Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức của Tổng thống Joe Biden hôm Thứ Năm tuần qua, ông nhấn mạnh tới hai vấn đề chính cần giải quyết trước mắt: chích ngừa Covid-19 cho người dân Mỹ và vấn đề di dân bất hợp pháp tại khu vực biên giới phía nam tiếp giáp Mexico.

Khủng hoảng biên giới 2021 – nguồn Getty Images 

Chiến dịch chích ngừa Covid-19 cho toàn thể dân chúng sớm muộn gì rồi cũng hoàn tất, nhưng để giải quyết vấn đề di dân lậu tại khu vực biên giới phía nam sẽ là vấn đề nan giải mà nhiều đời tổng thống Mỹ trước đây đã ít nhiều gặp thất bại. Ðó là chưa nói kể từ khi lên cầm quyền, chính sách di dân của ông Biden vừa nhập nhằng lại vừa không rõ ràng với những lời tuyên bố như: Chúng tôi không nói là “Ðừng đến” mà là “Ðừng đến vào lúc này” – gây thêm cho người ta cái ảo tưởng như một lời mời gọi. Và do đó cuộc khủng hoảng biên giới phía nam hiện nay là điều không tránh khỏi.

Sự gia tăng số người nhập cư bất hợp pháp vượt biên giới phía nam của Hoa Kỳ được dự đoán sẽ trở thành cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Nhưng không giống như những đợt gia tăng người nhập cư lậu vượt biên giới trong hai năm 2019 và 2014, chủ yếu là các gia đình đến từ các quốc gia Trung Mỹ và trẻ em không có người đi kèm, cho đến nay, đợt gia tăng lần này đa số là người lớn đi riêng lẻ.

Hầu hết di dân bất hợp pháp tại biên giới lần này là người Mexico, thường là đàn ông và họ đến để tìm việc làm trong bối cảnh trận đại dịch đã giảm bớt phần nào và nền kinh tế Hoa Kỳ đang gia tăng trở lại. Số người bị bắt giữ tại biên giới kể từ tháng 10 (bắt đầu cho năm tài chánh của chính phủ Hoa Kỳ) cho đến hết tháng Hai vừa qua là khoảng 382,000 người, tăng 42% so với cùng thời kỳ năm 2019 – là năm chứng kiến có số người bị bắt giữ cao nhất tính từ năm 2007. Năm 2020, dòng người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới giảm mạnh là do đại dịch.

Xem thêm:   Chó...

Mặc dù là con số nhỏ hơn nhiều so với số người lớn đi riêng lẻ nhưng nhóm trẻ em đi một mình tại khu vực biên giới được dư luận chú ý tới nhiều nhất. Trong mấy tháng qua, người ta ghi nhận con số trẻ em không có người lớn đi kèm và các gia đình hầu hết đến từ khu vực Trung Mỹ cũng đã gia tăng đáng kể.

Con số các gia đình bị bắt trong khi đang vượt biên giới đã tăng lên 39,000 trong 5 tháng đầu của năm tài chánh, so với khoảng 37,000 trong cùng thời kỳ năm 2020.

Ðó là con số những người bị bắt còn số người lọt được vào Hoa Kỳ bằng cách vượt biên giới bất hợp pháp thì hiện nay không rõ là bao nhiêu. Con số ước tính về số lượng người bị bắt giữ thông thường cũng rất khác biệt. Một phúc trình của Bộ Nội An năm 2017 ước tính có khoảng từ 55% đến 85% di dân vượt biên giới bất hợp pháp vào năm 2016 đã bị bắt giữ.

Di dân dựng lều tại biên giới – nguồn The New York Times

Tháng Ba năm ngoái, khi trận đại dịch xảy ra, chính quyền Donald Trump đã dựa trên một đạo luật về sức khoẻ công cộng năm 1944, được gọi là Title 42, để trục xuất ngay lập tức bất kỳ di dân nào bị bắt đang khi vượt biên giới trở về lại Mexico mà không cần qua thủ tục giấy tờ tại các cơ sở giam giữ lúc đó đã trở nên chật chội và Covid có thể lây lan.

Sự thay đổi này, đặc biệt là đối với nhóm đàn ông trưởng thành đi riêng lẻ, đánh dấu sự chuyển hướng từ những chính sách biên giới dưới thời của những cựu tổng thống trước đó.

Trước thập niên 2000, hầu hết người Mexico bị bắt giữ tại biên giới được phép trở về lại bên kia biên giới mà không phải chịu hình phạt nào, và những di dân đến từ các quốc gia khác, hầu hết là từ Trung Mỹ, thì thường được phép vào Hoa Kỳ với lệnh là sau đó phải trở lại trình diện với các cơ quan lo về nhập cư.

Sau đó, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu chính thức trục xuất hầu hết những di dân bị bắt tại biên giới. Trong một số khu vực tuần tra biên giới, những người lớn vượt biên giới bất hợp pháp còn bị buộc tội hình sự và thường phải ngồi tù vài tuần hoặc vài tháng trước khi bị trục xuất. Và bất cứ lần tái phạm nào sau đó có thể đưa đến hậu quả là bị ở tù lâu hơn.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Dưới thời chính quyền Obama, di dân bất hợp pháp đến từ Mexico thường được đưa tới những thị trấn biên giới cách xa nơi họ bị bắt, hoặc đưa bằng máy bay vào trong tận nội địa Mexico. Di dân đến từ những quốc gia khác không phải Mexico thì thường được chở bằng máy bay về lại quê hương của họ.

Riêng thời gian gần đây trong khi Hoa Kỳ tiếp tục thi hành luật Title 42, hầu như tất cả những di dân trưởng thành đi một mình sau khi bị trục xuất thì họ vẫn ở lại nơi khu vực biên giới. Nhiều người lại tiếp tục thử vượt biên giới lần nữa. Tỷ lệ di dân bị bắt tại biên giới và đã từng bị bắt một lần đã tăng lên gần 40% trong 6 tháng qua, so với 7% vào năm 2019.

Theo lời bà Sara Abdala, người quản lý một nhà tạm trú tại thị trấn Altar, một khu vực tập trung người di dân lậu nằm cách biên giới tiểu bang Arizona khoảng 70 dặm, nói rằng bà có biết một di dân người Honduras gần đây đã tìm cách vượt biên giới sáu lần trong hai tuần lễ cho đến khi ông này lọt được vào Hoa Kỳ mà không bị phát hiện.

Di dân tại cầu biên giới Paso del Norte giữa Hoa Kỳ và Mexico – nguồn Reuters

Chính quyền của TT. Biden lúc mới đầu cũng theo cách tiếp cận của chính quyền trước là đưa các gia đình bị bắt tại biên giới trở về Mexico. Nhưng điều đó đã thay đổi sau khi chính phủ Mexico, theo yêu cầu của Unicef, cấm việc giam giữ trẻ em và gia đình tại các trung tâm giam giữ thuộc chính phủ liên bang của Mexico, thay vào đó giao họ cho một cơ quan lo về gia đình nhưng làm việc kém hiệu quả hơn nhiều.

Mặc dù có một số gia đình vẫn đang bị trục xuất trở lại Mexico, nhưng hầu hết là được thả cho vào Hoa Kỳ, nơi luật liên bang cấm các gia đình có trẻ em bị giam giữ quá 20 ngày. Trong quá khứ, phần lớn những người vượt biên giới bất hợp pháp được thả ra này thường không trở lại trình diện với các cơ quan nhập cư.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Như nhiều người đã biết là ngay trong ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp ngưng ngay công trình xây dựng bức tường biên giới gây khá nhiều tranh cãi của cựu Tổng thống Donald Trump, thì nay ông Biden đang phải đối diện với một bức tường khác khá nhức đầu – đó là cuộc khủng hoảng biên giới phía nam hiện nay đang gia tăng nhanh chóng với hàng nhiều trăm ngàn di dân đang tìm cách để lọt vào nước Mỹ, mang theo họ niềm hy vọng rằng vị tổng thống mới này sẽ mở rộng vòng tay chào đón họ hơn so với người tiền nhiệm.

Theo nhận định của tờ The Economist, đối với ông Biden, cuộc khủng hoảng này nếu không giải quyết sớm có thể sẽ là mối đe dọa cho tương lai chính trị của ông. Trong nhiều năm, di dân đã là vấn đề phân cực nhất trong sinh hoạt chính trị của nước Mỹ và là vấn đề ngày càng khó giải quyết hơn, và nay mai có thể sẽ trở thành một vấn đề lớn lấn át các chương trình nghị sự khác. Bên cánh hữu, đảng Cộng hòa đang nổi cơn thịnh nộ. Họ cáo buộc chính quyền Biden tỏ ra quá mềm yếu với chính sách biên giới mới. Trong khi đó, bên cánh tả, các đảng viên đảng Dân chủ thuộc nhóm “tiến bộ” thì dường như đang đi ngược hẳn lại với quan điểm của số đông người dân Mỹ, ủng hộ các yêu cầu thiếu thực tế (chẳng hạn như đòi phải ngừng trục xuất di dân bất hợp pháp) trong khi các nghiệp đoàn lao động thì phản đối những chính sách tương đối hợp lý như cấp thêm chiếu khán cho phép di dân làm việc tại Mỹ. Ông Biden có thể muốn tránh đối đầu với nhóm “tiến bộ”, là nhóm người mà ông cần sự ủng hộ của họ để có thể thông qua một số chính sách cần đến sự chấp thuận của lập pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu ông Biden không cẩn thận để bị kéo quá nhiều qua phía cánh tả có thể sẽ khiến cho đảng Dân chủ bị mất quyền kiểm soát quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới.

VH