Mariupol, thành phố cảng với khoảng hơn 400,000 dân vào thời bình, đã phải chịu đựng hoả lực tấn công nặng nề nhất so với bất cứ thành phố nào của Ukraine, và cho đến nay với hơn 90 phần trăm cơ sở hạ tầng đã bị thiệt hại. Nhưng do gặp phải sự chống cự mãnh liệt của quân đội Ukraine, cho mãi tới cuối tháng 4 quân đội Nga mới tiến được vào thành phố, nhưng vẫn không thể chiếm được nhà máy thép Azovstal, nơi tử thủ của trung đoàn Azov.

Trung đoàn Azov nguồn Sopa Imgaes 

Trung đoàn Azov được thành lập với tư cách là một tổ chức dân quân bán quân sự tình nguyện vào tháng 5 năm 2014, và kể từ đó đã chiến đấu chống lại quân đội Nga trong Chiến tranh Donbas. Lần đầu tiên trung đoàn chính thức tham gia trận chiến để chiếm lại Mariupol từ lực lượng Nga và lực lượng ly khai thân Nga vào tháng 6 năm 2014. Thời gian đầu, trung đoàn hoạt động như một đại đội cảnh sát tình nguyện, cho đến ngày 11 tháng 11 năm 2014 thì chính thức được đặt dưới quyền chỉ huy trực thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia và trở thành một thành phần của quân đội Ukraine.

Sau hơn hai tháng chiến đấu, tin tức lọt ra bên ngoài cho biết Mariupol giống như một địa ngục trần gian, với những hình ảnh đổ nát không thua gì những thành phố chiến tranh từng một thời xuất hiện trên nhiều mặt báo như Grozny (Chechnya) và Aleppo (Syria). Tuy nhiên, Mariupol vẫn chưa hoàn toàn sụp đổ. Bị bao vây và bị áp đảo về sức mạnh quân sự, các chiến sĩ của trung đoàn Azov nhất quyết không chịu đầu hàng.

Vladimir Putin thèm muốn chiếm được Mariupol do địa điểm chiến lược của nó. Trước chiến tranh, hầu hết hàng hóa từ miền đông và miền nam Ukraine được chuyển đến thị trường toàn cầu thông qua thành phố cảng nằm bên bờ biển Azov này. Một tuyến đường cao tốc quan trọng chạy ngang qua Mariupol có thể nối liền lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea bị chiếm đóng.

Thành phố còn mang ý nghĩa biểu tượng của tinh thần chiến đấu hào hùng của đất nước Ukraine. Cho đến nay nhiều người vẫn tự hỏi lý do gì mà một quân đội lớn mạnh đứng hàng thứ nhì thế giới vẫn không đủ khả năng để chiếm một thành phố được phòng vệ bởi 2,000 người lính trong hơn hai tháng. Và trung đoàn Azov chính là lực lượng bảo vệ Mariupol đã giáng một đòn quá nặng vào niềm kiêu hãnh của Putin, đồng thời cho thế giới thấy rằng dù là một dân tộc nhỏ vẫn có thể chiến thắng một lực lượng áp đảo của kẻ thù.

Nhà máy thép Azovstal nhìn từ ngoại ô thành phố Mariupol – nguồn AP

Trung đoàn Azov được nhiều người biết tiếng do lòng dũng cảm và gan dạ của họ – và cũng là đơn vị gây nhiều tranh cãi. Giới truyền thông Hoa Kỳ đã từng đưa tin rằng một số thành viên của họ theo tư tưởng tân Quốc xã, là điều mà Ðiện Kremlin cũng đã nhiều lần nói tới. Tuy nhiên, phát ngôn viên của trung đoàn cho biết thực ra đó là sự hiểu lầm. Giống như bất cứ một đơn vị chiến đấu nào, trước đây đã có một số cá nhân trong trung đoàn mang quan điểm phát xít, nhưng những phần tử cực đoan này đã bị cho giải ngũ và không được quyền tiếp tục mang quân phục.

Xem thêm:   Nhược điểm của Trung Quốc

Các chiến sĩ của trung đoàn là những người lính cuối cùng còn lại đang tử thủ tại nhà máy thép Azovstal. Kiến trúc của nhà máy này rất kiên cố, có khả năng chống được đạn xe tăng, pháo và bom; được thiết kế để chịu đựng được cả khi kim loại bị nóng chảy. Nhà máy còn có một hệ thống đường hầm chằng chịt phức tạp.

Các cuộc giao tranh rất khốc liệt không cho phép báo chí ngoại quốc có thể vào lấy tin bên trong phạm vi của Mariupol, thế nên cũng có nhiều tin tức không chính xác. Tuy nhiên, binh lính của trung đoàn cầm cự bên trong nhà máy cho biết điều kiện ở đó rất xấu. Vết thương của nhiều thương binh bị thối rữa do tình trạng ẩm và thiếu vệ sinh ở bên dưới lòng đất. Họ không chỉ thiếu thực phẩm và đạn dược mà thậm chí thuốc men như thuốc giảm đau cũng chỉ còn rất ít.

Cho đến cuối tháng 4 đã có hơn 300 thường dân vào ẩn trú ở bên trong nhà máy, trong đó có phụ nữ, trẻ em và một em bé bốn tháng tuổi. Họ sống co ro dưới mặt đất trong nỗi kinh hoàng về các vụ pháo kích và viễn cảnh quân đội Nga có thể sử dụng loại đạn phốt pho trắng, có thể làm tan chảy thịt và cháy vào đến xương. Nhưng nay, hầu hết thường dân đã được di tản khỏi nhà máy để đến những nơi an toàn hơn.

Nhà máy thép Azovstal, nơi tử thủ của trung đoàn Azov – nguồn abc.net.au

Với số thường dân đã rời đi, cùng với một số binh lính tử vong, cuộc bao vây nhà máy của quân đội Nga có thể còn kéo dài; và với một số ít binh lính còn sống sót, hy vọng số thực phẩm, nước và những đồ dự trữ khác còn lại có thể giúp họ tồn tại lâu hơn.

Xem thêm:   Khó nuốt

Triển vọng về một cuộc đàm phán để giải cứu cho những người lính tại nhà máy thép hiện nay là rất mong manh. Các chiến sĩ của trung đoàn đang cầm cự tại Mariupol có thể nói đã kìm chân quân Nga và ngăn họ không thể tham gia vào các trận chiến khác ở hai khu vực đông và nam Ukraine, và vì vậy đây cũng là lý do chiến lược để họ quyết tâm ở lại. Trong khi đó, ông Putin rất muốn khoe với công chúng Nga một chiến thắng quân sự hào nhoáng ở Mariupol và do đó có khả năng sẽ không bày tỏ lòng độ lượng đối với những người lính kiên cường của trung đoàn Azov. Thậm chí nếu Kyiv và Moscow có thể đồng ý với nhau để mở một hành lang nhân đạo cho các binh lính tại nhà máy thép, những người lính của trung đoàn có thể cũng không tin về sự thành thật của phía Nga. Trong một vụ đầy tai tiếng năm 2014, quân đội Nga đã phục kích và tàn sát các binh lính Ukraine tại thành phố Ilovaisk sau khi đưa ra lời hứa cho họ một con đường rút lui an toàn.

Một cuộc giải cứu quân sự thậm chí còn ít khả năng hơn. Theo nhận định của Mason Clark, phân tích gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, quân đội Nga hiện đang kiểm soát một khu vực rộng lớn bao quanh Mariupol, muốn giải cứu quân đội Ukraine phải mở một cuộc tấn công lớn và như thế có thể gây thiệt hại cho những ưu tiên chiến lược khác.

Mariupol thành bình địa – nguồn Maxar Technologies

Mà các chiến sĩ của trung đoàn Azov cũng không có lý do gì để nghĩ rằng nếu họ đầu hàng, quân đội Nga sẽ để yên mà không tra tấn hay giết họ. Trong hoàn cảnh như vậy, những ai có chút tự hào đều sẽ chọn chiến đấu để rồi chết chứ không chịu đầu hàng. Mặt khác, với quân số hiện tại, trung đoàn Azov sẽ không đủ khả năng để phá vòng vây. Nhiều nhà quan sát nghĩ rằng cuối cùng rồi tất cả chiến sĩ của trung đoàn sẽ hy sinh, và điều duy nhất còn lại có thể nói là tên tuổi của họ sẽ còn được ghi nhớ trong nhiều thế hệ người Ukraine sau này.

Xem thêm:   Xứ của cái vị vua

Trong một cuộc phỏng vấn qua tin nhắn, khi được hỏi về triển vọng tương lai ảm đạm như trên, Bohdan Krotevych, tham mưu trưởng của trung đoàn Azov, cho biết thái độ của các chiến sĩ là rất can đảm, nhưng rất tiếc là sau hai tháng bị phong toả, các chiến sĩ đã bắt đầu cảm thấy mỏi mệt. Nhưng tham mưu trưởng Krotevych nói thêm một cách đầy tự hào rằng, dù thế nào thì cái chết cũng sẽ đến, nhưng khi một chiến sĩ hy sinh để bảo vệ đất nước của mình, theo cá nhân ông, đó là một cái chết xứng đáng.

Khi được hỏi có thông điệp nào muốn nhắn gửi ra với thế giới, Krotevych nói rằng, “Kẻ có tâm địa ác không biết đàm phán và thỏa hiệp. Kẻ có tâm địa ác chỉ biết có sức mạnh….Và sự chờ đợi chỉ gây ra thêm nhiều nạn nhân vô tội mà thôi.”

Thế nên, ngay từ ngày đầu thành lập, khi phải đối đầu với quân đội Nga, các chiến sĩ của trung đoàn Azov hiểu rằng họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải chiến đấu. Không biết cuộc cầm cự tại nhà máy thép còn kéo dài được bao lâu, nhưng nếu tất cả trung đoàn phải hy sinh thì đó là những cái chết hào hùng cần phải được vinh danh.

VH