Làn sóng đảng Cộng hoà thắng áp đảo trong cuộc bầu cử giữa kỳ như nhiều người dự đoán đã không xảy ra mà chỉ là những gợn sóng lăn tăn.

Sau bầu cử giữa kỳ – ABC News  

Cho đến thời điểm ngày thứ Sáu 11/11, tức ba ngày sau ngày bầu cử, một số cuộc tranh cử quan trọng vẫn chưa được quyết định, nhưng điểm mấu chốt của cuộc bỏ phiếu có vẻ đã rõ ràng: Ðảng Cộng hòa đã không đạt được thành công như họ hy vọng. Ngược lại, đảng Dân chủ đã thể hiện sức mạnh bất ngờ, mặc dù họ phải đối mặt với một số điểm bất lợi chính trị như tỷ lệ ủng hộ thấp của Tổng thống Joe Biden và những lo ngại của cử tri về tương lai kinh tế.

Nếu có thông điệp nào từ cuộc bầu cử giữa kỳ với kết quả sát sao lần này thì điều đó có thể là: cử tri Mỹ quan tâm về nền dân chủ của nước Mỹ. Các ứng cử viên nào về phe với những tuyên bố của cựu Tổng thống Donald Trump về kết quả cuộc bầu cử năm 2020 đã thua ở tất cả mọi cuộc đua cho chức vụ thống đốc tiểu bang, ngoại trừ Arizona cho đến ngày thứ Sáu vừa qua vẫn còn đang đếm phiếu.

Thêm một điểm khác cũng cần được nhắc tới: Phẩm chất của ứng cử viên vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định bỏ phiếu của cử tri, với các cuộc thăm dò chỉ ra cho thấy một số ứng cử viên đảng Cộng hòa đã tỏ ra yếu kém trong một số cuộc đua quan trọng ở thượng viện cũng như cho chức vụ thống đốc.

Một chính phủ chia quyền hành

Nhìn chung, với kết quả đếm phiếu hiện nay, đảng Cộng hoà có khả năng chiếm đa số ở Hạ viện và đảng Dân chủ có thể giữ lại được Thượng viện.

Với một Toà Bạch Ốc của đảng Dân chủ và một Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát một phần hoặc cũng rất có thể toàn phần có nhiều khả năng sẽ dẫn đến bế tắc – hoặc tệ hơn thế. Hiện đã có những lời đồn đoán về khả năng chính phủ có thể bị đóng cửa do cần tăng trần nợ vào đầu năm 2023. Một Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát cũng được dự kiến sẽ tiến hành một số cuộc điều tra, chẳng hạn như về người con trai của tổng thống là ông Hunter Biden và các dự án kinh doanh quốc tế của ông này.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Tuy nhiên, không hẳn là ai cũng có cái nhìn bi quan đối với đất nước Hoa Kỳ trong hai năm sắp tới. Trên thực tế, trong lịch sử nước Mỹ cũng đã từng có những chính phủ phải chia quyền hành mà vẫn hoạt động có hiệu quả.

Kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ lần này cho thấy có nhiều khả năng tiếng nói chính trị của cánh trung dung (center) có thể mạnh hơn, sau khi một số ứng cử viên Dân chủ ôn hoà đã được bầu lại sau cuộc tái tranh cử đầy cam go trước các ứng cử viên bảo thủ thuộc cánh cực hữu . Thậm chí ngay cá nhân ông Biden, từng là một thượng nghị sĩ có lập trường ôn hoà trong nhiều năm, cũng có thể sẽ quay trở lại điều hành đất nước bằng những chính sách trung dung hơn.

Về những chính sách đòi hỏi có sự thông qua của Quốc hội, với sự trở lại của một chính phủ chia quyền hành trong tình hình chính trị phân cực như hiện nay có thể đưa đến nhiều kết quả khác nhau. Một Quốc hội do đảng Cộng hoà kiểm soát được dự kiến có thể thông qua một số dự luật mà phe Cộng hoà biết là sẽ không đi đến đâu, nhưng mục đích là để đặt vấn đề với phe bên kia.

Về khả năng chính phủ đóng cửa, phe Cộng hoà có thể sử dụng nó như một đòn cân trong việc thương lượng và buộc phe Dân chủ phải chấp nhận một số đòi hỏi mà họ không muốn – như cắt giảm một số chương trình xã hội quá tốn kém. Hoặc cả hai đảng có thể phải chấp nhận thoả hiệp và làm việc chung với nhau.

Sau ngày bầu cử chính thức, nhiều nơi vẫn còn phải kiểm phiếu – Reuters

…Nhưng vẫn có thể đạt được hiệu quả

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Một số giới chức am hiểu về sinh hoạt chính trị ở Washington chỉ ra cho thấy trường hợp của cựu Tổng thống Bill Clinton như là một mẫu mực điển hình của một chính phủ chia quyền nhưng vẫn có thể hoạt động có hiệu quả.

Sau thất bại nặng nề của cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1994, với đảng Cộng hoà giành lại thêm 52 ghế Hạ viện, Tổng thống Clinton đã di chuyển về vị trí trung dung và làm việc với Chủ tịch Hạ viện của đảng Cộng hoà là ông Newt Gringrich để thông qua một số đạo luật quan trọng, như việc cải tổ chương trình trợ cấp xã hội (welfare) cũng như cắt giảm thuế.

Ngược lại, sau khi hai Tổng thống Barack Obama và Donald Trump thua đậm trong các cuộc bầu cử giữa kỳ, cả hai đã không chịu thay đổi và vì vậy đã không đạt được một thành quả nào quan trọng.

Mặc dù đảng Dân chủ trong 20 năm qua đã dần chuyển hướng sang cánh tả, nhưng nếu Tổng thống Biden có thể điều hành đất nước ở vị trí trung dung thì ông có thể hoàn tất được nhiều công việc mà ông muốn thực hiện.

Về điểm này, sau khi đảng Dân chủ mất 63 ghế Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010, Tổng thống Obama và Quốc hội thuộc đảng Cộng hoà đã không chịu thoả hiệp với nhau, buộc ông Obama phải sử dụng quyền hành pháp để ban hành một số chính sách, nhưng vì không phải là luật nên những chính sách này có nguy cơ bị huỷ bỏ một khi ông không còn làm tổng thống và điều đó đã xảy ra. Có thể ông Biden cũng sẽ phải đối mặt với cùng sự chống đối đó từ phe Cộng hoà bắt đầu vào tháng Giêng tới đây.

Lịch sử về các chính phủ bị chia quyền hành đã chứng minh cho thấy khi cả hai đảng đều có ý muốn hợp tác thì họ vẫn có thể làm được điều đó để lấy điểm với cử tri.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Hợp tác chung

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay có thể được coi như một cách để kiềm chế cho cả hai phe. Cử tri đã không trao quá nhiều quyền hạn cho bất kỳ đảng nào và vì vậy không phe nào có thể tự tung tự tác.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden khá thấp, chỉ xấp xỉ trên 40%, và lạm phát cao là những lý do chính khiến lấy mất đi của đảng Dân chủ một số ghế quốc hội và rất có thể là quyền kiểm soát Hạ viện cũng như Thượng viện.

Tương tự như vậy, sau kết quả bầu cử với thành tích yếu kém hơn sự mong đợi, đã có những dấu hiệu cho thấy đảng Cộng hoà đang dịu bớt thái độ đối lập của họ.

Theo nhận định của một số chiến lược gia về bầu cử cho biết cuộc bầu cử giữa kỳ lần này cho thấy cử tri Hoa Kỳ muốn hướng tới tương lai, bỏ lại sau lưng những gì thuộc về ông Donald Trump và những ứng cử viên về phe với ông, đặc biệt là sau vụ bạo loạn chiếm toà nhà quốc hội vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 bởi những người ủng hộ ông Trump một cách cực đoan. Thay vào đó, cử tri muốn có một chính phủ lo điều hành đất nước một cách nghiêm chỉnh để mang lại lợi ích chung cho mọi người chứ không riêng cho một cá nhân hay phe nhóm nào.

Một số quan sát viên nói rằng rất có thể đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ của Quốc hội khoá 118 sẽ có quyết định là họ có thể tiếp tục làm việc chung với nhau, và họ không cần phải đưa ra những chương trình quá lớn hay quá tốn kém. Chỉ cần một số chương trình nghị sự nào đó cho thấy là đảng của họ thật sự muốn làm việc và cũng là để chứng minh cho cử tri thấy một chính phủ trong hai năm tới không hẳn là một chính phủ đang trong tình trạng bị rạn nứt như nhiều người nghĩ.

Số cử tri đi bầu cử giữa kỳ năm nay cao nhưng không bằng con số kỷ lục hơn 122 triệu của năm 2018 – WSJ

VH