Việc nước Úc mới đây quyết định cho tăng cường chiến lược phòng thủ của họ với một loạt tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử do Hoa Kỳ chế tạo phản ảnh lên quan điểm ngày càng được nhiều người chấp nhận rằng chính quyền Canberra trước đây đã đánh giá sai sự trỗi dậy của Trung Quốc và giờ đây cần phải thay đổi một chiến lược mạnh và cứng rắn hơn để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Chiến lược mới – nguồn straitstimes.com 

Kinh tế của nước Úc bị lệ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc với hơn một phần ba hàng hoá xuất cảng là bán sang quốc gia Á châu này và từ lâu đã theo đuổi một chính sách thận trọng để nhằm cố gắng cân bằng giữa những bất đồng trong chính sách và nhu cầu duy trì các điều khoản kinh tế thân thiện đối với Bắc Kinh. Thoả thuận hợp tác an ninh mà nước Úc vừa ký kết với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh là kết quả của 6 năm đầy biến động trong đó mối quan hệ với Bắc Kinh đã ngày càng xấu đi trong khi người dân Úc và các nhà làm chính sách của quốc gia thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương ngày càng tỏ ra tức giận về những chiến dịch bắt nạt kinh tế và gây ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đối với họ.

Trong việc thắt chặt quan hệ đồng minh với Washington, Thủ tướng Scott Morrison cho rằng nước Úc cần phải tích cực hơn nữa trong việc giữ cho các tuyến vận tải hàng hải được mở rộng cũng như phải ra sức bảo vệ các quy tắc về luật lệ tại khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương. Ông Morrison còn nói thêm rằng một chiến lược phòng thủ mà trong đó Úc phải sử dụng loại tàu ngầm quy ước chạy bằng dầu cặn diesel do Pháp chế tạo không còn phù hợp cho mục đích nói trên là vì loại tàu ngầm này chạy chậm hơn và không thể ở dưới nước lâu như loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Mỹ.

Ngoài ra còn một điều quan trọng khác nữa là quyết định của Úc sẽ củng cố thêm lợi thế dưới biển của Mỹ so với Trung Quốc và có thể giúp tạo ra một mạng lưới phòng thủ tàu ngầm từ Ấn Ðộ Dương qua đến Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh trong tương lai.

Xem thêm:   Chó...

Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng quân đội của họ, trong đó bao gồm ngân sách hơn $200 tỷ được dành để chi tiêu quốc phòng trong năm nay, và họ hiện đang có một lực lượng hải quân lớn hơn so với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn duy trì được lợi thế dưới mặt biển với nhiều loại tàu ngầm mạnh hơn, có kỹ thuật cao hơn và khó bị phát hiện hơn.

Bằng cách chia sẻ kỹ thuật tàu ngầm và thắt chặt quan hệ quốc phòng với Úc, có thể nói đây là một công hai chuyện – Hoa Kỳ vừa bán được vũ khí và trong một ý nghĩa nào đó vừa tăng thêm được sức mạnh cho hạm đội châu Á của họ trong khi cả hai nước tập trung vào chiến lược ngăn chặn Trung Quốc.

Loại tàu ngầm tấn công mới này của Úc, được thiết kế để tiêu diệt những loại tàu ngầm và tàu nổi khác, sẽ phải mất một thập niên trước khi được hoàn tất và chuyển giao. Nhưng loại tàu ngầm này sẽ trực tiếp đe doạ tới một trong những điểm yếu nhất trong lãnh vực quân sự của Trung Quốc: đó là khả năng định vị và tấn công tàu ngầm, đặc biệt là loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.

Thiết kế một loại tàu ngầm nguyên tử của Hoa Kỳ – nguồn Worlddakkam.com

Trong một phúc trình thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc hồi năm ngoái, Ngũ Giác Ðài cho biết trong khi Bắc Kinh đã có nhiều tiến bộ trong khả năng tác chiến dưới mặt biển, họ vẫn còn thiếu nhiều khả năng tác chiến để chống tàu ngầm trong khu vực nước sâu.

Với việc đồng ý ký thoả thuận để chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử với Úc, Hoa Kỳ đã từ bỏ chính sách khắt khe kéo dài trong nhiều thập niên qua là chống lại việc chia sẻ loại kỹ thuật đặc biệt này. Năm 1954, quốc hội Mỹ cho thông qua một đạo luật có tên là Ðạo luật Năng lượng Nguyên tử với mục đích là để ngăn cản việc chia sẻ kỹ thuật nguyên tử với các quốc gia khác, kể cả những quốc gia đồng minh. Mặc dù vậy, một thập niên sau đó, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã ký một hiệp ước về hợp tác trong lãnh vực vũ khí nguyên tử.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Nhiều quốc gia khác cũng đã từng yêu cầu Hoa Kỳ chia sẻ kỹ thuật của họ nhưng đã bị từ chối thẳng thừng. Theo các số liệu của tổ chức Ðề xướng về Ðe doạ Nguyên tử (NTI), trong những năm từ 1945 đến 1980, chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép xuất cảng loại tàu ngầm chạy bằng dầu cặn diesel tới những quốc gia khác. Tuy nhiên, các hoạt động xuất cảng tàu ngầm ngưng lại vào năm 1980, và không một chiếc tàu ngầm nào do Hoa Kỳ chế tạo được xuất cảng kể từ năm 1992.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 16/9, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gọi việc bán tàu ngầm nguyên tử cho Úc là một quyết định góp phần gia tăng khả năng quân sự của Hoa Kỳ để có thể hoạt động hiệu quả hơn với các quốc gia đồng minh và đối tác trong việc bảo vệ các lợi ích an ninh chung.

Tại một quân xưởng chế tạo tàu ngầm nguyên tử của Hoa Kỳ – nguồn U.S. Navy

Theo Ngũ Giác Ðài, Hoa Kỳ và Trung Quốc có con số tàu ngầm tương đương nhau, nhưng trong khi tất cả 52 tàu ngầm tấn công của Hoa Kỳ là loại tàu ngầm nguyên tử thì trong số 62 tàu ngầm của Trung Quốc, chỉ có 7 chiếc là loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử. Những tàu ngầm còn lại của họ chạy bằng dầu cặn và phải thường xuyên trồi lên mặt nước để xả khí thải và sạc lại bình điện để cung cấp thêm năng lượng. Loại tàu ngầm nguyên tử còn di chuyển với vận tốc nhanh hơn là loại tàu ngầm chạy bằng dầu cặn.

Các phân tích gia về an ninh thế giới cho biết sự hợp tác quốc phòng ngày càng gia tăng trong nhóm các quốc gia gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Ðộ – một liên minh không chính thức thường được gọi là bộ tứ (the Quad), được hình thành do từ mối quan tâm về những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc – cuối cùng có thể đưa tới một số sự phối hợp của các hạm đội tàu ngầm của họ trên khắp khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Năm 2018, Ấn Ðộ đã cho hạ thuỷ chiếc tàu ngầm nguyên tử có trang bị hoả tiễn đạn đạo đầu tiên của họ và hiện có khoảng 15 tàu ngầm tấn công chạy bằng điện-dầu cặn, trong khi quân đội Nhật Bản vận hành khoảng 24 tàu ngầm tấn công chạy bằng điện-dầu cặn.

Theo nhận định của Euan Graham, phân tích gia an ninh về tình hình khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore, thì vị trí phía nam của nước Úc cũng có nghĩa là các tàu ngầm mới của họ có thể đóng một vai trò quan trọng cùng với Ấn Ðộ trong việc duy trì an ninh trong khu vực Ấn Ðộ Dương.

Các mạng lưới phối hợp rộng lớn hơn giữa các hạm đội tàu ngầm cũng có thể giúp bảo đảm rằng các tuyến đường thương mại quan trọng trong khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương tiếp tục được mở rộng và vấn đề an ninh trên các tuyến đường thủy quan trọng như eo biển Malacca giữa Mã Lai Á và Nam Dương sẽ tiếp tục được bảo vệ chặt chẽ.

Các phân tích gia về an ninh cũng cảnh báo rằng khả năng quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới trong khi chờ đợi các tàu ngầm mới của Úc được hạ thuỷ và nói rằng trong khi dự trù tổng cộng có 8 tàu ngầm, thì chỉ có từ 2 hoặc 3 chiếc là có khả năng hoạt động trên biển cùng một lúc, những chiếc khác cần phải được bảo trì sau một thời gian hoạt động. Tuy nhiên, việc tăng cường thêm những tàu ngầm nguyên tử mới này được coi là bước tiến quan trọng trong việc cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực và sẽ là lực lượng chính có tầm quan trọng đáng kể về chiến lược trước bất kỳ đối thủ nào.

VH