Dân số Trung Quốc trong năm 2022 đã sụt giảm và các nhà kinh tế nói rằng hiện tượng này sẽ đặt ra thách thức lớn trong tương lai đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dân số Trung Quốc sụt giảm – getty/images 

Trong nhiều thập niên, đảng cộng sản Trung Quốc đã cố làm chậm lại tốc độ tăng trưởng dân số bằng mọi cách, và nay thì họ đã đạt được điều họ mong muốn. Các số liệu đưa ra vào tuần qua cho thấy dân số Trung Quốc năm ngoái đã sụt giảm lần đầu tiên trong sáu thập niên, đồng thời mức độ tăng trưởng kinh tế cũng giảm xuống ở tốc độ chậm nhất trong gần 50 năm.

Tuy nhiên, hiện tượng sụt giảm dân số là điều đặc biệt lo ngại. Dân số Trung Quốc giảm từ 1.413 tỷ năm 2021 xuống còn 1.412 tỷ năm 2022. Tỷ lệ sinh đẻ đã giảm trong một thời gian và năm ngoái chỉ đạt 6.77 em bé cho mỗi 1,000 người dân so với 7.52 vào năm 2021. Ðiều đó có nghĩa là ít hơn một triệu ca sinh mới.

Hiện tượng nói trên xảy ra thậm chí sau khi chính phủ Trung Quốc đã bỏ chính sách một con vào năm 2016. Bắc Kinh trong nhiều thập niên đã cố gắng ngăn chặn sự gia tăng dân số, đôi khi thông qua những biện pháp như cưỡng bức phá thai và triệt sản. Việc này đã gây ra sự xáo trộn xã hội to lớn, đặc biệt là khi các cha mẹ Trung Quốc lo lắng muốn có con trai nối dõi đã phải quyết định phá thai nếu biết đứa con đầu lòng là con gái và hậu quả là đã tạo ra hiện tượng bất quân bình nam-nữ đáng kể tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, nay thì chính phủ Trung Quốc muốn có thêm em bé, nhưng họ nhận ra một sự thật phũ phàng là dân Trung Quốc không muốn hoặc không thể đẻ con nhiều. Một trong những lý do rất có thể là mức độ lạc quan của dân chúng về nền kinh tế bị giảm sút.

Theo số liệu được công bố cũng tuần qua, tăng trưởng GDP (tổng sản lượng nội địa) năm 2022 giảm xuống mức 3%. Ngoại trừ năm đầu tiên xảy ra đại dịch là 2020, đây là thành tích kinh tế tồi tệ nhất của Trung Quốc kể từ thập niên 1970. Với một nền kinh tế còn đang phát triển và bên cạnh đó là hàng trăm triệu người dân vẫn còn sống trong cảnh nghèo đói thì tình trạng nói trên cũng được đánh giá tương đương với một cuộc suy trầm kinh tế.

Xem thêm:   Đường vào Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ

Nguyên nhân gây ra thất bại là do chính sách zero-Covid của Tập Cận Bình khiến cho hoạt động kinh tế bị kìm hãm cho đến khi chính sách này mới được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong một thời gian rồi, đặc biệt là khi Tập cố gắng đưa nền kinh tế trở về dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn của nhà nước.

Chính sách zero-Covid đã được huỷ bỏ, mở ra cánh cửa hy vọng cho sự phục hồi kinh tế trong năm nay. Sự quay ngược các chính sách của chính phủ Trung Quốc, sau khi các cuộc biểu tình của công chúng nổ ra trên toàn quốc, là một phần nỗ lực nhằm thiết lập lại chính sách mở cửa để thúc đẩy nền kinh tế, trong đó bao gồm nới lỏng các quy định đối với lĩnh vực bất động sản và có dấu hiệu cho thấy chính sách kiểm soát lĩnh vực kỹ thuật cũng đã kết thúc.

Ít hơn 1 triệu ca sinh mới tại Trung Quốc năm 2022 – Getty Images

Chính quyền Bắc Kinh hiện đang đặt nhiều hy vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế trong khi các giới chức chính quyền ngày càng tin rằng làn sóng lây nhiễm gần đây đang đạt đến đỉnh điểm. Một số cố vấn của chính phủ cho biết ban lãnh đạo trung ương có thể sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng từ 5% đến 5.5% cho năm 2023 tại khoá họp quốc hội sắp tới vào tháng 3.

Tuy nhiên, các biện pháp nới lỏng gần đây của Trung Quốc sẽ không thể giải quyết được hết một loạt những thách thức, trong đó có một số vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch. Các nhà kinh tế cho biết dân số Trung Quốc già đi nhanh chóng, tăng trưởng năng suất chậm lại, mức nợ cao và bất bình đẳng xã hội gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của quốc gia trong nhiều thập niên tới.

Xem thêm:   Trên đỉnh thời trang Paris

Dân số Trung Quốc sụt giảm với con số chính xác là 850,000 người. Xu hướng thay đổi dẫn tới dân số giảm, đã diễn ra nhanh hơn so với dự đoán của Bắc Kinh, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của Trung Quốc với những tác động sâu sắc đối với nền kinh tế và vị thế là xưởng sản xuất của thế giới.

Hiện tượng sụt giảm dân số xảy ra vào lúc khi mà nền kinh tế Trung Quốc, mặc dù rất lớn, vẫn chỉ là nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình, được đo bằng lợi tức trung bình của người đi làm khi đem so sánh với lợi tức trung bình của người đi làm tại Hoa Kỳ và các quốc gia giàu có khác. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã nuôi tham vọng vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng theo nhận định của nhiều nhà kinh tế, là một nhiệm vụ ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi vấn đề dân số ngày càng trở nên khó giải quyết.

Dân số giảm có nghĩa là số người tiêu thụ cũng ít hơn trong khi Trung Quốc đang phải chịu nhiều áp lực trong việc đẩy mạnh tăng trưởng thông qua lĩnh vực tiêu thụ nội địa thay vì đầu tư và xuất cảng.

Bất kỳ sự phục hồi nào trong lĩnh vực tiêu thụ nội địa cũng có thể sẽ bị kìm hãm bởi thị trường lao động yếu kém và sự suy thoái trong lĩnh vực nhà đất khiến cho các gia đình Trung Quốc nay trở nên nghèo hơn trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người trẻ tuổi từ 16 đến 24 vẫn còn khá cao ở mức 16.7% vào tháng 12, so với đỉnh điểm là gần 20% vào mùa hè vừa qua. Theo Credit Suisse, thu nhập trung binh đầu người có thể chậm lại và chỉ tăng khoảng 4% mỗi năm trong 5 năm tới, giảm từ mức khoảng 8% trước khi có đại dịch.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm nhất trong vòng 50 năm – PBS

Một lực lượng lao động nhỏ hơn có thể sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển bằng cách có thêm nhân công hoặc phải sản xuất nhiều hơn với số nhân công đang có. Theo S&P Global Ratings, dân số những người còn đang tuổi lao động của Trung Quốc, đạt mức cao nhất khoảng năm 2014, được dự kiến sẽ giảm 0.2% mỗi năm cho đến năm 2030.

Xem thêm:   Nick phẩm, Quan phẩm

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn cứ khư khư đi theo lối mòn cũ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích các chính quyền địa phương và công ty vay nhiều hơn để tài trợ cho các khoản đầu tư, một mô hình mà các nhà kinh tế cảnh báo rằng sẽ không bền vững về lâu về dài.

Tổng số nợ của quốc gia, được tính như một phần của nền kinh tế Trung Quốc, đã đạt mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch, trong khi chính quyền địa phương vay thêm tiền để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kinh tế. Tính đến tháng 6 năm 2022, tín dụng cho khu vực kinh tế không thuộc tài chính đạt mức $51.8 nghìn tỷ, tương đương 295% tổng sản lượng nội địa của cả nước.

Nền kinh tế Trung Quốc đủ lớn để gần như chắc chắn sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trên trường thế giới trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có trở thành một siêu cường thực sự, giàu có và có ảnh hưởng như nước Mỹ.

Hãy thử so sánh ở khía cạnh này: GDP của Trung Quốc trung binh đầu người chưa bằng một phần năm so với người Mỹ. Người dân Trung Quốc tính trung bình vẫn nghèo hơn nhiều so với người dân Mỹ.

Trung Quốc sẽ không phải là quốc gia đầu tiên không đạt được dự đoán rằng họ sẽ vượt qua Mỹ. Vào thập niên 1980, các chính trị gia và chuyên gia Mỹ đã lo sợ rằng Nhật Bản sớm muộn sẽ vượt qua Mỹ. Nhưng rồi Nhật Bản, một phần cũng vì khủng hoảng dân số, đã không làm được. Trung Quốc rồi đây cũng vậy chứ không thể nào khác hơn.

VH