Điểm đặc trưng của mùa hè năm nay không chỉ là cái nóng bất thường xảy ra cùng lúc ở nhiều nơi mà còn là mùa hè của phụ nữ – nếu nhìn ở lĩnh vực nghệ thuật và kinh tế: Doanh thu ở phòng vé cho cuốn phim “Barbie” vượt qua mức $1 tỷ, và người hâm mộ, mà số đông là phụ nữ, đổ xô tới các buổi trình diễn nhạc của Taylor Swift và Beyoncé, không chỉ một mà tới hai lần hoặc hơn.

Một cảnh trong phim “Barbie” – Warner Bros.
Phụ nữ vung tiền chi tiêu trong mùa hè năm nay, và mua vé để tham dự các sinh hoạt giải trí văn hóa chỉ là bước khởi đầu cho một loạt tiêu xài thêm cho các thứ khác. Họ đi thành từng nhóm gồm bạn bè, mẹ và con gái để cùng tới coi các buổi trình diễn của Beyoncé, mua trang phục màu hồng của búp bê Barbie trước khi tới các rạp hát và làm móng tay với nhiều màu sơn khác nhau để bày tỏ sự ngưỡng mộ Taylor Swift qua từng thời kỳ âm nhạc của cô ca sĩ này. Sau đó, họ lại đi thêm lần nữa với những nhóm bạn khác và các thành viên khác trong gia đình, làm tăng số lượng vé bán ra cùng với những món chi tiêu liên quan khác.
Một hiện tượng
Có thể gọi hiện tượng trên là hiệu ứng tích phân của phụ nữ – và việc tiêu xài của họ là một phần sức mạnh trong nền kinh tế Hoa Kỳ và đã đóng góp cho sự thành công về thương mại cho cuốn phim “Barbie”, chuyến lưu diễn “Renaissance Tour” của Beyoncé và “Eras Tour” của Taylor Swift, với “Eras Tour” đang có nhiều khả năng trở thành chuyến lưu diễn âm nhạc đầu tiên trên thế giới mang về doanh thu $1 tỷ sau khi kết thúc hơn 100 buổi trình diễn. Các nền kinh tế địa phương cũng được hưởng lợi từ các buổi trình diễn này, đã được Ngân hàng Dự trữ Liên bang ghi nhận hồi tháng 7 vừa qua và ca ngợi chuyến lưu diễn của Swift đã góp phần làm tăng doanh thu cho ngành kỹ nghệ khách sạn trong khu vực Philadelphia.
Hiện tượng nói trên không hẳn là sự bày tỏ hoạt động tranh đấu xã hội hay gì khác của phụ nữ mà chỉ thuần tuý là giải trí, với các sự kiện sinh hoạt văn hoá hấp dẫn nhất trong mùa hè năm nay đã có sức lôi cuốn được đám đông phụ nữ bị thu hút bởi một chủ đề chung: nghệ thuật được sáng tạo bởi chính phụ nữ nói lên sự thể nghiệm cuộc sống trong vai trò là phụ nữ. Các siêu sao trên sân khấu và trên màn ảnh mặc dù sự xuất hiện của họ là trong thế giới nghệ thuật, nhưng dường như cũng chia sẻ chung những câu chuyện quen thuộc trong thế giới thực của tất cả các phụ nữ bình thường khác.
Thống kê của công ty bán vé Vivid Seats, hơn 80% những người mua vé đi coi Swift và Beyoncé đã mua hơn hai vé cho các buổi trình diễn “Eras” và “Renaissance”. Theo trang mạng bán vé coi phim Fandango, số lần đặt mua cùng lúc từ ba vé trở lên chiếm 27% số lần đặt mua vé cho phim “Barbie”, so với 20% của tất cả những lần đặt mua vé cho những phim khác trong năm nay.

Một buổi trình diễn “Renaissance World Tour” của Beyoncé tại Amsterdam – Wireimage For Parkwood
Bài học kinh doanh nghệ thuật
Các giám đốc điều hành trong ngành giải trí cho biết họ học được bài học về việc xây dựng thương hiệu và tiếp thị từ các hiện tượng nói trên, chẳng hạn như: làm thế nào để một con búp bê có thể làm say mê được cả phụ nữ và nam giới trưởng thành chứ không chỉ các em nhỏ? Một bài học rút ra khác: Một thương hiệu hoặc tác phẩm nghệ thuật cần phải khơi dậy được một cuộc đối thoại về văn hóa để có thể trở thành một cú thành công thương mại lớn. Khi một dự án nghệ thuật muốn gây được sự chú ý, điều cần thiết là phải tìm cách lôi cuốn được các nhóm và khích động được ý thức cộng đồng đối với những người tham gia.
Một số đàn ông cũng có đi thành từng nhóm tới các nơi giải trí. Họ có thể mặc các trang phục giống nhau với tên và số của các cầu thủ họ yêu thích in trên các trang phục đó khi đi coi các trận đấu thể thao. Họ cũng rủ nhau đi xem phim chung, nhưng mùa hè năm nay, chính phụ nữ mới là những người đã tập hợp được những nhóm khán giả xem phim và xem trình diễn âm nhạc đông đảo lớn nhất và liên tục mở hầu bao tiêu xài cho những cuộc giải trí nói trên ở một mức độ khác thường.
Theo công ty Live Nation, chuyên tổ chức các chuyến lưu diễn âm nhạc toàn cầu, doanh số vé bán cho phụ nữ trong 25 chuyến lưu diễn hàng đầu đã tăng hơn 400% so với năm ngoái. Và theo công ty bán vé StubHub, doanh số vé bán cho các chuyến lưu diễn của Beyoncé và Swift chiếm 66% tổng doanh thu của 10 ca sĩ hàng đầu trong các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới.
Vung tay tiêu xài
Công ty StubHub cũng cho biết, những nhóm phụ nữ này cũng chi nhiều hơn để mua vé xem chương trình biểu diễn của các nữ nghệ sĩ khác. Trong số 50 nghệ sĩ hàng đầu trên toàn cầu, giá vé trung bình cho các nữ nghệ sĩ là $660, so với $245 cho các nam nhân.
Cô Mary Ihedirionye, 27 tuổi, hiện đang làm việc cho một công ty năng lượng, dự định sẽ đi coi ca sĩ Beyoncé hai lần trong chuyến lưu diễn “Renaissance World Tour”, mỗi lần cô đều đi cùng với bạn bè và thành viên trong gia đình. Buổi diễn đầu tiên là tại thành phố Philadelphia, nơi cô đang sinh sống, cùng với bạn thân và người chị em họ, tốn mất $1,200 cho một vé VIP cộng thêm khoảng $300 cho phần trang điểm và trang phục.
Cô cũng đã mua vé máy bay để đi coi buổi diễn thứ hai ở Atlanta vào cuối tháng này với một nhóm phụ nữ khác, mặc dù giá vé ở đây thấp hơn nhiều so với ở Philadelphia. Cô dự định chi tiêu tổng cộng khoảng $800 cho chuyến đi Atlanta. Và đó là hai sinh hoạt giải trí chính của cô trong mùa hè này.

Quang cảnh “Eras Tour” của Taylor Swift tại Kansas City – Misty Heggeness
Nguyên nhân
Một phần trong việc tiêu xài nhiều cho các chương trình âm nhạc nói trên là do nhu cầu giải trí bị dồn nén trong thời kỳ đại dịch, nhiều người đã tiết kiệm được một số tiền khá lớn khi họ bị mắc kẹt ở nhà. Một số kinh tế gia cho biết, một phần đóng góp không nhỏ khác trong hiện tượng tiêu xài trên còn được kích thích bởi những thay đổi liên quan đến kinh tế và nhân khẩu học đã diễn ra trong hơn một thập niên qua, từ việc phụ nữ sinh con muộn hơn cho đến lương bổng của phụ nữ tăng cao hơn và vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng đã khác biệt so với trước đây.
Theo Sở Thống kê Lao động, thu nhập trung bình hàng tuần của phụ nữ làm công việc toàn thời gian và ăn lương năm đã tăng 28% trong vòng 5 năm qua, lên $1,001 trong quý 2 năm nay. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 54 tăng từ 74.5% một thập niên trước lên 76.4% vào năm 2022, trong khi tỷ lệ phụ nữ có con dưới 18 tuổi đi làm cũng tăng trong thời kỳ này.
Trang mạng Fandango cho biết có khoảng 65% người mua vé coi phim “Barbie” là phụ nữ, so với 50% trong tổng số người mua vé coi phim kể từ đầu năm đến nay.
Khi làm phim, đạo diễn đã đưa vào trong phim cả một tủ quần áo đủ loại cho Barbie giống như những gì mà búp bê đã mặc từ thập niên 1960 cho đến nay và cho Barbie thay đổi trang phục nhiều lần trong phim giống như những người chơi với búp bê làm cho chính Barbie của họ. Mục đích là để nhắc nhở người coi phim bồi hồi nhớ về những kỷ niệm với Barbie của họ, để sau khi coi xong lần đầu vẫn chưa đã và phải coi thêm lần nữa.
Mùa hè đáng nhớ
Chi tiêu của người tiêu thụ chiếm gần 70% tổng sản lượng nội địa (GDP) của kinh tế Hoa Kỳ. Lâu nay người ta vẫn biết phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế đó. Nhưng với việc vung tay tiêu xài mấy tháng qua, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí, họ không chỉ chứng tỏ sức mạnh của phụ nữ trong sự vận động của nền kinh tế quốc gia mà còn biến mùa hè năm nay thành mùa hè đáng nhớ của phụ nữ.

Người đi coi phim “Barbie” – Getty Images
VH