Theo nhận định của giới báo chí phương Tây, hiện nay xu hướng chủ nghĩa dân tộc đang tràn lan khắp Trung Quốc, được cổ vũ bởi cả một guồng máy tuyên truyền khổng lồ của đảng cộng sản, khiến nhiều người lo ngại quốc gia này đang từ từ rơi vào tình trạng của thời kỳ Cách mạng Văn hoá do Mao Trạch Đông xách động.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan – nguồn stratfor.com   

Bất cứ ai dám lên trên mạng internet đăng lời chỉ trích các lãnh tụ Trung Quốc thì liền ngay sau đó sẽ bị đám đông giận dữ cáo buộc là thiếu lòng trung thành với đất nước. Người chỉ trích sẽ trở thành mục tiêu bị ném đá bằng những lời công kích chửi rủa nặng nề và bị bịt miệng. Có người thậm chí còn bị mất việc.

Các nhà “nghiên cứu chính trị” Trung Quốc cho biết tình trạng chủ nghĩa dân tộc dâng cao một phần là do từ sự “phản ứng tự nhiên” khi người dân nhìn thấy vị trí của quốc gia họ đang ngày một “tiến cao trên nấc thang thế giới”. Một số người dân Trung Quốc cũng cho biết cảm xúc của họ bắt nguồn từ niềm “tự hào thực sự” đối với đất nước.

Tuy nhiên, lý do chính là vì có bàn tay của chính quyền trong việc khơi dậy tinh thần dân tộc cực đoan trong dân chúng. Các giới chức nhà nước thường xuyên theo dõi và kiểm duyệt những cuộc thảo luận có nội dung phê bình chính phủ ở trên mạng và – thông qua những quy định về internet cũng như hàng ngàn trương mục trên các phương tiện truyền thông xã hội do nhà nước điều hành – đã xây dựng lên cả một hệ thống trực tuyến rộng lớn có nội dung nhằm ủng hộ và cổ vũ các chính sách của nhà nước và của đảng cộng sản.

Trong khi đó thì Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo được cho là nắm nhiều quyền hành nhất của Trung Quốc kể từ nhiều thập niên qua, cũng là một người mang nặng tinh thần chủ nghĩa dân tộc. Với tham vọng đạt được “Trung Quốc Mộng” để trẻ trung hóa đất nước, trong các bài phát biểu ở bất cứ đâu, Tập không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để khích động lòng tự hào ái quốc trong mọi tầng lớp nhân dân và kêu gọi sự ủng hộ đối với đảng nhiều hơn nữa trong khi đảng đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và sự xung đột ngày càng gia tăng với Hoa Kỳ về ngoại giao và thương mại.

Những hồng vệ binh tân thời trên đường phố – nguồn AsiaNews

Ðó chính là một Trung Quốc mà Tập Cận Bình đang xây dựng: một kiểu cường quốc mới được kết hợp bởi một chính quyền độc tài chuyên chế và một hệ thống kiểm soát xã hội sử dụng kỹ thuật tân tiến cùng với tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan lan rộng để có thể dập tắt tất cả mọi tiếng nói bất đồng chính kiến.

Xem thêm:   Nhược điểm của Trung Quốc

Trong quá khứ, chính sách kiểm duyệt internet còn cho phép người dân được quyền tranh luận trong vòng giới hạn về những vấn đề xã hội. Nhưng trong tám năm cầm quyền của Tập Cận Bình, những người dân Trung Quốc có tư tưởng cởi mở ngày càng lo sợ về tình trạng đất nước đang có xu hướng quay trở lại thời kỳ chính trị lên cơn sốt của cuộc Cách mạng Văn hóa, là cuộc chiến do Mao Trạch Ðông phát động chống lại “các phần tử phản cách mạng” mà trên thực tế là để loại bỏ những đối thủ chính trị của ông ta với hậu quả là đã đẩy xã hội và nền kinh tế của đất nước sát bờ vực của một sự sụp đổ hoàn toàn trong những năm 1960 và 1970.

Thời kỳ đó, người ta ước tính có hơn một triệu người chết. Trong khi tình hình ngày nay tại Trung Quốc chưa đến mức tuyệt vọng như thời Mao, nhưng mức độ kiểm soát sinh hoạt của người dân có lẽ chặt chẽ và tinh vi hơn nhiều nhờ những kỹ thuật hiện đại. Và chính quyền Bắc Kinh không chỉ tận dụng những máy móc kỹ thuật này để theo dõi cuộc sống của người dân mà còn sử dụng chúng như những khí cụ tuyên truyền và khích động có lợi cho đảng.

Các học giả phương Tây chuyên nghiên cứu về không gian mạng Trung Quốc ước tính có hàng triệu người sử dụng internet ở Trung Quốc thường đăng những nội dung ủng hộ Bắc Kinh lên mạng thực ra chính là những nhân viên được chính phủ thuê có trả lương hoặc là những giới chức làm việc cho nhà nước. Theo dữ liệu năm 2019 bởi Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, trực thuộc Bộ Công nghệ và Kỹ thuật Tin học, các bộ và cơ quan chính phủ điều hành khoảng gần 240,000 trương mục truyền thông xã hội. Ðó mới chỉ là con số chính thức thôi, con số thực sự có thể lớn hơn nhiều.

Những hồng vệ binh trên mạng – nguồn wsj.com

Tất cả các tổ chức như Quân đội Giải phóng Nhân dân, Hội đồng Nhà nước và Uỷ ban Trung ương Ðảng đều có tham gia trong các hoạt động thông tin có tổ chức trên các diễn đàn trong nước cũng như quốc tế.

Xem thêm:   Xứ của cái vị vua

Trong khi phần lớn những nội dung có thể là loại tuyên truyền tương đối không gây hại gì, nhưng nó giúp làm khơi dậy tinh thần dân tộc cực đoan có thể bùng phát thành những chiến dịch sách nhiễu, công kích nhắm vào một cá nhân nào đó khi cần đến. Trong một số trường hợp, các nhà nghiên cứu cho biết, chính những trương mục mạng xã hội của chính quyền đã tham dự vào những chiến dịch tấn công cá nhân trước đây.

Khi tổng giám đốc của đội bóng rổ Houston Rockets là Daryl Morey gửi tweet lên tiếng ủng hộ người biểu tình tranh đấu cho dân chủ tại Hồng Kông hồi năm ngoái, thì ngay lập tức ông này đã bị đánh tơi tả với một chiến dịch quấy phá, bôi bẩn, doạ nạt có phối hợp chặt chẽ. Theo điều tra của tờ Wall Street Journal, có nhiều khả năng là có những cá nhân hay tổ chức có liên hệ với nhà nước đã tham gia vào vụ đánh hội đồng trên là vì có nhiều ngàn người tấn công Morey nhưng sử dụng những trương mục Twitter mới toanh, mà Twitter thì không được phép hoạt động trong nội địa Trung Quốc. Chỉ có giới chức nhà nước hay cá nhân được cho phép mới dám vượt tường lửa ra ngoài.

Thậm chí ngay cả các công ty truyền thông xã hội của Trung Quốc, theo luật bắt buộc phải tuân thủ các chỉ thị của chính phủ về nội dung, cũng đã góp phần trong việc khích động tinh thần dân tộc trong dân chúng.

Nhà văn Fang Fang, một nạn nhân của chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc – nguồn Getty Images

Vào cuối năm 2019, cơ quan kiểm soát internet của Trung Quốc đã thông qua một số quy định mới khuyến khích các mạng xã hội đăng lên những nội dung ca ngợi “Tư tưởng Tập Cận Bình” và buộc các diễn đàn phải điều chỉnh các thuật toán (algorithm) của họ để tạo sự thuận lợi cho hoạt động tuyên truyền của đảng từ các phương tiện truyền thông nhà nước và các cơ quan chính phủ khác. Một số công ty tự động đưa nhét tài liệu tuyên truyền vào trang nhà của người sử dụng hoặc đưa thêm vào trong danh sách nội dung được phổ biến nhất để tạo sự chú ý. Nội dung bôi nhọ uy tín của các tổ chức chính phủ bắt buộc phải bị xóa bỏ.

Xem thêm:   Khủng hoảng dân số

Nhân viên của công ty ByteDance Ltd., một công ty kỹ thuật Trung Quốc tựa như Google của Mỹ, cho biết các giới chức chính phủ vẫn thường yêu cầu họ tìm cách làm nổi bật một số nội dung từ những lời phát biểu của các chính trị gia hay khuấy động “bầu không khí cho phù hợp” trong dân chúng trước các sự kiện mang tính cách quốc gia như hội nghị hay ngày lễ.

Trong một quốc gia kiểm soát sinh hoạt và tư tưởng của người dân gắt gao như Trung Quốc hiện nay nên người ta chỉ thấy toàn những lời tung hô ca ngợi tốt đẹp và không ai dám nói đến những sai lầm của chính quyền là điều dễ hiểu. Nhưng nếu như có ai đủ can đảm để nói lên một sự thật nào đó không đúng với đường lối của đảng và nhà nước thì liền bị đám đông được gọi là những bình luận viên trên mạng giở trò đánh hội đồng một cách thô bạo và tìm cách bịt miệng không khác gì đám hồng vệ binh của thời Cách mạng Văn hoá.

Thế nên, có người như nhà văn nữ Fang Fang (Phương Phương), một nạn nhân của chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc hiện nay sau khi bà cho đăng trên mạng những đoạn nhật ký nói về những sai lầm của các giới chức chính phủ trong việc giải quyết đại dịch Covid-19 tại Vũ Hán. Sau đó bà đã bị chửi rủa, hạ nhục bằng những ngôn từ hạ cấp như gọi bà là kẻ phản quốc hay đòi bà phải “cạo đầu hay tự đi chết đi để chuộc lại những tội lỗi chống lại nhân dân của mày” đến nỗi Fang Fang đã phải kêu nài với những kẻ vô giáo dục đó rằng “Trung Quốc không thể quay lại thời kỳ Cách mạng Văn hoá.” Bà biết thế nào là nguy hiểm khi suy nghĩ của con người không còn độc lập và chỉ được quyền nhìn về một hướng, vì bà đã từng sống qua thời kỳ này.

VH