Trong khi những lo ngại về chiến tranh gia tăng ở khu vực Đông Á, Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, đang từ bỏ chính sách tự kiềm chế kéo dài từ nhiều thập niên qua và cho tiến hành kế hoạch tái xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến II. Và trong khi tình trạng căng thẳng khu vực gia tăng, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang thúc giục Hoa Kỳ cần phải hiểu rõ tính cấp bách và mức độ nghiêm trọng của thời điểm lịch sử nhưng đầy nguy hiểm này.

Chuyến viếng thăm Toà Bạch Ốc của Thủ tướng Kishida vào hôm thứ Sáu 13/1 đã được nhiều quan sát viên coi đây có thể là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2023. Hoa Kỳ và Nhật Bản đang tìm cách gia tăng mức độ hợp tác quốc phòng thậm chí đã sẵn chặt chẽ từ trước trong khi cả hai đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào hôm thứ Tư 11/1 cũng đã gặp gỡ những người đồng cấp phía Nhật Bản. Chủ đề chính cho cuộc thảo luận: Các tài liệu chiến lược an ninh quốc gia gần đây của Nhật Bản kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% của nền kinh tế vào năm 2027, so với 1% như hiện nay.

Trung Quốc từ mấy năm nay đang xây dựng một lực lượng hoả tiễn và hải quân khổng lồ với mục tiêu là nhằm khống chế khu vực Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng đang mở rộng các cuộc tập trận quân sự, và Bộ trưởng Austin đã lên tiếng cảnh báo về “sự gia tăng mạnh mẽ” trong những lần cố tình khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc đối với các lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh.

Những sự việc đó không khỏi khiến Tokyo không chú ý và nghĩ rằng cần phải có hành động đáp trả, và ông Kishida đã tóm tắt mối lo ngại nói trên trong một cuộc phỏng vấn: “Ukraine hôm nay có thể là Châu Á ngày mai.”

Kishida và Biden tại Washington hôm 13/1 – Reuters

Vào tháng 12 vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Kishida đã hoàn thành việc viết lại ba tài liệu cốt lõi tạo nên chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản. Và lần đầu tiên kể từ năm 1976, Nhật Bản sẽ không còn giới hạn chi tiêu quốc phòng ở mức 1% tổng sản lượng nội địa (GDP) của họ nữa. Theo kế hoạch ngân sách quốc phòng 5 năm nằm trong tập tài liệu, Nhật Bản dự kiến sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027. Ðiều này sẽ đẩy ngân sách quốc phòng của Nhật Bản lên thành lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Xem thêm:   Chó...

Mục tiêu là nâng cao khả năng răn đe đối với Trung Quốc và Bắc Hàn, với hy vọng ngăn chặn các giới lãnh đạo ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng trong tham vọng sử dụng vũ lực để tấn công nước khác giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây ra ở Ukraine.

Bộ trưởng Austin trong một cuộc họp báo nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ kế hoạch phát triển khả năng tiến hành các cuộc tấn công hoả tiễn tầm xa của Nhật Bản. Kế hoạch chuẩn bị này sẽ rất hữu ích trong cuộc chiến ở Ðài Loan nếu điều đó xảy ra. Nhật Bản đã nhiều lần thảo luận tìm cách mua loại hoả tiễn hành trình tầm xa Tomahawk của Hoa Kỳ, thứ mà Hoa Kỳ còn miễn cưỡng chưa muốn bán ngay cả cho các đồng minh thân cận, ngoại trừ Vương quốc Anh.

Bộ trưởng Austin cũng tuyên bố việc cải tổ lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đóng tại Okinawa thành Trung đoàn Duyên hải Thủy quân lục chiến. Những đội hình nhỏ hơn này với khoảng 2,000 lính cho từng đơn vị được thiết kế để có khả năng phản ứng nhanh hơn trong một cuộc khủng hoảng và có thể tung ra cú đánh chớp nhoáng với một khẩu đội chống chiến hạm. Trung đoàn mới được dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025.

Lính Mỹ và Nhật tại một căn cứ quân sự ở Nhật Bản – defense.gov

Hoa Kỳ dự tính sẽ không đưa thêm Thủy quân lục chiến đến Okinawa, nhưng đây vẫn là một sự thay đổi chính trị đáng chú ý. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản tập trung ở Okinawa, phía cực nam của quần đảo Nhật Bản, không xa Ðài Loan là mấy.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Sự trở mình về chính sách an ninh quốc phòng của Nhật Bản là một phần của sự thay đổi chiến lược rộng lớn hơn và đáng hoan nghênh ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong 18 tháng qua. Hoa Kỳ, Anh và Úc đã đạt được thỏa thuận về tàu ngầm Aukus, trong khi mối quan hệ “Bộ tứ” (Ấn Ðộ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ) đã được chính thức hóa và ngày càng vững chắc hơn.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là một ví dụ điển hình nhất về một đồng minh hoạt động như một nhân tố của lực đẩy của nền dân chủ thế giới. Sức mạnh kinh tế của Nhật Bản có nghĩa là nếu họ chi ra 2% GDP cho quốc phòng thì đây là một ngân sách quân sự khổng lồ sẽ khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải nể mặt. Các căn cứ quân sự của Nhật Bản cũng rất quan trọng đối với sự thành công của quân đội Mỹ trong việc giải quyết xung đột trong tương lai ở Thái Bình Dương.

Mặc dù trong các tài liệu chiến lược vừa được sửa đổi không nêu rõ ràng, nhưng mối quan tâm hàng đầu của Tokyo là một cuộc tấn công có thể xảy ra của Trung Quốc nhắm vào Ðài Loan. Việc tổ chức lại quân đội của Nhật Bản sẽ chuyển sức mạnh và trọng tâm sang các đảo phía tây nam của Nhật Bản, gần với Ðài Loan. Việc cải tổ quân đội của Nhật Bản không tập trung vào việc mua nhiều tàu chiến hay chiến đấu cơ mà tập trung vào việc giúp Lực lượng Phòng vệ vốn đã lớn của Nhật Bản (tên gọi chính thức của quân đội Nhật) sẵn sàng chiến đấu nếu như chiến tranh liên quan đến Ðài Loan xảy ra.

Trong một cuộc tập trận chung – defense.gov

Theo đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản là ông Rahm Emanuel, chính quyền Biden đang giúp quân đội Nhật hiện đại hóa và hội nhập với quân đội Hoa Kỳ, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tuần duyên, chiến tranh mạng, không gian và an ninh dưới lòng biển. Washington và Tokyo cũng đang theo đuổi sự phối hợp phức tạp hơn về an ninh kinh tế, bằng cách một phần di chuyển các chuỗi cung ứng và đưa các ngành sản xuất quan trọng trở về nước để bảo đảm rằng Trung Quốc không thể sử dụng sức mạnh kinh tế của họ để gây áp lực lên khối các quốc gia dân chủ. Nhiều quốc gia trong khu vực vẫn còn nhớ rõ cách Bắc Kinh sử dụng thế độc quyền về các nguồn cung cấp thiết bị y tế công cộng quan trọng để gây khó khăn và doạ nạt các quốc gia khác trong thời gian có đại dịch.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Sau cuộc gặp gỡ giữa Kishida và Biden, hy vọng Washington sẽ đồng ý bán loại hoả tiễn Tomahawk cho Tokyo, là thứ vũ khí tối tân sẽ cung cấp cho Nhật Bản khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền. Tokyo đã cố tình tránh không mua những loại vũ khí có khả năng “phản công” hoặc “đối đầu” này trong nhiều thập niên để bớt gây căng thẳng trong khu vực – nhưng tình hình hiện nay không còn cho phép họ chần chừ thêm nữa.

Trong một ý nghĩa nào đó, việc tái tổ chức quân đội khiến cho chính phủ Nhật Bản phải chấp nhận hy sinh một phần quyền lực mềm, là bản sắc nền tảng của một dân tộc từ lâu được cho là yêu chuộng hoà bình và tự nguyện từ bỏ khả năng gây chiến. Nhưng phần lớn người dân Nhật thực sự đang lo sợ rằng nếu Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn không tự kiềm chế mà cứ để cho các hành động hung hăng của họ tiếp tục leo thang, xung đột sẽ lan đến Châu Á.

Chính phủ Nhật Bản đã đi đến kết luận rằng chuẩn bị cho xung đột là cách duy nhất để tạo tối đa cơ hội để tránh xung đột. Là một nước láng giềng của cả Nga lẫn Trung Quốc, Nhật Bản không có quyền lựa chọn để chỉ tập trung vào Châu Âu hoặc Châu Á. Từ quan điểm của Tokyo, số phận của hai châu lục này có mối liên hệ ràng buộc với nhau và không thể tách rời.

Khu vực Ðông Á ngày càng tỏ ra có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn và Hoa Kỳ may mắn có được một đồng minh thân cận là Nhật Bản đã tự nhận thức và cảnh giác với mối đe dọa chiến tranh và sẵn sàng đầu tư để ngăn chặn mối đe doạ này.

VH