Cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc, theo truyền thông cánh tả thì cựu PTT Biden đã chiến thắng và chuẩn bị thành lập nội các. Tuy nhiên phía TT Trump chưa chấp nhận kết quả, và tiếp tục tranh chấp về pháp lý vì cho rằng hệ thống bầu cử thiếu minh bạch và cần điều tra… và một lần nữa mọi con mắt trên thế giới lại đổ dồn về quốc gia dân chủ lâu đời nhất trên thế giới này để theo dõi sự kiện cứ mỗi bốn năm xảy ra một lần.

Nội các Joe Biden – nguồn CBS News

Lý do một phần là vì chính sách của Mỹ vẫn còn quan trọng và vẫn gây ảnh hưởng lên thế giới. Người ta muốn biết vị tổng thống tương lai sẽ giải quyết tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ra sao? Có tiếp tục ủng hộ những định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới và hiệp định như hiệp ước khí hậu Paris, hay sẽ xoá bài làm lại? Chính sách đối đầu với những quốc gia thường hay gây rối như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran? Có còn đứng về phía những đồng minh truyền thống tại Âu châu và Trung Ðông, hay đi tìm những mối quan hệ mới trong một thời đại mà tình hình địa chính trị thế giới đang có những thay đổi sâu xa? Nước Mỹ có mở cửa để đón nhận di dân trở lại, hay tiếp tục đóng hoặc chỉ nhận một cách nhỏ giọt?

Những vấn đề nói trên không chỉ có cử tri Mỹ quan tâm nhưng luôn cả nhiều triệu người dân trên thế giới mà cuộc sống của họ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi những chính sách do chính phủ của vị tổng thống trong bốn năm tới thi hành.

Mối quan hệ yêu-ghét của thế giới với Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở hai khía cạnh sức mạnh quân sự và chính sách. Mặc dù với tất cả những bàn cãi trong mấy năm qua về sự suy vi và sự phá sản của cái gọi là quyền lực mềm của Mỹ, Hoa Kỳ vẫn là xe, pháo, mã vô song trên bàn cờ thế giới; và nếu không phải là quốc gia luôn được mến mộ nhất thì cũng là quốc gia cho đến nay vẫn được người ta chú ý nhất.

Và nước Mỹ cũng là trung tâm của những hoạt động liên quan đến xã hội. Không có sự việc gì xảy ra tại đây mà sau đó không lan ra ngoài thế giới. Những cuộc xuống đường biểu tình vì vấn đề kỳ thị trong mùa Hè qua không chỉ châm ngòi cho những cuộc biểu tình tại Âu châu mà còn lan ra tới tận Phi châu. Khi người biểu tình kéo đổ một số tượng đài ở Mỹ thì tại Vương quốc Anh một số tượng đài cũng bị kéo đổ. Tốt hay xấu, yêu hay ghét, đúng hay sai, nước Mỹ vẫn luôn là vị trí trung tâm.

Xem thêm:   Biden & Trump

Tuần qua và trong những tuần lễ sắp tới, tiến trình chuyển giao quyền lực đã và đang diễn ra một cách dân chủ và ý thức, và nội các của chính phủ Joe Biden trong bốn năm tới đang bắt đầu thành hình. Sự việc này đương nhiên cũng đang được nhiều người trên thế giới theo dõi, mặc dù không sôi nổi như cuộc bầu cử nhưng lại có tính cách quan trọng của nó, đặc biệt là đối với chính phủ của các quốc gia đồng minh cũng như đối thủ.

Joe Biden giới thiệu một số nhân vật quan trọng trong nội các – nguồn Houston Chronicle

Sự lựa chọn để thành lập nội các luôn được bắt đầu với những nhân vật quan trọng nhất, họ là những người nắm giữ những vai trò chính trong việc đưa ra chính sách. Quan điểm của những nhân vật này cũng như nhìn ngược lại những việc họ làm trong quá khứ, người ta cũng có thể phần nào đoán ra những chính sách nào sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với vị tổng thống mới, hay nói cách khác, với chính phủ Mỹ trong thời gian sắp tới.

Hôm Thứ Ba 24/11, ông Joe Biden công bố sự lựa chọn cho những chức vụ liên quan đến an ninh quốc gia là những giới chức từng phục vụ dưới thời chính phủ Obama: ông Antony Blinken nắm giữ Bộ Ngoại giao và ông Jake Sullivan trong vai trò Cố vấn an ninh quốc gia. Sự lựa chọn này sẽ trấn an các nhà lãnh đạo thế giới đã không hài lòng về những thay đổi trong bang giao không theo một quy tắc truyền thống nào của chính phủ Donald Trump.

Ông Blinken đã từng làm việc với ông Biden trong nhiều năm và tiếng nói của ông sẽ ảnh hưởng đáng kể trong các chính sách đối ngoại. Ông Sullivan từng làm việc dưới quyền bà Hillary Clinton tại Bộ Ngoại giao trong nhiệm kỳ đầu của Barack Obama.

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Cả hai nhân vật này có quan điểm cấp tiến trên chính trường quốc tế và tin tưởng rằng công việc họ làm để đại diện cho quyền lợi của Hoa Kỳ phải thông qua những định chế đa phương. Họ ủng hộ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ miễn là vai trò này nằm trong khuôn khổ của những tổ chức như Liên Hiệp Quốc, NATO và các liên minh truyền thống. Họ cũng thiên về chính sách kiểm soát vũ khí và ông Sullivan đã từng chỉ trích việc ông Trump rút ra khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân ký năm 1987 với Nga mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy sự gian lận trắng trợn của điện Kremlin.

Ở mặt khác, cả hai có quan điểm diều hâu hơn trong một số chính sách dưới thời Obama. Ông Sullivan ủng hộ việc lắp đặt hệ thống hoả tiễn chống tăng cho Ukraine mà Obama chống nhưng sau đó đã được Trump cho phép tiến hành. Ông Blinken ủng hộ cuộc chiến tại Iraq năm 2002 và việc can thiệp vào Libya khi cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập nổ ra. Ông Blinken cũng được biết đã từng lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói, “siêu cường không lừa bịp”, ý nói đến sự thất bại khá ê chề về vụ “lằn ranh đỏ” của ông Obama đưa ra đe doạ nếu quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng rồi Syria vẫn cứ tiến hành và Hoa Kỳ không làm gì hết.

Trong khi đó, nhiều người đoán ông Biden sẽ chọn nhân vật Michèle Flournoy cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và nhân vật này sẽ thành lập một đội ngũ có thể đối đầu trực tiếp và vững vàng hơn trước các đối thủ so với thời Obama. Trước mắt là Trung Quốc, và ông Joe Biden cũng như các cố vấn của ông vẫn chưa tiết lộ gì nhiều về chính sách đối đầu với quốc gia này. Ðây là vấn đề khó khăn nhất và cử tri Mỹ sẽ không cho phép họ quay trở lại với chính sách thời Obama là chỉ nói mà không làm gì để ngăn cản những hành vi ngược ngạo và gian trá của Bắc Kinh.

Hai nhân vật Alejandro Mayorkas cho chức vụ Bộ trưởng Nội An và Avril Haines cho chức vụ Giám đốc tình báo quốc gia là ít được biết tới nhất, nhưng cũng là những giới chức từng có kinh nghiệm trong những công việc này.

John Kerry và Joe Biden tại một cuộc vận động tranh cử – nguồn AP

Theo nhận định của tờ Wall Street Journal, thất vọng lớn nhất là sự lựa chọn nhân vật John Kerry làm đặc sứ về chính sách khí hậu. Trong vai trò thương thuyết, ông này luôn tỏ ra nhân nhượng trong việc mặc cả, như đã thấy trong thoả thuận vũ khí hạt nhân với Iran, hay ít quan trọng hơn như trong việc nối lại bang giao với Cuba. Và vai trò ngang hàng với cấp bộ trưởng của ông này cho thấy vấn đề khí hậu sẽ là một chính sách đặc biệt ưu tiên thay vì chỉ là một trong nhiều vấn đề của chính sách đối ngoại có thể để cho ông Blinken giải quyết.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Hay đây chỉ là một màn kịch để làm vừa lòng những nhóm cực tả về khí hậu. Nhưng nếu như Biden coi khí hậu như một vấn đề an ninh quốc gia hàng đầu thì đó có thể là dấu hiệu xấu. Việc khai thác dầu và khí đốt của Hoa Kỳ với kỹ thuật khoan fracking đã tăng cường vấn đề an ninh của nước Mỹ trong nhiều cách.

Nó giúp Hoa Kỳ bớt lệ thuộc vào nhiên liệu nhập cảng và nền kinh tế Hoa Kỳ bớt bị cầm chân do những biến động của thị trường dầu lửa thế giới. Giá dầu giảm, một phần nhờ vào mức sản xuất gia tăng của Hoa Kỳ, đã làm giảm ảnh hưởng của những lãnh tụ độc tài tại một số quốc gia sản xuất dầu như Vladimir Putin của Nga và Nicolás Maduro của Venezuela. Việc bán khí đốt cho ngoại quốc cũng làm tăng mức xuất cảng và ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ.

Quyết định của ông Biden hứa đưa Hoa Kỳ trở lại hiệp ước khí hậu Paris sẽ là điều có lợi cho Trung Quốc. Trong thoả thuận này, Trung Quốc không bị bắt buộc phải giảm lượng khí thải carbon cho mãi tới năm 2030, trong khi Hoa Kỳ bị áp đặt rất nhiều quy định mới để cắt giảm khí thải.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ rất hoan hỉ khi chỉ phải đưa ra những hứa hẹn tương lai về khí hậu để đổi lại là sự đồng thuận của Mỹ ngay hiện tại đối với những ưu tiên an ninh của họ về vấn đề Ðài Loan, Biển Ðông và Huawei. Ðưa ông John Kerry đi thương thuyết với Tập Cận Bình đồng nghĩa với cầm chắc kết quả thua lỗ.

Những tuần lễ tới chúng ta sẽ biết thêm nhiều hơn chính sách của Joe Biden và tương lai của Hoa Kỳ sẽ hướng về đâu khi ông Joe Biden được chính thức xác nhận đắc cử.

VH