Hơn bốn thập niên trước, Trung Quốc cho áp dụng chính sách một con và kết quả là lực lượng lao động của quốc gia này gia tăng đáng kể. Do không phải nuôi con, con số người trẻ tuổi đi làm nhiều hơn và qua đó để dành được nhiều tiền hơn. Trong nhiều năm, cùng với chính sách mở cửa nền kinh tế, tỷ lệ người dân Trung Quốc trong độ tuổi lao động đã tăng nhanh hơn so với tỷ lệ dân số không làm việc. Đó là một trong những yếu tố quan trọng đưa tới cái gọi là phép lạ kinh tế Trung Quốc.
Nay họ đang phải trả giá cho chính sách sai lầm đó. Hạn chế sinh con lúc đó cũng có nghĩa là nay có ít người đi làm hơn và có ít phụ nữ sinh con hơn. Một bản dự báo của Liên Hiệp Quốc công bố tuần qua cho thấy dân số Trung Quốc đang bị lão hoá nhanh như thế nào, và Liên Hiệp Quốc dự đoán chiều hướng này sẽ khiến dân số Trung Quốc giảm hơn một nửa vào cuối thế kỷ.
Chính sách một con
Vào cuối thập niên 1970, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại tình trạng dân số bùng phát sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của quốc gia. Năm 1980, Đặng Tiểu Bình bắt đầu cho thực hiện chính sách một con trên toàn quốc với lập luận rằng nếu không làm vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ không thể phát triển tốt.
Dân số trẻ trung giúp thúc đẩy kinh tế ở những quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới, trong đó có nước láng giềng của Trung Quốc là Nhật Bản bắt đầu vào thập niên 1950. Các nhà kinh tế gọi đó là phần lợi thu được từ khối dân số trẻ trung và thường kéo dài trong khoảng thời gian vài thập niên, khi một quốc gia có nhiều người trong độ tuổi đi làm hơn so với số người còn nhỏ tuổi và người già ở nhà. Khi những quốc gia này ngày càng phát triển và giàu có hơn, một cách tự nhiên, người dân cũng chọn sinh ít con hơn và kết quả là dân số bắt đầu bị lão hoá.
Chính sách một con của Trung Quốc có thể hiểu theo cách là Trung Quốc đã không đi theo đúng trình tự tự nhiên, vay mượn trước và trả bằng phân lời cao hơn – nghĩa là dân số lão hoá nhanh hơn mức bình thường. Tệ hơn nữa là tình trạng lão hoá này còn nhanh hơn những dự đoán mà các chuyên gia đưa ra trước đây.
Theo bản phúc trình vừa đưa ra, Liên Hiệp Quốc dự kiến dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 1.4 tỷ người như hiện nay xuống còn 639 triệu người vào năm 2100, mức giảm mạnh hơn nhiều so với con số 766.7 triệu mà họ dự đoán chỉ hai năm trước.
Mặc dù vậy, dự đoán của Liên Hiệp Quốc có phần nào lạc quan hơn so với những ước tính khác. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Victoria ở Úc và Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải đã đưa ra dự đoán rằng dân số Trung Quốc sẽ chỉ còn 525 triệu vào cuối thế kỷ này.
Tác động kinh tế
Với việc mở cửa thị trường với phương Tây, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành xưởng sản xuất của thế giới với hàng trăm triệu thanh niên quyết tâm và hăng hái gia nhập lực lượng lao động để thoát ra khỏi cảnh nghèo. Trong suốt mấy thập niên sau đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn đạt tỷ lệ hai con số.
Sự lạc quan đó được thể hiện rõ ràng nhất trong Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh 2008. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra ít lâu sau đó, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và được ghi nhận là đã phần nào cứu nguy cho nền kinh tế toàn cầu. Ít năm sau, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của giáo sư kinh tế học Andrew Mason thuộc Đại học Hawaii và giáo sư xã hội học Wang Feng thuộc Đại học California Irvine, đến năm 2013, lợi thế từ khối dân số trẻ trung của Trung Quốc không còn nữa.
Nay thì tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và những thay đổi về dân số đang tác động lẫn nhau tạo nên một viễn cảnh khá ảm đạm.
Tác động xã hội
Trong mấy thập niên tới, dân số Trung Quốc sẽ là một sự tương phản với Ấn Độ, nơi sự phân bổ tuổi tác trong dân số diễn ra theo trình tự tự nhiên hơn, hay với Hoa Kỳ, nơi dòng người di dân đổ vào giúp ngăn chặn tình trạng dân số bị lão hoá.
Theo dự đoán mới nhất của Liên Hiệp Quốc, đến cuối thế kỷ này, dân số Hoa Kỳ sẽ bằng khoảng 2/3 dân số Trung Quốc, so với hiện nay là dưới 1/4. Và đến lúc đó, Ấn Độ, quốc gia đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, sẽ có dân số nhiều gấp đôi so với Trung Quốc.
Tác động của hậu quả dân số lão hoá ở Trung Quốc sẽ không thực sự ảnh hưởng hết mức cho đến giữa thế kỷ này, khi mà nhiều người sinh ra trong thời kỳ chính sách một con tới tuổi nghỉ hưu trong khi vẫn phải lo chăm sóc cho cha mẹ già của họ.
Đến năm 2050, Liên Hiệp Quốc dự đoán 31% người dân Trung Quốc sẽ ở độ tuổi 65 trở lên. Đến năm 2100, tỷ lệ này sẽ là 46%, nghĩa là gần bằng một nửa tổng dân số. Tại Hoa Kỳ, các tỷ lệ nói trên dự kiến sẽ là 23% và 28%.
Liên Hiệp Quốc đã cho sửa đổi lại dự báo trước đó cho thấy số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc giảm xuống dưới 9 triệu trong năm nay. Năm 2022, Liên Hiệp Quốc dự đoán có khoảng 10.6 triệu trẻ em sẽ được sinh ra ở Trung Quốc vào năm 2024. Đến năm 2100, Liên Hợp Quốc dự đoán Trung Quốc sẽ chỉ có 3.1 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm.
Và không chỉ phụ nữ Trung Quốc hiện nay sinh con ít hơn mà nhiều phụ nữ trẻ, mặc dù từng chứng kiến nỗi đau khổ không được quyền sinh con của những người mẹ của họ trong thời kỳ chính sách một con, cũng ít quan tâm đến việc lập gia đình và sinh con, khiến cho tỷ lệ sinh sản giảm mạnh.
Khủng hoảng dân số
Trong khi tỉ lệ trẻ sơ sinh giảm, dân số người già ở Trung Quốc lại ngày càng tăng.
Trung Quốc dự đoán, trong khoảng thời gian 5 năm tính từ năm 2020 đến 2025, sẽ có hơn 40 triệu người về hưu mới – nhiều hơn dân số Canada.
Tỷ lệ hỗ trợ người già, một chỉ số tương đối về số người còn đang đi làm để hỗ trợ cho một người về hưu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế sử dụng, được dự đoán sẽ giảm từ hơn 4 người hiện nay xuống chỉ còn ít hơn 2 người vào năm 2050.
Trên thực tế, do người dân Trung Quốc có thói quen nghỉ hưu sớm, phụ nữ thường nghỉ hưu ở độ tuổi 50 và nam giới ở tuổi 60, tỷ lệ hỗ trợ nói trên có thể còn thấp hơn nữa.
Chính quyền Bắc Kinh cũng như một số chuyên gia về dân số học và xã hội học cho rằng dân số có trình độ học vấn cao và sự tiến bộ của kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo có thể giúp Trung Quốc vượt qua được cuộc khủng hoảng dân số hiện nay và trong tương lai do nhiều công việc sẽ được tự động hóa bởi máy móc thay vì phải sử dụng nhân công.
Nhưng nói gì thì nói, dựa trên bản dự báo dân số của Liên Hiệp Quốc, chính sách một con là nguyên nhân chính đưa tới cuộc khủng hoảng dân số của Trung Quốc hiện nay khiến người ta không thể không nhớ tới những thời kỳ hỗn loạn trong quá khứ ở Trung Quốc, chẳng hạn như cuộc Cách mạng Văn hoá và chính sách Đại nhảy vọt, đã có tác động đáng kể đến dân số và kinh tế Trung Quốc trong mấy thập niên sau đó. Mặc dù chính sách một con diễn ra âm thầm hơn chứ không sôi sục như hai thời kỳ hỗn loạn nói trên nhưng tác động của nó đối với xã hội Trung Quốc cũng tồi tệ không kém. Trung Quốc đang phải trả giá cho chính sách sai lầm đó.
VH