Kể từ khi chương trình Apollo kết thúc gần 50 năm trước, cứ mỗi đời tổng thống Mỹ thì người ta lại nêu lên cùng một câu hỏi đã cũ: Trạm kế tiếp để đưa phi hành gia lên là đâu?

Hình minh hoạ chiếc xe Perseverance và chiếc trực thăng Ingenuiti trên Hỏa tinh – nguồn NASA 

Mục tiêu hiện tại của NASA là lên trở lại mặt trăng vào năm 2024, nhưng nguyệt cầu đã thuộc về lớp thế hệ phi hành gia tiên phong của Mỹ trước đây. NASA cần có một tham vọng lớn hơn, phù hợp hơn cho một chương trình không gian thuộc thế kỷ 21 để lần đầu tiên đưa được con người lên một thiên thể khác xa hơn, còn mang nhiều bí ẩn hơn, và không một mục tiêu nào khác có thể hấp dẫn hơn Hỏa tinh – đó là đích đến kế tiếp mà NASA đã chuẩn bị để đưa người tới kể từ những ngày đầu tiên trong một kế hoạch thám hiểm không gian lâu dài. Nay chính là thời điểm để bắt đầu thực hiện giấc mơ đó.

Sau cuộc hành trình kéo dài bảy tháng, vượt qua 292 triệu dặm trên không gian, chiếc xe thám hiểm (rover) được trang bị đầy đủ nhất và có vận tốc nhanh nhất từ trước đến nay của NASA có tên là Perseverance (Kiên trì) đã đáp xuống an toàn trên hành tinh màu đỏ vào hôm Thứ Năm 18/2 vừa qua. Có thể nói cuộc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa đã được bắt đầu.

Theo các giới chức NASA cho biết, chiếc xe thám hiểm đã đáp xuống lòng một hồ nước cổ đại có tên là lòng chảo Jezero vào lúc 3 giờ 55 phút chiều giờ miền Ðông. Ðây là lưu vực nằm ở phần bắc bán cầu của Hỏa tinh có chiều rộng 28 dặm. Cơ quan NASA cho biết lòng chảo này có kích thước bằng hồ Tahoe của Hoa Kỳ, được tiếp nước vào bởi một con sông tạo thành một khu vực đồng bằng cách đây 3.5 tỷ năm, hoặc có thể lâu hơn.

Sứ vụ của Perseverance sẽ kéo dài trong hai năm là nỗ lực mới nhất và tham vọng nhất của NASA để nhằm đi tìm bằng chứng về sự sống trong quá khứ trên Hỏa tinh. Chiếc xe thám hiểm này có kích thước tương đương với một chiếc xe loại SUV và nặng khoảng 1 tấn, được trang bị với 23 máy ảnh, thiết bị cảm ứng, đèn laser và một cánh tay robot dùng để khoan, đục. Nhiệm vụ của Perseverance là đi tìm kiếm bằng chứng về những vi sinh vật cổ đại, thu gom bất kỳ mẫu đất đá nào có triển vọng là có chứa đựng những vi sinh vật nói trên và cho vào trong những ống nghiệm nhỏ rồi giữ lại và chờ một chuyến bay thám hiểm trong tương lai – có thể là năm 2031 – tới lấy và đưa trở về trái đất để phân tích. Hoặc cũng rất có thể một hôm nào đó trong tương lai gần hơn, ông Elon Musk, chủ nhân của công ty không gian Space X, trong một chuyến du lịch không gian và trên đường trở về trái đất ghé qua mang về giùm.

Lộ trình đáp xuống Hỏa tinh – nguồn NASA

Ðây là lần đầu tiên kể từ các chuyến thám hiểm không gian vào thập niên 1970, NASA đã gửi một phi thuyền đến Hỏa tinh được thiết kế đặc biệt để đi tìm sự sống. Những chuyến thám hiểm trước đây đã không phát hiện được bất kỳ dấu hiệu nào để có thể kết luận là thực sự có sự sống trên Hỏa tinh.

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Chiếc xe Perseverance được tháp tùng bởi một chiếc trực thăng có tên gọi là Ingenuity (Khéo léo), cũng lần đầu tiên được đưa từ trái đất lên một hành tinh khác. Các kỹ sư NASA dự tính cho thực hiện một số phi vụ thử nghiệm của chiếc trực thăng không người lái nặng bốn cân Anh (gần 2 ký) này.

Ðể đưa được Perseverance và Ingenuity xuống bề mặt của Hỏa tinh không phải là chuyện dễ dàng. Ðể đáp xuống an toàn – hơn hai triệu hàng mã số nhu liệu điện toán, hàng ngàn bộ phận điện tử và 70 thiết bị ống phản lực (pyrotechnics) – tất cả phải hoạt động một cách hoàn hảo.

Khoảng thời gian sau khi chiếc phi thuyền đổ bộ chở theo Perseverance và Ingenuity lao thẳng xuyên qua bầu trời màu hồng và những đám mây màu xanh của Hỏa tinh để an toàn đáp xuống bãi đáp nhỏ gồ ghề được các kỹ sư NASA gọi là “bảy phút kinh hoàng”. Là vì một khi chiếc phi thuyền đổ bộ bắt đầu tự động bay xuống bãi đáp, trung tâm điều khiển trên trái đất không còn liên lạc với nó – và không có cách gì để điều khiển được – cho tới sau khi nó đáp xuống Hỏa tinh. Tín hiệu radio truyền đi từ Hỏa tinh về lại trái đất phải mất 11 phút 22 giây – là quá lâu để cho phép trung tâm điều khiển trên trái đất trực tiếp hướng dẫn phi thuyền cho cuộc đổ bộ.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Phi thuyền đổ bộ được bao bọc bởi một lớp vỏ bảo vệ rất chắc bên ngoài khi bay ở vận tốc khoảng 12,100 dặm một giờ – tương đương mỗi giây là 3 dặm – khi nó đi vào bầu khí quyển của Hỏa tinh. Sức ma sát từ không khí loãng giúp phi thuyền chậm lại và nung nóng nó lên ở nhiệt độ khoảng 2,370 độ F, đủ nóng để có thể nấu chảy những kim loại như gang chẳng hạn.

Bức ảnh chụp đầu tiên từ Hỏa tinh được Perseverance gửi về – nguồn NASA

Trong khi vẫn đang còn di chuyển với vận tốc gấp đôi tốc độ âm thanh, chiếc phi thuyền đổ bộ tự động cho bung chiếc dù rộng 70 bộ Anh (21 mét), đây là chiếc dù lớn nhất từ trước tới nay được chế tạo để sử dụng ở tốc độ cao. Vài giây sau, chiếc phi thuyền cho tháo bung tấm chắn nhiệt bảo vệ và kích hoạt các ống phản lực của nó. Một khi phi thuyền tiến gần đến bề mặt của sao Hỏa, nó tự động thả chiếc Perseverance bằng hệ thống dây cáp, giống như chiếc cần cẩu hạ một gói hàng nặng vậy, xuống một vị trí an toàn nằm xen giữa những tảng đá, rãnh, đụn cát và vách đá dựng đứng của lòng chảo Jezero.

Mặc dù Hỏa tinh hiện nay là một nơi cằn cỗi với những đụn băng đá, lốc cát, những hoả diệm sơn không còn hoạt động và những cơn gió lạnh buốt dưới không độ, các nhà khoa học tin rằng trong quá khứ xa xôi của nó có thể đã từng là một thế giới tương đối tươi tốt, ấm áp – một môi trường khá lành thích hợp cho sự sống tương tự như trên trái đất của chúng ta.

Ở những nơi khác trong thái dương hệ – từ những đám mây cực nóng của Kim tinh đến những đại dương đóng băng của các mặt trăng bay xung quanh Mộc tinh và Thổ tinh – cũng có thể có tiềm năng chứa chấp sự sống. Nhưng những nơi đó được coi là khó đến và khó thám hiểm hơn so với Hỏa tinh.

Nhóm kỹ sư NASA vui mừng sau khi Perseverance đáp xuống thành công – nguồn CNN

Và vì thế Hỏa tinh vượt lên trên những hành tinh kia để trở thành mục tiêu lý tưởng cho những cuộc thám hiểm lâu dài trong tương lai của con người. Hỏa tinh có không khí, băng đá, gió, thời tiết và các nguồn khoáng sản thiên nhiên có thể sử dụng được. Ngoài ra, nó còn có những điểm tương đồng rất giống với trái đất của chúng ta. Một ngày trên sao Hỏa chỉ dài hơn 24 giờ. Trung bình, hành tinh này chỉ lạnh hơn Nam cực 30 độ. Lực hấp dẫn của nó bằng một phần ba so với trái đất (so với mặt trăng là một phần sáu). Nó có mặt trăng và địa chất phức tạp của riêng nó, từ ngọn núi cao nhất trong thái dương hệ đến hệ thống hẻm núi khiến cho Grand Canyon dường như chỉ còn là một điểm hấp dẫn du lịch mang tính cách địa phương khi so sánh. Trong tương lai nó có thể trở thành một nơi con người có thể ở được mà mặt trăng và những hành tinh khác thì không thể có được những điều kiện đó.

Xem thêm:   Mất mạng

NASA cho biết cho đến nay, sứ vụ thám hiểm này đã tốn khoảng 2.4 tỷ Mỹ kim, một con số lẻ so với ngân sách hàng năm của chính phủ liên bang. Nhưng NASA cũng là loại chương trình nghiên cứu ngày càng phải chịu thêm nhiều áp lực và thường nằm trong tầm ngắm bị cắt giảm do phải cạnh tranh với những món chi tiêu khác dành cho những chương trình xã hội cũng ngày càng ngấu nghiến thêm vào trong ngân sách chi tiêu của liên bang. Thám hiểm Hỏa tinh là công việc đáng nên làm vì nó có triển vọng mang lại những lợi ích trong tương lai mà đến nay người ta chưa thể biết, đồng thời cũng là để xoá tan đi bức màn che đậy sự thiếu hiểu biết của chúng ta về một hành tinh mà người Ai Cập cổ đại đã biết đến và đã được nhìn thấy qua chiếc viễn vọng kính thô sơ của nhà thiên văn học Galileo.

Sứ vụ thám hiểm Hỏa tinh cũng là cách để duy trì sự ưu việt của nước Mỹ về kỹ thuật không gian, được xem như một thứ quyền lực mềm gây cảm hứng và thu hút nhân tài đến từ khắp nơi trên thế giới. Một cuộc chạy đua không gian mới sắp tới đây có thể sẽ được tham gia thêm bởi một chiếc xe thám hiểm Hỏa tinh của Trung Quốc, có kích thước bằng một chiếc xe đánh golf, dự tính sẽ cho đáp xuống trong vài tháng nữa.

VH

* Quý độc giả cũng có thể xem thêm về cuộc đổ bộ sao Hỏa của chiếc Perseverance tại đây:

https://www.youtube.com/watch?v=rzmd7RouGrM

https://www.youtube.com/watch?v=M4tdMR5HLtg