Trước khi trở thành Tổng thống Philippines, ông Ferdinand Marcos Jr. đã từng lên tiếng cảnh báo rằng “nếu anh để Mỹ vào, anh sẽ biến Trung Quốc thành kẻ thù của mình”.

Cuộc tập trận quân sự Balikatan – WSJ   

Nhưng rồi hôm thứ Hai 1/5 vừa qua, ông Marcos trở thành vị khách mời đặc biệt đến thăm Toà Bạch Ốc, được Tổng thống Joe Biden ca ngợi như một đồng minh hàng đầu của Mỹ, nói rằng không có đối tác nào tốt hơn mà Washington có thể có được.

Philippines chuyển hướng

Ông Marcos – tại vị chưa đầy một năm – đã nổi lên như một trong những tổng thống có chính sách đối ngoại thay đổi toàn diện nhất của Philippines, chuyển từ chính sách ngoại giao thận trọng sang thế xoay trục triệt để về phía Washington trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn với Trung Quốc.

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 6 năm ngoái, ông Marcos đã đón tiếp một loạt các chuyến thăm của một số giới chức cấp cao của Mỹ. Các giới chức bộ quốc phòng bắt đầu tường trình cho ông Marcos về tình hình cuộc xâm lược Ukraine của Nga và giải thích về khả năng có thể xảy ra một cuộc tấn công tương tự của Trung Quốc nhắm vào Ðài Loan, quốc gia nằm đối diện một tuyến đường thủy hẹp với Philippines. Sau đó, vào tháng 1, ông Marcos tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ được sử dụng thêm bốn địa điểm quân sự ở Philippines. Cuối tháng 4 vừa qua, Philippines đã tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước.

Marcos viếng thăm Hoa Kỳ – Reuters

Cuộc tập trận

Ðịa điểm là trên hòn đảo Basco, chỉ cách Ðài Loan khoảng trên 100 dặm về phía nam. Cuộc tập trận bao gồm hơn 17,500 lính thuỷ quân lục chiến và bộ binh của Hoa Kỳ và Philippines, cùng với nhiều loại vũ khí, trong đó có những loại nổi tiếng đang được sử dụng trong cuộc chiến Ukraine như hoả tiễn cá nhân Javelin và Stinger, và hoả tiễn tầm xa như Himars, có thể cho các lực lượng Hoa Kỳ có khả năng nhắm mục tiêu là các tàu chiến địch ở cách xa vài trăm dặm.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Ðây là cuộc tập trận được tổ chức hàng năm, nhưng đặc biệt lần này được giới quan sát cho biết là lớn nhất và lần đầu tiên bao gồm trọng tâm về phòng thủ khu vực phía bắc Philippines và việc chuẩn bị cho cuộc xung đột nếu Trung Quốc quyết định đánh chiếm Ðài Loan bằng vũ lực.

Cuộc tập trận trên đảo Basco cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ một điểm trung chuyển hàng hải lớn và quan trọng cho cả quân đội Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, được gọi là eo biển Bashi. Theo nhận định của giới phân tích quân sự, bất cứ ai kiểm soát được eo biển này thì nắm được điểm yết hầu chiến lược.

Eo biển Bashi

Eo biển rộng khoảng 70 dặm, giáp ranh với mũi phía nam của Ðài Loan và cụm đảo bao gồm Basco phía bắc Philippines, là con đường biển cho hải quân Trung Quốc quyền tiếp cận bờ biển phía đông của Ðài Loan và Thái Bình Dương, bao gồm cả tiềm thuỷ đĩnh phát xuất từ căn cứ chính của họ ở phía nam đảo Hải Nam. Hàng không mẫu hạm Sơn Ðông của Trung Quốc đã đi qua eo biển này hồi đầu tháng 4 trước khi tiến hành các cuộc tập trận với các chiến đấu cơ phản lực ở phía đông Ðài Loan.

Eo biển này cũng là điểm tiếp cận trực tiếp nhất cho bất kỳ lực lượng nào của Mỹ được gửi đến eo biển Ðài Loan từ các căn cứ không quân và hải quân trên đảo Guam, đồng thời là điểm trung chuyển quan trọng cho vận chuyển thương mại và dây cáp ngầm cung cấp các đường liên kết thông tin internet đến một khu vực rộng lớn của Châu Á. Basco và các đảo khác ngoài khơi bờ biển phía bắc của Philippines có thể là nơi đóng quân cho bất kỳ kế hoạch đánh trả quân sự nào của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột với Trung Quốc về Ðài Loan. Các cuộc tập trận cũng được tiến hành trên hai hòn đảo khác ngoài khơi bờ biển phía bắc của Philippines.

Binh lính Hoa Kỳ đổ bộ lên đảo Basco – US Military

Răn đe Trung Quốc

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Sự leo thang hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh Ðài Loan, bao gồm cả các cuộc tập trận với chiến đấu cơ gần đây, đã làm gia tăng mối lo ngại ở Philippines và các quốc gia lân cận khác về một cuộc chiến trong khu vực có thể xảy ra. Trung Quốc vẫn thường xuyên tuyên bố Ðài Loan là một phần lãnh thổ của họ và cam kết sẽ chiếm lấy hòn đảo tự trị này bằng vũ lực nếu cần thiết.

Ðể kết thúc cuộc tập trận, có tên gọi là cuộc tập trận quân sự Balikatan, Hoa Kỳ đã sử dụng hệ thống hoả tiễn Himars để bắn chìm một chiếc tàu chiến cũ không còn sử dụng đậu ngoài khơi bờ biển phía tây của Philippines.

Theo nhận định của Thiếu tướng Restituto Padilla đã nghỉ hưu, nguyên phó tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, cuộc tập trận đã gửi đi tín hiệu rằng các tàu chiến Trung Quốc đang hoạt động xung quanh khu vực biển phía nam Ðài Loan có thể dễ bị đánh chìm, khiến cho việc phát động bất kỳ một chiến dịch quân sự nào nhằm bao vây hoặc xâm chiếm hòn đảo trở nên khó khăn hơn. Hệ thống hoả tiễn Himars có tầm bắn tối đa cho phép lực lượng Hoa Kỳ có thể tấn công các mục tiêu nằm trong toàn bộ eo biển Bashi từ Basco và các đảo khác gần đó.

Ý đồ của Trung Quốc

Các phân tích gia quân sự quốc tế nói rằng các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc vào tháng 4 năm nay và tháng 8 năm ngoái, bao gồm việc đưa các chiến đấu cơ, tàu chiến tới cũng như bắn hoả tiễn trong vùng biển xung quanh Ðài Loan, cho thấy chiến lược của Bắc Kinh là sẽ cố gắng cắt đứt hòn đảo này ra khỏi các cuộc hỗ trợ quân sự từ bên ngoài trong bất kỳ kế hoạch nào nhằm tấn công và kiểm soát Ðài Loan của họ.

Trong cuộc tập trận hồi năm ngoái sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Ðài Loan, eo biển Bashi là một trong sáu khu vực mà Trung Quốc tuyên bố sẽ được quân đội của họ sử dụng. Các hoả tiễn đạn đạo do Trung Quốc bắn ra rơi xuống vùng biển ngay phía tây bắc của eo biển.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Hoạt động huấn luyện của quân đội Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy họ đang tăng cường khả năng cố gắng ngăn chặn Hoa Kỳ và các lực lượng quân sự khác có thể tiếp cận eo biển Bashi và vùng biển xung quanh trong trường hợp họ xâm chiếm Ðài Loan.

Eo biển Bashi – odgw.com

Thắt chặt quan hệ

Binh lính và trang thiết bị được sử dụng trong các cuộc tập trận của Hoa Kỳ trên đảo Basco và các đảo khác ở phía bắc Philippines là lấy từ các căn cứ quân sự địa phương mà Manila đã đồng ý cho Hoa Kỳ sử dụng. Thỏa thuận trong việc sử dụng căn cứ quân sự gần đây đã được mở rộng để bao gồm thêm bốn địa điểm nữa, trong đó có ba địa điểm là ở phía bắc Philippines. Ðây lại thêm một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ ngoại giao và quân sự ngày càng thắt chặt hơn giữa Manila và Washington.

Một số nhà lãnh đạo chính trị địa phương thuộc khu vực miền bắc Philippines đã lên tiếng cảnh giác về sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ, vì sợ rằng điều đó có thể kéo quốc gia này vào cuộc xung đột với Trung Quốc về vấn đề Ðài Loan. Tuy nhiên, đứng trước mối đe doạ quân sự từ phía Trung Quốc, họ hoan nghênh các cuộc tập trận mới nhất vì hiểu rằng miền bắc Philippines gần như chắc chắn sẽ bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc khủng hoảng nào liên quan đến Ðài Loan.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo địa phương cho biết họ đang lập kế hoạch dự phòng vì một cuộc xung đột cũng có thể dẫn đến làn sóng người tị nạn tràn đến các đảo phía bắc và hiện có khoảng 150,000 người Philippines đang làm việc tại Ðài Loan.

Theo các nhận định của một số giới chức quân sự cao cấp của Hoa Kỳ, rất có thể Trung Quốc sẽ tấn công Ðài Loan vào năm 2027 hoặc sớm nhất là năm 2025.

VH