Trong mấy tuần lễ qua, thể thao Trung Quốc bị sao quả tạ chiếu, và sự việc này xảy ra không hẳn do ngẫu nhiên mà chính là hậu quả của những việc làm mờ ám của họ đối với vấn đề nhân quyền.

Tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh – nguồn VOX 

Hai tuần trước, Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) đã quyết định rút tất cả các trận đấu do hiệp hội tổ chức ra khỏi Trung Quốc vì họ đã không nhận được câu trả lời rõ ràng về sự an toàn của ngôi sao quần vợt nữ Peng Shuai (Bành Suý) sau khi cô này đăng một bài viết trên trang mạng Weibo tố cáo một cựu giới chức cao cấp của chính quyền đã lợi dụng quyền lực để có quan hệ tình dục với cô trước đây. Sau khi đăng tải bài viết thì cô này lập tức biến mất và cho đến nay không ai biết cô đang ở đâu.

Rồi tuần qua, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Ðông Bắc Kinh 2022 để phản đối chính quyền Trung Quốc đã có những hành động vi phạm nhân quyền – như ngược đãi nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và việc đàn áp chống dân chủ tại Hồng Kông. Một vài ngày sau đó, Vương quốc Anh, Úc và Canada cũng đã lên tiếng đáp lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ.

Nói như vậy có nghĩa là buổi lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Ðông Bắc Kinh 2022 chỉ còn không đầy hai tháng nữa sẽ không có sự hiện diện của những giới chức đại diện cho những quốc gia nói trên.

Việc tẩy chay ngoại giao này không hẳn là hành động phản đối toàn diện chống lại Thế vận hội Bắc Kinh, và sẽ không ngăn cản các lực sĩ tham gia thi đấu. Nó cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới những cuộc tranh tài ngoạn mục mặc dù có nhiều lực sĩ có lẽ sẽ được hỏi ý kiến về việc này. Và mặc dù có áp lực từ phía các nhà hoạt động và ủng hộ nhân quyền, hầu như các công ty tài trợ cho đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Tất cả những điều trình bày trên cho thấy cuộc tẩy chay ngoại giao của Hoa Kỳ lần này chỉ mang tính biểu tượng.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Tuy nhiên, cho dù chỉ là biểu tượng nhưng quyết định này vẫn có thể khiến cho chính quyền Trung Quốc bực mình khó chịu, đặc biệt hơn nữa là nay lại có thêm một số quốc gia khác đã tham gia vào lời kêu gọi, và nếu nay mai có thêm nhiều quốc gia khác cũng tham gia thì sự khó chịu sẽ còn tăng lên nhiều nữa. Thế vận hội lần này mang một tầm mức quan trọng đối với Bắc Kinh – có thể tầm mức đó không bằng so với Thế vận hội Mùa Hè 2008, nhưng ông Tập Cận Bình vẫn muốn gầy dựng uy tín của đảng cộng sản Trung Quốc cũng như cá nhân ông ta với thế giới và với khán giả trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh trận đại dịch Covid-19 hiện nay vẫn chưa dứt.

Một trong những áp phích vận động tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh – nguồn Facebook

Chính quyền Trung Quốc đã cố gắng hết mình để ngăn chặn cuộc tẩy chay. Trước khi sự việc xảy ra, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo về “các biện pháp đối phó một cách kiên quyết,” mà không nói rõ cụ thể là những gì. Kể từ khi các nước tuyên bố tẩy chay, các giới chức Trung Quốc đổi giọng và nói không hề chi bởi vì những nhân vật đó thật ra cũng không được mời. Ðây chỉ là cách nói chữa cho đỡ mất mặt.

Trên thực tế, cuộc tẩy chay ngoại giao có thể khiến cho tình trạng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xấu hơn, và có lẽ nó cũng không làm thay đổi chính sách ngược đãi người dân Tân Cương, Tây Tạng hay Hồng Kông. Cuộc tẩy chay cũng có thể khiến cho sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Washington trên một số vấn đề trở nên khó khăn hơn, cho dù đó là vấn đề biến đổi khí hậu hay vấn đề Bắc Hàn hoặc thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Cái gọi là “cuộc tẩy chay ngoại giao” tương đối không quan trọng này vẫn có thể gây ra những hậu quả địa chính trị, ngay cả khi thông điệp đã được gửi trực tiếp tới chính quyền Trung Quốc cuối cùng vẫn không làm thay đổi chính sách của họ hoặc thực sự thay đổi cục diện Thế vận hội, nhưng việc gì cần làm thì vẫn nên làm.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Nhìn lại cuộc tẩy chay trước đây khi Hoa Kỳ quyết định không gửi ngoại giao đoàn và lực sĩ đến tham dự Thế vận hội Moscow 1980 để phản đối việc Liên Sô xâm chiếm Afghanistan. Washington có được một số đồng minh cùng đồng hành và Moscow ghi nhận sự không hài lòng của Mỹ, nhưng cuộc tẩy chay đó không ảnh hưởng bao nhiêu đến chính sách của Liên Sô.

Cuộc tẩy chay lần này không phải là toàn diện mà đơn giản chỉ là không gửi giới chức đại diện chính phủ tới Bắc Kinh vào tháng Hai sắp tới. Quyết định này tránh được rắc rối là không gây áp lực cho Uỷ ban Thế vận hội Hoa Kỳ và lực sĩ của họ, trong khi vẫn có thể công khai nói lên lập trường chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc tẩy chay đã không làm được hết tất cả những đòi hỏi như một số nhà tranh đấu nhân quyền mong muốn, đó là rời địa điểm tổ chức hoặc tẩy chay toàn diện cái mà họ gọi là “Thế vận hội diệt chủng.”

Một số phân tích gia nói rằng do những áp lực trong nước từ các nhà tranh đấu và một số nhà lập pháp đã buộc ông Biden phải hành động, và nội các của ông lại chia làm hai phe có quan điểm hoàn toàn khác nhau giữa tẩy chay toàn diện và không làm gì hết. Và vì vậy lấy cái quan điểm ở giữa là tẩy chay ngoại giao có thể là giải pháp mang tính cách chính trị cần thiết cho chính quyền Biden.

Người biểu tình đòi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh – nguồn Republic World

Quyết định của ông Biden lại nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia đồng minh, như Úc và Canada, là hai nước hiện đang có những tranh chấp với Trung Quốc. Càng có thêm nhiều tiếng nói phản đối thì càng khiến Trung Quốc e dè – và điều đó cũng cho thấy, ở một mức độ nào đó, rằng Hoa Kỳ vẫn có thể thuyết phục được các đồng minh để cùng tham gia vào một mục đích chung.

Xem thêm:   Mất mạng

Cần phải nói rõ một lần nữa rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách của họ chỉ vì bị áp lực từ bên ngoài, đặc biệt khi áp lực đó là nhắm vào Thế vận hội của họ. Và thậm chí mặc dù Bắc Kinh bề ngoài nói rằng họ coi đây là một vấn đề rất nhỏ thì việc tẩy chay vẫn có thể khiến họ bực mình và phật ý, là vì nay khi nhắc đến Thế vận hội Mùa Ðông Bắc Kinh, người ta không trầm trồ khen ngợi về những thành quả đạt được của Trung Quốc mà chỉ nói tới những cuộc đàn áp và ngược đãi.

Nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, một điều rõ ràng cho thấy là cuộc tẩy chay có những giới hạn của nó trong việc ứng phó một cách có ý nghĩa đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Hoa Kỳ và các chính phủ khác đã lên tiếng gọi việc đảng cộng sản Trung Quốc giam giữ và cưỡng bức lao động đối với nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ là một tội ác diệt chủng, đồng thời đã ra lệnh trừng phạt kinh tế các giới chức chính phủ Trung Quốc vì các hành động của họ tại Tân Cương và Hồng Kông. Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã thông qua đạo luật để bảo vệ nền dân chủ tại Hồng Kông, và hạ viện gần đây đã thông qua dự luật hạn chế việc nhập cảng hàng hoá từ Tân Cương có liên quan đến cưỡng bức lao động. Cho đến nay, Trung Quốc hầu như vẫn phớt lờ về những áp lực nói trên.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ nói rằng việc tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Ðông Bắc Kinh chỉ cần gây được một chút ý thức của người dân trên thế giới và vạch trần một phần rất nhỏ tội ác của chính quyền Trung Quốc – có thể chỉ là một chiến thắng nhỏ, nhưng vẫn là một chiến thắng. Và ít ra nó cũng nhắc nhở cho mọi người nhận thức rằng những hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc là điều không thể chấp nhận được. Việc tẩy chay ngoại giao cũng có thể gây áp lực lên các cơ quan điều hành thể thao thế giới, trong trường hợp này là Uỷ ban Thế vận hội Quốc tế, cần phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định chọn quốc gia tổ chức trong tương lai.

VH