Chỉ ít ngày trước Lễ Tạ Ơn, Tổng thống Joe Biden và ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, đã gặp nhau trong cuộc họp thượng đỉnh tại khu vực Vịnh San Francisco vào hôm thứ Tư 15/11, mà cả hai bên đều nói rằng họ muốn hàn gắn mối quan hệ Mỹ-Trung đã gặp nhiều chia rẽ và cạnh tranh.

Getty Images  

Trong suốt một năm qua, phía Hoa Kỳ đã nhiều lần đánh tiếng để muốn có một cuộc gặp trực tiếp giữa 2 nhà lãnh đạo cao cấp nhất của 2 quốc gia nhưng phía Trung Quốc luôn lên tiếng từ chối. Vậy tại sao lần này họ lại chấp nhận? Phải chăng phía Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề khó khăn? Hỏi tức là đã trả lời: Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn với nền kinh tế bị trì trệ của họ.

Nguyên do trì trệ

Một nền kinh tế tăng trưởng không ngừng trong suốt 4 thập niên qua nay bỗng nhiên bị khựng lại. Vậy nguyên do từ đâu? Trước hết hãy nhìn vào mô hình kinh tế của họ.

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã thúc đẩy nền kinh tế của họ bằng cách đầu tư vào việc xây dựng các nhà máy, nhà chọc trời và đường sá. Mô hình này đã khơi dậy một thời kỳ tăng trưởng phi thường giúp Trung Quốc thoát khỏi nghèo đói và biến quốc gia này thành một gã khổng lồ với sức mạnh xuất cảng lan rộng ra khắp toàn cầu.

Mô hình kinh tế này mang lại hiệu quả khi Trung Quốc còn đang đuổi theo để bắt kịp với thế giới nhưng nay đã không còn hiệu quả khi quốc gia chìm trong nợ nần và không còn gì để xây dựng thêm. Nhiều nơi ở Trung Quốc có nhiều cây cầu và sân bay không được sử dụng đúng mức. Hàng triệu căn nhà xây xong không có người ở. Lợi tức đầu tư đã giảm mạnh.

Lấy thí dụ Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất nước với tổng sản lượng nội địa (GDP) bình quân đầu người chưa đến $7,200 vào năm ngoái, tự hào có hơn 1,700 cây cầu và 11 sân bay, nhiều hơn tổng số sân bay ở 4 thành phố hàng đầu của Trung Quốc. Tỉnh này có khoản nợ tồn đọng ước tính khoảng $388 tỷ vào cuối năm 2022 và vào tháng 4 vừa qua đã phải xin viện trợ từ chính quyền trung ương để củng cố tài chính.

Xem thêm:   "Chính hãng"

Những dấu hiệu rắc rối vượt ra ngoài các số liệu kinh tế ảm đạm của Trung Quốc để đi đến các tỉnh xa xôi, trong đó có tỉnh Vân Nam ở khu vực Tây Nam, gần đây cho biết họ sẽ chi ra nhiều triệu đô la để xây dựng một cơ sở cách ly Covid mới, có diện tích gần bằng 3 sân bóng đá, mặc dù Trung Quốc đã chấm dứt chính sách “zero-Covid” từ cuối năm ngoái và thế giới thì không còn nói đến đại dịch từ 2 năm nay.

Nhiều địa phương khác cũng đang làm những chuyện tốn kém và phung phí vô ích như vậy. Với đầu tư tư nhân yếu và xuất cảng sụt giảm, các giới chức Trung Quốc cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay mượn và xây dựng để kích thích nền kinh tế.

Cầu xây dở dang ở tỉnh Quý Châu – Zuma Press

Thời kỳ tăng trưởng chậm

Các kinh tế gia hiện nay tin rằng Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm hơn nhiều, rồi đến tình trạng dân số sụt giảm và quan hệ ngày càng căng thẳng với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh, và điều này đang gây nguy hại cho nguồn đầu tư và thương mại nước ngoài. Thay vì chỉ là một giai đoạn suy yếu về kinh tế, đây có thể là chỉ dấu của một thời kỳ trì trệ kéo dài.

Xem thêm:   Thú nhồi bông

Vậy tương lai kinh tế Trung Quốc sẽ như thế nào? Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc ở mức dưới 4% trong những năm tới, chưa bằng một nửa so với mức tăng trưởng của quốc gia này trong khoảng 4 thập niên qua. Capital Economics, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London, ước tính xu hướng tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại từ 5% xuống 3% vào năm 2019 và sẽ giảm xuống khoảng 2% vào năm 2030.

Với tốc độ đó, Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu do ông Tập Cận Bình đặt ra vào năm 2020 là nền kinh tế Trung Quốc tăng lên gấp đôi vào năm 2035. Điều này sẽ khiến Trung Quốc khó có thể vươn ra khỏi hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình và cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, một tham vọng ấp ủ từ bao lâu nay của họ.

Nếu không có những biện pháp kích thích kinh tế tích cực hơn từ Bắc Kinh và những nỗ lực có ý nghĩa nhằm khôi phục hoạt động kinh tế có hiệu quả hơn của khu vực tư nhân, một số kinh tế gia tin rằng sự suy thoái của Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng trì trệ kéo dài giống như những gì Nhật Bản đã trải qua kể từ thập niên 1990, khi bong bóng bất động sản của nước này bị vỡ kéo theo nhiều năm với tình trạng giảm phát và tăng trưởng hạn chế.

Tuy nhiên, không giống như Nhật Bản, Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ trì trệ như vậy trước khi đạt được vị thế quốc gia giàu có trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến hơn. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt khoảng $12,850 vào năm ngoái, dưới ngưỡng hiện tại là $13,845 mà Ngân hàng Thế giới phân loại là mức tối thiểu đối với một quốc gia được xem là “có thu nhập cao”. Thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản vào năm 2022 là khoảng $42,440 và của Hoa Kỳ là khoảng $76,400.

Thành phố không người ở Trung Quốc – Bloomberg Businessweek

Chưa dám lấn lướt

Xem thêm:   Vũ khí tàu ngầm nguyên tử

Nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn cũng có thể làm suy yếu sự ủng hộ của người dân dành cho Tập Cận Bình, được cho là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong những thập niên gần đây, mặc dù hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy có sự chống đối có tổ chức nào. Một số nhà phân tích Hoa Kỳ lo ngại Bắc Kinh có thể phản ứng trước tốc độ kinh tế tăng trưởng chậm hơn bằng các hành động đàn áp mạnh tay hơn ở trong nước và trở nên hung hăng hơn ở nước ngoài, làm tăng nguy cơ xung đột, bao gồm cả khả năng xung đột xảy ra xung quanh đảo quốc tự trị Đài Loan.

Tại một buổi gây quỹ ngày 10 tháng 8, Tổng thống Joe Biden đã gọi các vấn đề khó khăn kinh tế của Trung Quốc như là “quả bom nổ chậm” có thể khiến các nhà lãnh đạo nước này đâm liều và làm ẩu, kiểu không ăn được thì đạp đổ.

Nhưng đó là chuyện lo xa. Ngay vào lúc này thì Trung Quốc chưa dám làm gì và đã chịu chấp nhận lùi bước đến dự cuộc họp thượng đỉnh vì họ biết điểm yếu của họ là nền kinh tế đang bị trì trệ cần phải khắc phục. Tuy nhiên, tham vọng của họ thì vẫn còn đó và chỉ chờ khi có cơ hội thuận tiện thì thực hiện. Hy vọng các quốc gia phương Tây đã học được bài học đắt giá là Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu hội nhập để sánh vai cùng thế giới mà chỉ luôn tìm cách lấn lướt.

VH