ukraine và các quốc gia đồng minh, bao gồm cả Hoa Kỳ, có thể đã đặt kỳ vọng quá cao vào cuộc phản công hiện nay. Quân đội Ukraine đang chiến đấu với một trong những quân đội mạnh nhất thế giới. Nếu Ukraine có thể thành công trong việc buộc Nga phải rút lui một phần lớn lãnh thổ họ đang chiếm đóng thì việc này có lẽ sẽ phải mất nhiều năm chứ không chỉ là vài tháng như lúc đầu nhiều người nghĩ.

Thực tế trên chiến trường

Mặc dù với những nỗ lực chiến đấu anh dũng và đã chọc thủng được một điểm phòng thủ quan trọng của Nga gần ngôi làng Robotyne, quân đội Ukraine tới nay mới giải phóng được chưa tới 0.25% lãnh thổ mà Nga chiếm đóng cho đến tháng 6 vừa qua. Chiến tuyến dài 1,000 cây số hầu như không có chút thay đổi nào. Quân đội Ukraine vẫn có khả năng đạt được những bước đột phá trong những tuần lễ sắp tới, châm ngòi cho một cuộc sụp đổ của lực lượng Nga ở phòng tuyến đã sẵn yếu ớt. Nhưng dựa trên những gì xảy ra trên chiến trận trong suốt 3 tháng qua, sẽ là một sai lầm lớn nếu ta đặt quá nhiều niềm tin vào điều hy vọng nói trên.

Ðạt được thoả thuận ngừng bắn hoặc một cuộc hoà đàm là một ý tưởng ngây thơ. Ngay lúc này không thấy có dấu hiệu nào cho thấy ông Vladimir Putin muốn đàm phán, và ngay cả khi ông ta có muốn đi nữa thì cũng không thể tin được rằng ông sẽ giữ lời hứa. Ông Putin đang đợi phương Tây mệt mỏi vì cuộc chiến. Vả lại ông ta cũng đang cần chiến tranh để củng cố chế độ độc tài ở trong nước; bất kỳ thoả thuận ngừng bắn nào cũng chỉ đơn giản là tạm dừng để tái trang bị vũ khí và sẵn sàng tấn công thêm lần nữa. Nếu quân đội Ukraine ngừng chiến đấu, họ có thể sẽ bị mất nước.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Cả Ukraine và những quốc gia phương Tây hỗ trợ cho họ đang dần nhận ra rằng đây sẽ là một cuộc chiến tranh tiêu hao và kéo dài. Trong chuyến viếng thăm Washington tuần qua, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Tôi phải sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài.” Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Ukraine và các quốc gia đồng minh phương Tây vẫn chưa sẵn sàng. Cả hai bên vẫn đang tập trung vào cuộc phản công. Họ cần phải suy nghĩ lại về chiến lược quân sự của Ukraine và cách vận hành nền kinh tế của nước này. Thay vì nhắm đến chiến thắng và tái xây dựng đất nước sau đó, mục tiêu nên làm trong thời gian tới là bảo đảm rằng Ukraine có đủ sức mạnh để tiến hành một cuộc chiến lâu dài – và cuối cùng có thể đưa tới thành công.

Cuộc chiến tiêu hao và kéo dài – powervertical.org

Hiệu chỉnh lại quân đội

Theo nhận định trong một bài phân tích của tờ The Economist, bước đầu tiên là phải hiệu chỉnh lại quân đội. Quân đội Ukraine đang kiệt sức; nhiều binh lính thiện chiến nhất của họ đã bị giết. Mặc dù đã có những đợt trưng quân, quân đội Ukraine vẫn đang thiếu người để có thể duy trì một cuộc phản công quy mô lớn về lâu về dài. Họ cần phải bảo tồn nguồn lực, và cũng cần phải thay đổi chiến lược. Các chiến thuật và kỹ thuật mới có thể tấn công trực tiếp vào Nga. Trong lãnh vực kỹ thuật, Ukraine đang tăng cường sản xuất máy bay không người lái: máy bay không người lái của Ukraine gần đây đã phá hủy một số tàu chiến của Nga; hoả tiễn của họ cũng đã phá hủy một hệ thống phòng không quan trọng trên bán đảo Crimea. Nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công nữa nhằm làm suy yếu cơ sở hạ tầng quân sự của Nga và biến khu vực Hắc Hải không còn là nơi trú ẩn an toàn cho hải quân Nga như trước đây. Nói như vậy không có nghĩa là Ukraine sẽ đánh bại Nga nay mai. Phía Nga cũng đã gia tăng quy mô sản xuất máy bay không người lái. Tuy nhiên, Ukraine có thể đánh trả lại một khi bị Nga ném bom và thậm chí có thể ngăn chặn một số cuộc tấn công trong tương lai.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Bên cạnh đó, Ukraine cần tăng cường khả năng tự phục hồi. Với những loại vũ khí nặng, quân đội Ukraine cần được hỗ trợ với việc bảo trì để duy trì một cuộc chiến kéo dài nhiều năm: sửa chữa, cung cấp thêm đạn pháo và huấn luyện. Và hơn hết, một cuộc chiến lâu dài đòi hỏi phải có một hệ thống phòng không hữu hiệu hơn. Ukraine không thể thành công nếu không thể ngăn chặn được Nga trong các cuộc pháo kích vào các cơ sở hạ tầng và dân thường, như Nga đã làm trong 18 tháng qua. Ðiều đáng kinh ngạc là cho tới nay thủ đô Kyiv vẫn còn đứng vững một phần là vì thành phố này có hệ thống phòng thủ khá hiệu quả trước các cuộc tấn công không ngừng nghỉ từ trên không của Nga. Việc bố trí tương tự cũng cần thiết đối với các thành phố khác, và đó là lý do tại sao các phi đội F-16 và những hệ thống phòng thủ hoả tiễn khác là điều rất cần thiết.

Hiệu chỉnh lại kinh tế

Lĩnh vực kinh tế cũng cần được hiệu chỉnh lại. Ðiều này có nghĩa là bớt đi những kế hoạch tái thiết sau chiến tranh và tập trung nhiều hơn đến việc gia tăng sản xuất và vốn chi tiêu cho hiện nay. Nền kinh tế Ukraine đã bị suy giảm khoảng một phần ba và gần một nửa ngân sách quốc gia được trả bằng tiền của phương Tây. Có điều kỳ lạ là đang trong thời chiến nhưng đồng hryvnia của Ukraine lại tăng giá mặc dù nguồn đầu tư tư nhân đã giảm sụt. Với khoảng một triệu người đang chiến đấu qua những hình thức khác nhau và nhiều triệu người đi tị nạn ở ngoài nước, số người làm việc đang bị thiếu hụt.

Xem thêm:   Chó...

Nền kinh tế của Ukraine cần chuyển từ dựa vào viện trợ sang thu hút đầu tư, ngay cả khi xung đột tiếp tục hoành hành. Từ việc sản xuất thêm vũ khí đến chế biến nhiều hơn những loại thực phẩm họ trồng được trên các cánh đồng. Ukraine có rất nhiều tiềm năng. Ðiều thử thách ở đây là làm sao thuyết phục được các công ty trong và ngoài nước đầu tư nhiều hơn, đồng thời kêu gọi thêm nhiều người tị nạn Ukraine quay trở lại những khu vực yên tĩnh hơn ở phía tây để tham gia vào lực lượng lao động đang cần thêm người.

Việc giữ gìn an ninh có hiệu quả hơn cũng có thể giúp một phần trong việc nâng cao kinh tế. Hệ thống phòng không của Ukraine càng mạnh thì nguy cơ các nhà máy mới bị tấn công càng thấp. Hải quân Nga càng bị đẩy lùi xa hơn thì hàng hoá xuất cảng có thể đi qua các bến cảng của Ukraine trên Hắc Hải càng an toàn hơn.

Lĩnh vực kỹ thuật Ukraine phát triển mạnh trong thời chiến – New York Times

Hy vọng tương lai

Ðể thực hiện được những điều nói trên đòi hỏi ý chí và quyết tâm từ chính phủ và người dân Ukraine cũng như từ các quốc gia đồng minh phương Tây. Về lâu dài, sự bảo đảm tốt nhất cho an ninh của Ukraine là cho họ trở thành thành viên NATO. Hoặc ít ra là thiết lập một mạng lưới bảo đảm an ninh song phương. Ðiều quan trọng không kém là những gì mà khối Liên Âu (EU) có thể đem đến cho Ukraine: không chỉ chương trình viện trợ mà còn triển vọng trở thành thành viên của khối. Ðể duy trì và phát triển một nền kinh tế hưng thịnh trong khi hàng ngày bị tấn công bởi một kẻ thù xâm lược hùng mạnh như Nga không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng một ngày nào đó Ukraine có thể được gia nhập vào khối kinh tế giàu có nhất thế giới này. Chẳng hạn, lộ trình gia nhập EU trong vòng một thập niên với những cột mốc đặt ra rõ ràng sẽ mang lại hy vọng cho người dân Ukraine và đẩy nhanh công cuộc cải cách kinh tế, giống như trước đây EU đã thực hiện cho nhiều quốc gia cựu cộng sản ở Ðông Âu trong thập niên 1990.

VH